Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Những linh hồn rỗng


Hắn
       Kể từ đêm ấy hắn trở thành đàn ông, ngay trong căn nhà mặt phố có ông bố làm quan. Cho tới tận bây giờ, hắn vẫn chưa hiểu điều gì đã xãy ra với mình. Vì mọi chuyện đã diễn ra quá nhanh, sau khi cánh cửa đóng lại hai mẹ con họ đã cùng nhau bóc từng mãnh vải trên người hắn, rồi họ lại cùng nhau vầy vò thân xác hắn, họ đói tình……đến 4h sáng hắn bị đẩy ra cửa với nửa triệu trong túi và lời dặn khi cần họ sẽ gọi.
     Có khi một tuần hắn bị gọi những năm lần, có khi chỉ 1,2 lần, đó là những khi ông ấy đi công tác vắng. Trong những lúc đầu óc còn tỉnh táo, hắn cũng mơ mơ hồ hồ nhớ lại….Nhà hắn ở con hẽm ngay phía sau nhà họ, cửa cái chỉ cách cửa hậu chỉ chưa đầy 2 m, hôm đấy hắn đi làm phụ hồ về hơi trễ hơn mọi bửa, lại ghé làm vài ve với ông cai nên về tới nhà thì đã 12 giờ đêm, trong lúc còn chưa mở được cửa thì một cái gì đó mềm mại, thơm tho ôm chầm lấy hắn, một thoáng ngạc nhiên, nhưng cơn say và cả sự động dục của con đực đã làm  mờ lý trí của hắn. Cô ta, người con vừa ôm vừa dìu hắn về nhà của mình, chỉ với vài bước chân.
    Bố mẹ hắn đã qua đời trong một tai nạn giao thông, để lại cho hắn ngôi nhà nhỏ trong hẻm, nhỏ hẹp nhưng cũng đủ chổ cho hắn đi về. Hắn bắt đầu nghĩ học để gia nhập đội quân phụ hồ, kiếm miếng cơm chén rượu qua ngày, thói quen nầy là của bố hắn tập cho hắn năm hắn 8 tuổi. Cứ mỗi lần ông nhậu đều cho hắn uống vài ly.Từ năm lên chín là hắn đã không thể sống thiếu rượu, y như ông già hắn vậy.
    Mười lăm tuổi, hắn to khỏe như một con trâu mộng, chỉ có cái đầu là không phát triễn gì thêm được nửa. Định mệnh đã bắt hắn làm đàn ông chính vào năm đó.
    Và giờ thì hắn chả làm gì sất, làm gì khi trong túi đầy tiền. Lúc nào người hắn cũng lơ mơ, nửa tỉnh nửa say. Không đi làm thì hắn còn biết làm gì cho hết thời gian?
Nhưng nói gì thì nói hắn cũng phải công nhận, hắn khoái trò chơi nầy, hay nói cho đúng hơn là hắn ghiền, ghiền mùi đờn bà, mùi mồ hôi lúc nào cũng nồng nặc của cả hai mẹ con, ghiền cái cách mà họ ăn nó, hít hà, liếm láp, cào cấu, nhai nghiến một cách cuồng loạn. Và sau mỗi lần họ ăn nó xong là người hắn bầm dập, thế mà hắn vẫn cứ thích được như thế, như một niềm hoan lạc bất tận.
Nhưng cuối cùng thì điều gì đến cũng phải đến, đêm hôm ấy khi vừa len qua cánh cửa hẹp hắn bị một vật gì đó, đen đúa bẩn thỉu chụp vào đầu, ngay sau đó là một trận đòn thừa sống thiếu chết. Hắn xỉu lên xỉu xuống mấy lần, vào lần tỉnh lại cuối, hắn nghe một giọng nói lạ, tuy nhỏ nhưng rõ từng tiếng một: lần sau mà tau gặp lại mầy  thì không toàn mạng nghe chưa con. Nghe xong là hắn chịu thêm một trận đòn cho tới khi không còn biết gì nữa.
Ông ta
Sau khi cho đàn em đánh cho hắn một trận nhừ tử, rồi quẳng ra sau nhà thì đã nữa đêm, ông cho bọn đàn em về nốt rồi khóa trái cửa lại lên lầu.
Họ đang chờ ông ta ở trển, chờ sự trừng phạt của ông mà họ biết là không thể tránh được. Nhưng cả hai mẹ con đều không ngờ khi nghe ông bảo: Làm đi, làm như chúng mầy đã làm với hắn ấy. Rồi ông cởi đồ ra, nói cũng tội, thân hình một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, thì làm sao bằng của một thẳng nhóc mười sáu tuổi.
 Và cả hai mẹ con họ đều đang sợ hãi, giờ phút nầy mà nói chuyện ân ái thì thật nực cười. Nhưng có điều họ biết là ông nói thật, và họ phải làm thôi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trong lúc họ còn mãi suy tính thì ông đã đi lấy một cốc rượu thuốc mà người ta biếu đã lâu nhưng chưa dùng đến, sau khi uống hết như sợ chưa đủ, ông ta lại rót thêm một cốc đầy uống cạn rồi đến salon ngồi đợi.
    Trong suốt cuộc đời làm quan từ Bắc chí Nam rong ruổi, ông vẫn thăng tiến đều đặn theo những con đường, những cây cầu mà ông xây dựng. Cho đến khi ông dừng bước ở cái thành phố nầy, cái thành phố lắm thầy nhiều ma.
     Bằng một bước đi lão luyện mà trong dân gian vẫn gọi là mua chức. Với hơn một nửa tài sản để đổi lấy cương vị bây giờ, lão bước vào một chương mới của đời mình. Nước cờ trúng phóc, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Chỉ trong ba năm lão, đã lấy lại gấp mười lần những gì đã bỏ ra.
     Nhưng cái sự đời thì không phải cái gì cũng chiều ý mình, tiền vô nhiều bao nhiêu thì người nhà lão lại ra đi bấy nhiêu. Đầu tiên là thằng con trai cả, vừa mới ra trường bảo về Sở của bố làm cho khỏe lại không chịu. Còn cãi bố rằng con phải về vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân. Thế là ngày ngày chạy xe máy ra ngoại thành làm việc, cho đến một hôm hắn tự vấp ổ gà, té xuống và đi luôn không lời trăng trối.
    Đứa thứ hai thì còn nhanh hơn, đang học lớp 12 mà hắn cứ đòi mua xe con, lại mua xe 2 cửa mới ghê chứ. Lão cẩn thận cho lính xuống dạy kèm hắn học lái, trong một đêm học như vậy cả hai thằng đã tông thẳng vào một trụ điện ven đường ở Vũng Tàu.
   Lần nầy thì lão hốt thật sự, chỉ còn thằng thứ ba mới học lớp 9. Giờ đây nó là thằng con thừa tự duy nhất, một chế độ bảo vệ nghiêm mật được đặt ra. Lần nầy lão không cho lính của lão làm nữa vì sợ huông, và vì một phần sợ tin tức lọt ra ngoài. Lão thuê hẳn một công ty bảo vệ chuyên nghiệp, nhất cử nhất động của thằng con trai đều có người giám sát. Đi học cũng có người ngồi canh tại trường, thậm chí khi nó vào nhà vệ sinh cũng phải đi theo để phòng ngừa bất trắc.
   Tất cả những biện pháp nầy đều do tư vấn của một ông thầy phong thủy người Trung quốc mà lão đã sang tận bên Quảng Đông để rước về. Cửa nẻo ở trong nhà, bàn bếp đều được kê kích lại cho đúng từng milimet theo sự chỉ dẫn của ông ta. Còn chổ làm việc của lão thì khỏi phải nói, mọi cái đều rối tung lên.
    Phòng lão trước đây rất rộng, giờ đã bị những thứ theo chỉ đạo của ông thầy mà sắp xếp làm cho nó trở nên chật chội. Cô thư ký là người bực mình nhất nhưng cô tự hiểu chớ dại mà trêu vào thầy. Giờ thì cô bị tống ra ngoài trông giống như người gác cửa, chứ không còn oai phong như thưở nào.
   Sau tất cả những thay đổi bước đầu ấy, mọi việc có vẻ đã có kết quả. Cuộc sống của lão bắt đầu trở lại bình thường. Những cuộc mua bán đổi chác lại được tiếp tục, càng ngày lão lại càng kiếm được nhiều tiền hơn.
    Lão đã vạch ra một kế hoạch mới, kiếm thêm một người để sinh con cho lão. Và trong thời buổi tiền là Tiên là Phật, thì người ta không thể không bán mình cho lão. Lão mua thêm một căn nhà mặt phố ở ngoại thành, không xa lắm chỉ độ nửa giờ ô tô cho hai mẹ con người mà lão chọn.
Cái cách mà lão chọn cũng khác người, mấy đại gia thường chọn hoa hậu, người mẫu để làm bồ nhí cập kè. Nhưng tiêu chuẩn đầu tiên của lão là phải mắn đẻ. Khi người môi giới đưa lão đi gặp cô ta thì lão lại chọn mẹ chứ không phải con, người mẹ lúc nào cũng theo sát bên con gái mình như sợ mất.
      Nhưng lão không nói ra điều ấy vội, chỉ đưa ra bản hợp đồng cho cả hai mẹ con ký vào. Những điều khoãn hậu hỉnh và cả ngôi nhà nữa đã làm họ mê mẩn. Thế là xong hậu cứ của lão đã thành hình.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

