Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Nhân việc nhà báo Huy Đức chuyễn sang làm nhà báo tự do,

Tại sao phải bắt 2 nhà báo ?

Có ít nhất hai nhà báo đưa tin những cuộc bắt bớ trong vụ PMU 18, chiều 12-5-2008, cũng đã trở thành “tin”. Nguyễn Văn Hải, Phó văn phòng Tuổi Trẻ tại Hà Nội và Nguyễn Việt Chiến, phóng viên báo Thanh Niên, đã bị công an áp giải từ cơ quan về nhà, khám xét, đọc lệnh và giải đi như những bị can PMU mà họ đã từng chứng kiến.
Sáng 13-5, Tướng Phạm Xuân Quắc, người được báo chí mô tả như một người hùng PMU 18, cũng đã bị khởi tố sau khi một thuộc cấp của ông, Thượng tá Đinh Văn Huynh, trưởng phòng 9, C14 bị bắt. Theo sau vụ “minh oan” cho ông Nguyễn Việt Tiến, việc bắt bớ này rất dễ khiến cho dư luận nghĩ rằng, những người chống tham nhũng đang bị tấn công trở lại.
Chống tham nhũng rõ ràng đang là khát vọng của dân chúng. Đưa được một quan chức vào khám không phải là việc dễ dàng, đưa họ trở ra lại càng gây thất vọng. Không đơn giản để thuyết phục dân chúng, một quan chức được “minh oan” là bởi họ vô tội thay vì có ai đó bao che. Nhưng, cho dù lòng tin như thế nào thì chúng ta cũng phải chấp nhận, nhìn một ai đó, kể cả Nguyễn Việt Tiến, tự do một khi không có đủ bằng chứng để đưa họ ra tòa, buộc tội.
Trong vụ PMU 18, Tướng Oánh và ông Nguyễn Việt Tiến cùng tiêu tan sự nghiệp khi mông chỉ cách ghế trung ương vài phân. Rất nhiều thông tin về ông Tiến và Tướng Oánh được đăng tải lúc đó trên báo chí là tin bịa đặt. Và như một quan chức Viện Kiểm sát cho biết, chúng đã trở thành áp lực để “phê giam” ông Tiến và chặn đường ông Oánh tới Trung ương. Và giờ đây người ta có thể nhìn thấy nhiều thông tin như thế đã được tung ra từ Tướng Quắc.
Tướng Quắc, “học trò” của Tướng Nguyễn Việt Thành trong việc khai thác báo chí, cũng đã sử dụng các bài báo như những công cụ “làm án” của mình. Và các nhà báo chúng ta thì đã phạm phải những lỗi nghiệp vụ mà, trong bài “Từ Century Tới New Century”, tôi đã từng phân tích. Không chỉ có vụ PMU 18, khi điều kiện cho phép, chúng ta sẽ biết thêm nhiều bí mật trong nhiều vụ án khác, đặc biệt là vụ “Năm Cam”. Ai anh hùng, ai lưu manh, nếu chỉ đọc báo, thì nhiều khi rất dễ dàng nhầm lẫn.
Đưa một quan chức cao cấp ra tòa trong xã hội ta không phải là đơn giản. Trong nhiều trường hợp, nếu không có áp lực của dư luận, không thể nào đương đầu với các quan tham nhũng. Tuy nhiên, một khi “dư luận” được khai thác như một “công cụ”. Các cơ quan tố tụng thay vì phải “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”, đã bơm mớm cho báo chí những thông tin khiến cho dư luận nổi giận và trước một áp lực chính trị như vậy các cấp ủy không thể đứng ngoài. Những cuộc họp cho “đường lối xử lý” thường được triệu tập và sinh mệnh cả chính trị lẫn pháp lý của một nhân vật thường kết thúc trong cuộc họp và đôi khi sai lầm bắt đầu như thế. Có không ít quan chức đã phải lãnh án vì dư luận thay vì những bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được.
