Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Chào – không còn gặp lại một nơi lịch sử từng đi qua


SGTT - Quán cà phê Trieste (*) ở San Francisco cứ ám ảnh tôi mãi. Nó chỉ là cái quán nhỏ nằm ở góc phố Vallejo-Grant được mở từ năm 1956, bởi một người Ý nhập cư, nhưng từ đây lịch sử một địa chỉ văn hoá lừng lẫy được hình thành. Nó là nơi lui tới của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ danh tiếng. Nơi thi sĩ gốc Nga giải Nobel Văn chương Joseph Brodsky gạch gạch xoá xoá những vần thơ của mình. Một chiếc bàn gỗ nhỏ góc phòng còn phảng phất bóng dáng Francis Ford Coppola ngồi gọt giũa kịch bản The Godfather những năm 70… Chính họ, những ẩm khách danh tiếng đã biến càphê Trieste thành một địa chỉ văn hoá mà bất cứ du khách nào quan tâm đến nghệ thuật đều mong muốn bước vào.
Nhứt là đường Ca-ti-na
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều
...”
(Nam Kỳ phong tục diễn ca - Nguyễn Liên Phong).
Ảnh chụp trước Givral, năm 1956
Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi những quán càphê của mình, những nơi lẽ ra cũng phải trở thành địa chỉ văn hoá, phải được gìn giữ và bảo tồn cho một thành phố thu hút du khách mọi nơi không chỉ vì cái danh xưng cố tình bị thu nhỏ – thành phố “kinh tế” – mà còn ẩn hiện đầy ấn tượng trong cuộc sống tinh thần của nhiều thế hệ thanh niên, những cánh cửa văn hoá tưởng như không toan tính nào đủ sức niêm phong, hay xoá mờ. La Pagode – quán cà phê “Cái chùa” từng nằm trên góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do (trước nữa là d’Espagne và Catinat, nay là Đồng Khởi) đã mất đi từ lâu. Nó chính là nơi nhiều gương mặt danh tiếng nhất về văn chương, thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, cũng như những tên tuổi lớn trong các hoạt động văn hoá xã hội của Sài Gòn một thời thường có mặt. Hoà bình đã 35 năm, những ngộ nhận ấu trĩ – hay giả vờ nhìn nhận là ấu trĩ – có lẽ đã đi qua, hay ít nhiều không còn nặng nề như thời tiếp quản thành phố. Tiếc thay, La Pagode đã biến mất, biến mất vĩnh viễn. Brodard – một quán kiểu Pháp danh tiếng khác của Sài Gòn cũng không còn là Brodard nguyên thuỷ: nó đã thay tên và thay cả kiến trúc. Cái còn lại trong “bộ ba” danh tiếng ấy (nếu không kể một địa điểm danh tiếng nữa của Sài Gòn mà tôi chỉ nghe nói chứ chưa hề có dịp đặt chân tới vì còn quá nhỏ: La Croix du Sud, cũng trên đường Catinat), là Givral – nơi khi chọn làm bối cảnh một trường đoạn của bộ phim Người Mỹ trầm lặng, đoàn làm phim đã không ngại tốn kém, bắt buộc phải dựng lại đúng màu sơn, đúng hình dáng của nó ở thập niên 1960 – 1970. Ngay cả khách sạn phía đối diện, là Hotel Continental, một địa điểm khác xuất hiện trong bộ phim dựa theo tác phẩm văn học của Graham Greene, cũng phải trở lại kiến trúc thời ấy. Thật dễ hiểu: các nơi này vừa là địa điểm văn hoá, vừa là những địa chỉ có thật trong bước đi của lịch sử. Nhà báo và tình báo Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn từng chọn Givral làm chỗ ngồi thường xuyên, cũng như vô số nhà báo trong và ngoài nước những năm chiến tranh Việt Nam: họ chọn địa điểm này để nhâm nhi, quan sát và thu thập tin tức báo chí mỗi ngày, muốn gặp nhau thường khi khỏi phải hẹn trước…
Những ngày Givral chuẩn bị đóng cửa, tôi thường ra đây kéo ghế ngồi một mình. Quy hoạch một thành phố, chỉnh trang một thành phố, phát triển một thành phố tất nhiên là việc cần thiết, nhưng có cách nào để bảo tồn những nơi chốn đã trở thành di sản tinh thần của cộng đồng.
Đất nước Cuba trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt, đã khoác lên mình nhiều chiến bào khác biệt, đã kinh qua nhiều cuộc cải cách đầy “khí thế cách mạng” triệt để. Người Cuba, ngay cả giữa thủ đô La Habana, nghe nói là cuộc sống hãy còn nhiều thiếu thốn vất vả, với hình ảnh những chiếc xe bò chạy thay cho xe tải, nhưng không một địa chỉ văn hoá nào trên đất nước này bị cuốn theo cơn lốc đổi mới kiểu quê mùa giả tạo, và những ai thiết tha với không khí văn hoá Cuba vẫn có cơ may tìm lại nó dễ dàng, chẳng cần phải qua những lễ hội trống kèn nhang khói, mà chính trong cuộc sống ngày thường.
Ôi, hãy tưởng tượng một người Paris một sáng ra phố, bỗng thấy ở cái chỗ bao nhiêu năm là nơi có cái bảng hiệu Café des Deux Magots, hay Café de Flore, nay đã không còn.
Givral cũng như La Pagode, Brodard, hay La Croix du Sud trên đường Catinat ngày nào, là một trong những địa điểm mà vô tình, một cách nào đó, lịch sử đã đóng dấu ấn lên cả những chiếc ghế ngồi.
Givral. Xin vĩnh biệt cái quán góc phố nơi ngày còn nhỏ ta từng được mẹ nắm tay dẫn qua trên hè phố Sài Gòn…

Đỗ Trung Quân
SGTT Online

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Những scandal ở Tổng cục 2 đã được giải quyết thế nào?



