Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Nước như nước mắt

Đừng sợ hãi dù vì nó mà người ta sống, chết...(từ bi ký)
     "Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai "
Một câu thông báo ngắn gọn, như là dửng dưng, lại có vẻ như là phi lý.
Nhưng truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư Nước như nước mắt bắt đầu bằng đúng một dòng như thế, để sau đó đưa ta đến một nơi xa vời vợi, gặp những con người nhỏ bé và lẻ loi giữa mênh mông mùa nước đuổi, chẳng còn thấy đâu là bến bờ...Không gian gợi người ta nhớ tới Cánh đồng bất tận của chính chị trước đó. Thì sông nước vẫn bất tận vậy thôi, chỉ có nỗi đau là có khác, những lo toan cũng hư hư thực thực đi rồi. Còn nếu bạn tò mò cắc cớ hỏi nhà văn xứ Cà Mau lấy đâu ra cái ngã ba oan nghiệt của sông Sắc, sông Mê, hay cái khắc khoải của con người, và con cá, trong cuộc kiếm tìm đất lành và nước sạch...thì có lẽ chỉ càng thêm thắc thỏm.


"Chuyện viễn tưởng về biến đổi khí hậu và con người chẳng còn gì để mất". Ngọc Tư quả quyết vậy. Và một nỗi buồn rất thật đã bước vào trang giấy.
                                                                                                      THÚY NGA
Tuổi trẻ cuối tuần 6.6.2010


Thật là kì lạ cứ mỗi khi đọc xong một tác phẫm của Nguyễn Ngọc Tư là tôi lại cảm thấy đau đớn trong lòng. Một nỗi đau mà chắc chỉ có những người ly hương miền Tây mới hiểu được...nhớ quay quắt từ con cá, cọng rau cho tới tiếng thở dài mang âm hưởng địa phương đời mà....Dù có xa xôi gì cho mấy.
Và lại thêm một câu chuyện, một dự báo của Tư lại ra đời, một viễn ảnh có thật. Miền Tây vựa lúa của cả nước sẽ thôi không còn đất.


Trong lúc nầy đây những con người hôm trước hỹ hả làm lễ khánh thành cây cầu Cần Thơ, hôm nay chuẩn bị bấm nút biểu quyết những dự án năm sao với số vốn vay lên đến hàng trăm tỹ đô la, chắc không còn đầu óc đâu mà nghĩ tới chuyện nước đuổi. họ còn đang mãi mê toan tính, dự báo xem rồi đây đất sẽ còn lên tới bao nhiêu một mét vuông.


Rồi sẽ có bao nhiêu người ở lại với nơi không còn đất nữa, như chồng Sáo, như Sáo?

Hay lại có một cuộc di cư vĩ đại của hàng triệu người nông dân Nam bộ!

                                                                                                                      Xu Việt Nam