Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Thế giới nghiện

Nghiện! nhắc đến từ này chắc người ta nghĩ ngay đến thuốc phiện, heroin, rượu, nghiện thuốc lá... Nhưng thế giới nghiện phong phú lắm chứ không đơn giản như ta tưởng.


Loại trừ những cái nghiện trên vì truyền thông nói quá nhiều. Ở đây nói đến những cái nghiện khác. Ví dụ đay là một loại nghiện.Tôi biết một cô ban đầu thích văn chương, rồi mê văn chương và sau đó là nghiện văn chương. Từ ngày sa vào đó, cơn nghiện lên, cô đi đọc thơ với những ca nghiện khác, cùng quán xá tơi bời, rượu chè chẳng kém đám mày râu. Cô cần thơ văn hơn chồng con.Cái tổ ấm với anh chồng và đứa con chỉ là cái cành đỗ sau mười giờ tối. Chán quá với cô vợ nghiện bất tử , anh chồng chào thua và xin li hôn. Cô vợ chẳng cần đắn đo đặt bút kí liền đẻ tiếp tục nghiện. Cái nghiện này họ tự tay phá toang một tổ ấm.. Một anh bạn khác nghiện đàn bà. Không có đàn bà là anh không chịu được. ở nhà cặp bồ , trên đường cặp bồ , lúc nào cũng có đôi ba cô dự phòng. Cũng may anh gặp toàn những cô nghiện đàn ông thành ra chung giường chung chiếu, hai bên cùng phê. Về sau anh cũng không biết mình la cái gì nếu thiếu đàn bà. Anh dần mất khái niệm gia đình, sống như con thú hoang. Cơ quan tôi còn có anh nghiện đọc báo và sau đó truyền thông cho xung quanh mẫn cán hơn cả thằng ti vi . Anh bảo: Một ngày không đọc báo Đảng là ăn không ngon, ngủ không yên. Từ ngày anh nghỉ hưu, tôi ít gặp nhưng tôi chắc anh vẫn nghiện đọc báo như xưa. Thằng em tôi nghiện cà phê sáng. Không có li cà phê sáng, nó như thằng mất hồn. Phải xong li cà phê thì con tàu công việc mới mở máy. Đúng như các cụ ta xưa từng tổng kết “ngủ ngày quen mắt , ăn vặt quen mồm.”. Nghiện là thứ con người thường gặp nó gắn vào đời mỗi con người vì món nghiện nó đáp ứng cho sự thỏa mãn thất khiếu của con người. Có cái nghiện từ mắt như sắc dục, thỏa mãn thả chim cò. Có cái nghiện từ tai để thỏa mãn cơn nịnh, có cái nghiện từ lưỡi để thỏa mãn vị giác (nhất là người có thói quen ăn ngon hoặc ăn thùng uống thình), có cái nghiện từ mũi, mũi phổng lên sau khi cái lỗ nhĩ chứa đầy lời khen.
Thực ra nghiện là thói thường tình ở con người ta thôi. Cái nghiện nó thúc đẩy cho con người hoạt động, đẻ ra mưu chước mánh khóe để đáp ứng cho chính mình. Có cái nghiện hại cho chính mình, có cái nghiện hại cho xã hội. chẳng mấy khi có cái nghiện nào vô hại, vì nghiện là rơi vào trạng thái thái quá, thái quá là bất cập. Trong mọi cái nghiện có thì nghiện quyền lực là kinh khủng nhất. Có ông suốt đời ngồi ghế quyền lực ngồi mãi ngồi miết rách cả tá quần, gẫy cả tá ghế mà vẫn muốn ngồi. vừa ngồi vừa lết hết ghế con đến ghế bố, bị mắng chửi cũng không thấy gì. Phần nhiều loại nghiện này thì mắt đui tai điếc miệng câm mũi tịt. Thất khiếu dường như hỏng cả. Nghĩa là nghiện đã tha hóa họ . Bệnh đã ăn vào Cao hoang, vào cái huyệt châm cứu không tới, thuốc không ngấm đến. Chỉ còn cái chết là chữa được đôi chút. Trong cái nghiện này, có cái nghiện u mê mù quáng, nhưng cũng có cái bản chất là nghiện tiền, cái đó phổ biến ngày nay. Tiền thỏa mãn cho thất khiếu, cho nên thất khiếu nhiều khi phải lui trước các cơn nghiện vì như thế nó sẽ nhận được lợi ích tối đa. Ôi, trên đời chỉ một chữ nghiện mà tai hại lắm thay.
1/10/1009
http://dongngandoduc.multiply.com

