Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

NHẬT KÍ TIỀN XU......

14/3
Tại sao lại là 14/3? Đơn giản vì ngày đó tôi tìm ra nó, cuốn nhật kí bé xíu, dơ bẩn và lem luốt.

 15/3
Đi khám về, chả tìm thấy bệnh gì, chắc mình là người bệnh tưởng.

16/3
Bắt đầu tập chơi ô chử. Nhưng chỉ được vài phút là phải nghĩ vì nhức đầu quá.

17/3
Tập đọc chử ngược bằng cách lật ngược tờ báo. Cách nầy thì vừa sức nên đọc hết được một trang báo. tuy nhiên buồn ngũ quá, ríu mắt cả lại.

20/3
Lạ thật càng ngày mình càng hay quên, cả những việc vừa mới xãy ra cách đây có vài tiếng đồng hồ.

21/3
Bắt đầu chơi blog. từ sau khi 360 chết tới giờ mới chơi lại. Kể cũng ngộ bạn bè rủ cũng có mà người lạ rủ cũng có. Điểm mặt các anh hào thấy Multi khá nhất thế là chơi. Và mò......

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới


Thông tin về việc hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đã cùng với nhiều tỉnh khác âm thầm cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) để trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 305 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, ở các tỉnh miền biên giới.
RFA photo from gis.chinhphu.vn
Bản đồ vùng biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh và Trung Quốc
Mặc Lâm theo dõi câu chuyện qua bài phỏng vấn Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người cùng với Trung Tướng Đồng Sĩ Nguyên vừa gửi kiến nghị lên Ban Bí Thư yêu cầu làm rõ việc này.
Hơn 300 nghìn ha rừng đầu nguồn
Mặc Lâm: Thưa Thiếu Tướng, cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Thưa ông, mới đây có thông tin cho biết mười tỉnh dọc biên giới và có tỉnh ở đầu nguồn đã âm thầm cho Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê rừng trong thời hạn 50 năm. Thiếu tướng cùng với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gửi thư kiến nghị lên thủ tướng chính phủ, xin ông cho biết thêm một ít chi tiết về việc này.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Cái này là do các tỉnh họ làm. Tất nhiên trách nhiệm thuộc về Thủ tướng vì thủ tướng không quản lý được nên các tỉnh cứ bán đi.
Mặc Lâm: Vâng thưa Thiếu tướng, theo văn bản mà chúng tôi được biết thì số lượng rừng đầu nguồn cho các nước thuê lên tới 264 ngàn héc ta rừng đầu nguồn. Động thái này quá nguy hiểm và ai cũng thấy rằng khi cho thuê rừng đầu nguồn như vậy thì hạ nguồn sẽ gặp khó khăn nhất là vấn đề chặt cây, phá rừng ô nhiễm môi trường và an ninh quốc phòng. Thông tin mà Thiều tương nhận được thì độ khả tín có cao hay không thưa ông?
Sông Kỳ Cùng chảy qua bản Phạc Giàng, Tỉnh Lạng Sơn
Sông Kỳ Cùng chảy qua bản Phạc Giàng, Tỉnh Lạng Sơn

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Anh hỏi là nó có chính xác hay không ? Cái này là lá thơ đầu tiên của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên phát hiện tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An bán thôi, thì báo cáo lên Bộ Chính Trị thì bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn mới cử đoàn liên ngành đi kiểm tra các tỉnh thì sau khi về kết luận là như thế. Đây là kết luận của bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chứ không phải tự ai nghĩ ra đâu. Chúng tôi cũng căn cứ vào cái báo cáo này của ông Bộ trưởng

Mặc Lâm: Thưa Thiếu Tướng nếu độ chính xác 100% như vậy thì thiếu tướng đã hội ý với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và vấn đề này liên quan đến quốc phòng rất là rõ.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Cả quốc phòng cả tai nạn cho nhân dân ở miền hạ du. Cả cạn nước các nguồn thuỷ lợi. Tôi đã nói đầy đủ trong cái thơ của tôi gửi cho trung ương.
Mặc Lâm: Thiếu tướng đã gửi cho trung ương vậy ông đã nhận được phản hồi hay chưa?
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Chưa có..chúng tôi gửi, đồng chí Nguyên cũng gửi cho trung ương, tôi cũng gửi cho trung ương phân tích lợi hại. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cũng như tôi đề nghị dừng ngay lập tức hay là huỷ những hợp đồng ấy đi. Còn nhà cầm quyền người ta giải quyết như thế nào thì tôi chưa biết
Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng, sau khi cái thư gửi đi nếu không nhận được bất cứ một phản hồi nào từ trung ương như xưa nay thường gặp thì bước kế tiếp sẽ là gì?
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Thì những việc chúng tôi đã làm thì làm được cả rồi. Gửi cho Bộ Chính Trị, mang lên mạng như ông thấy đó. Chúng tôi chỉ biết làm đến thế thôi chứ làm hơn nữa thì không biết thế nào hơn nữa!
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-Hongkong-and-Taiwan-to-lease-Vietnam-riverhead-forest%20-02122010120853.html
*

