Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

PHÓ THỦ TƯỚNG LỠ MIỆNG


          Là lỡ miệng nói… dối, chứ không phải lỡ miệng nói thật như ông Trần Đình Đàn  (Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội).

          Thật tình, tôi không dám tin những lời nói đó là của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Hai ngày qua, tôi đã cố ngóng chờ một lời cải chính từ báo chí rằng đó là do các tòa báo dẫn sai lời ông. Hoặc một câu “nói lại” từ chính Phó Thủ tướng rằng đó chỉ là do cách diễn đạt của ông nó luẩn quẩn, rối rắm khiến người nghe hiểu sai, hay chỉ bởi ông lỡ miệng nói sai mà thôi.
          Và rồi tôi thất vọng. Thất vọng khi hiểu ra báo chí dẫn đúng lời ông, không sai một dấu phẩy.
          Hãy nghe lại lời Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Cho đến lúc này, dư luận trong nước cũng như trên thế giới, kể cả những người khó tính, còn ai nói đến vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên nữa. Điều đó cho thấy, khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi”. (theo VietNamnet)
          Có thể, Phó Thủ tướng không nghe thấy ai nói thật. Hoặc có nghe nhưng ông lỡ miệng… nói dối!
          Tôi không tin Phó Thủ tướng lại nói dối, nhưng tôi cũng không tin ông lại không biết, không nghe được những ý kiến phản đối chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, sự phản đối đã trở nên như một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử. Sự phản đối đồng loạt, rầm rộ, cuốn hút, quyết liệt, căng thẳng đến mức buộc Quốc hội và Bộ Chính trị phải có ý kiến “lắng nghe, tiếp thu”…
          Chỉ riêng trang mạng Bauxite Việt Nam, đã có 2.751 chữ ký phản đối của trí thức trong và ngoài nước (tính đến 11 giờ trưa ngày 7-9-2009). Chẳng lẽ Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng không biết, không nghe thấy những tiếng nói phản đối của hàng nghìn trí thức kia? Và hàng nghìn ý kiến khác từ các nhà khoa học, văn hóa, các bậc công thần và tướng lĩnh cao cấp. Chẳng lẽ Phó Thủ tướng cũng không biết và không nghe thấy ý kiến phản đối của đại tướng Võ Nguyên Giáp qua 3 bức thư can gián gửi Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ?
          Tôi không ký vào bản kiến nghị của Bauxite Việt Nam, nhưng không phải là tôi đồng tình với chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên. Có thể người ta không nói, nhưng không phải không nói tức là họ đồng tình với anh. Có khi là do người ta nản chí, không còn tin vào anh nữa nên mới không thèm nói!
          Vì thế, bảo việc khai thác bauxite Tây Nguyên đến nay không còn ai nói nữa, đang gặp thuận lợi, tức là anh đang nói dối, là phủ nhận, là không thèm lắng nghe và hắt gáo nước lạnh vào 3 bức tâm thư của ông Võ đại tướng cùng hàng nghìn trí thức đang còn nhiệt huyết góp ý cho Chính phủ.
          Tôi rất ngạc nhiên, ngạc nhiên đến sững sờ trước phát biểu của ông Trọng. Chẳng lẽ đó lại là phát biểu của một… Phó Thủ tướng?
          Một chính phủ mà chỉ thấy được thuận lợi, không nhìn ra khó khăn trước những chủ trương, quyết sách của mình, thì đó là một chính phủ… ngủ gật! Và tất nhiên khi đó cái chủ trương, quyết sách kia khó có thể thành công!
http://truongduynhat.wordpress.com

PHẠM LƯU VŨ - Thu Nguyệt và triết lý...



Tập thơ bìa cứng, trang nhã một màu vàng nâu, mới nhìn tưởng như một mảnh... ván ép. Trong ruột tuyền một loại giấy dày, trình bày giản dị, thậm chí cố làm như cẩu thả, sơ sài. Tên tập thơ, hai chữ: “Theo mùa” chân phương, viết tay như thể bằng bút chì, ngay dưới bức tranh thiếu nhi thu nhỏ như cũng được nguệch ngoạc bằng bút chì.

Bức tranh của một cô bé tám tuổi cực kì ấn tượng. Tất nhiên không thể thiếu mấy chữ: “thơ thu nguyệt”(không viết hoa) nhỏ li ti nhìn tinh mới thấy, lại chia thành từng chữ cái mà trình bày theo hàng dọc, nom như bóng của một... cây tăm.


Thế mà bên trong lại chẳng “tăm” tí nào. Tôi phải lấy ngay câu hay nhất, trong một bài thơ vào loại tuyệt bút của tập thơ làm “tít” cho bài viết này. Câu: “Cả đời làm một cuộc rơi không thành”. Bài thơ có tên: lá giả. Nguyên văn như sau:


Sống dai hơn lá ngoài trời
Cả đời làm một cuộc rơi không thành


Gió đùa không biết rung rinh
Nắng mưa không thấm, trơ mình mà xanh
Giọt sương cũng giả long lanh
Hình như chỉ bụi đeo quanh thiệt lòng!!!