Kích cầu và những dấu hỏi lơ lửng




SGTT - Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc trở lại, một phần nhờ chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt của Chính phủ được cụ thể hoá trong gói kích thích kinh tế lên tới 8 tỉ USD. Tuy vậy, vẫn còn một số câu hỏi lơ lửng chưa có câu trả lời rõ ràng sau những con số đã công bố.
Dấu hỏi từ gói to…
Khi bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc công bố gói kích thích kinh tế lên đến 8 tỉ USD (143 ngàn tỉ đồng) tại phiên họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, nhiều nhà tài trợ quốc tế đã tỏ ra kinh ngạc sau đó. Lý do, Việt Nam có thể huy động ở đâu số tiền lớn đến như vậy trong bối cảnh thu không đủ chi, thâm hụt ngân sách tăng mạnh và vẫn vay nợ ODA?
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama kể, khi ông báo cáo với các đồng nghiệp phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương về con số này của Việt Nam, ông đã bị họ truy vấn rất nhiều. Khoản kích cầu tương ứng với 8,7% GDP trong năm nay đã làm Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực về cách chi tiêu công mạnh tay nhất. Ông Rama đã cố gắng bảo vệ con số này trước các đồng nghiệp để họ đưa nó vào bản báo cáo chính thức của WB dù không chứng minh được các chi tiết cụ thể lúc đó.
Cho đến gần đây, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại cho rằng, gói kích thích kinh tế của Việt Nam thậm chí còn lớn hơn, ở mức 145,6 ngàn tỉ đồng (8,6 tỉ USD). Cũng như WB, ADB đã không thể thống kê chi tiết các khoản chi tiêu trong gói này, vì theo một chuyên gia kinh tế của ngân hàng này, họ đã không thể tiếp cận các số liệu cụ thể. Về tổng quát, ADB cho rằng số tiền kích thích này bao gồm việc cắt giảm tạm thời 30% thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thêm tài chính cho các hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất 4% đối với một số khoản nợ ngân hàng và thúc đẩy việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu có bao nhiêu trong tổng số tiền trên đã thực sự được đưa vào nền kinh tế, chuyên gia kinh tế của ADB Bahodir Ganiev tỏ ra do dự. Ông nói: “Các số liệu về tài khoá trong sáu tháng đầu năm cho thấy (Chính phủ) không chi tiêu nhiều lắm. Các khoản chi tiêu không nhiều và không nhanh do các khoản đầu tư vẫn đang trong quá trình giải ngân”.
Nhưng giám đốc ADB Ayumi Konishi có cách lý giải khác: “Phát tiền cho dân nghèo, giảm thuế,… tức là cộng tất cả các khoản vào thì sẽ cho ra số kích thích, kinh tế 8,6 tỉ USD. Có nghĩa là không phải Chính phủ huy động được 8,6 tỉ USD tiền mặt”.
Ông giải thích lý do Chính phủ cần (công bố) gói kích thích kinh tế lớn đến 8,7% GDP: “Gói kích thích lớn là vì Chính phủ muốn đạt được mức tăng trưởng hợp lý. Mặt khác Chính phủ hiểu rằng, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam rất kém. Mức tăng trưởng như vậy là biện pháp tốt nhất để đảm bảo rằng không có quá nhiều người bị ảnh hưởng quá tiêu cực do suy giảm kinh tế”.
… Đến gói nhỏ
Cho đến gần đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những tín hiệu rõ rệt trong việc ghì cương các khoản vay liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 4% do lo ngại lạm phát gia tăng. Có vẻ như, khoản kích thích này đang hoàn thành nốt sứ mệnh của nó. Ông Konishi bình luận: “Tôi không cho rằng cơ chế này là hoàn hảo, nhưng ít nhất nó cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại được qua thời điểm xấu nhất”.
Nguồn cho gói hỗ trợ lãi suất này, theo giải trình của bộ trưởng Võ Hồng Phúc trước Quốc hội tháng 5 vừa qua, là lấy từ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ADB, tổ chức vừa thông qua khoản vay 500 triệu USD cho Việt Nam nhằm chống suy giảm kinh tế, cách giải thích này sẽ gây ra sự hiểu lầm lớn. Ông Konishi nói: “Dự trữ ngoại hối không phải là một khoản dự trữ mà Chính phủ gửi ở ngân hàng, hay một loại quỹ mà Chính phủ có thể tiêu. Nghĩa là Chính phủ không thể lấy 1 tỉ USD ra chi để hỗ trợ lãi suất. Rõ ràng đã có quá nhiều hiểu lầm”.
Ví dụ thế này, doanh nghiệp tư nhân có hàng hoá để bán ra nước ngoài lấy 1 tỉ USD. Về lý thuyết doanh nghiệp đó không thể tiêu 1 tỉ USD đó ở Việt Nam và phải mang đến ngân hàng thương mại. Đến lượt ngân hàng thương mại lại mang số tiền đó đến NHNN để đổi lấy số tiền Việt
tương đương.

Ông Konishi lý giải, như vậy 1 tỉ USD nằm ở NHNN như là dự trữ ngoại hối, nhưng lại không phải là tiền của NHNN. Ông nói, dự trữ ngoại hối là rất quan trọng, vì khi nhập khẩu hàng hoá, các doanh nghiệp phải đến ngân hàng mua ngoại tệ để nhập khẩu. Một khi dự trữ ngoại hối bằng không, thì bạn không có tiền để nhập khẩu nữa. Ông nhấn mạnh: “Vì thế, dự trữ ngoại hối chẳng liên quan gì đến tiền của Chính phủ”. Mặc dù vậy, ông thừa nhận rằng ADB vẫn tính gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỉ USD mà Chính phủ công bố vào các thống kê chính thức của tổ chức này.
Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng rõ ràng, nhu cầu về một tổng kết rõ ràng, minh bạch về gói hỗ trợ vừa qua vẫn còn đó. “Tôi phải nhấn mạnh thêm, trong việc Việt Nam vượt qua suy giảm kinh tế, có công rất lớn của người dân và doanh nghiệp, bên cạnh chính sách của Chính phủ”, ông Konishi nói.
Tư Giang