11/02/2010

Về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vốn là người có 7 năm phụ trách Chương trình 327 mà mục tiêu là phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng, và môi trường sinh thái; còn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989). Hai nhà cách mạng lão thành gửi cho Bauxite Việt Nam bài viết sau đây, nêu rõ hiểm họa của việc chúng ta cho Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê trong thời hạn 50 năm hơn 264 nghìn ha rừng đầu nguồn; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Bauxite Việt Nam

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh – người biên tập] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.


( Hình. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên)

Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?

Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.

(Hình.Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh)


Chúng tôi đồng ý với 5 đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xin nói rõ 2 đề nghị đầu:

1. Đối với một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Những tỉnh chưa ký thì đình chỉ ngay; thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng để thực hiện. Thực tế đất rừng đã giao cho đồng bào sử dụng gần hết. Nếu ký cho nước ngoài thuê sẽ đụng đến môi trường, đụng đến quyền lợi đồng bào, nhất là đồng bào miền núi, đang thiếu đất, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp.

2. Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường xây dựng bộ phận chuyên trách. Trong vòng 1 năm, chính thức giao đất, khoán rừng cho từng hộ; cấp quyền sử dụng đất vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.


Từ đây, chúng tôi đề nghị mở rộng chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đất rừng đầu hộ của đồng bào miền núi còn trên 4 ha. Tuy không nhiều, nhưng vẫn gấp 3 lần ở đồng bằng; ở đây, thực hiện được đa canh, đa con. Đặc biệt kết hợp tốt trồng rừng phòng hộ với rừng kinh tế. Lùi về trước đã có mô hình tỉnh Tuyên Quang nhân dân ta tự trồng rừng, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy Bãi Bằng. Vậy bây giờ có điều kiện hơn, tại sao lại giành cho nước ngoài?


Đất đai là thứ nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của nhân dân, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng. Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm họa cho dân cho nước.

Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2010
Đồng Sĩ Nguyên - Nguyễn Trọng Vĩnh
http://vanhoavn.blogspot.com/