TỪ “VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ VIỆT NAM ” ĐẾN HÀNG LOẠT NGHI VẤN HỌC THUẬT KHÁC

VÀ HÀNG LOẠT NGHI VẤN HỌC THUẬT

Tiếp bài “Sách của Viện trưởng Viện Hán Nôm có nguồn gốc bất minh”:

TỪ “VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ VIỆT NAM ”
ĐẾN HÀNG LOẠT NGHI VẤN HỌC THUẬT KHÁC


Trong khi dư luận đang xôn xao về cuốn sách Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam của ông Trịnh Khắc Mạnh (PGS.TS, Viện trưởng Viện Hán Nôm) có nguồn gốc bất minh (xem TPCT số 42), mặc dù không thể liên lạc được với ông Trịnh Khắc Mạnh, nhưng nhóm PV đã tiếp tục tìm hiểu và nhận được những thông tin về một số cuốn sách khác của ông cũng có nghi vấn về học thuật.

Mắc nhiều lỗi trong dịch thuật

Cuốn sách đầu tiên của ông Trịnh Khắc Mạnh là cuốn sách dịch Ô châu cận lục, làm chung với ông Nguyễn Văn Nguyên, in năm 1997. Các nhà chuyên môn (xin được giấu tên) ở Viện Hán Nôm cho biết nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Đại Vinh (ĐH Sư phạm Huế) đã có bài phê bình cuốn này trên tạp chí Văn hóa dân gian số 2 năm 2000, chỉ ra rất nhiều lỗi sai, từ khâu giám định văn bản, đến phiên âm, dịch chú (mặc dù sách này từ năm 1961 đã có bản dịch của Bùi Lương, NXB Á Châu, Sài Gòn). Những lỗi sai của bản dịch mới này đã được ông Trần Đại Vinh qui thành 5 dạng như sau: Hiểu lầm từ chỉ phương hướng thành ra từ chỉ tên riêng; hiểu sai một số từ chỉ sản vật; có những câu đơn giản nhưng dùng những từ không sát khiến cho câu dịch không chỉnh; bỏ những từ quan trọng không dịch chỉ ghi lại phiên âm; nhận thức sai từ ngữ hoặc cú pháp từ đó dịch sai lạc. Như vậy cuốn sách dịch sau đã không có đóng góp gì mới, mà còn cho thấy công việc dịch thuật đáng ngờ.

Năm 2008, cuốn sách Một số vấn đề về văn bia Việt Nam của ông Trịnh Khắc Mạnh được Nxb Khoa học xã hội ấn hành. Theo Lời giới thiệu của tác giả thì “đây là một tập chuyên luận được hình thành dựa vào nội dung cơ bản của luận án Phó Tiến sĩ về văn bia của chúng tôi bảo vệ tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô vào ngày 7 tháng 12 năm 1990 tại Matxcơva”

Nhưng ngay trong phần thứ hai về “Quá trình phát triển của văn bia Việt Nam” đã bộc lộ ra cung cách làm việc của tác giả. Theo Thư mục văn bia, Viện Hán Nôm có tổng cộng 11.651 đơn vị bản rập văn khắc, bao gồm các văn bản khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá và đồng, biển gỗ, v.v…Ông Mạnh viết: “Do chưa phân loại trong số 11.651 đơn vị này, bao nhiêu là văn bản bia, bao nhiêu là văn bản chuông và bao nhiêu là văn bản biển gỗ, v.v…; nên chúng tôi gọi chung là văn bia vì loại văn bản này chiếm đa số và chủ yếu”(tr.47). Việc gọi chung tất cả các bản rập là văn bia đã cho thấy ông Mạnh đã bỏ qua việc thực hiện thao tác sơ đẳng đầu tiên của bất cứ người nghiên cứu nào là làm thống kê, phân loại trước khi đi cụ thể vào các vấn đề. Tất nhiên cũng có một vài con số thống kê được nêu lên trong sách, nhưng phần lớn lại là sự phân loại của người khác được đưa vào.

Cuốn sách này dày 387 trang, với 121 trang (từ trang 228 đến 348) là Giới thiệu văn bản văn bia, bằng nguyên bản chữ Hán Nôm kèm theo bản dịch, chú thích. Trong đó có 20 tư liệu được giới thiệu, gồm 8 bài thơ (phần lớn các bài này đã được công bố ở trên sách hoặc tạp chí), 2 bia tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội (thuộc cuốn Văn miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ), 7 văn bia ông lấy từ cuốn Tuyển tập văn bia Hà Nội, 2 văn bia từ Thơ văn Lý Trần, 1 bia chữ Nôm tham khảo bản dịch của Nguyễn Thị Hường. Trừ 2 bia tiến sĩ do ông Mạnh có tham gia nhóm biên soạn nên ông đã không đề nguồn dẫn, còn các bản khác đều được ghi nguồn rõ ràng. Như vậy, trong số 12 văn bia được giới thiệu ở đây, thì 9 bia là ông dùng bản dịch của người khác, 1 bia ông tham khảo, còn 2 bia Văn Miếu là “của ông”. Điều này có nghĩa tác giả Trịnh Khắc Mạnh chỉ tập hợp chứ không công bố được bản dịch mới.

