Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Tô Linh Đô


Những năm bao cấp việc tuyển cán bộ làm ngành xuất bản không khó như bây giờ. Cái chuẩn hóa duy nhất là lý lịch phải  thuộc thành phần cơ bản, càng nghèo càng tốt. Vì đó là lực lượng nòng cốt của cách mạng.
    Tôi nói thế  là chuyện ở nhà xuất bản ở địa phương thôi. Cũng thời ấy, biên tập viên nhà xuất bản Văn học hay báo Văn Nghệ là những Xuân Diệu, Vũ Tú Nam, nguyên Hồng, Bùi Hiển, nguyễn Bính... Toàn là những đại thụ trong nền văn học nước nhà sau này.
  Còn chuyện tôi đang nói là chuyện nhà xuất bản của một khu tự trị. Cùng đợt tôi về có một anh bên công an vũ trang giải ngũ yêu thơ văn và quen giám đốc, anh mới học hết lớp bảy. Biên tập thời gian không được anh tình nguyện sang phát hành cho đỡ đau đầu. Một anh nữa nghe bảo lớp bốn, quen làm thơ tứ tuyệt, nhưng đọc lên còn dưới mức vè . Việc anh khai trình độ lớp bốn cũng khó mà tin. Có khi anh hạ thấp văn hóa để nó cân bằng với lí lịch. Cái chuyện đó cũng tựa như ngày nay người ta mua bằng tiến sĩ cho tương đương với chức tước đang có ấy mà. Cũng chẳng rõ ở lính anh làm việc gì, nhưng thoạt kì thủy chắc chắn là nông dân, có quê Thái Bình trong lí lịch hẳn hoi. Còn thành phần thì không chê vào đâu được: Cố nông. Bây giờ đám trẻ như con tôi nó không hiểu cố nông là cái gì, tôi chỉ tạm giải thích cho nó: cố nông là không có gì, là áo nhất manh, quần nhất mảnh, đi làm thuê không có tấc đất cắm dùi.  Chúng bảo khổ nhỉ, thế mẹ bác ấy  đẻ bác ở ngoài đường à, thì tôi chỉ biết ừ.
   Vị thứ ba tôi biết là trung cấp  thú y. Chắc chắn là anh không ăn gian lời khai vì khi kể chuyện hoạn lơn thiến trâu anh tỏ ra rất sành. Anh về nhà xuất bản cũng chỉ là chuyện tình cờ, là người cùng quê giám đốc và có nguyện vọng tha thiết làm việc bàn giấy. Anh bảo thiến trâu là nghề nguy hiểm, nếu sơ ý để nó đá trúng dái là toi đời. Anh đã một lần chết khiếp vì con trâu dữ vẩy cho một nhát ngang bạng mỡ, đi nắm viện nửa tháng, nên nhớ đời.
  Anh này để nhiều ấn tượng cho tôi nhất. Là đến cơ quan chuyện nọ chuyện kia, cuối cùng bao giờ cũng trở lại chuyện nghề thạo nhất của anh là hoạn trâu hoạn lơn. Giống như Xuân Diệu đi đâu nói chuyện cũng kết thúc bằng  câu  “ tráng miệng một bài thơ tình” khiến cử tọa sướng rên lên, rào rào bằng tràng vỗ tay không dứt. Anh này thì không được thế, nhưng các cộng tác viên cũng không bao giờ sỗ sàng nhấc đít khỏi ghế khi anh còn dở dang câu chuyện. Họ tự nhủ dù không dính gì đến bản thảo nhưng bù lại cũng có thêm tí kiến thức triệt sản nhỡ đâu có lúc dùng đến.
  Không làm việc cùng phòng  nên không biết anh biên tập thế nào. Nhưng không thể phủ nhận sự tận tâm và trách nhiệm, dù đi đâu từ đám ma sang đám cưới anh đều ôm khư khư cái ca táp trong lõi chứa dầy bản thảo đang làm. Một lần vợ anh còn úp mở: Ăn cơm còn ấp cạnh mâm, để lúc đợi món còn ghé mắt. Tối đến anh ấy thà ôm cặp chứ chẳng động tay đến tôi. Tôi cười cho đó là lời hờn dỗi của chị vợ quá yêu chồng mà thôi.
     Thời buổi bắt vào chữ nghĩa thấy mọi người nói muốn thành danh thì phải chọn cho mình một cái biệt hiệu để nâng giấc cho tên mình. Nếu không bốn mùa ai cũng réo cái tên cúng cơm ra thì  có khác gì bố cu mẹ đĩ ở quê.  Nhà ở cạnh sông Tô Lịch, đêm nằm vắt óc rồi cũng có công quả: à, Tô Lịch nằm trên đất Nghĩa Đô. Thế là cái biệt danh Tô Linh Đô  được ra đời. Anh khoái lắm có kém gì xuất nhập khẩu sách báo người ta trệch sang thành Sunhasaba, bên âm nhạc là Dihavina, thuốc là là Vinataba. Mọi người cười anh về cái biệt danh chẳng giống tây cũng chẳng giống ta. Anh không chấp, coi đó là chuyện ngứa ghẻ hờn ghen cả thôi.
   Nói thật thì trình độ cán bộ biên tập nhà xuất bản thế là hơi kém. Nhưng những đứa con bao cấp  để lại đâu có dễ đuổi. Những giám đốc trẻ sau này trình độ ngời ngời cũng phải nể. Chí ít đấy cũng là lớp lão làng, đi sau chỉ là tiếp nối thôi nhé. Đừng có đùa! Nên vẫn  phải nhìn lớp đàn anh theo nguyên tắc kính nhi viễn chi cho đến lúc các thành phần cơ bản ấy về hưu mà vẫn không dám ho he gì!
