Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

TỪ “VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ VIỆT NAM ” ĐẾN HÀNG LOẠT NGHI VẤN HỌC THUẬT KHÁC

VÀ HÀNG LOẠT NGHI VẤN HỌC THUẬT

Tiếp bài “Sách của Viện trưởng Viện Hán Nôm có nguồn gốc bất minh”:

TỪ “VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ VIỆT NAM ”
ĐẾN HÀNG LOẠT NGHI VẤN HỌC THUẬT KHÁC


Trong khi dư luận đang xôn xao về cuốn sách Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam của ông Trịnh Khắc Mạnh (PGS.TS, Viện trưởng Viện Hán Nôm) có nguồn gốc bất minh (xem TPCT số 42), mặc dù không thể liên lạc được với ông Trịnh Khắc Mạnh, nhưng nhóm PV đã tiếp tục tìm hiểu và nhận được những thông tin về một số cuốn sách khác của ông cũng có nghi vấn về học thuật.

Mắc nhiều lỗi trong dịch thuật

Cuốn sách đầu tiên của ông Trịnh Khắc Mạnh là cuốn sách dịch Ô châu cận lục, làm chung với ông Nguyễn Văn Nguyên, in năm 1997. Các nhà chuyên môn (xin được giấu tên) ở Viện Hán Nôm cho biết nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Đại Vinh (ĐH Sư phạm Huế) đã có bài phê bình cuốn này trên tạp chí Văn hóa dân gian số 2 năm 2000, chỉ ra rất nhiều lỗi sai, từ khâu giám định văn bản, đến phiên âm, dịch chú (mặc dù sách này từ năm 1961 đã có bản dịch của Bùi Lương, NXB Á Châu, Sài Gòn). Những lỗi sai của bản dịch mới này đã được ông Trần Đại Vinh qui thành 5 dạng như sau: Hiểu lầm từ chỉ phương hướng thành ra từ chỉ tên riêng; hiểu sai một số từ chỉ sản vật; có những câu đơn giản nhưng dùng những từ không sát khiến cho câu dịch không chỉnh; bỏ những từ quan trọng không dịch chỉ ghi lại phiên âm; nhận thức sai từ ngữ hoặc cú pháp từ đó dịch sai lạc. Như vậy cuốn sách dịch sau đã không có đóng góp gì mới, mà còn cho thấy công việc dịch thuật đáng ngờ.

Năm 2008, cuốn sách Một số vấn đề về văn bia Việt Nam của ông Trịnh Khắc Mạnh được Nxb Khoa học xã hội ấn hành. Theo Lời giới thiệu của tác giả thì “đây là một tập chuyên luận được hình thành dựa vào nội dung cơ bản của luận án Phó Tiến sĩ về văn bia của chúng tôi bảo vệ tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô vào ngày 7 tháng 12 năm 1990 tại Matxcơva”

Nhưng ngay trong phần thứ hai về “Quá trình phát triển của văn bia Việt Nam” đã bộc lộ ra cung cách làm việc của tác giả. Theo Thư mục văn bia, Viện Hán Nôm có tổng cộng 11.651 đơn vị bản rập văn khắc, bao gồm các văn bản khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá và đồng, biển gỗ, v.v…Ông Mạnh viết: “Do chưa phân loại trong số 11.651 đơn vị này, bao nhiêu là văn bản bia, bao nhiêu là văn bản chuông và bao nhiêu là văn bản biển gỗ, v.v…; nên chúng tôi gọi chung là văn bia vì loại văn bản này chiếm đa số và chủ yếu”(tr.47). Việc gọi chung tất cả các bản rập là văn bia đã cho thấy ông Mạnh đã bỏ qua việc thực hiện thao tác sơ đẳng đầu tiên của bất cứ người nghiên cứu nào là làm thống kê, phân loại trước khi đi cụ thể vào các vấn đề. Tất nhiên cũng có một vài con số thống kê được nêu lên trong sách, nhưng phần lớn lại là sự phân loại của người khác được đưa vào.

Cuốn sách này dày 387 trang, với 121 trang (từ trang 228 đến 348) là Giới thiệu văn bản văn bia, bằng nguyên bản chữ Hán Nôm kèm theo bản dịch, chú thích. Trong đó có 20 tư liệu được giới thiệu, gồm 8 bài thơ (phần lớn các bài này đã được công bố ở trên sách hoặc tạp chí), 2 bia tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội (thuộc cuốn Văn miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ), 7 văn bia ông lấy từ cuốn Tuyển tập văn bia Hà Nội, 2 văn bia từ Thơ văn Lý Trần, 1 bia chữ Nôm tham khảo bản dịch của Nguyễn Thị Hường. Trừ 2 bia tiến sĩ do ông Mạnh có tham gia nhóm biên soạn nên ông đã không đề nguồn dẫn, còn các bản khác đều được ghi nguồn rõ ràng. Như vậy, trong số 12 văn bia được giới thiệu ở đây, thì 9 bia là ông dùng bản dịch của người khác, 1 bia ông tham khảo, còn 2 bia Văn Miếu là “của ông”. Điều này có nghĩa tác giả Trịnh Khắc Mạnh chỉ tập hợp chứ không công bố được bản dịch mới.

Mập mờ tên tuổi những người hợp tác với mình

Năm 2002, cuốn Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh được in. Sách liệt kê 23 tài liệu tham khảo chính chủ yếu bằng tiếng Việt: Lịch triều hiến chương loại chí, Trạng nguyên Tiến sĩ Hương cống Việt Nam, Lược truyện các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (2 tập), Thư mục Hán Nôm – mục lục tác giả, Di sản Hán Nôm – thư mục đề yếu, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Thơ văn Lý Trần, Tổng tập văn học Việt Nam…Trong số này chỉ có 2 cuốn Các nhà khoa bảng Việt NamThơ văn Lý Trần là có in tên các tác gia bằng chữ Hán bên cạnh chữ Việt, mà cuốn đầu cũng chỉ in kèm tên thật của các tiến sĩ, mà không có tên hiệu, tên tự. Ở cuốn Thơ văn Lý Trần cũng không cung cấp được nhiều về vấn đề này.

Vậy để có được tên tự, tên hiệu của 700 tác gia Hán Nôm, thì chỉ có cách lục tìm trong các tài liệu gốc các tập thơ văn nguyên bản chữ Hán Nôm. Và thế là các đồng nghiệp (cũng là học trò) của ông là Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Đức Toàn phải vào thư viện để giúp làm công việc vô cùng tỷ mỷ này. Đã có 1016 tên tự, tên hiệu được liệt kê, nhưng trong lời cám ơn của cuốn sách, Trịnh Khắc Mạnh đã ghi một cách đơn giản là “Ths. Nguyễn Hữu Mùi và CN. Nguyễn Đức Toàn tham gia làm đối chiếu với các nguyên bản sách Hán Nôm”(tr17). Trên thực chất công việc “đối chiếu” này chính là nội dung quan trọng nhất của cuốn sách tên tự, tên hiệu, bởi các tài liệu tham khảo kia chỉ là tài liệu tiếng Việt. Hơn nữa, theo sự đánh giá của giới Hán Nôm, thì cuốn sách ngoài giá trị viết ra được các tên tự tên hiệu bằng chữ Hán Nôm, thì ông Trịnh Khắc Mạnh cũng không cung cấp được thông tin gì mới về thân thế và tác phẩm của các tác gia Hán Nôm đã được nêu trong các sách của các tác giả đi trước. Thật đáng tiếc cho những cộng sự rất vất vả của ông, lẽ ra phải được đứng tên theo cách: Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên) Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Đức Toàn (có thể là cả PSG. Trần Lê Sáng người đã tham gia làm một số phiếu), chứ không thể đề tên của một mình tác giả Trịnh Khắc Mạnh.

Hà Phương
Nguồn: Tiền Phong Cuối tuần số 43 (24-30/10/2009), tr. 5.