Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Dì tôi


          Đã có lần tôi nói với một người bạn rằng: Dì tôi là một huyền thoại giữa đời thường, có thể nhiều người sẽ không tin điều đó, nhưng rõ ràng đó là một câu chuyện có thật, về một người phụ nữ 82 tuổi, đang sống ở Mỹ, suốt cuộc đời mình chỉ biết hy sinh vì người khác, và rốt cuộc dì đã có được hạnh phúc vào cuối đời, như một kết cục có hậu.
          Hồi nhỏ dì chăn trâu (8 tuổi) và kiêm luôn làm liên lạc cho ba mình và mấy ông anh ruột đi theo cách mạng, dần dần lớn lên dì lần lượt từ giao liên cho tới biệt động thành, vào tù ra khám như cơm bửa, vì đối phương không bao giờ tìm thấy chứng cứ gì để buộc tội dì. Mười tám tuổi dì tự tay khâm liệm và chôn cất ba mình, một năm sau tới ông anh thứ 5 và cuối năm đó là người em thứ 10, những người thân đã lần lượt được dì tự tay lo liệu. Đó là thời chống Pháp, sang thời chống Mỹ một thời gian thì dì lấy chồng.
         Năm 1962 dì lập gia đình với một sĩ quan cách mạng. Dượng là người cùng quê với dì, tuy nói là lấy nhau chứ họ ít khi được ở chung với nhau, chỉ thi thoãng dì đem đồ tiếp tế theo giao liên lên R ở chơi với ông mấy ngày rồi về, năm 1969 dì sanh đứa con đầu lòng, trớ trêu thay trong lúc bà đang mê sãng, cháu bé đã mất, mấy người em chồng của dì bàn với nhau, sợ dì bị hậu sãn chết theo đứa con nên xin một đứa nhỏ mà thế vào, thời may lúc đó có một cô gái sinh xong thì bỏ con lại mà trốn đi. Nhà hộ sanh mới hợp thức hóa cho đứa nhỏ làm con của dì luôn. Sau khi tỉnh lại dì hoàn toàn không biết gì hết, và đứa con gái của dì đẹp như một thiên thần, trắng nõn nà.
          Được làm mẹ thật là một niềm hạnh phúc tuyệt vời, lúc đứa bé được 3 tháng tuổi dì đã ẳm nó vượt rừng lên chiến khu, cho dượng biết mặt con mình, tình yêu mù quáng của một người mẹ đã làm cho dì mờ mắt, tất cả những người trong đơn vị của dượng và cả dượng nữa đều biết nó là một đứa trẻ lai, chỉ có dì là không biết.
          Phải nói là dượng rất hay, tuy chưa biết có việc gì xãy ra nhưng ông cứ tỉnh như không và còn làm giấy tờ khai sinh cho đứa nhỏ, một đứa trẻ lai Mỹ trong giấy khai sinh là con của một Đại tá tư lệnh pháo binh miền, quân giải phóng. Theo nguyên tắc ông phải báo cáo lên cấp trên, và ông đã báo cáo đó là con của mình.
         Mùa hè đỏ lửa năm 1972, dượng đã chết trong 1 trận bom B52, dù hầm trú ẩn của chỉ huy được làm rất chắc chắn và có nhiều ngách, nhưng 1 quả bom đã rơi trúng miệng hầm, sức ép đã khiến ông và 2 người cận vệ chết dù họ ở trong ngách cách đó hơn 20 m, cái mà người ta gọi là thẩy đáo, giữa rừng già mênh mông mà bom lại rơi trúng ngay miệng hầm thì đúng là số phận.
        Khi được báo hung tin, dì đã lặng đi sau đó đã đi đến quyết định về mua 1 căn nhà nhỏ gần bên nhà em gái của mình, mẹ tôi, lặng lẻ nuôi con cho tới ngày khôn lớn.
        Sau giải phóng, bà phu nhân đại tá (nếu còn sống chắc dượng đã lên tướng) giờ đã là bà bán hủ tiếu có đứa con Mỹ lai, hầu như ít có ai biết được lai lịch của bà, thậm chí cán bộ phụ nữ phường còn làm khó dễ dì, vì cái tội không chịu đi họp hành gì cả.
        Mãi cho đến 2 năm sau ngày giải phóng, trên quân khu mới cho người xuống địa phương xác nhận bà là vợ liệt sĩ, lúc đó họ mới thôi móc máy vì cái tội có con lai.
          Không hề gì, vì đối với dì điều đó cũng chẳng làm thay đổi cuộc đời mình, dì vẫn tiếp tục bán cháo lòng nuôi đứa con độc nhất của mình ăn học đàng hoàng. Hai mẹ con vẫn yêu thương nhau như ngày nào cô bé còn ấu thơ, dù giờ con bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ, trắng trẻo, tóc vàng. Dì đã biết sự thật từ lâu, nhưng vẫn yêu thương nó như đứa con mà mình đã rứt ruột đẻ ra.