2010-04-06
Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng Việt Nam là một cơ quan nổi tiếng không phải do năng lực hoặc thành tích trong lĩnh vực tình báo quân sự mà chỉ thuần túy là vì nhiều tai tiếng.
Suốt thập niên vừa qua, tuy đã có khá nhiều cán bộ lão thành, sĩ quan cao cấp cũng như trung cấp đã nghỉ hưu, hoặc đang tại ngũ cùng lên tiếng, yêu cầu giải quyết dứt điểm những vụ tai tiếng ấy, song cả Đảng CSVN lẫn chính quyền và giới lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn bất động. Mãi đến gần đây, giới hữu trách mới thực hiện hành động có thể xem là đầu tiên trước một chuỗi phản ứng đáng chú ý, về những vụ tai tiếng kéo dài liên quan đến Tổng cục 2. Hành động đầu tiên đó là gì? Mời qúy vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường thuật...  
 

“Siêu quyền lực” nên sai phạm “siêu nghiêm trọng”

Cơ quan tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam vốn là một bộ phận trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và thường được gọi là Cục 2. Năm 1995, Cục 2 đột nhiên được nâng lên thành Tổng cục 2 và trở thành ngang hàng với Bộ Tổng Tham mưu.
Năm 1996, với tư cách Chủ tịch Quốc hội, ông Nông Đức Mạnh, ban hành Pháp lệnh Tình báo và theo đó, vai trò của Tổng cục 2 đã vượt khỏi tầm quản lý của Bộ Quốc phòng. Tổng cục 2 được xác định là  “lực lượng trọng yếu, tin cậy, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng CSVN, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ”.

Vậy Tổng cục 2 đã làm được những gì? Thành tích lớn nhất của Tổng cục 2, được nhiều công thần của Đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam nhắc đi, nhắc lại, suốt từ cuối thập niên 1990 đến nay là hai vụ Sáu Sứ và T4.
Ông Bùi Tín - cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, người theo dõi rất sát các diễn biến liên quan đến Tổng cục 2, tóm tắt về vụ Sáu Sứ:  Vụ Sáu Sứ còn gọi là vụ Năm Châu, xảy ra từ Đại hội 7, năm 1991. Vụ đó do bàn tay của Tổng cục 2, bố trí cho một số Đảng viên lâu năm ở miền Nam là Năm Châu và Sáu Sứ ra Hà Nội, mục đích để giăng bẫy ông Võ Nguyên Giáp, rồi từ đó, kết luận là ông Võ Nguyên Giáp bè phái, tham quyền, có ý đồ tập trung một số tay chân của mình để lật đổ Bộ Chính trị và chính quyền hồi đó. Thế nhưng tất cả những chuyện này là chuyện dựng đứng. Do đó mà ông Giáp yêu cầu phải làm rõ vụ Năm Châu và Sáu Sứ. Lúc ấy, họ cho rằng ông Giáp có ý định giành quyền Tổng bí thư và được ông Trần Văn Trà tiếp sức. Ông Trần Văn Trà định là giành chức Bộ trưởng Quốc phòng. Thế nhưng tất cả những cái đó đều là sự bịa đặt của Lê Đức Anh, của Nguyễn Chí Vịnh, của Đỗ Mười, để làm hại ông Võ Nguyên Giáp. Đấy là tóm tắt vụ Sáu Sứ với Năm Châu. Cả ông Năm Châu, bà Sáu Sứ đều đã chết rồi.
Còn vụ T4? Ông Bùi Tín kể tiếp: Vụ T4 là vụ Nguyễn Chí Vịnh, cầm đầu Tổng cục 2 bịa đặt rằng họ đã đặt được một gián điệp của Việt Nam vào cơ quan CIA và điệp viên đó có bí danh là T4. T4 thông báo danh sách những người đã cộng tác với CIA, đã tiếp xúc với CIA, đã làm tay sai cho CIA. Danh sách đó dài lắm. Nó lên tới hơn 20 người. Trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà rồi những người lúc bấy giờ đang còn tại chức như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, bà Võ Thị Thắng,.. Mục đích của họ là gì? Mục đích của họ là bôi nhọ những người đó, rồi Tổng cục 2 cùng với Lê Đức Anh và Đỗ Mười được nước láng giềng lớn giúp đỡ làm một cuộc đảo chính, lật đổ hết và dựng lên một chính quyền mới, một Bộ Chính trị mới, một Ban Chấp hành Trung ương hoàn toàn mới và hoàn toàn là tay sai của Bắc Kinh. Đó là mưu đồ của T4 và cũng đã bị ông Giáp tố cáo, yêu cầu phải giải quyết một cách triệt để.
 

Bất khả xâm phạm

Trong nhiều thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN, tướng Võ Nguyên Giáp gọi Tổng cục 2 là một tổ chức “siêu đảng, siêu chính phủ, phá hoại Đảng một cách có hệ thống” và yêu cầu xử lý nghiêm minh. Ngoài tướng Giáp, còn có hàng loạt công thần của đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam như các ông: Phạm Văn Xô – một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Hoà, Thiếu tướng Nguyễn Tài, ông Nguyễn Văn Thi... nêu quan điểm và yêu cầu tương tự  
Tuy nhiên các sai phạm đã xảy ra tại Tổng cục 2, như tướng Nguyễn Nam Khánh - một trong những người được Bộ Chính trị Đảng CSVN phân công theo dõi công việc bảo vệ chính trị nội bộ, nhận định:  Tổ chức thu thập tài liệu và theo dõi cán bộ cao cấp, tổ chức cơ sở làm tài liệu giả, vu cáo nhiều đồng chí là đã làm tay sai cho địch. Người của Tổng cục 2 đã bán kế hoạch phòng thủ bầu trời cho nước ngoài. Người của Tổng cục 2 làm parabol để thu tiền bất hợp pháp, gian lận thuế giá trị gia tăng. Người của Tổng cục 2 còn đưa tài liệu lên mạng Internet nói xấu cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Tổng cục 2 đã sử dụng một số người phức tạp, cài cắm người vào các cơ quan Đảng, Nhà nước để lấy tin, tung tin, bịa đặt, lừa dối Đảng… Cán bộ tình báo quân sự còn cấp giấy chứng minh quân báo cho tay chân Năm Cam hoạt động và liên hệ chặt chẽ với tay chân Năm Cam... vẫn không được xử lý.
Hai nhân vật chính trong những vụ tai tiếng này là tướng Đặng Vũ Chính – Tổng cục trưởng Tổng cục 2 được cho về hưu, con rể tướng Chính là tướng Nguyễn Chí Vịnh được chọn để thay cha vợ đảm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2.
Cuộc đối đầu giữa các cán bộ lão thành cách mạng, các tướng lĩnh cao cấp, với giới lãnh đạo đương nhiệm trong việc xử lý những sai phạm của Tổng cục 2 đã lan sang giới sĩ quan trung cấp đang tại ngũ, kể cả những sĩ quan đang làm việc tại Tổng cục 2.
Cuối năm 2008, ông Vũ Minh Trí, một trung tá làm việc tại Cục Kỹ thuật của Tổng cục 2, lên tiếng tố cáo thêm hàng loạt sai phạm ở cơ quan tình báo quốc phòng.
Đơn tố cáo của trung tá Vũ Minh Trí là lý do khiến sáu tháng sau, tướng Giáp viết hai lá thư, một gửi cho hai cựu Tổng bí thư Đảng CSVN là ông Đỗ Mười và ông Lê Khả Phiêu, một gửi các thành viên của Bộ Chính trị, để cùng cảnh báo: Tình hình đang cực kỳ nguy hiểm đối với Quân đội, đối với Đảng!
Sau ba lá thư vừa kể, giới lãnh đạo đương nhiệm của đảng, của chính quyền và của quân đội bắt đầu hành động. Trong bài tới chúng tôi sẽ tường thuật thêm về những hành động này.
●●●
Những vụ tai tiếng liên quan đến Tổng cục 2, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam được nhiều cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh cao cấp xem là “siêu nghiêm trọng”.
Và họ đã đồng thanh lên tiếng suốt hàng chục năm, yêu cầu giới lãnh đạo đương nhiệm phải giải quyết triệt để, và gần đây, có những dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo đương nhiệm đã bắt đầu hành động.

 Lũng đoạn toàn bộ hệ thống?

 Một số người theo dõi sát tình hình chính trị tại Việt Nam cho biết, từ cuối thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, hàng loạt cán bộ lão thành cách mạng, cũng như tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi hàng trăm lá thư, yêu cầu giới lãnh đạo đương nhiệm xử lý dứt điểm các sai phạm ở Tổng cục 2, song giới này không hề hồi âm hoặc đáp ứng.
Hầu hết những người từng lên tiếng yêu cầu xem xét, xử lý các sai phạm xảy ra ở Tổng cục 2, trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990, đến giữa thập niên 2000 như: ông Phạm Văn Xô, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Nguyễn Hoà,... đều đã qua đời, phần lớn những người còn lại thì già yếu, bệnh tật.
Những sai phạm liên quan đến Tổng cục 2, cũng như các yêu cầu chấn chỉnh tổ chức này, tưởng chừng sẽ chìm sâu như nhiều vụ việc động trời khác thì lá thư ghi ngày 16 tháng 12 năm 2008, của Trung tá Vũ Minh Trí, làm việc tại Cục Kỹ thuật của Tổng cục 2, lại khiến dư luận bùng lên.
Trong thư, Trung tá Trí tố cáo, thay vì thực hiện công tác tình báo quân sự thì Tổng cục 2 tiếp tục tổ chức nghe lén, theo dõi, thu thập thông tin về nhiều cán bộ cao cấp của cả đảng, chính phủ lẫn quân đội, tung tin giả để lũng đoạn nội bộ. Chưa kể, Tổng cục 2 đang dùng các kế hoạch, hoạt động điệp báo để bòn rút công quỹ, nếu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một cách chặt chẽ, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng lớn, nhiều tên tham nhũng lớn.    
 Điểm đáng chú ý nhất là theo Trung tá Trí, Tổng cục 2 đã thành lập ba đoàn “Tình báo hành động” ở quy mô lữ đoàn, được trang bị vũ khí, thiết bị đặc chủng, kèm thiết giáp. Thay mặt nhiều đồng đội, Trung tá Trí nêu ra một số thắc mắc. Chẳng hạn: Thực chất của các đoàn “Tình báo hành động” là gì? Chúng nhắm vào đối tượng tác chiến nào? 
Trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, khi lên tiếng yêu cầu xem xét, xử lý dứt điểm các sai phạm xảy ra ở Tổng cục 2, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cũng như tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhắc đến vai trò và trách nhiệm của ông Lê Đức Anh, cựu Đại tướng, cựu Tổng Tham mưu trưởng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Tên của ông Lê Đức Anh không chỉ xuất hiện trong những tài liệu liên quan đến Tổng cục 2. Một số người cho rằng, cần đối chiếu các tài liệu liên quan đến Tổng cục 2 với một số tài liệu khác và điều đó có thể góp phần lý giải câu hỏi, vì sao các sai phạm của Tổng cục 2, tuy kéo dài hơn một thập niên, gây bất bình sâu rộng nơi cán bộ, đảng viên cả trong, lẫn ngoài quân đội nhưng vẫn không thể xử lý đến nơi, đến chốn.
Trong những tài liệu được đề cập, chẳng hạn như “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, ông Lê Đức Anh chính là người chỉ đạo toàn bộ quá trình “bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc”. Quá trình “bình thường hoá” này bất thường tới mức, trong “Hồi ức và suy nghĩ”, ông Trần Quang Cơ phải than: Xin ý kiến đối phương và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một không hai trong lịch sử đối ngoại!...

Lờ tướng, xử tá       

Lá thư ghi ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Trung tá Vũ Minh Trí không chỉ khiến dư luận xôn xao. Lá thư này còn là nguyên nhân khiến tháng 6 năm ngoái, tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục viết cùng lúc hai lá thư, gửi hai cựu Tổng bí thư Đảng CSVN là các ông: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và các thành viên đương nhiệm trong Bộ Chính trị, bày tỏ sự bất bình về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Vịnh làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tướng Giáp yêu cầu giải quyết những sai trái một cách kiên quyết, triệt để, đúng nguyên tắc, nhằm bảo vệ quân đội, bảo vệ đảng, bảo vệ độc lập tự chủ của đất nước. Đồng thời nhắc nhở “cần chú ý bảo vệ người tố cáo”.
Giới lãnh đạo đương nhiệm của cả đảng, chính quyền lẫn quân đội Việt Nam tiếp tục giữ sự im lặng và bất động cho đến tám tháng sau.
Theo báo chí Việt Nam, hồi đầu tháng 2 vừa qua, ông Phùng Quang Thanh, đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng đã đến Quân Y viện 108, thăm tướng Võ  Nguyên Giáp. Báo chí Việt Nam tường thuật rằng: Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bày tỏ mong muốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn mạnh khoẻ, trường thọ, tiếp tục có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và sự trưởng thành phát triển của QĐND Việt Nam. 
Sáu ngày sau, hôm 10 tháng 2 năm 2009, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Tổng cục 2 ban hành cùng lúc hai quyết định, tước quân hàm sĩ quan và khai trừ Trung tá Vũ Minh Trí ra khỏi Đảng CSVN, vì: Đã tố cáo sai đối với Đảng ủy Tổng cục 2 và đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, gửi đơn tố cáo đến một số nơi không có chức năng xem xét giải quyết và nội dung tố cáo đã đưa lên Internet làm lộ bí mật một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tình báo Quốc phòng Việt Nam... Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Quân đội.
Sau hàng trăm lá thư của hàng loạt cán bộ lão thành cách mạng, cũng như tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu giới lãnh đạo đương nhiệm xử lý dứt điểm các sai phạm ở Tổng cục 2, đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo đương nhiệm của đảng, chính quyền và quân đội Việt nam có hành động đáp ứng. Cho dù hành động đó đi ngược lại mong muốn của những người gửi đơn.
Chúng tôi đã phỏng vấn Trung tá Vũ Minh Trí, người từng lên tiếng tố cáo và mới bị xử lý:        
Trân Văn: Thưa ông chúng tôi được biết là Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Tổng cục 2 vừa có hai quyết định kỷ luật ông, ông có thể cho biết hai quyết định này có những nội dung gì không ạ?
Trung tá Vũ Minh Trí: Ông vừa nói rằng là các ông đã có văn bản ấy rồi cho nên tôi nghĩ cũng không cần phải nhắc lại.
Trân Văn: Và ý kiến của ông về các quyết định kỷ luật này như thế nào ạ?
Trung tá Vũ Minh Trí: Ông cũng vừa nói là ông đã có ý kiến của tôi, không biết là ý kiến ở chỗ nào, đúng không ạ (?). Thực ra thì nếu mà ý kiến đấy có chữ ký của tôi thì chắc là ý kiến chính thức vì cũng có người đã hỏi tôi và tôi đã trả lời. Thế cho nên nếu mà ông có văn bản thì tôi nghĩ cũng không cần phải trả lời. Ông có thể trích nguyên văn bản mà ông đã có trong tay.
Trân Văn: Thưa ông, trong văn bản ghi ý kiến của ông, ông có cho biết rằng còn rất nhiều tồn tại chưa được giải quyết và ông sẽ tiếp tục đấu tranh để làm rõ những sai phạm đã xảy ra ở Tổng cục 2. Với cách tiếp nhận và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của ông và với những gì xảy ra với ông trong thời gian vừa qua, vì sao mà ông quyết định vẫn phải tiếp tục đấu tranh?
Trung tá Vũ Minh Trí: Khi định làm việc gì thì người ta đều đặt ra mục đích cuối cùng. Tôi thì chưa đạt được mục đích cuối cùng của tôi nên rõ ràng là tôi phải tiếp tục công việc.
Trân Văn: Thưa ông, mục đích cuối cùng của ông là gì?
Trung tá Vũ Minh Trí: Như tôi đã phản ánh trong rất nhiều văn bản, mục đích cuối cùng của tôi là giúp cho quân đội, cho Đảng, cho Nhà nước, tránh khỏi hiểm họa tự diễn biến ông ạ!
Còn nếu mà nói đơn giản thì tôi cũng như rất nhiều người nữa muốn đấu tranh chống lại tham nhũng, tiêu cực. Đơn giản thế thôi ông ạ!
Trân Văn: Cám ơn ông.
Trung tá Vũ Minh Trí: Tôi nghĩ thế này ông ạ, tôi chỉ lưu ý ông một điều rằng, tất cả các văn bản của tôi thì các ông nên xác định rõ là có đúng của tôi không thì hẳn trích. Chứ sợ rằng trích một văn bản mà giả mạo hay không chính xác thì ảnh hưởng đến uy tín của chính người trích. Bởi vì thực ra tôi cũng có trả lời một vài vị có tính chất là rất gia đình. Nếu mà nó bị lạc ra ngoài thì cũng hơi khó đấy!
Thế nên tôi nghĩ rằng là ông nên xác minh lại cho nó chính xác. Thế thôi ông ạ!
Trân Văn: Dạ vâng. Cám ơn ông đã lưu ý. 
Trung tá Vũ Minh Trí: Chào ông. Cám ơn ông.
Trên Internet hiện đang có một văn bản ghi bốn ý kiến mà Trung tá Vũ Minh Trí phát biểu sau khi nhận các quyết định kỷ luật. Trong đó, có ý kiến cho rằng, đến nay, các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước chưa có kết luận về thư Trung tá Trí đã gửi, nên ông  xem mọi kết luận, quyết định đối với ông của Thưởng vụ Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục 2, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 đều là vô giá trị và bất hợp pháp. Trung tá Vũ Minh Trí hy vọng những quyết định vô giá trị và bất hợp pháp ấy sẽ sớm bị bác bỏ.
Liệu những sai phạm đã và đang xảy ra tại Tổng cục 2 sẽ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN xem xét trong kỳ đại hội sắp tới, như mong ước của nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít người đã qua đời? Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này song với lối xử lý như vừa qua, câu chuyện về Tổng cục 2 chắc chắn chưa thể kết thúc. 

