Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Hội chứng đám đông và các ứng dụng của nó.

Hôm qua sau khi hội đàm riêng với TNS John Mac Cain, tôi đã quyết định cần phải có một cuộc gặp tay đôi với TT Obama, để có thể nhận được những cam kết mang tính pháp lý vững chắc về sự ủng hộ của Mỹ đối với VN trong vấn đề biển Đông.
 
Trên đây là một đoạn văn mà tôi có thể post 1 cách thoải mái trên blog của mình mà không e sợ điều gì. Như vậy phải chăng khi đang ở trên mạng, hay nói đúng hơn trên internet ta được tự do hoàn toàn?
Không, không hề. Vì có những chuyện tưởng nhỏ nhưng bạn sẽ bị thiên hạ xúm lại ném đá tơi tả. Thí dụ: bạn vào 1 diễn đàn nào đó và phát hiện ra họ viết sai chính tả thường xuyên. Và bạn lên tiếng phê bình họ vì chuyện nầy. Nhưng cái chính là họ không xem là mình viết sai, mà chỉ là chuyện thường ngày ở huyện. Như có gì không? Thì được viết có j 0?
Một ví dụ khác: khi tất cả mọi người đang xúm lại nói phải làm như vầy, như vầy bla bla… mới là yêu nước. Thế mà bạn lại dám nói khác đi 180 độ. Ngay lập tức bạn sẽ biết thế nào là lễ độ. Và đó cũng chính là hội chứng đám đông.
Tôi không biết cụm từ “hội chứng đám đông” đã ra đời từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào. Nhưng về những hành vi mà người ta hay nêu khi nói về hội chứng nầy thì tôi thấy hơi lạ. Vì chỉ cần ngắn gọn: hùa, a dua hay đánh hôi v.v…
Và ý nghĩa của nó thường là XẤU. Điều tai hại của vấn nạn nầy là càng ngày nó càng lan tỏa ra cả đời thường, một thí dụ dễ nhận thấy: ở các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, khi đèn xanh vẫn còn khoảng 5 giây thì bên kia bọn họ đã dợm chạy và khi đèn vàng bật lên, có nghĩa là người ta vẫn còn ít nhất 3 giây nữa để vượt qua hoặc dừng lại tùy theo vị trí xe của bạn lúc đó. Thì bên kia lại là tín hiệu xuất phát, và khi bạn đã lở ở giữa đường mà lại chạy chậm, có khi lại gây ra kẹt xe cục bộ, lúc đó bạn không có lỗi sẽ trở thành có lỗi khi cả một đám đông đâm vào một mình bạn!
Khi những cái sai nhỏ không được nhắc nhở, hoặc không ai dám nhắc?, theo thời gian nó sẽ trở thành thói quen. Những thói quen xấu khiến chúng ta có thể trở thành một người thiếu, kém hoặc vô văn hóa!
Chúng ta có thể dùng những từ lạ khi trao đổi với nhau cho vui, nhưng chúng ta không thể làm thế dưới dạng văn bản, thí dụ như viết entry trên blog v.v…Bạn không được phép làm điều đó nếu như bạn có lòng tự trọng!
Ở đất nước chúng ta, chúng ta không thể làm một cuộc trưng cầu dân ý. Để xem có bao nhiêu người thích hay không thích một việc nào đó, một người nào đó hay một sự kiện nào đó. Bởi vì sự thật luôn là một cái gì đó bí ẩn và có phần xa xỉ.
Cũng may là nhờ có hội chứng đám đông, mà chúng ta có thể phỏng đoán được ít nhiều về cái được gọi là sự thật cơ bản. tuy nó có khác với bổ đề cơ bản một chút, nhưng nó lại gần gủi với nhân dân hơn!
Chỉ có điều nếu dùng tới hội chứng đám đông, các bạn phải biết cách phân biệt giữa hai trường phái của nó. Đó là cá nhân và tập thể. Cá nhân thì chúng ta thấy rồi, biết rồi. Vậy còn tập thể là gì?
Rất đơn giản, chỉ cần sáng sớm ra sạp báo liếc sơ qua các tít là các bạn sẽ thấy ngay. Như sáng nay chẳng hạn: 16 chử vàng, 4 tốt. Tít giật đồng loạt trên tất cả các tờ báo giấy. Đó là hội chứng đám đông trường phái tập thể đấy!
Một khi bạn đã phân biệt được là trường phái nào, cũng có nghĩa là bạn đã là một phần không thể thiếu của nó. Và hãy chấp nhận cuộc chơi!

PS: Chỉ có một trường hợp ngoại lệ: Hiệu trưởng cắt cổ giáo viên lại không thuộc về hội chứng đám đông. Hãy chú ý điều nầy nếu bạn không muốn mình rớt trong kỳ thi sắp tới!
Gợi ý cho bạn: một không phải là một mà là nhiều một, nhiều trong một hoặc tất cả vì một!

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Thư cho Tía,




Kính thưa Tía, cứ mỗi năm vào ngày nầy là con đều viết thư để báo cáo cho Tía và cô dì cậu dượng, những người tuy không cùng sinh một ngày nhưng lại chết cùng nhau. Từ đó mới có tên là ngày giỗ nhà, năm nay kinh tế gia đình hơi hẻo cho nên con gộp luôn cả giỗ của chú Út lại làm chung một lần cho nó bớt tốn kém, bởi nghèo hèn một thể chú Út cũng đóng góp cho nhà mình cái bằng tổ quốc ghi công như tía và mấy người kia.

Báo cáo với Tía là năm nay đạo cao 1 thước thì ma lại cao hơn 2 trượng. Bởi vậy hôm qua khi lau chùi bàn thờ, nhìn lại mấy cái bằng liệt sỹ xấp lớp bất giác con suy nghĩ: Chắc mấy ông bà nhà mình lầm. Lầm ở đây không phải là: Ta đã lầm đưa em sang đây của ông nhạc sỹ Lam Phương. Mà là lầm ở chổ hồi đó sau cái ngày 30/4/1975  Tía và cả nhà trên bàn thờ đã cười hể hả: thế là nước ta đã có Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc rồi hé!

Thế mà năm nay sau 36 năm kể từ ngày ấy, sau khi coi lại những hình ảnh biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, thấy những bạn trẻ bị bắt. Nó cũng giống như hình ảnh tía với mấy dì cô cậu dượng ngày xưa bị Mỹ - Ngụy vây bắt vậy đó Tía ơi.
Vậy là con đường đi tới ĐL-TD-HP chúng ta đi chưa đến đích đâu hé Tía, chắc là còn lâu lắm vì từ sau ngày giải phóng đất nước cho tới nay đã hơn 36 năm, nay ta lại trở lại điểm xuất phát của của mấy chục năm trước: đấu tranh – biểu tình – bị bắt. Thả ra lại tiếp tục đấu tranh, biểu tình và lại bị bắt!

Con nay đã bằng tuổi của Tía lúc Tía hy sinh, như vậy biết chừng nào con mới được ĐL-TD-HP hả Tía, chắc là phải leo lên bàn thờ ngồi chờ thời như Tía nữa rồi!

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Sự thật = Sức mạnh của truyền thông và Sự sợ hãi từ cả 2 phía!




Hôm qua có rất nhiều bạn đã không đến dự hội nghị Truyền thông và sự thật tổ chức tại Dòng Chúa cứu thế 38 Kỳ Đồng, Q3, dù trong lòng rất muốn! Vì đến đây khác với tuần hành trên đường phố vào ngày 5/6. Vì đến đây bạn sẽ dễ dàng bị nhận diện, và có thể bị đưa vào sổ bìa đen của lực lượng an ninh.

Những bạn nầy đã chọn giải pháp an toàn là không tham gia. Ở đây tôi chỉ nói đến một loại đối tượng, là các bạn trẻ đã quyết định tham gia tuần hành vào ngày chủ nhật 5/6/2011. Để phản đối ý đồ của TQ xâm chiếm lãnh hải HS-TS của nước ta.

Cũng hôm qua, khi vừa đáp xuống sân bay TSN sau chuyến hành trình từ HN của blogger Người Buôn Gió để tham gia hội nghị Truyền thông và Sự thật nhân ngày Truyền thông công giáo thế giới. Anh đã sms cho ban tổ chức báo tin đã đến TP/HCM.Nhưng đến 19h30 thì ban tổ chức thông báo anh đã bị CA. Q. TB bắt giử không rõ lý do.

Cũng hôm qua Trương Thái Du đã cho hiện bài viết: Một hành động không thể bào chữa. Xin trích:

“Nếu các bạn cũng như tôi, là một người đi biển từng gắn bó nhiều năm với biển Đông, bạn sẽ kết luận ngược lại với dư luận hiện nay trên mạng. Nghĩa là chính phủ Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn. Ít ai biết rằng từ những năm 1990 trở đi, hoạt động trên biển của tàu thuyền Việt Nam thỉnh thoảng vẫn va chạm với tàu chiến Trung Quốc. Có lần ở ngay cửa vịnh Bắc Bộ tàu hàng Việt Nam đã bị đại liên bắn xối xả lên cabin vì đi quá gần nơi dầu khí Trung Quốc đang tác nghiệp. Còn chuyện các tàu phục vụ khai thác dầu Việ t Nam chạm trán với các tàu tuần tra Trung Quốc thì có thể so sánh như cơm bữa. Người dân không biết. Báo chí im lặng. Chính phủ hoặc cố nín nhịn hoặc tìm chưa ra cách giải quyết vấn đề. Những câu chuyện chỉ truyền miệng nhau trong giới, nhiều khi tắc nghẹn vì bức xúc.”

Như vậy những vụ việc như thế này đã xảy ra từ rất lâu và có hệ thống. Nhưng truyền thông đã không được phép đưa tin, mãi cho đến vài ngày trở lại đây mới được phép công khai. Xin trích ý kiến của một bạn comment trên blog TTD:

“Tôi không tán thành quan điểm này ở điểm không rõ ràng.
Với tình hình Trung Quốc liên tục gây hấn, nếu chỉ phản ứng ngoại giao như hiện tại sẽ không thể ngăn chặn các hành động tiếp theo của Trung Quốc. Mà để xảy ra tình hình này, tôi cho rằng cũng do chính phủ đã không có những phản ứng mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc lâu nay.
Với lợi thế địa lý, chúng ta có thể hành động cứng rắn mang tình răn đe đối với tầu chiến Trung Quốc. Cả hai quần đảo đều nằm trong tầm hoạt động của máy bay chiến đấu Việt Nam 300-600KM, trong khi lại quá xa cơ sở quân sự gần nhất trên đảo Hai Nam của Trung Quốc (1500KM)
Trong 10-20 năm nữa, Trung Quốc có thể có tầu chiến sân bay, chung ta sẽ mất đi một số lợi thế. Do đó cần thiết phải có hành động cứng rắn ngay từ bây giờ
Không thể tin được bọn Tàu. Phải hành động”

Trong cái thế giới phẳng hôm nay, thông qua Internet thật khó có điều gì có thể che giấu được công chúng. Nhưng công chúng ngược lại về phần mình cũng rất e dè để có thể nói ra sự thật, hay chỉ một phần của sự thật. Đó là một sự thật có phần éo le và câu hỏi được đặt ra là: Bạn sẽ làm gì khi biết được sự thật?

Có một khách hàng của tôi mỗi khi đến quầy gặp tôi là anh lại phàn nàn đủ thứ về những thói hư tật xấu của chế độ. Có những điều anh nói không sai, nhưng vấn đề anh chỉ dám nói với tôi, như một công cụ cho anh xả stress. Bởi khi tôi hỏi sao anh không đăng lên mạng, hoặc anh viết ra đi tôi sẽ đăng dùm anh thì anh im lặng. Và tôi biết là anh sợ. Một nỗi sợ thâm căn cố đế, và có thể nói đó cũng là nỗi sợ mà đa số người Việt đều mắc phải. Cho dù họ không làm gì sai!

Còn ở phía bên kia thì sao? Họ cũng vậy! Có rất nhiều người biết rất rỏ về sự kiện blogger Điếu Cày, anh đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc năm 2007, cũng vì lý do Hoàng Sa – Trường Sa. Sau đó anh bị truy tố và ngồi tù vì tội danh trốn thuế. Mãn hạn tù anh lại tiếp tục bị tống giam và lần này với tội danh phản quốc theo điều 88 của bộ luật hình sự.

Thật khó tin khi một người ngồi trong tù suốt hơn 2 năm trời lại có thể phạm tội, và lại là tội lớn như thế! Nếu thế thì phải giải thích như thế nào cho công chúng? Không có thông tin! Và theo như các phương tiện truyền thông đã đưa tin thì chỉ vài dòng như thế, không có phiên tòa, không xét xử, không tố tụng. Phải chăng nhà nước sợ anh? Hay nói cho đúng hơn là sợ sẽ lại có những người như anh. Không sợ chính quyền nhân dân!

Có thể đúng là như thế khi hôm nay lại nhận được tin blogger Mẹ Nấm bị bắt không rỏ vì tội danh gì. Nhưng tôi phỏng đoán là nhà nước không muốn sự có mặt của chị trong buổi tuần hành ngày mai. Vì sự hiện diện của chị cũng như của Người Buôn Gió sẽ ảnh hưởng rất lớn tới suy nghĩ và hành động của giới trẻ.

Cũng trong vài ngày vừa qua, trên facebook và trên blog của mình có một sự kiện khá lạ là một nhân vật của báo lề phải, một nhà báo trẻ, tài năng, một cán bộ nguồn của báo TN vì hình như anh là tổng thư ký tòa soạn. Anh đã đăng trên blog của mình, cũng như trên facebook những bài viết ngắn có nội dung kêu gọi mọi người đi tuần hành để phản đối TQ đã xâm chiếm lãnh hải nước ta. Theo ý kiến cá nhân tôi thì đây là một chuyện lạ. Vì với cương vị của anh, anh không thể hành động như vậy nếu không được sự chấp thuận của lãnh đạo, và nếu như vậy thì thông điệp này gửi đến cho chúng ta điều gì? Nhà nước cấm hay không cấm chuyện biểu tình tuần hành chống lại TQ?

Ai trả lời được câu hỏi nầy, người đó biết Sự Thật!