Trong một phiên tòa, có “buộc” có “gỡ”, có chứng cứ, có tranh tụng mà chưa chắc đã không oan. Trong một cuộc họp mà chỉ có ý kiến “buộc” của cơ quan điều tra cùng với áp lực dư luận thì sẽ khó đưa ra được “đường lối” nào khác hơn là “bắt”. Dư luận cũng như con nghiện. Hôm nay, có thể thõa mãn bằng một quan chức bậc trung, ngày mai “đô lên”, cấp chức cũ không thể nào hài lòng cơn khát. Không có cách nào khác là phải để cho các cơ quan tố tụng được độc lập hành xử theo pháp luật: điều tra viên, nếu không có chứng cứ mà bắt giam, sẽ không được viện kiểm sát phê chuẩn; kết luận điều tra mà không chặt chẽ viện sẽ không truy tố; cáo trạng mà không đủ chứng cứ sẽ bị các luật sư phanh phui; tòa, nếu độc lập, sẽ “tuyên” theo bên nào thuyết phục với nhiều bằng chứng nhất. Công lý không phải lúc nào cũng có thể được mang đến từ các phiên tòa nhưng công lý không thể thiết lập nếu như mọi phán quyết không được, độc lập, đưa ra từ tòa án.
Tuy nhiên, hai nhà báo bị bắt đang là trung tâm của vụ án này. Câu hỏi vì sao lại bắt nhà báo, có lẽ, sẽ không bao giờ có câu trả lời thuyết phục. Rõ ràng, trong vụ PMU 18 đã có một số bài báo, một số thông tin, giờ đây không có bằng chứng nào để chứng minh là sự thật. Giờ đây, chúng ta biết nó được tung ra từ những nguồn nào. Không chỉ vì tôi biết và tin vào phẩm chất của những nhà báo như Chiến hay như Hải, rất nhiều nhà báo vẫn tin rằng: công an chỉ có một mục tiêu là “chống tham nhũng”; những người làm án không hề có động cơ “đánh nhau”; những thông tin được “xì” ra không phải là bịa đặt. Khi làm sứ mệnh đưa tin, nhiều nhà báo đã nghĩ, nếu không công khai những thông tin mà các điều tra viên “cung cấp”, “bọn tham nhũng” sẽ không bị trừng trị.
Trong giờ phút này, thật không phải để nói về lỗi những người vừa bị bắt. Nhưng, sự tỉnh táo để nói ra sự thật luôn là cần thiết ngay tại thời điểm có nhiều cảm xúc. Cũng như vụ New Century, các nhà báo trong vụ PMU 18 đã không sử dụng các nguồn tin độc lập để kiểm chứng những thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp. Khi không có điều kiện kiểm chứng, các nhà báo cũng đã không dẫn rằng nguồn tin mà báo chí đang sử dụng này được tung ra từ những người đang làm án. Dư luận chắc chắn sẽ tỉnh táo nếu như biết được, những tin đó không phải do các báo “điều tra riêng” mà được đưa ra vì cơ quan điều tra muốn một ai đó bị đặt trong vòng tố tụng. Tất nhiên, các báo “khách quan” như vậy có thể bị cơ quan điều tra tẩy chay, không có được những tin sốt dẻo mà cơ quan điều tra dành cho báo khác.
Nhưng cho dù có những sai lầm đó, các nhà báo cũng không thể nào bị bắt. Quyền được thông tin của người dân là không thể nhân danh điều gì để ngăn cản. Các nhà báo không những không vụ lợi trong việc đưa tin mà còn đã truyền tải chúng với động cơ của những người nhiệt tình chống tham nhũng. Các báo có thể sẽ phải đính chính, bị kiện, phải bồi thường rất nặng cho những nạn nhân của các thông tin sai. Nhưng không thể bị bắt vì những điều mà họ không phạm phải. Không chỉ là vấn đề pháp lý, không dễ lý giải với dư luận vì sao những nhà báo đứng đầu trong một cuộc đấu tranh chống tham nhũng, không vì tham nhũng, lại đang phải ngồi tù.
Huy Đức (Ngày 13/5/2008)