Mập mờ tên tuổi những người hợp tác với mình

Năm 2002, cuốn Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam của Trịnh Khắc Mạnh được in. Sách liệt kê 23 tài liệu tham khảo chính chủ yếu bằng tiếng Việt: Lịch triều hiến chương loại chí, Trạng nguyên Tiến sĩ Hương cống Việt Nam, Lược truyện các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (2 tập), Thư mục Hán Nôm – mục lục tác giả, Di sản Hán Nôm – thư mục đề yếu, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Thơ văn Lý Trần, Tổng tập văn học Việt Nam…Trong số này chỉ có 2 cuốn Các nhà khoa bảng Việt NamThơ văn Lý Trần là có in tên các tác gia bằng chữ Hán bên cạnh chữ Việt, mà cuốn đầu cũng chỉ in kèm tên thật của các tiến sĩ, mà không có tên hiệu, tên tự. Ở cuốn Thơ văn Lý Trần cũng không cung cấp được nhiều về vấn đề này.

Vậy để có được tên tự, tên hiệu của 700 tác gia Hán Nôm, thì chỉ có cách lục tìm trong các tài liệu gốc các tập thơ văn nguyên bản chữ Hán Nôm. Và thế là các đồng nghiệp (cũng là học trò) của ông là Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Đức Toàn phải vào thư viện để giúp làm công việc vô cùng tỷ mỷ này. Đã có 1016 tên tự, tên hiệu được liệt kê, nhưng trong lời cám ơn của cuốn sách, Trịnh Khắc Mạnh đã ghi một cách đơn giản là “Ths. Nguyễn Hữu Mùi và CN. Nguyễn Đức Toàn tham gia làm đối chiếu với các nguyên bản sách Hán Nôm”(tr17). Trên thực chất công việc “đối chiếu” này chính là nội dung quan trọng nhất của cuốn sách tên tự, tên hiệu, bởi các tài liệu tham khảo kia chỉ là tài liệu tiếng Việt. Hơn nữa, theo sự đánh giá của giới Hán Nôm, thì cuốn sách ngoài giá trị viết ra được các tên tự tên hiệu bằng chữ Hán Nôm, thì ông Trịnh Khắc Mạnh cũng không cung cấp được thông tin gì mới về thân thế và tác phẩm của các tác gia Hán Nôm đã được nêu trong các sách của các tác giả đi trước. Thật đáng tiếc cho những cộng sự rất vất vả của ông, lẽ ra phải được đứng tên theo cách: Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên) Nguyễn Hữu Mùi, Nguyễn Đức Toàn (có thể là cả PSG. Trần Lê Sáng người đã tham gia làm một số phiếu), chứ không thể đề tên của một mình tác giả Trịnh Khắc Mạnh.

Hà Phương
Nguồn: Tiền Phong Cuối tuần số 43 (24-30/10/2009), tr. 5.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Sao thương trường lại là chiến trường?


Không biết câu khẳng định thương trường là chiến trường lọt vào thành câu cửa miệng của doanh nhân và cả một số những nhà chính trị của ta từ bao giờ. Nhưng chắc chắn cái gốc của nó xuất phát từ Phim Trung Quốc. Không biết có phải do thói quen học mót không mà câu nói  trong phim đó đã  trở thành thời thượng cho một số người khi nói đến nền kinh tế thị trường ở ta. Cho đến bây giờ, đi đâu cũng thấy nguời ta nói đến “ thương trường là chiến trường” như một phát hiện mới mẻ. Thật thảm hại cho cái phông văn hóa phập phè như áo giấy của mấy vị như thế mà tập tọng làm kinh tế, chỉ một cơn gió nhẹ nó đã bị chao đảo như đồ hàng mã.

Tôi không phải người cố chấp, nhưng thấy câu nói đó thật sự phản cảm. Có thể việc ấy khá đúng với người Trung Quốc. ở góc độ cạnh tranh. Họ đã từng nói đến chuyện kinh tế đi đến đâu thì có quân đội đi theo để bảo vệ. Kể cũng khiếp cho một triết lí kinh tế thị trường của họ.

Với người Nam ta thì sao?. Cha ông ta đã có câu: “buôn có bạn, bán có phường”, một triết lí mềm dẻo, lấy sự kết nối làm sức mạnh. Kinh tế thị trường không phải mua tranh bán cướp. Ở đây đã thấy cái đạo lý kinh doanh của ta khác hẳn. Nó nhân ái dựa trên một nền tảng đạo đức của cộng đồng. Đó là nét văn hóa đặc biệt về thương trường của ta. Mà tôi nghĩ đó là cái gốc của đạo lí kinh doanh có căn cơ để bền lâu. Còn chiến trường ư? Đó là triết lí của kẻ mạnh, chỉ biết mình. Trong câu nói đã hàm chứa sự vô đạo, sẵn sàng chôn sống kẻ cạnh tranh của minh để tiến lên. Vậy có đáng thành câu cửa miệng và thành định hướng cho các nhà kinh doanh của chúng ta?

Lời nói đọi máu, cha ông ta đã dạy thế, cất lời phải thận trọng;
Nếu khẳng định thương trường là chiến trường thì người ta băm chém nhau để mưu lợi. Ở thế giới ấy, kẻ mạnh lấy thế lực đè người, lấy “súng ống” làm phương châm giải quyết. Sẽ sa vào sự cướp bóc vô đạo. Hình như trong kinh doanh ở ta  đang có việc đó xảy ra ở nhiều ngành, xin miễn dẫn chứng.

Còn nếu xác định buôn có bạn, bán có phường thì thương trường phải biết lưu chứa sự nhân hòa, cho phát triển bền vững. Các nhà nghiên cứu kinh tế chắc hiểu điều này hơn tôi
Còn tôi, tôi vẫn chắc một điều là cha ông mình nói không sai.
16/10/2009.

http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/166?mark_read=dongngandoduc:journal:166#replyform

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Sách của Viện trưởng Viện Hán nôm có nguồn gốc bất minh?

TP - Từ vài năm nay, giới nghiên cứu Hán Nôm đã xôn xao về vấn đề bản quyền tác giả cuốn sách "Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam" của tác giả Trịnh Khắc Mạnh do Nxb. Giáo dục ấn hành năm 2006 (được liệt vào loại sách Tham khảo đặc biệt).


Cuốn sách của ông Mạnh và hai cuốn sách mà PGS.TS Ngô Đức Thọ nói ông Mạnh dùng để “chế”


Gần đây, khi Việt Nam đang gấp rút hoàn thành hồ sơ để UNESCO công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu Hà Nội là Di sản Tư liệu thế giới thì giới nghiên cứu Hán Nôm lại một lần nữa xới lên vấn đề này.