Bạn đã thấy hồn vía của lục bát chưa? Nhuyễn đến mức làm người ta quên rằng mình đang đọc một bài... lục bát. Nhưng trên hết là cái tư tưởng xuất thần của tứ thơ. Té ra con người làm ra những chiếc lá giả (bằng ni lon, bằng vải...) chẳng qua là một cách mô phỏng chính... cái kiếp người. Phật dạy kiếp trần tục chỉ là tạm bợ, là giả. Thì có khác gì chiếc lá bằng nilon, bằng vải... ấy. Tất cả đều là giả hết. Giả từ màu xanh cho đến sự long lanh... Nhưng mà cái thứ bám vào là bụi, bụi đời kia thì... có thật. Bài thơ ngắn, nhẹ nhàng mà thấm thía. Câu: “Cả đời làm một cuộc rơi không thành” có thể ám ảnh bất cứ người nào (chẳng may) đọc phải.


Cần phải nói rằng trong “phong trào” mới mẻ, cách tân, phá phách... thi ca, chữ nghĩa, văn chương sôi sục, lục bục như một nồi cháo khê vĩ đại hiện nay, Thu Nguyệtlà một nhà thơ trẻ vẫn bình tĩnh giữ cho mình một giọng điệu truyền thống. Có vẻ như nữ sĩ này cho rằng hình thức, giọng điệu không quan trọng. Quan trọng là có cái gì ở trong “thơ” hay không. Không chọn trước giọng điệu, tôi biết có nhiều người làm thơ như thế. Cứ mặc cho cảm xúc nó “hạ” ta xuống “con đường” nào, ừ thì đi theo “con đường” đó. Mọi “con đường” đều dẫn tới... thi ca! Một tập thơ gồm bốn mươi tám bài, có đến ba phần tư (ba mươi sáu bài) viết dưới thể lục bát. Vậy mà đọc vẫn không nhàm. Bài theo mùa mở đầu tập thơ, chính là nói đến cái “tâm” ấy của nhà thơ. Một thứ “tuyên ngôn” giản dị của một tâm hồn nữ sĩ:


Lòng người chẳng hạ chẳng đông
Lòng ta hạt nhớ đem trồng đất quên


Cây đời ta mọc mình ên
Ngả nghiêng rồi cũng làm nên bóng tròn
Lẽ thường nắng tắt mưa tuôn
Ta không có bóng vẫn còn có ta
Không cần trái, chẳng cần hoa
Xanh xanh vài chiếc lá là có cây


Lộc non chăm chút tháng ngày
Vậy rồi...
ta thả lá bay theo mùa.


Bạn cứ đọc tiếp tập thơ đi, rồi bạn sẽ tin rằng Thu Nguyệt đạt tới cái “nhẽ” của một nỗi lòng tâm thế. Những bài thơ, những câu thơ không còn mang “giới tính” của người đã sáng tạo ra nó. Đây là điều khác biệt hẳn đối với đa số các nữ thi sĩ ở xứ ta hiện nay. Thơ của các “nàng” đọc một bài, thậm chí một câu cũng biết ngay đó là của một nhà thơ nữ. Nếu không xưng “em”, thì cũng có gì đó điệu đàng như được phớt qua son phấn, thậm chí có “nàng” còn không ngần ngại lôi cả “của quý” của mình vào thơ. Thơ Thu Nguyệt hoàn toàn không giống như thế. Cả tập thơ chỉ hai ba bài có chữ “em” thì hình như lại để ở ngôi... thứ hai. Ngôi thứ nhất trong mấy bài ấy vẫn là chữ: “Ta”. Cứ như thơ của một chàng trai tặng cho người tình của mình vậy. Ví dụ bài gió tan:


Luôn vòng tránh nẻo bình yên
Tình yêu, ngọn gió luôn quên bầu trời
Biết lòng gió chỉ vậy thôi
Mênh mông em vẫn bầu trời đa đoan


Vẫn thừa một ánh trăng sang
Vẫn dư một mặt trời khan ngắm mình
Rối ren ngàn ánh sao xinh
Lung tung hàng triệu thứ tình không đâu


Ta tìm hoài gió trong nhau
Gió tan lại miệt mài đau suốt đời
Ta quên có một bầu trời
Bên ngoài ngọn gió có rồi lại tan...


Kể ra bài này vẫn có chút gì lý sự, làm dáng chữ nghĩa, phảng phất một giọng thơ học trò. Cái gì mà “ánh trăng sang”? rồi lại “ánh sao xinh”?... Nhưng đến mấy câu trong bài ngoái sau đây thì các bậc mày râu thi tửu xưa nay chắc cũng viết đến thế là cùng:
...