   Trước khi về hưu ít lâu, Tô Linh Đô không dưới vài lần thì thào vào tai giám đốc cho ghé cái chức phó ban it ngày. Gía kể trước đó vài năm thì may ra. Đằng này do  thức tỉnh muộn, khi Bộ chủ quản đã ra quyết định về tiêu chuẩn trưởng phó ban, mà lại do Bộ duyệt, thứ trưởng kí quyết định nên giám đốc có thiện chí thì cũng bó tay.
  Nhưng có cái giúp được, đó là anh cũng kịp kết nạp trước khi về hưu sáu tháng để chính thức từ cơ quan, về khu phố đỡ phiền
    Mới đây gặp vợ anh hỏi han, mới biết anh vẫn  chung thủy với cái cặp giữ từ khi về nghỉ không rời lúc nào.” Bây giờ đi đâu ông ấy cũng rước theo, vẫn bảo là bản thảo đọc cho ai đấy, vẫn đang sửa dở. Chẳng biết có thật thế không. Ở nhà vợ con có bao giờ dám mó vào thứ gì của ông ấy đâu”, chị bảo thế.





Lại nói cái đận mới về Nhà xuất bản được trưởng phòng hướng dẫn công việc biên tập, anh ta đăm chiêu một tuần hai tuần rồi bỗng phát hiện ra nghề biên tập cũng giống nghề thợ hoạn học ở trường Nông nghiệp.Thế là anh vào cuộc không chút bối rối.
   Giao bản thảo cho anh đọc thì anh đọc lướt như người đọc truyện. Nhàn hạ thật. Sau đó là công đoạn cắt xẻo y như thợ thiến. Làm việc đó anh cũng không cần cân nhắc nhiều. Cứ đoạn nào không hiểu là anh thò bút  thiến tuốt. Trưởng phòng tá hỏa khi thấy có bản thảo anh cắt đến một phần ba, cả những phần quan trọng. Khi trưởng phòng cật vấn, anh hồn nhiên: chỗ nào không hiểu là tôi cắt. Biên tập mà không hiểu thì người đọc sao hiểu được? anh lí sự thế.
   Kể ra cái lí của anh là rất cứng.
   Thế là ngồi lại. Lại một phen trưởng phòng phải mời anh lên trao đổi nghiệp vụ, tìm cách giải thích để xử lí cái góc u tối trong kiến thức của anh. Lần này kỹ càng hơn nhưng xem ra cũng chẳng thấm tháp được là bao. Anh giống như cái vỏ bao xi măng không ngậm nước, có phun có ngâm cũng chỉ âm ẩm tí chút.
    Tiếp đó còn chuyện khâu vá, hàn khẩu những đoạn cắt sao cho liền mạch thông suốt không làm mất ý của tác giả mà văn lại sáng ra. Trưởng phòng lấy hình tượng thế để anh dễ hiểu. Nhưng anh lại kêu trời. Lúc này anh thấy biên tập lại giống thợ may, lại có cái giống thợ hàn. Anh ngẫm phải có đến ba nghề may ra mới hầu chuyện được tác giả mà nay anh mới có một. Gay quá, anh lại phát hiện thêm: biên tập còn có phần giống việc nặn bánh trôi bánh rán.
    Khổ nhất cho anh là công đoạn làm việc với tác giả. Một bên anh có quyền nhưng lại chưa đủ kiến thức để thực thi quyền nên không thuyết phục nổi họ. Còn tác giả thì luôn khó chịu với việc bản thảo bị anh cư xử như con vật, cứ đè ra thiến bừa. Có lúc trao đổi cả tháng hai bên không hiểu nhau, chẳng đưa lại kết quả gì. Có cộng tác viên làm găng, đòi rút bản thảo. Trưởng phòng vò đầu chẳng biết làm sao. Còn anh lại đe lên gặp giám đốc xin quay lại nghề cũ cho nhẹ gánh mặc dù có hơi nguy hiểm.
    Nhưng thời bao cấp, việc thuyên chuyển cán bộ nghiệp vụ từ bộ nọ sang bộ kia là hơi khó. Khi đã sang ngạch xuất bản thì anh là dân của Bộ văn hóa rồi, bộ nông nghiệp ai còn coi anh có nghề thú y nữa. Giám đốc đành thuyết phục trưởng phòng cố công giúp đào tạo, coi như bắt đầu từ A!
   Giám đốc bảo: chuyện này cũng không mới lạ. Làm lãnh đạo là khó nhất mà thuyên chuyển từ lãnh đạo văn hóa sang y tế, giao thông, công nghiệp sang lâm nghiệp, nông nghiệp rồi lại trở về văn hóa như đèn cù mà người ta vẫn làm thường xuyên, có sao đâu. Thế rồi giám đốc quyết định tiếp tục đào tạo.
   Cực chẳng đã, trưởng phòng đành phân cho anh làm sách nông nghiệp, ưu tiên phần sách  thú y để anh có  việc. Cũng vì cái nghề thợ hoạn của anh mà mỗi năm tăng được một hai đầu.
  Từ đấy anh mới ổn định làm biên tập. Đi đâu anh cũng ví việc của mình chính là nghề thợ hoạn khiến đồng ngũ khó chịu. Anh thì không biết điều đó mà còn tự cho là có cách nghĩ hóm hỉnh. Anh lại cười khơ khơ. Trưởng phòng lắc đầu: không phải giấy xi măng nữa, anh ta chính là loại túi polime trơ với thời gian.
  Giám đốc chẳng bao giờ biết điều đó. Và tiếng cười khơ khơ của anh thợ thiến cứ ròn mãi cho tới ngày về hưu
!
http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/136