Câu chuyện càng rắc rối khi ông Trịnh Khắc Mạnh, nhân vật chính là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


Cuốn sách Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam do Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích là công trình biên dịch 137 bia Văn Miếu trên cả nước, trong đó có 82 bia Văn Miếu Hà Nội, 34 bia Văn Miếu Huế, 12 bia Văn Miếu Bắc Ninh và 9 bia Văn Miếu Hưng Yên.


Với mỗi Văn Miếu, cuốn sách trình bày bản dịch nội dung từng văn bia (không có nguyên bản chữ Hán, không có phần phiên âm) sau đó là phần chú thích về các điển tích nêu trong văn bia và đặc biệt là các thông tin về năm sinh năm mất, thân thế sự nghiệp của các nhà khoa bảng được ghi danh trên bia.


Khi tiếp xúc với cuốn sách dịch toàn bộ văn bia đề danh tiến sĩ của bốn Văn Miếu lớn trong cả nước: Hà Nội, Huế, Bắc Ninh, Hưng Yên, những người trong ngành Hán Nôm đã nghĩ ngay đến một công trình khác đã xuất bản từ năm 2002 do GS. Ngô Đức Thọ chủ biên mà ông Trịnh Khắc Mạnh cũng có tham gia. Đó là cuốn Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ, Ngô Đức Thọ chủ biên; Khảo cứu, giới thiệu và hiệu đính: Ngô Đức Thọ; Dịch và chú giải: TS. Nguyễn Thúy Nga, TS. Trịnh Khắc Mạnh và Nghiên cứu viên Nguyễn Văn Nguyên.


Vậy hai cuốn sách này có gì khác nhau và cuốn Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ của tập thể soạn giả do ông Ngô Đức Thọ chủ biên đã có mặt trong cuốn Văn bia đề danh tiến sĩ chỉ mang tên ông Trịnh Khắc Mạnh như thế nào?


Chúng tôi đã gặp gỡ PGS.TS Ngô Đức Thọ (nguyên Trưởng ban Văn bản học của Viện Hán Nôm). Ông cho biết trước đây, khi ông tổ chức biên dịch cuốn sách Văn Miếu – Quốc Tử giám và 82 bia tiến sĩ thì ông Mạnh có tham gia dịch thô 7 văn bia, ít nhất trong số những người trong nhóm.


Bản dịch của ông Mạnh sau đó đã được ông Thọ bỏ nhiều công sức để sửa chữa, nhuận sắc và tu chỉnh thì mới có thể đưa được vào cuốn sách. “Mặc dù đóng góp của ông Mạnh là rất khiêm tốn, do năng lực giải mã văn bản Hán Nôm của ông Mạnh rất hạn chế, nhưng vì có tham gia dịch, nên tôi vẫn để tên ông Mạnh trong nhóm tác giả”.


PGS Ngô Đức Thọ cho biết, bẵng đi thời gian khá lâu, vào thời điểm trước khi “Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam” ra đời, ông Trịnh Khắc Mạnh có liên lạc với ông, cho biết rằng mình đang làm một cuốn sách với NXB Giáo dục về văn bia Tiến sĩ và đề nghị cho sử dụng bản dịch 82 bia lấy từ cuốn sách Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ do ông Thọ làm chủ biên với sự tham gia của 3 cộng sự (trong đó có ông Mạnh) in năm 2002. PGS Thọ đã đồng ý. Rồi ông Mạnh nói rằng nhà xuất bản yêu cầu phải có sự cho phép bằng văn bản của nhóm.


PGS Ngô Đức Thọ đã viết giấy cho phép. “Tôi nghĩ anh Mạnh thừa hiểu rằng mình vẫn phải ghi rõ nguồn của cả nhóm tác giả, cụ thể là “Ngô Đức Thọ chủ biên; Khảo cứu, giới thiệu và hiệu đính: Ngô Đức Thọ; Dịch và chú giải: TS. Nguyễn Thúy Nga, TS. Trịnh Khắc Mạnh, Nghiên cứu viên Nguyễn Văn Nguyên”, tức là giữ nguyên bản quyền và tên của nhóm soạn giả.


Nhưng đến khi cuốn sách được in ra, anh Mạnh tặng sách, tôi mới té ngửa khi thấy anh Mạnh đã xóa tên chúng tôi khỏi bản dịch và nghiễm nhiên đề dòng chữ “Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích lên ngay trang tên sách”. Ông Mạnh chỉ khéo léo sửa chữa một số câu chữ, và gần như bê nguyên cả công trình đó vào “công trình dày cộp” của mình.


Trò chuyện với chúng tôi, PGS Ngô Đức Thọ còn cho biết một khía cạnh khác xung quanh cuốn sách của ông Mạnh: “Tôi đồng ý cho anh Mạnh sử dụng nội dung của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ chứ không hề cho phép sử dụng nội dung của Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 (in năm 1993). Trong khi đó, một phần rất lớn nội dung của Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam” là “chế” lại từ cuốn này.


Theo lời của PGS Ngô Đức Thọ, trong tổng số 1.990 nhà khoa bảng có tên trong 137 bia đề danh tiến sĩ tại 4 Văn Miếu Hà Nội, Huế, Bắc Ninh và Hưng Yên được liệt kê tại cuốn sách của ông Trịnh Khắc Mạnh thì phần tiểu sử của 1.859 vị nằm trong các chú thích ở cuốn sách của ông Mạnh là do ông Mạnh rút ra và “chế” lại từ cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 do GS Thọ làm chủ biên (xuất bản năm 1993).


Như vậy, nó chiếm một dung lượng quá lớn số trang chữ trong một tác phẩm, hoàn toàn không thể chỉ để tên cuốn sách của nhóm Ngô Đức Thọ vào danh mục tài liệu tham khảo hoặc một lời cám ơn chiếu lệ mà được!


PGS Ngô Đức Thọ còn nêu ra trường hợp những chỗ sai trong cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 đã nằm trọn trong cuốn sách Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam của ông Trịnh Khắc Mạnh. (Những lỗi này hầu như đã được sửa chữa trong lần tái bản cuối năm 2006, sau khi cuốn sách của ông Mạnh phát hành khoảng nửa năm nên ông Mạnh chưa kịp “tiếp thu”).


Theo như ông Trịnh Khắc Mạnh viết trong lời giới thiệu, ngoài “tham khảo” bản dịch văn bia Văn Miếu Hà Nội của nhóm GS Ngô Đức Thọ, cuốn sách của ông còn có “tham khảo” bản dịch văn bia Văn Miếu Huế của nhóm Phạm Đức Thành Dũng – Vĩnh Cao (in năm 2000) và bản dịch văn bia Văn Miếu Bắc Ninh của ông Nguyễn Quang Khải (in năm 2000).


Ông Ngô Đức Thọ
Ông Trịnh Khắc Mạnh cũng cho biết 9 văn bia Văn Miếu Hưng Yên “đã được sinh viên Nguyễn Quang Đồng khảo sát và làm đề tài luận văn tốt nghiệp Cử nhân Hán Nôm khóa 44 năm 2003”, nhưng “trong quá trình dịch, chúng tôi căn cứ vào thác bản văn bia hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và không tham khảo bản dịch của Nguyễn Quang Đồng” (Sđd. tr.16).