         Các anh em tôi cũng vậy, lớn lên với nhau từ bé, chơi đùa cùng nhau nên không hề có sự kỳ thị nào xãy ra, vả lại anh em chúng tôi rất yêu quý dì, xem bà như mẹ ruột của mình.
      Sự cố đã xãy ra vào năm 1990, năm mà cô bé tốt nghiệp ra trường làm nữ hộ sinh, lúc đó chính phủ Mỹ có chính sách hồi hương đặc biệt cho trẻ lai, nó đã âm thầm cùng bạn trai đi nộp hồ sơ với ý định cả nhà cùng đi. Cho đến sau khi hai đứa làm đám cưới, tụi nó mới dám nói thật với dì, bà chỉ yên lặng không nói gì.
    Sau khi mọi chuyện vở lở, cả dòng họ đều biết, anh em tôi thì ủng hộ dì để cả nhà cùng ra đi, họ chỉ có 3 người, nếu dì ở lại một mình làm sao bà sống nổi? Nhưng những người trong dòng họ thì không nghĩ vậy, nhất là các anh chị em ruột của dì đều ngăn cản, với lý do: một gia đình cách mạng có 5 liệt sỹ (ông ngoại, anh và em của dì cộng với 2 người anh rể) làm sao mà có thể xuất cảnh qua Mỹ để sống bên đó? Làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình? Quả thật gia đình tôi tuy là cách mạng nhưng vẫn phong kiến như thường.
         Cuối cùng, vì mọi người dì lại chấp nhận hy sinh một lần nữa, thêm một lần tan vỡ, đau xót, trơ trọi. Hai năm sau ngày hai đứa ra đi, dì lâm trọng bệnh, căn bệnh loét dạ dày từ mấy chục năm trước, không được điều trị tới nơi tới chốn nay có điều kiện để hoành hành. Anh em chúng tôi rất lo lắng sau khi được bác sĩ tư vấn, một mặt lo đưa bà nhập viện, một mặt liên lạc qua bên Mỹ cho vợ chồng tụi nó biết sự tình.
        Ơn trời, sau khi cắt hết 2/3 dạ dày, tình huống xấu nhất là ung thư đã không xãy ra. Ngay khi dì tỉnh lại thì đứa con gái mà dì yêu thương cũng kịp có mặt, tôi nghĩ bà đã mau bình phục vì sự có mặt của nó.
      Sau đợt mỗ dạ dày ấy, dì như là người được tái sinh, năm sau dì được tụi nó bảo lãnh đi du lịch suốt 1 năm trời mới về tới VN. Trong chuyện này có 1 chút tâm linh, hai vợ chồng tụi nó ( vai lớn nhưng vì tụi nó nhỏ tuổi hơn nhiều, với lại từ nhỏ nó đã kêu anh chị không hà) lấy nhau đã mười mấy năm mà không có con, thế mà sau khi gia đình đoàn tụ vui vẻ, trong thời gian dì ở chơi em nó đã thụ thai mà không biết, cho tới khi dì về tới VN mới gọi về cho hay, làm dì quýnh lên không biết phải làm sao, chỉ muốn bay ngay qua bển để trông cháu. Anh em tụi tôi lại phải chạy làm hồ sơ cho bà đăng ký đi du lịch tiếp, nhưng cả 2 lần phỏng vấn đều rớt, đến lần thứ ba người nhân viên phỏng vấn bà đã nói: Sao bà không bảo con bà bảo lãnh cho bà qua ở với nó luôn, bà chỉ có một đứa con duy nhất thì phải ở với con cho nó chăm sóc bà chứ? Câu nói ấy đã làm thay đổi quan điểm của dì, bất chấp tất cã dì đã bảo tụi nó làm hồ sơ bảo lãnh diện đoàn tụ cho dì, vào lúc này thì gia đình không ai dám ngăn cản dì nữa, lúc đó dì đã 75 tuổi và ai cũng nghĩ bà không còn sống được bao lâu nữa.
    Thế nhưng thật kỳ diệu, hạnh phúc đã làm cho dì như trẻ lại, khỏe khoắng và mạnh mẻ, nhìn những sãi chân của dì không ai nghĩ dì là một bà già ngoài 80. Dì đã về thăm VN 2 lần và sắp tới chúng tôi đã lên kế hoạch mừng sinh nhật thứ 85 của dì tại VN cùng cái gia đình 4 người của dì. Thật tuyệt phải không các bạn?
P/S: vì sự an toàn của các nhân vật, nên có thay đổi một số chi tiết trong câu chuyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét