Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

Cho Trung Quốc thuê rừng biên giới


Thông tin về việc hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đã cùng với nhiều tỉnh khác âm thầm cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) để trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 305 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, ở các tỉnh miền biên giới.
RFA photo from gis.chinhphu.vn
Bản đồ vùng biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh và Trung Quốc
Mặc Lâm theo dõi câu chuyện qua bài phỏng vấn Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người cùng với Trung Tướng Đồng Sĩ Nguyên vừa gửi kiến nghị lên Ban Bí Thư yêu cầu làm rõ việc này.
Hơn 300 nghìn ha rừng đầu nguồn
Mặc Lâm: Thưa Thiếu Tướng, cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Thưa ông, mới đây có thông tin cho biết mười tỉnh dọc biên giới và có tỉnh ở đầu nguồn đã âm thầm cho Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê rừng trong thời hạn 50 năm. Thiếu tướng cùng với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã gửi thư kiến nghị lên thủ tướng chính phủ, xin ông cho biết thêm một ít chi tiết về việc này.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Cái này là do các tỉnh họ làm. Tất nhiên trách nhiệm thuộc về Thủ tướng vì thủ tướng không quản lý được nên các tỉnh cứ bán đi.
Mặc Lâm: Vâng thưa Thiếu tướng, theo văn bản mà chúng tôi được biết thì số lượng rừng đầu nguồn cho các nước thuê lên tới 264 ngàn héc ta rừng đầu nguồn. Động thái này quá nguy hiểm và ai cũng thấy rằng khi cho thuê rừng đầu nguồn như vậy thì hạ nguồn sẽ gặp khó khăn nhất là vấn đề chặt cây, phá rừng ô nhiễm môi trường và an ninh quốc phòng. Thông tin mà Thiều tương nhận được thì độ khả tín có cao hay không thưa ông?
Sông Kỳ Cùng chảy qua bản Phạc Giàng, Tỉnh Lạng Sơn
Sông Kỳ Cùng chảy qua bản Phạc Giàng, Tỉnh Lạng Sơn

Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Anh hỏi là nó có chính xác hay không ? Cái này là lá thơ đầu tiên của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên phát hiện tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An bán thôi, thì báo cáo lên Bộ Chính Trị thì bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn mới cử đoàn liên ngành đi kiểm tra các tỉnh thì sau khi về kết luận là như thế. Đây là kết luận của bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chứ không phải tự ai nghĩ ra đâu. Chúng tôi cũng căn cứ vào cái báo cáo này của ông Bộ trưởng

Mặc Lâm: Thưa Thiếu Tướng nếu độ chính xác 100% như vậy thì thiếu tướng đã hội ý với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và vấn đề này liên quan đến quốc phòng rất là rõ.
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Cả quốc phòng cả tai nạn cho nhân dân ở miền hạ du. Cả cạn nước các nguồn thuỷ lợi. Tôi đã nói đầy đủ trong cái thơ của tôi gửi cho trung ương.
Mặc Lâm: Thiếu tướng đã gửi cho trung ương vậy ông đã nhận được phản hồi hay chưa?
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Chưa có..chúng tôi gửi, đồng chí Nguyên cũng gửi cho trung ương, tôi cũng gửi cho trung ương phân tích lợi hại. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cũng như tôi đề nghị dừng ngay lập tức hay là huỷ những hợp đồng ấy đi. Còn nhà cầm quyền người ta giải quyết như thế nào thì tôi chưa biết
Mặc Lâm: Thưa Thiếu tướng, sau khi cái thư gửi đi nếu không nhận được bất cứ một phản hồi nào từ trung ương như xưa nay thường gặp thì bước kế tiếp sẽ là gì?
Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Thì những việc chúng tôi đã làm thì làm được cả rồi. Gửi cho Bộ Chính Trị, mang lên mạng như ông thấy đó. Chúng tôi chỉ biết làm đến thế thôi chứ làm hơn nữa thì không biết thế nào hơn nữa!
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-Hongkong-and-Taiwan-to-lease-Vietnam-riverhead-forest%20-02122010120853.html
*

11/02/2010

Về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vốn là người có 7 năm phụ trách Chương trình 327 mà mục tiêu là phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng, và môi trường sinh thái; còn Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989). Hai nhà cách mạng lão thành gửi cho Bauxite Việt Nam bài viết sau đây, nêu rõ hiểm họa của việc chúng ta cho Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê trong thời hạn 50 năm hơn 264 nghìn ha rừng đầu nguồn; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Bauxite Việt Nam

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh – người biên tập] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.


( Hình. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên)

Đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?

Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.

(Hình.Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh)


Chúng tôi đồng ý với 5 đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xin nói rõ 2 đề nghị đầu:

1. Đối với một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Những tỉnh chưa ký thì đình chỉ ngay; thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng để thực hiện. Thực tế đất rừng đã giao cho đồng bào sử dụng gần hết. Nếu ký cho nước ngoài thuê sẽ đụng đến môi trường, đụng đến quyền lợi đồng bào, nhất là đồng bào miền núi, đang thiếu đất, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp.

2. Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường xây dựng bộ phận chuyên trách. Trong vòng 1 năm, chính thức giao đất, khoán rừng cho từng hộ; cấp quyền sử dụng đất vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.


Từ đây, chúng tôi đề nghị mở rộng chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đất rừng đầu hộ của đồng bào miền núi còn trên 4 ha. Tuy không nhiều, nhưng vẫn gấp 3 lần ở đồng bằng; ở đây, thực hiện được đa canh, đa con. Đặc biệt kết hợp tốt trồng rừng phòng hộ với rừng kinh tế. Lùi về trước đã có mô hình tỉnh Tuyên Quang nhân dân ta tự trồng rừng, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy Bãi Bằng. Vậy bây giờ có điều kiện hơn, tại sao lại giành cho nước ngoài?


Đất đai là thứ nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của nhân dân, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng. Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm họa cho dân cho nước.

Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2010
Đồng Sĩ Nguyên - Nguyễn Trọng Vĩnh
http://vanhoavn.blogspot.com/