Cuốn sách của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh là một cuốn sách dày 1.000 trang khổ 16 x 24 cm, thuộc loại Sách tham khảo đặc biệt, là “bộ sách tham khảo lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục sâu sắc, được trình bày in ấn đẹp”. Và “xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, cao đẳng, dạy nghề, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và đông đảo bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, dân trí xã hội trong thời kỳ mới” (Lời nhà xuất bản, tr.5). Cuốn sách này đã được Giải Đồng Sách hay của ngành xuất bản năm 2007.


Một cuốn sách có giá trị, nhưng lại có dấu hiệu có nguồn gốc bất minh như vậy, Nhà xuất bản Giáo dục và tác giả Trịnh Khắc Mạnh (PGS.TS. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cần có câu trả lời về vấn đề bản quyền trước bạn đọc và công luận.


Một số trường hợp sai sót trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam do ông Ngô Đức Thọ (NĐT) chủ biên (in năm 1993), đã được ông Trịnh Khắc Mạnh (TKM) chép nguyên vào công trình của mình:


1. Phạm Cư


Sách NĐT viết: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc – nay là thôn La xã La Phù huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. (tr.82).


Sách TKM chép: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). (tr. 34).


Đúng ra phải là xã La Phù huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây cũ.


2. Phạm Hưng Văn


Sách NĐT viết: Làm quan đến chức Đô ngự sử, được cử đi sứ sang nhà Thanh (1497). (tr.143).


Sách TKM chép: Ông làm quan Đô Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1497) sang nhà Thanh (Trung Quốc). (tr. 72).


Đúng ra là: năm 1497 còn nhà Minh, không phải là nhà Thanh.


3. Vũ Mẫn Trí


Sách NĐT viết: Người thôn Khuê Chương, huyện Kim Thành. (tr. 145).


Sách TKM chép: Người thôn Khuê Chương huyện Kim Thành (nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương). (tr. 73).


Đúng ra phải là: nay thuộc xã Lê Thiện huyện An Hải, ngoại thành Hải Phòng.


4. Nguyễn Tuấn


Sách NĐT viết: Người xã Đại Lan, huyện Đông Yên. Nay là thôn Kim Lan huyện Gia Lâm, tp Hà Nội. (tr. 145).


Sách TKM chép: Người xã Đại Lan huyện Đông Yên (nay thuộc xã Kim Lan huyện Gia Lâm, Tp Hà Nội. (tr.73).


Đúng ra phải là: Nay thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.


5. Nghiêm Lâm


Sách NĐT viết: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc. Nay là thôn La xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. (tr. 155).


Sách TKM chép: Người xã La Phù huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã La Phù huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. (tr. 83).


Đúng ra phải là xã La Phù huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây (cũ).


6. Kiều Văn Bá


Sách NĐT viết: Người xã Đông Ma, huyện Phúc Lộc. Nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây. (tr. 315).


Sách TKM chép: Người xã Đông Ma huyện Phúc Lộc (nay thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây. (tr. 140).


Đúng ra phải là: Người xã Đông Sàng huyện Phúc Lộc. Nay thuộc thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (cũ).


Những lỗi trên hầu hết đã được nhóm của GS Ngô Đức Thọ sửa chữa trong lần tái bản sách CNKBVN, in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2006. Khi ông Mạnh xuất bản cuốn sách Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam thì bản thảo cuốn sách tái bản của nhóm ông Thọ còn đang ở nhà xuất bản nên ông Mạnh không kịp “tiếp thu”.