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Tiếng ru con ở chùa Bồ Đề


SGTT - Chùa Bồ Đề nằm ở bên kia sông Hồng, cách phố cổ một cây cầu và vài ngõ phố. Chùa cổ, sau này tách ra hai phần: phần đạo và phần đời.
Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc bởi những người mẹ tự nguyện ở chùa Bồ Đề
Tôi hỏi sư thầy, một đứa trẻ đáp: “Sư thầy Đàm Lan đang ở Pháp, có sư bác Đàm Chín ở nhà thôi, sư bác đang viết sớ, vì sáng hôm qua con mở cổng chùa có một bé gái đỏ hỏn gói chăn và lá chuối ai đó vứt bỏ ngay cửa. Nhà chùa lại đi xin sữa nuôi. Bà để con đưa bà đi nhá”. “Con tên gì?” – “Con tên Nam, vẫn thầy Đàm Lan khai sinh tên cho con. Con học lớp một, mười ba tuổi”.
Phần đạo, nơi chùa chính thờ Phật pháp, vương triều nhà Trần, tam toà thánh Mẫu. Về phần đời, chùa có một ngôi nhà hai tầng dành cho hơn trăm đứa trẻ bị bỏ rơi. Thêm mười lăm cụ già không chốn nương thân, họ ở cả giường sắt hai tầng. Ngày rét các cụ nằm đắp chăn như những đống lá khô tú hụ. Phía ven sông là nhà bếp. Tôi trò chuyện với những người mẹ trẻ tình nguyện trong căn phòng nhỏ. Cứ 10 mét vuông kê ba giường, chỉ còn lại một lối đi nhỏ, còn là võng và cứ một mẹ trẻ chăm ba đứa con thơ. Chị Lê Thị Giang, ba mươi tuổi ở Nghệ An, đến chùa được nửa năm rồi, mình chị chăm nuôi ba đứa. Một đứa tuổi rưỡi, không ngồi được, dị tật. Một đứa bé gái mới hơn một tháng, mắt đen láy xinh xắn. Giang nói tháng trước bị bỏ lại cửa chùa, con bé trông đỏ hỏn, có hai ngày tuổi, nom sợ lắm. Thầy Đàm Lan chưa đặt tên, còn thằng cu kia tên là Nâu, vì da nó đen. Rồi thầy sẽ đặt tên đi học cho Nâu. Còn con bé Ngọc Anh kia, nhanh nhẹn, thầy nhắm cho đi học đại học Phật giáo. Nhà chùa có hai đứa đang theo học đại học. Học xong, có đứa trở về chùa phục vụ, có đứa chuyển ngành, có đứa ra nước ngoài làm con nuôi.
Bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu đứa trẻ lớn lên ở chùa Bồ Đề, thầy Đàm Lan gửi cho chúng đi học nghề, có đứa nhà chùa đứng ra dựng vợ gả chồng. Ngày tết chúng về với thầy Lan như về nhà với mẹ. Con cái chúng gọi thầy Đàm Lan là “ngoại”.
Chị Thu Cúc muốn về ăn tết ở Lạng Sơn, thăm lại gia đình lớn. Chị sống đơn thân, bị bệnh tim, chữa mãi ở bệnh viện Bạch Mai, đọc báo biết chuyện chùa Bồ Đề nên xin ở lại đây chăm nuôi trẻ. Ba đứa trẻ kêu mẹ Cúc cho đi chơi. Bánh kẹo, phẩm oản hoa quả nhà chùa trẻ con không thiếu. Hơn hai mươi đứa trẻ từ ba ngày tuổi đến bảy tuổi, đều được những người mẹ trẻ tình nguyện đến chùa nuôi dưỡng.
Nhìn Giang loay hoay với cu Nâu, với bé gái một tháng tuổi, chân đưa võng, miệng à ơi, tay thay tã cho con, tay đưa cho đứa trẻ tàn tật quả bóng, mới thấy bản năng yêu thương ở con người. Quê Giang ở Anh Sơn – Nghệ An, đói khổ lắm, được bạn mách cho, Giang tìm đến chùa Bồ Đề xin việc. Giang bảo cũng có những sinh viên không có tiền ở trọ, họ vào chùa xin trông trẻ, để vừa học vừa có cơm ăn. Khi tốt nghiệp, họ lại bay đi hết. Có ngày có tháng, một chị phải trông nom năm đến bảy đứa trẻ. “Mỗi người mẹ chăm tới ba đứa trẻ, cực thế, liệu sau này đứa trẻ lớn lên chúng có thấu nỗi cơ cực của các chị không?”. Giang đáp: “Chúng không biết thì có Phật biết là đủ rồi”.
Chị Phạm Thị Xoan quê ở Bắc Giang thì nhìn mưa cười buồn: “Cháu từng có gia đình, con trai cháu mất rồi, chồng bỏ đi nước ngoài, bỏ cháu luôn. Cháu tìm đến cửa chùa trông trẻ mồ côi. Số cháu vất vả đành chịu. Ở chùa bận lắm việc không tên, khi các con ngủ, người mẹ giặt giũ, phơi phóng, quét chùa. Có khi con ốm bỏ tiền túi ra lo cho trẻ, đứa nào nặng mới xin thầy đi bệnh viện”. Thầy Đàm Lan cũng giúp các bà mẹ trẻ số tiền đủ tiêu pha. Thầy đưa bao nhiêu các mẹ nuôi cũng nhận, không đòi hỏi, làm mẹ tự nguyện, và cả từ thiện nữa.
Hơn hai mươi đứa trẻ ăn bột và ăn dặm. Còn tám mươi đứa trứng gà trứng vịt, đứa đi học chữ, đứa học võ đạo, đứa học nghề may, thêu ren, học vi tính. Đâu vào đấy cả, y như trăng đến rằm trăng tròn. Là nói vậy chứ thầy Đàm Lan giỏi lắm, thức khuya dậy sớm lo liệu với các sư bác ở chùa. Một bà vãi ở ngay bên đền Chầu Bà bảo: “Cả nhà sư thầy Đàm Lan đều xuống tóc tu hành cả. Anh chị em còn tu ở chùa bên Pháp, bên Ấn, rồi Việt Nam. Thầy cũng tần tảo lắm mới nuôi ngần ấy con người”. Các cụ bà ngoài bảy mươi, bệnh hen suyễn, bệnh viêm khớp, bệnh đau xương, vào chùa quét lá, làm cơm chay, rồi đèn nhang hương khói, lao động lại khoẻ ra. Có cụ ở hẳn trong chùa, con gọi cũng không về. Còn một gian nhà dành cho các cụ không chốn nương thân. Cụ khoẻ ngủ trên tầng hai, cụ chân yếu thì ngủ tầng trệt. Ăn cơm nhà chùa, có cụ tìm được trung tâm an dưỡng nhận nuôi, khi khăn gói lên đường khóc nhè như trẻ con.
Chùa Bồ Đề đón nhận bao nhiêu cảnh ngộ éo le. Việc nào khó, thầy Đàm Lan thỉnh chuông kêu Phật, là việc lại đâu vào đấy. Nhẹ thênh. Nhà chùa cũng có doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, những bà buôn bán ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua hỗ trợ. Nhiều bà mẹ mua quần áo, chăn màn, đồ dùng nhà bếp dâng chùa để nuôi trẻ. Gọi là trẻ mồ côi, chứ có ai biết mặt bố mẹ chúng đâu. Chùa Bồ Đề đang quá tải, vì trẻ sơ sinh khá đông, mà người trông nom lại thiếu. Tết này nhiều mẹ nuôi trẻ thơ không về quê ăn tết mà ở lại chùa chăm con thơ, dù không máu mủ. Nhưng có chị nhớ con ruột cũng khóc ghê lắm. Sư bác Đàm Chín bảo, giáp tết năm nào nhà chùa chẳng đón tiếp những người già bơ vơ. Nhà chùa vẫn nuôi họ qua tết. Còn chuyện nhà chùa quá tải, biết nói sao nhỉ, khi sáng ra mở cửa chùa lại thấy có trẻ sơ sinh...
Còn bao nhiêu tấm lòng hảo tâm khác, họ đóng góp tiền của mà không cho biết tên, cốt sao góp sức nuôi những đứa trẻ nên người. Có người dâng tiền mà không xin sớ, bảo cứ ghi người vô danh. Nghĩa trang liệt sĩ có nhiều chiến sĩ vô danh, nhà chùa cũng nhiều người làm từ thiện vô danh, có sao.
Mưa xuân vẫn hắt lên chùa Bồ Đề nhoà nhạt bên bờ sông Hồng vàng rực hoa cải muộn. Và tiếng ru con vụng về của những người mẹ chưa một lần làm mẹ.
bài Hoàng Việt Hằng
ảnh Trần Việt Đức