Đọc xong bài nầy thấy có vẻ như tài liệu rất chính xác, nhưng vào thời điểm nhạy cảm nầy, đây có thể là hỏa mù được tung ra vì những mục đích chính trị.

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Đốt hầm Thủ Thiêm số 2 về đích an toàn



Đốt hầm số 2 đến vị trí lắp ráp - Ảnh: Nghĩa Phạm
(TNO) Lúc 12 giờ trưa nay (5.4), đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã về đến vị trí lắp ráp tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm an toàn. Như vậy, hành trình lai dắt của đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã hoàn thành sớm hơn dự kiến đến 1 tiếng đồng hồ.
* Sáng nay (5.4), thêm một đốt hầm Thủ Thiêm nữa tiếp tục rời bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Nhóm phóng viên Thanh Niên Online đang theo sát hành trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 để đưa thông tin nhanh nhất đến bạn đọc.
5 giờ 30: Kỹ sư, công nhân... có mặt đầy đủ
Tại bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai), từ 5 giờ 30 sáng, tất cả các kỹ sư, chuyên viên, công nhân tham gia vào việc lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã có mặt đầy đủ. Đốt hầm Thủ Thiêm đã được kéo lên khỏi bể đúc, neo đậu và mọi công tác kiểm tra kỹ thuật cho chuyến hành trình dài đều hoàn tất.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có mặt để kiểm tra, chỉ đạo và tham dự lễ xuất phát. Tất cả các sở, ban ngành có tham gia trong quá trình lai dắt và bảo đảm an toàn cho quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đều có mặt tại bể đúc đúng 6 giờ sáng.

  6 giờ sáng nay, đốt hầm nằm trên sông Nhà Bè, trong lúc thủy triều đang lên - Ảnh: Mai Vọng

7 giờ, đoàn tàu lai dắt bắt đầu đến vị trí neo đậu đốt hầm để làm nhiệm vụ - Ảnh: Mai Vọng

7 giờ 30, các lực lượng chức năng và phóng viên báo chí tập trung lại tại khu vực làm lễ xuất phát - Ảnh: Mai Vọng

7 giờ 32, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM bắn một phát pháo màu xanh, chính thức phát lệnh xuất phát lai dắt đốt hầm số 2 - Ảnh: Mai Vọng

Đoàn lai dắt bắt đầu xuất phát - Ảnh: Mai Vọng

Các lực lượng chức năng cũng bắt đầu lên canô làm nhiệm vụ - Ảnh: Mai Vọng

Đoàn lai dắt đi qua khu vực bến phà Bình Khánh; bến phà này cũng tạm ngưng hoạt động, chờ đoàn lai dắt đi qua - Ảnh: Mai Vọng

Đoàn lai dắt đang chậm chậm tiến về phía mũi Đèn Đỏ, H.Nhà Bè - Ảnh: Mai Vọng
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Bộ đánh giá: Con nước hôm nay tốt, không lên cao quá hay xuống thấp quá. Mặc dù thủy triều đang lên nhưng dòng chảy nhẹ. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác lai dắt đốt hầm số 2 của công trình hầm dìm vượt sông Sài Gòn.
7 giờ 32: Phát pháo lệnh
7 giờ 32 phút, một phát pháo lệnh màu xanh được ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM bắn bay lên cao về hướng đoàn lai dắt đã chờ sẵn trên sông. Đó là dấu hiệu để đốt hầm số 2 của công trình hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn bắt đầu chuyến hành trình về vị trí lắp ráp của mình.

Đốt hầm Thủ Thiêm di chuyển trên sông tiến về cầu Phú Mỹ - Ảnh: Nghĩa Phạm
Người dân chờ đón đoàn lai dắt - Ảnh: Mai Vọng
Thời tiết TP.HCM sáng nay nắng đẹp, gió nhẹ. Đã biết trước lộ trình của đốt hầm cùng kinh nghiệm xem lai dắt từ đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên, nhiều người dân TP sống dọc bên bờ sông Sài Gòn, khu vực đốt hầm đi qua cũng chuẩn bị tập trung ra những điểm mốc đốt hầm đi qua, chọn cho mình vị trí đẹp nhất để cổ vũ đoàn lai dắt.
Trong khi đó, trên tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn (đoạn luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đến ngã ba Bình Khánh), từ 6 đến 12 giờ ngày 5.4, hoạt động lưu thông của các phương tiện thủy nội địa và tàu biển được tạm ngưng.
Việc tạm ngưng lưu thông được Cảng vụ hàng hải TP.HCM điều phối tiến hành cuốn chiếu tùy thuộc vào vị trí của đoàn lai dắt, bắt đầu từ ngã ba Bình Khánh.
Tất cả các phương tiện giao thông thủy đều đã được phổ biến vị trí neo đậu tạm thời khi đốt hầm đi qua. Trong quá trình lai dắt, Ban quản lý dự án sẽ bố trí 3 chốt cảnh giới cơ động đi kèm theo đốt hầm trong suốt hành trình 22 cây số, đó là chưa kể 11 chốt cố định được trang bị ca-nô tuần tiễu và cả tàu lai kéo để can thiệp khi cần thiết (gồm 4 chốt có sẵn lâu nay).
9 giờ 50: Đốt hầm qua cầu Phú Mỹ
Khoảng 9 giờ, tại khu vực cầu Phú Mỹ, toàn bộ cầu đã được phong tỏa. Nhằm đảm bảo an toàn cho đốt hầm đi qua, người dân được phép lưu thông nhưng không được đứng trên cầu Phú Mỹ trong thời gian này.


 9 giờ 35, đốt hầm qua cầu Phú Mỹ - Ảnh: Diệp Đức Minh

9 giờ 37, đốt hầm vào cảng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Dưới sông, lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy và Cảng vụ hàng hải TP.HCM cũng hướng dẫn các phương tiện lưu thông neo đậu cập bờ, không lưu thông khi đoàn lai dắt đi qua.
Đứng từ chân cầu Phú Mỹ, phóng viên Thanh Niên Online bắt đầu thấy những chiếc ca-nô cảnh giới xuất hiện trước tiên từ phía xa. Sau đó là tàu kéo và người quan sát bắt đầu thấy hình ảnh hai cột định vị phía trên đốt hầm số 2 dần chui qua cầu Phú Mỹ.
Cầu Phú Mỹ là một vị trí quan trọng và khó vượt qua trên chặng đường lai dắt đốt hầm.
Lúc 9 giờ 30, đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã vượt qua vị trí ngã ba sông Sài Gòn (Ngã ba Đèn đỏ) và đang tiến gần tới cầu Phú Mỹ.
Lúc 9 giờ 50, đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã vượt qua cầu Phú Mỹ trong cái thở phào của mọi người tham gia và đứng xem.
Đốt hầm đang dần tiến về cảng VICT.
10 giờ 40: qua cảng VICT
Trên khúc sông hẹp để qua cảng VICT, đoàn lai dắt di chuyển với tốc độ chậm. Đoàn đến cảng VICT vào khoảng 10 giờ 40. Sau đó, đốt hầm tiếp tục hướng về cầu Tân Thuận (Q.7) và đến đây lúc 11 giờ 20.
Như vậy, so với khi lai dắt đốt hầm đầu tiên, do cùng di chuyển trên lộ trình cũ nên đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 có tốc độ đi nhanh hơn. Đoàn chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút để đi quãng đường từ cầu Phú Mỹ đến cầu Tân Thuận (Q.7).
Hiện phóng viên Thanh Niên Online đang chờ đoàn lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 tiến vào khu vực Bến Nhà Rồng để đi qua khúc sông Sài Gòn ở trung tâm TP.
12 giờ: đến vị trí lắp ráp
Vào lúc 12 giờ trưa nay (5.4), đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã về đến vị trí lắp ráp tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm.
Như vậy, chuyến hành trình của đốt hầm Thủ Thiêm số 2 đã hoàn thành sớm hơn dự kiến đến 1 tiếng đồng hồ. Đốt hầm đã di chuyển trên chặng đường suôn sẻ.
Tại vị trí lắp ráp hầm dìm Thủ Thiêm, lực lượng hoa tiêu, tàu cảnh giới, người nhái và các chuyên gia,... đang đưa đốt hầm vào vị trí của mình.
Chiều nay, đốt hầm sẽ được được xoay chuyển từ phương dọc (theo dòng sông) sang phương ngang (vào vị trí kết nối) và neo lại trên sông.
Quá trình dìm đốt hầm số 2 dự kiến diễn ra trong 15 giờ, bắt đầu khoảng 7 - 9 giờ ngày 6.4 và hoàn tất lúc 23 giờ cùng ngày.
* Mọi hoạt động lưu thông tàu biển và các phương tiện thủy nội địa khác quanh khu vực dìm hầm sẽ tạm ngưng trong 36 giờ (tức dự kiến vào khoảng 12 giờ ngày 5.4 đến 0 giờ ngày 7.4).


Đoàn lai dắt đang từ từ chui dưới cầu Phú Mỹ - Ảnh: Nghĩa Phạm

Lực lượng CSGT đường thủy phong tỏa khoảng sông Sài Gòn cho đoàn lai dắt đi qua - Ảnh: Nghĩa Phạm

Đoàn lai dắt đốt hầm số 2 chui qua cầu Phú Mỹ trước con mắt trầm trồ của người dân đứng xem - Ảnh: Nghĩa Phạm

Người dân ngồi uống nước bên bờ sông Sài Gòn (Q.2) chờ đoàn lai dắt- Ảnh: Nghĩa Phạm
Hai cột định vị phía trên đốt hầm số 2 sừng sững trước cầu Phú Mỹ - Ảnh: Nghĩa Phạm

Đoàn lai dắt đốt hầm chui qua cầu Phú Mỹ an toàn - Ảnh: Nghĩa Phạm
Chờ đoàn lai dắt hầm qua khu vực Bến Nhà Rồng - Ảnh: Nghĩa Phạm

Đốt hầm về đến trung tâm TP.HCM - Ảnh: Nghĩa Phạm
Các công nhân chờ đốt hầm tại vị trí lắp ráp - Ảnh: Nghĩa Phạm

Đốt hầm vào khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm... - Ảnh: Nghĩa Phạm
Dần tiến vào vị trí lắp ráp... - Ảnh: Nghĩa Phạm
Về đến vị trí lắp ráp an toàn - Ảnh: Nghĩa Phạm
12 giờ 40, đốt hầm được xoay từ phương dọc sang phương ngang, nằm ngang giữa dòng sông Sài Gòn - Ảnh: Mai Vọng
* Được biết, đốt hầm Thủ Thiêm số 2 được lai dắt trên 22km đường sông, qua 5 quận, huyện của TP.HCM (huyện Nhà Bè, Q.1, Q.2, Q.4 và Q.7) để đến vị trí lắp ráp tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm.

Theo đánh giá của Ban QLDA Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM, quá trình lai dắt đốt hầm số 2 sẽ khó khăn, phức tạp hơn đốt hầm số 1 vì đốt hầm được neo đậu ở giữa sông. Đây là khu vực nước sâu nhất và dòng chảy rất xiết.
Vị trí đốt hầm số 2 nằm ở giữa sông nên việc xoay chuyển và bảo đảm an toàn trong quá trình lắp đặt đốt hầm vào đúng vị trí kết nối cũng sẽ khó khăn hơn so với đốt hầm số 1. Do vậy, tàu dự phòng và lực lượng hoa tiêu, CSGT đường thủy... vẫn sẽ làm nhiệm vụ cảnh giới trong suốt quá trình dìm hầm cho tới khi đốt hầm được dìm vào vị trí an toàn và hai cột định vị được tháo gỡ.
Đoàn lai dắt đốt hầm số 2 có 4 tàu kéo chính, 1 tàu kéo dự bị, 2 tàu đẩy cảnh giới và 5 ca-nô cao tốc làm nhiệm vụ dẫn đường và cảnh giới từ vị trí bể đúc hầm đến vị trí dìm hầm.

Các đốt hầm khi còn nằm tại bể đúc - Ảnh: Diệp Đức Minh
Hai mươi bốn cơ quan và đơn vị chức năng đã được UBND TP.HCM huy động tham gia công tác lai dắt nhằm đưa đốt hầm số 2 đến vị trí lắp đặt an toàn.
Trong đợt lai dắt đốt hầm số 2 này có thêm sự tham gia của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ để cập nhật các số liệu quan trắc về mưa, gió, dòng chảy và trường ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Bách khoa TP.HCM, Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TP.HCM đi theo để nghiên cứu quá trình thực hiện công trình.