Hà Phương
nguồn:http://www.tienphong.vn

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Kẻ tự vẫn - Lưu Thuỷ Hương

“ Mì dây thun, hà hà, mì dây thun. Chỉ nhai đi nhai lại, rửa tới rửa lui, sau năm năm là thành kỹ sư. ”
Hắn chán nghe tiếng nhạc xập xình, tiếng hát lập lờ, tiếng tâm sự ỉ eo. Hắn bò ra khỏi tấm áo quan mục rữa, đi lang thang trên đồi.
Mấy thằng sinh viên đàn em của hắn, bây chừ là giảng viên đại học. Thằng nhỏ sinh viên ngày mô ném nắm đất xuống huyệt cho hắn, hiện là trưởng phòng đào tạo. Buổi sáng tụi nó lên giảng đường dạy đạo đức, cho sinh viên ăn cơm cao su, ăn mì dây thun. Buổi chiều tụi nó ra ngồi quán uống bia, ôm gái. Sinh viên quán bên này, thầy giáo quán bên kia. Thỉnh thoảng thầy trò cũng xuề xoà ngồi chung một bàn nhậu, là để tâm sự chuyện thi cử. Những bàn nhậu thức ăn ê hề. Những đứa bạn cũ cố phình bụng ra nuốt. Mấy con nhỏ sinh viên dỏm ỏn ẻn rót thêm bia cho thầy. Mặt thầy phệ. Bụng thầy phệ. Một thầy xơ gan. Một thầy ngộ độc thực phẩm. Một thầy ngộ độc rượu. Phải đi xa như hắn, xa thật xa rồi, quay lại nhìn mới thấy xót thương. Ăn. Ăn. Ăn. Ăn nữa. Ăn mãi. Để trả thù những ngày đói khổ. Bây chừ không ai nhắc đến cái đói. Bây chừ cái đói không còn nằm trong bao tử. Cái đói chui vô nằm trong não, vô cảm mà ám ảnh không nguôi.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa mưa, năm đói.
Hắn hoá điên. Chỉ có người điên mới nhận diện được nhau trong thế giới người điên. Khi điên rồi hắn mới biết, những đứa sinh viên đồng khoá đã điên trước hắn rất lâu. Người điên thường sợ sự thật, sợ hình ảnh của chính mình trong gương và ghét tắm rửa. Những thằng điên tìm đến nhau, tụ tập thành nhóm, chúng mang một khuôn mặt, một nụ cười, một giọng nói. Chúng nói rất nhiều, nói rất to, vừa nói vừa vuốt đuôi nhau. Chúng rất sợ bị phát hiện mang bệnh điên, cứ phải giấu giấu giếm giếm, sơ hở lung tung. Hắn điên trễ nhưng điên nặng hơn bất cứ đứa nào. Và hắn quyết định, điên không giống ai, điên công khai. Hắn bỏ học đi lang thang suốt đêm trên đồi, sục vô từng góc giảng đường tối tăm, leo lên những góc sân thượng chênh vênh. Đám nữ sinh đi học ban đêm thấy hắn đều bỏ chạy. Hắn cười sằng sặc, đuổi theo. Răng mà chạy. Chạy đi mô. Đừng chạy, mình hiền lắm mà. Đừng chạy. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Buổi sáng, hắn bò về cư xá, ngủ vùi trong góc nhà đầy rác, thoi thóp giữa cơn đói. Hai lá bao tử ép dính vô nhau. Một đàn kiến đang tìm cách chui qua. Tụi nó bò nhột nhạt, thỉnh thoảng cắn lên thành bao tử một nhát đau điếng. Hắn ôm bụng quặn thắt. Mồ hôi tướp ra. Còn hơn hai tiếng đồng hồ nữa thì tới giờ ăn cơm trưa. Lại nhắm mắt thiếp đi. Con chuột mẹ làm tổ trong chiếc giày vải của hắn, đẻ sáu con. Hắn cắt mũi giày, làm cửa cho mẹ con chút chít chui ra chui vô. Sinh viên còn đói, chuột lấy chi mà nuôi con. Hắn chép miệng, răng mà tội nghiệp, cho tụi bây luôn chiếc giày. Mấy con chuột chút chít. Hắn cười sung sướng, lại thiếp đi trong cơn đói tràn ngập tình yêu thương. Còn hai tiếng đồng hồ nữa thì tới giờ ăn cơm trưa. Mấy đứa điên vỗ tay reo hò ầm ĩ ngoài cửa sổ. Mấy con chuột thức giấc. Hắn thức giấc, chửi tán loạn rồi lại cười sằng sặc, đuổi theo mấy thằng điên, đuổi theo đoàn múa lân lên hội trường. Vui, vui hè. Hắn thập thò dựa cửa ngó vô, con tim bỗng nghẹn ngào xúc động. Cha mạ ơi, trong nớ, đại hội đoàn trường.
Người điên cũng có lúc tỉnh, chớ sao. Một cán bộ đoàn ưu tú như hắn, lẽ nào nhìn cái sân khấu kia mà không tỉnh lại. Hai lá cờ đỏ thắm. Một tấm hình. Một bình bông cúc. Một tấm bảng viết tên các ứng cử viên.
Chỗ của hắn là ở trên nớ, sau cái bục gỗ có bình hoa cẩm chướng, có cái micro màu đen. Hắn phải lên sân khấu, đứng đúng vô chỗ của mình. Hắn đã từng nhiều lần leo lên sân khấu, đứng ngay sau micro, hăng say ca ngợi những điều đẹp đẽ tuyệt vời.
Hắn trong bộ dạng còm ròm, xanh xao, áo quần bèo nhèo, râu tóc luộm thuộm. Có răng mô. Lý tưởng cao đẹp toả sáng ở trong tim mà. Hắn không cần hàm hồ gào thét như những diễn giả khác. Để làm chi. Một cán bộ đoàn xuất sắc như hắn luôn biết cách truyền đi ngọn lửa. Hắn vừa lên tới nơi liền cất giọng nói, mạnh mẽ và tự tin. Phải đi ngay vô vấn đề trước khi một thằng ngu nào khác nhảy ra cắt ngang.
“ Kính thưa các đồng chí lãnh đạo đảng bộ, kính thưa ban giám hiệu trường, kính thưa đại diện các ban ngành đoàn thể, kính thưa ban chấp hành đoàn thanh niên đương nhiệm, cùng các bạn sinh viên đoàn viên thân mến. Lần cuối cùng các bạn ăn hủ tiếu mì là khi mô ? Còn ai nhớ được hương vị của nó không ? Mì trứng ? Hành phi ? Nước lèo tôm khô ? Bây chừ là mười một giờ trưa. Còn một tiếng đồng hồ nữa, cửa nhà ăn tập thể sẽ mở. Bữa ăn trưa của sinh viên có thứ chi ? Cơm gia súc, canh đại dương, nước mắm toàn quốc. Ăn vô no cồn cào, đói rã rượi, chất lượng học tập giảm sút. Còn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ ăn. Các bạn cứ bình tĩnh, ngồi im ở đây. Đúng một tiếng đồng hồ nữa thì đi ăn cơm. Tôi mạn phép xin chút thì giờ quý báu còn lại này để báo cáo trước đại hội đoàn trường một phương án.”
Chống đói để nâng cao chất lượng học tập.
Hắn cười hiền lành. Người điên thường có nụ cười trong sáng, thánh thiện. Có thực mới vực được đạo. Với một lực lượng trí thức ưu tú, một đội ngũ những nhà khoa học xuất xắc, một tầng lớp lãnh đạo sáng suốt, trường đại học của chúng ta có thể đạt được những thành tích chống đói mà không nơi nào trên thế giới đạt được. Đơn cử một biện pháp nhỏ, phân khoa Cao Su có thể kết hợp với phân khoa Hoá Thực Phẩm nghiên cứu ra một loại cơm cao su. Cơm cao su dĩ nhiên phải trắng rời như cơm không cao su. Cơm cao su phải mềm dẻo thơm ngon như cơm không cao su. Nhưng cái đặc biệt là, loại cơm cao su này ngày hôm trước ăn vô bụng, ngày hôm sau thải ra còn nguyên xi. Sinh viên chỉ cần mỗi buổi sáng đem theo lon hứng lại phần cơm đó, rửa sạch, buổi trưa, buổi chiều hấp lại ăn tiếp. Mỗi sinh viên vô trường được phát hai lon cơm cao su. Nhai đi nhai lại, rửa tới rửa lui, sau năm năm thì tốt nghiệp đại học. Bụng lúc nào cũng đầy, tinh thần lúc nào cũng khoai khoái. Rứa là an tâm, chuyên chú học tập. Dĩ nhiên là hương liệu chế tạo cơm cao su phải có độ bền tối ưu, để đảm bảo độ ngon miệng. Hắn cười hiền lành thánh thiện, chậm rãi thuyết trình về các loại hương liệu. Hương cơm gà quay, hương cơm tấm bì, hương cơm cà ri… Hương cơm gà quay phải sực mùi ngũ vị hương, mùi xì dầu. Hương cơm tấm bì phải đượm mùi thính bì, mùi mỡ hành… Không ! Không ! Phải có đủ cả mùi nước mắm tỏi ớt, mùi đồ chua dưa kiệu, mùi thịt sườn ram... Hắn chép miệng nhai ngon lành. Cảm giác thèm khát và ghê tởm quyện vào nhau, trôi đi mê muội. Cái mùi vừa béo mỡ, vừa đằm thính, vừa thấu chua cay… Tươm ra trên từng muỗng cơm. Ăn vô bụng rồi ợ lên ba tiếng. Ọt. Ọt. Ọt. Cái mùi vẫn còn nguyên rứa, quyện trên đầu lưỡi, xốc lên vòm mũi. Vừa nói hắn vừa nuốt nước miếng. Tóp tép. Tóp tép. Đôi mắt hắn sáng rực. Cặp mắt người điên thường rất sáng, tưởng như cả nguồn sức sống cạn kiệt dồn hết vô đôi mắt. Hắn nói say sưa, giọng khàn đi. Thỉnh thoảng hắn dừng lại, đưa ngón tay trỏ quẹt quẹt ngang đầu mũi. Hít hà. Hít hà. Hà hà. Đẩy bớt mùi cơm gà để hửi mùi cơm sườn. Ăn vô cũng mùi nớ, thải ra cũng mùi nớ, bất biến. Hà hà, bất biến. Không đổi. Hắn nhặt mớ giẻ lau ở góc cánh gà, định nhổ phẹt phẹt phẹt…mấy bãi nước miếng lên túm vải rách. Nhưng cổ họng hắn khô quắt. Khẹt khẹt. Hắn chạy tới bên bình bông cúc, túm chùm bông liệng ra góc sân khấu. Chùm bông vàng rực rơi tả tơi. Răng mà phí của ‒ bình bông ni đáng giá hai tô hủ tiếu ‒ nhưng hủ tiếu là hủ tiếu, hoa là hoa ‒ ăn được và không ăn được. Hắn bưng bình bông lên uống ừng ực. Nước cắm bông thúi lum lủm nhưng mát lạnh ‒ nước mát như nước giếng nông trường ‒ mình đưa sinh viên xung phong về nông trường cuốc đất với thanh niên xung phong ‒ vừa ăn khoai mì, vừa cuốc đất, vừa hát hò ‒ sướng ngất ‒ lý tưởng chói ngời ‒ bụng vẫn đói ‒ có răng mô ‒ ta đốt lửa cho đồi hoang ấm mãi ‒ hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa. Phẹt phẹt phẹt. Hắn cầm mớ giẻ lau tẩm nước miếng, lau lên tấm bảng ghi danh sách ứng cử viên ban chấp hành đoàn trường nhiệm kỳ mới. Tấm bảng nằm chễm chệ giữa sân khấu. Nước miếng của hắn kéo ngang kéo dọc qua những cái tên ứng cử viên được viết hoa nắn nót. Đám nước miếng nhầy nhụa kéo qua những cái tên mà đám sinh viên ghét cay ghét đắng. Mấy cái bao tử bỗng giãn ra khoái trá. Ừa, bôi đi, bôi hết mấy cái tên chết tiệt vô tích sự đó đi. Sự hả hê lồ lộ ra trên những bản mặt. Cả đám ứng cử viên trang trọng ngồi phía bên kia, cũng có khối đứa đang sung sướng, hí hửng nhìn tên đối thủ của mình bị nước miếng chà quẹt. Niềm sung sướng ti tiện hèn mạt khi có người khác làm dùm cho mình cái điều mình muốn. Dù chỉ là một thằng điên. Hắn khoái trá nhận ra điều đó. Người điên thường khôn ranh. Hắn lau chậm rãi, kéo dài khoái cảm cho mọi người, dù là thứ khoái cảm giả tạo. Những thằng đau khổ vì tên mình bị lau cũng vẫn sung sướng nhìn tên mấy thằng khác bị quẹt nước miếng. Nước miếng dây dưa trên bảng đen thành những vệt trắng vằn vện. Hắn viết chồng lên mặt bảng lem nhem một đám công thức hóa học có những nối carbon nhằng nhịt và những nhánh hydro lòng thòng ‒ để loè đám cán bộ giảng viên miền Bắc cờ lo, hy đờ rô. Nếu chế tạo thành công món cơm cao su, chúng ta có thể nghiên cứu thêm món phở dây thun, hủ tiếu dây thun, bánh canh dây thun, mì dây thun… Dĩ nhiên màu sắc, độ đàn hồi của từng loại sợi phải tương ứng với đặc tính từng loại bột. Bột gạo ‒ bột mì ‒ bột năng. Bột năng làm từ khoai mì ‒ dưới chân đồi khoai mì xanh ngắt ‒ dân quanh vùng cũng đói vàng mắt ‒ sinh viên mò xuống đào trộm khoai mì bị đánh què chân ‒ khoai mì xay, chắt thành bột năng ‒ bã khoai mì nấu cháo cho heo ăn ‒ heo chê ‒ sinh viên xin bã khoai mì về nấu cháo ‒ không mập được như heo ‒ đêm nằm mơ thấy toàn ma quỷ ‒ xanh xao rã rượi. Hắn thôi nói về những món cao lương mỹ vị, hắn đổi giọng, nói về cái đói của sinh viên. Hắn nói về những buổi trưa nắng ở giảng đường đói cồn cào gan ruột. Về những giờ học trôi qua rã rượi, những giáo trình học nhai đi nhai lại dai nhách như mì dây thun. Về những đêm chong đèn biết sinh lực mình đang tàn dần, thoi thóp như ngọn bấc cạn dầu… Hắn nói bằng chất giọng hư hao của một thằng nhịn đói đã nhiều ngày. Thỉnh thoảng hắn ngừng lại, chăm chú nhìn những cái ngón tay đóng ghét đen đủi, để khán giả ngậm ngùi tự nhận ra, may quá, đôi bàn tay của mình vẫn còn đủ cả mười ngón. Cả hội trường lặng im xốn xang. Đã gần mười hai giờ trưa, ai cũng đói rã. Những cái bụng vừa được ăn no lại trống rỗng. Cảm giác bị lừa bịp, hoang mang mê muội, đói no lẫn lộn. Tiếng cái bụng rỗng sôi rồn rột trên sân khấu. Rồn rột. Rồn rột, chui qua lỗ tai. Rồn rột, chui vô bụng mình. Rồn rột kêu réo ở trong nớ. Có đứa mô đưa tay lên xoa cái bụng lép kẹp. Hắn xoa bụng hắn. Bàn tay dơ hầy đặt lên lớp vải áo đen đúa bèo nhèo. Đám sinh viên nhìn hắn xót xa thương cảm. Hắn thấy mừng vì mặc bộ đồ cũ lên sân khấu. Ban lãnh đạo nhìn hắn khinh bỉ, miệt thị. Hắn thấy buồn vì không mặc đồ mới lên sân khấu.