Giải pháp nào chống nhập siêu từ Trung Quốc?


SGTT - Một tham tán thương mại dự hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tổ chức năm 2009 cho rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là có thể hạn chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.
Gần 90% nhập siêu là từ Trung Quốc
Suốt từ đầu năm 2009 đến nay, bộ Công thương vẫn loay hoay với các giải pháp, chủ yếu nhằm vào hoạt động nhập khẩu hàng tiêu dùng như: cấp phép nhập khẩu tự động, nhờ ngân hàng Nhà nước can thiệp để hạn chế cho vay ngoại tệ nhập khẩu ôtô, điện thoại và một số mặt hàng tiêu dùng khác... Nhưng tỷ lệ nhập siêu vẫn cao (21,6% năm 2009) cho thấy, hiệu quả của các giải pháp này là hạn chế.
Đặc biệt, một trong những điều đập vào mắt khi nhìn vào thị trường và cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam chính là: Việt Nam hiện nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Một tham tán thương mại dự hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tổ chức năm 2009 cho rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là có thể cơ bản hạn chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.
Từ năm 2001, nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng nhanh nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự mất cân bằng ngày càng tăng trong quan hệ thương mại Việt – Trung. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ trên 10,4 tỉ USD thì hết năm 2009, theo nhiều nguồn thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Trung đã đạt trên 21,3 tỉ USD (chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhưng chiếm chưa tới 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc).
Cùng với sự gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, con số nhập siêu từ Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Theo các con số thống kê từ cơ quan chức năng, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2007 là trên 9,1 tỉ USD, tăng 109,7% so với năm 2006. Năm 2008, con số này đã lên đến 12,6 tỉ USD, tăng 21,7%. Năm 2009, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 11,5 tỉ USD, giảm 8,4% so với năm 2008 nhưng là do nhập khẩu nói chung đều giảm trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Dù sao đó vẫn là con số rất lớn so với tổng kim ngạch nhập siêu cả nước năm 2009 là 12 tỉ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc trong tổng nhập siêu như vậy đã lên tới gần 90%. Trong khi năm 2008, tỷ lệ này là 61,6% và năm 2007, tỷ lệ này là 65,3%. Đây là một con số rất đáng báo động trong quan hệ thương mại Việt – Trung. Bởi, năm 2001 là năm Việt Nam lần đầu tiên nhập siêu từ Trung Quốc với tỷ lệ khi đó mới chỉ là 17,7% trong tổng nhập siêu, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc đã kéo dài suốt chín năm qua với tỷ lệ ngày càng tăng.
Nguyên nhân nào dẫn đến nhập siêu bất bình thường như vậy từ Trung Quốc? Trước hết về xuất khẩu, có thể nói, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc tung hoành xuất khẩu sang Việt Nam thì xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc là rất khó khăn. Nếu không kể những mặt hàng nguyên liệu như cao su, than, dầu thô… thì hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc thường là các mặt hàng mà Trung Quốc cũng dư thừa năng lực sản xuất nên khó cạnh tranh nổi. Còn những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như than, dầu thô… thì lại có xu hướng giảm do hạn chế về khả năng khai thác và chủ trương dần hạn chế xuất khẩu tài nguyên. Xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc năm 2009 đã giảm trên 23%.
“Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước. Hậu quả là không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song ai quên được bài học từ những nhà máy ximăng lò đứng”
(ý kiến một chuyên gia của
cục Xúc tiến thương mại, bộ Công thương)
Về nhập khẩu, một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc cho cả sản xuất và tiêu dùng là những mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất được hoặc có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu như sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, phân bón, linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy… Hàng Trung Quốc lại rẻ và gần Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu từ đây.
Cần một loạt giải pháp đồng bộ
Trong việc kiềm chế nhập siêu nói chung và nhập siêu từ Trung Quốc nói riêng, một vấn đề lớn dường như chưa được bộ Công thương nhìn nhận đầy đủ chính là việc nhập khẩu máy móc, thiết bị. Theo một số chuyên gia của hiệp hội Cơ khí, các mặt hàng cơ khí, máy móc…chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng lượng hàng hoá nhập khẩu. Như năm 2008, giá trị nhập khẩu các mặt hàng cơ khí (không kể nguyên liệu sắt, thép) đã lên tới gần 19 tỉ USD. Mười tháng đầu năm 2009 đã nhập 13,5 tỉ USD các mặt hàng này…, trong số đó phần lớn là máy móc, thiết bị, hàng cơ khí từ Trung Quốc. Một chuyên gia của cục Xúc tiến thương mại, bộ Công thương phân tích: “Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước. Hậu quả là không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song ai quên được bài học từ những nhà máy xi măng lò đứng”.
Một trong các nguyên nhân là trong mấy năm qua, các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu ở hàng loạt dự án lớn như dự án khai thác, luyện đồng Sin Quyền (Lào Cai), nhà máy nhiệt điện Hải Phòng… và có thể khẳng định, hiện tại Trung Quốc là nước có số lượng nhà thầu và số dự án trúng thầu nhiều nhất tại Việt Nam. Theo ông Phạm Hùng, tổng giám đốc tổng công ty Lắp máy Việt Nam thì các nhà nhà thầu Trung Quốc mang theo hầu như tất cả những gì họ có (từ Trung Quốc) để phục vụ công trình, từ máy móc, công nghệ đến nguyên, vật liệu (chưa kể công nhân)… vì vậy, trong giá trị nhập siêu lớn từ Trung Quốc có phần đáng kể từ việc nhập khẩu cho các công trình, dự án mà phía Trung Quốc trúng thầu. Mặt khác việc thiếu các chính sách đầu tư thích đáng để sản xuất hàng cơ khí, máy móc, thiết bị thay thế hàng nhập khẩu là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhập siêu cao (chứ không phải do hàng tiêu dùng, chỉ chiếm tỷ lệ 9%).
Cho nên, có thể nói, giải bài toán nhập siêu hiện nay không thể không xem xét đến các giải pháp chống nhập siêu từ Trung Quốc. Tất nhiên, với những lợi thế hiện nay của nền kinh tế khổng lồ này, việc đưa kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa hai bên về trạng thái cân bằng là vô cùng khó khăn nhưng không phải không có giải pháp. Cần, không phải chỉ một mà một loạt giải pháp đồng bộ: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc; chuyển hướng thị trường nhập khẩu (đặc biệt là máy móc, công nghệ) sang các thị trường khác, nhất là các thị trường có công nghệ cao như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được và có chính sách tích cực đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập từ Trung Quốc, chống nhập lậu, buôn lậu tại các vùng biên, cửa khẩu giáp với Trung Quốc…
Mạnh Quân
SGTT Online