Kẻ ngông bày ra rượu
Người trí bày ra trà
Ta không ngông không trí
Trà rượu đều chán ta.
...


Đã tâm thế thì không thể không triết lý. Con người trôi theo dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời thật khó mà nhận ra một cái gì đó của riêng mình. Thu Nguyệt viết về cái triết lý ấy rất giản dị mà rõ ràng. Bài thơ có tên: miền không bay:


Ta là cái kiếp thiên di
Nương theo lực hút mà đi theo đàn
Thuận theo thời tiết mùa màng
Một chiều trở chứng rẽ ngang thình lình


Xứ xa đứng hót một mình
Thấy hoàng hôn giống bình minh lạ lùng


Quay về lực hút đàn chung
Phận non thì phải bay cùng thế thôi
Lâu lâu làm chuyện ngược đời
Tách đàn ra đứng khơi khơi...
lại vào!


Lạc đàn ta chẳng muốn đâu
Mà sao thỉnh thoảng cứ nhào ra riêng


Gió lùa theo hướng chữ DUYÊN
Ta bay chung để đến miền không bay.


Tôi có thói quen đọc thơ khác với đọc tiểu thuyết. Tiểu thuyết thì phải đọc lần lượt từ trang đầu đến trang cuối, hết tập nọ rồi mới đến tập kia. Thơ thì không cần phải như thế, thậm chí không nên như thế. Một tập thơ có thể đọc bắt đầu bằng bất cứ trang nào, bất cứ bài nào, thậm chí câu nào. Mở ra rồi gấp lại. Gấp lại lại mở ra... Cái kiểu đọc ấy rất thú, nó không làm ta nhàm chán đã đành, lại rất dễ “tóm” được những câu thơ hay. Chẳng hạn:


Biển ngàn năm vẫn mênh mông
Ta vài năm đã nghe lòng cạn khô. - Bài cạn trang 18


Hoặc:

Núi rừng cứ đẹp trơ trơ
Làm cho ta bỗng nghi ngờ chính ta... - Bài mỏi mòn trang 27


Hay là:


Gió nương mái cũ đi nhờ
Hiên nhà dấu nước vẫn chờ giọt mưa. - Bài vẫn y trang 25


Đến những câu như thế này thì thật thích:


Hình như núi sững sựng buồn
Mây bay trần tục như luồng khói xe. - Bài mốt trang 13
...


Tập thơ còn có hai bài lục bát, hiện đại bởi dùng ngay những thuật ngữ vi tính, biến ngôn ngữ trên bàn phím, trên màn hình máy vi tính thành ngôn ngữ thơ rất khéo, rất tài hoa. Bài keyboard thơ:


Ta cầm tinh tuổi con mèo
Vừa đì lít (delete) đã vội seo (save) nỗi buồn


Việc đời nửa nắm nửa buông
En tơ (enter) vừa mất, cuống cuồng ân đu (undo)
Cắt dán (cut paste) dữ liệu lu bu
Phai (file) tình, phai nghĩa... không lưu cũng đầy!
Muốn được an (alt) cũng bó tay
Đời như kiếp chuột (mouse) cứ xoay vòng vòng...”


Bài không cần password:

“Ta mong mở cổng niềm vui
Mà không biết password đời đặt ra...”
Tôi cũng đã từng đọc tạp văn của nữ thi sĩ này. Một giọng Nam Bộ rất chi là tự nhiên, máu thịt. Thơ của chị cũng thế. Có những câu thơ tỏ ra hơi dễ dãi, nhưng vì âm hưởng vùng quê của nó mà vẫn không nỡ trách:


Cái trò tát nước đầu đình
Bỏ quên áo xống linh tinh mắc cười... - Bài chỉ một chữ HƯ


Đến cái tên bài thơ đôi khi cũng giản dị như một câu nói miệt vườn. Bài vậy cũng ngon rồi:


Cám ơn chiếc dép người kê
Cho ta ngồi giữa bốn bề cỏ hoa
Bàn chân nhấm dấu đường xa
Dép mòn sát đất có mà như không!

Dẫu sao còn một chút lòng
Cho nhau tựa giữa mênh mông cuộc đời.
Đâu cần dép phải đủ đôi
Chỉ cần một chiếc kê ngồi cũng ngon!
Chỗ ngồi này hẳn là ngồi thiền, không thì cũng ngồi bên cạnh chùa. Thiền thì không thể có đôi. Ngồi bên chùa thì chớ ngại lẻ loi. Tập thơ còn có mấy bài viết về thiền, về chùa song chưa có ấn tượng mấy. Chắc tại hồn vía thơ của những vị đại sư kiêm thi sĩ như Mãn Giác thiền sư, Trần Nhân Tông... vẫn còn văng vẳng đâu đây chăng? PHẠM LƯU VŨ