Hầm Thủ Thiêm còn có những điểm thú vị so một số hầm dìm vượt biển tại Hồng Kông và Sydney (Úc). Cụ thể:
- Mỗi đốt hầm Thủ Thiêm nặng hơn 27.000 tấn, trong khi mỗi đốt hầm tại Hồng Kông (xây xong năm 1982) nặng chỉ 20.000 tấn.
- Chiều rộng của đường hầm Thủ Thiêm là 33m (6 làn xe), đường hầm tại Sydney (xây dựng xong 1992) chỉ rộng 4 làn xe.
- Quá trình lai dắt các đốt hầm Thủ Thiêm từ bể đúc đến vị trí dìm xuống sông được xem là xa nhất với 22 km.
Mai Vọng

Đốt hầm số 2 dài 92,4m; rộng 33,3m và cao 9,1m.
Đường đi của đốt hầm được chia làm hai đoạn. Đoạn 1 từ vị trí bể đúc đến ngã ba sông Sài Gòn (còn gọi là Ngã ba Đèn đỏ). Đây là tuyến giao thông khá rộng nên sẽ tổ chức lưu thông theo từng khu vực, vận tốc di chuyển dự kiến của đoàn lai dắt là 5,5 km/giờ.
Đoạn 2 từ ngã ba sông Sài Gòn đến vị trí lắp đặt, luồng hẹp và có nhiều đoạn bờ sông uốn cong nên sẽ cấm mọi phương tiện lưu thông khi đoàn lai dắt đốt hầm đi qua, vận tốc di chuyển của đoàn lai dắt là 3,7 km/giờ.

- Chiều 29.3, đốt hầm Thủ Thiêm số hai đã được kéo lên khỏi bể đúc để kiểm tra kỹ thuật, chuẩn bị cho việc lai dắt, lắp đặt.
- Ngày 4.4, Ban chỉ đạo thực hiện lai dắt, thi công lắp đặt các đốt hầm dìm đã tổng kiểm tra toàn bộ tuyến luồng, lộ trình lai dắt.
Dự kiến hành trình lai dắt (ngày 5.4)
7 - 8 giờ: Lễ xuất phát quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm số 2 tại bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai)
8 - 9 giờ: Đoàn lai dắt đến khu vực cảng đóng tàu An Phú
8 giờ 40 - 9 giờ 40: đến Ngã ba Đèn Đỏ
9 giờ 40 - 10 giờ 40: đến cầu Phú Mỹ
11 giờ 30 - 12 giờ 30: đến cảng VICT
13 - 15 giờ: đến vị trí lắp đặt tại khu vực Mỹ Cảnh, Thủ Thiêm
Đưa đốt hầm vào vị trí lắp ráp (ngày 5.4)
15 - 18 giờ: đốt hầm được xoay chuyển từ phương dọc (theo dòng sông) sang phương ngang (vào vị trí kết nối) và neo lại trên sông
Dìm hầm (ngày 6.4)
7 - 9 giờ: bắt đầu quá trình đánh dìm đốt hầm Thủ Thiêm số 2
23 giờ: hoàn thành việc dìm hầm
* Mọi hoạt động lưu thông tàu biển và các phương tiện thủy nội địa khác quanh khu vực dìm hầm sẽ tạm ngưng trong 36 giờ (tức dự kiến vào khoảng 12 giờ ngày 5.4 đến 0 giờ ngày 7.4).

Hầm Thủ Thiêm là hạng mục chính của gói thầu số 4 (xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm). Gói thầu có tổng trị giá 2.083 tỉ đồng, do nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) thực hiện.

Phối cảnh hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sau khi hoàn thành - Ảnh: Mai Vọng
Hầm có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 2 đoạn hầm dẫn phía Q.1 (dài 585m), phía Thủ Thiêm (535m) và đoạn hầm dìm (370m) chia làm 4 đốt hầm. Công trình còn có 2 tháp thông gió và nhiều hệ thống kỹ thuật khác. Ngoài ra, trong đường hầm còn có đường kiểm tra và khoang thoát hiểm.

Đốt hầm dìm là kết cấu bê tông cốt thép, có nhiều ngăn rỗng. Đường hầm dạng hộp đôi rộng 33,3m, bố trí 3 làn xe mỗi hướng.


Hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I, vận tốc lưu thông 60 km/giờ.


Là công trình hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á, để thành hình, hầm Thủ Thiêm phải trải qua cả một chặng đường dài.

Thanh Niên Online xin điểm qua những cột mốc quan trọng trong quá trình thực hiện công trình này:

- Ngày 13.9.2007, tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) đã đổ mẻ bê tông đầu tiên của đốt hầm dìm Thủ Thiêm.


Đổ bê tông đúc đốt hầm đầu tiên của công trình hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn - Ảnh: Mai Vọng
- Ngày 7.3.2010, đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về khu vực xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn (bờ phía Thủ Thiêm, Q.2). Việc đánh dìm đốt hầm số 1 kéo dài từ 9 giờ sáng đến 23 giờ đêm 8.3 và được kết nối thông với hầm dẫn phía Thủ Thiêm vào ngày 10.3.

Trong lòng đốt hầm Thủ Thiêm số 1 sau khi được dìm và nối thông với hầm dẫn phía Thủ Thiêm - Ảnh: Diệp Đức Minh

- Đốt hầm số 2 được lai dắt vào ngày 5.4, dìm hầm vào ngày 6.4.

- Dự kiến, đốt hầm số 3 được kết nối vào ngày 4.5, dìm hầm vào ngày 5.5; đốt hầm cuối cùng được lai dắt về vào ngày 4.6, dìm hầm vào ngày 5.6.


- Hầm chui vượt sông Thủ Thiêm dự kiến hợp long vào tháng 8.2010 và thông xe kỹ thuật vào tháng 2.2011.


- Đến khoảng tháng 4.2011, toàn bộ dự án Đại lộ Đông Tây sẽ hoàn thành, dài 21,9 km, từ nút giao với Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), xuyên vào trung tâm TP, vượt sông Sài Gòn và nối vào xa lộ Hà Nội tại nút giao Cát Lái (Q.2).
Viên An - Mai Vọng - Diệp Đức Minh - Nghĩa Phạm