Hắn thều thào hết hơn một giờ đồng hồ. Đứa mô chịu đựng nổi thì đờ đẫn ngồi nghe. Đứa mô không chịu đựng nổi thì đã ngủ khò khò. Đó là nghệ thuật. Ban lãnh đạo trường nghẹo đầu ngủ sau mấy bình bông cẩm chướng. Ai cũng đói, ai cũng mệt. Mười hai giờ ba mươi. Thầy hiệu phó bỗng giật mình, tỉnh ngủ. Thầy ngơ ngác nhìn quanh, lơ mơ hiểu được tính chất đểu cáng của sự việc. Thầy nhìn đồng hồ, giận dữ phát hiện ra mình ngủ quá lâu. Thằng ốm đói vẫn thều thào ghê rợn trên sân khấu. Bụng thầy rồn rột kêu réo. Đâu phải sinh viên mới biết đói. Lãnh đạo mà không ăn thì cũng đói. Thầy la lên, mấy đứa cán bộ đoàn đâu, lôi cái thằng bầy hầy này xuống sân khấu. Hắn cười sằng sặc, mấy thằng cán bộ đoàn đều là đàn em của hắn. Một phần lý tưởng trong đầu tụi nó là do hắn cấy vô. Hắn không thèm chống cự, cứ lả người ra để mấy đứa đàn em dìu đi. Đi ngang qua hàng ghế sinh năm thứ nhất, cặp mắt ranh mãnh của hắn bỗng hé mở và hắn bắt gặp nó. Một thằng nhỏ, bản mặt hiền khô bấm ra sữa. Tấm huy hiệu đoàn cài ngay ngắn trên ngực áo. Hắn hứng chí cười, đôi môi hắn nhấp nháy nhắn nhủ.
“ Mì dây thun, hà hà, mì dây thun. Chỉ nhai đi nhai lại, rửa tới rửa lui, sau năm năm là thành kỹ sư. ”
Thằng nhỏ co rúm người lại. Mấy đứa sinh viên khác cũng co rúm người lại, ruột gan thắt lại, bụng đói cồn cào. Hắn biết, hiệu ứng một giờ diễn thuyết của hắn để lại sẽ rất quái gở. Cái cảm giác được ăn đầy bụng mà không no. Cảm giác sung sướng mà không khoái cảm. Cảm giác cồn cào, xót xa không nằm trong thể xác mà hành hạ đay nghiến tinh thần. Cảm giác trống rỗng ngu muội bất lực hèn hạ. Cảm giác thèm khát mà ghê tởm. Mấy đứa con gái quẹt mồ hôi trán. Những đứa con gái suốt những kỳ đại hội đoàn, chỉ ngồi đệt mặt chờ người ta xỏ mũi dắt đi. Bọn con trai lơ láo nhìn nhau. Những đứa con trai suốt mấy năm đại học đầu óc chỉ tằn mằn chuyện gạo mắm. Cả hội trường hối hả kéo ra nhà ăn.
Hắn ngồi trước phần ăn, cười sằng sặc. Một dúm cơm gạo mốc vàng lẫn hạt cỏ hạt sạn. Một chén lưng canh đại dương, lỏng bỏng mênh mang nước biển. Một muỗng nước mắm toàn quốc, chỉ toàn là nước. Hắn cười sằng sặc, bọn sinh viên tụi bây cứ ngồi nhìn những thứ ni mà nghĩ tới cao lương mỹ vị.
Hai tuần sau, một buổi tối, hắn leo lên sân thượng giảng đường. Hắn đứng thật lâu ở đoạn thoát nước cho mái nhà. Chỗ này mùa mưa rêu đóng trơn tuột. Bám lên thành xi măng, đu qua máng xối là tới một khoảng sân rộng. Cảm giác hụt hẫng chơi vơi, chực té lộn cổ xuống bao giờ cũng căng thẳng thắt tim. Hắn sẽ giả bộ quên bám lên thành xi măng, sẽ lảo đảo, sẽ “ á ” lên kinh hãi. Hắn sẽ vội vàng đưa hai tay chụp lấy thành xi măng, sẽ giả bộ trịnh trọng lắc đầu như tự trách mình bất cẩn. Tim hắn sẽ thắt lại cảm giác mạo hiểm mơ hồ, bên dưới sâu chênh vênh. Hắn đứng trên mái nhà, ngước đầu lên, vũ trụ đầy sao. A ha, chào 61, đỉnh cao muôn trượng. Hắn cúi nhìn xuống, cánh đồng tối đen đom đóm lập lòe. Hắn cười sung sướng, quê mình kìa, đất cày lên sỏi đá, quê mình ở dưới đó thôi. Sảy chân là rớt về quê.
Hắn định sảy chân thật. Người chết vì lý tưởng có quá nhiều, những bài ca tụng cứ dài dằng dặc ra mãi. Hắn muốn khác họ, muốn đảo ngược mệnh đề. Hắn sẽ chết vì không lý tưởng. Chân hắn đứng mấp mé thành máng xối trơn trợt. Khoảng không bên dưới sâu thẳm, tối tăm. Hắn bước về phía trước, chợt nhận ra hai bàn chân để trần đen đúa. Bậy quá ‒ mình quên nói với con chuột ‒ còn một chiếc giày giấu sau kẹt cửa ‒ chao ôi ‒ không còn dịp nữa rồi ‒ bậy quá. Thân hình hắn chúi về phía trước. Hắn dang tay ra, cười sằng sặc. Cảm giác trượt từ đỉnh lý tưởng vào vực sâu không lý tưởng thật là tuyệt diệu. Chỉ tiếc là nó quá ngắn ngủi, cảm giác bồng bềnh chưa kịp tận hưởng, cơn chấn động dội ngược từ phía sau làm hắn kinh hãi. Hồn hắn vọt ngược lên không trung. Thân xác nằm bất động bên dưới. Dòng máu rỉ ra lặng lẽ. Hắn tò mò quay lại nhìn thân xác mình, nó nằm đó, hiền lành như đất cát.
Hắn sảy chân vào ban đêm, nằm chết thẳng cẳng trước sân trường. Hai tay dang rộng, mắt nhìn thẳng lên trời, đôi môi mỉm cười. Cả trường náo động, sinh viên nườm nượp kéo lên xem. Gia đình hắn ở quê nghèo tơ xơ mướp, đành gửi xác con lại trường. Ban giám hiệu muốn đưa hắn ra chôn sau đồi, nhưng không ban ngành đoàn thể nào chịu bỏ tiền sắm áo quan. Mấy thằng sinh viên cùng lớp kéo lên giảng đường, tụi nó chẻ bộ bàn học ra đóng áo cho bạn. Hắn ngồi bên cạnh, nhìn bạn bè gõ búa, nhớ từng kỷ niệm nhỏ nhặt chia sẻ với nhau. Những ngày mưa nắng ở nông trường ‒ thằng mô té ở cầu cá ‒ những buổi chiều gánh phân đi qua cánh đồng lầy lội ‒ thằng mô tuột dép tìm hoài không ra ‒ những cánh đồng mía ngập mặn ‒ những đêm đốt lửa trên đồng nghe câu hò vọng cổ ‒ mấy con đỉa no tròn bám ở bắp chân ‒ mấy thằng bạn nghèo nước mắt mồ hôi nhễ nhại, gõ từng nhát búa lên tấm áo quan ‒ vì mình mà bạn bè cực khổ ‒ vì mình mà thế hệ đàn em mất một bộ bàn học ‒ mình bỏ cuộc rồi ‒ không đi tiếp nữa đâu. Hắn đưa tay lên chùi nước mắt, bỗng ngỡ ngàng nhận ra, mình đã hết điên từ bao giờ. Chết là hết. Cơn điên ngắn ngủi đi qua đời hắn và chấm dứt bằng cái chết.
Cả trường lũ lượt đi đưa. Bạn quen và bạn không quen. Những cục đất tống tiễn ném xuống huyệt, như dội vô tim hắn. Mấy đứa con gái xô vô nhau mà khóc. Mấy đứa con gái ban đêm lên thư viện học hay bị hắn đuổi chạy. Tội nghiệp ‒ khóc cái chi ‒ chẳng lẽ mình chết rồi cuộc đời ni bớt vui ‒ khóc cái chi ‒ choáng váng ‒ ngậm ngùi ‒ dằn vặt ‒ cảm thông ‒ đau thương ‒ tự vấn – ai mà biết tụi con gái nghĩ gì ‒ nhưng thôi, mấy đứa về đi ‒ đừng nghĩ gì nữa.
Đừng nghĩ gì nữa.
Hắn nằm đó giữa lòng đất, hai bàn tay thong dong đặt lên cái bụng lép kẹp. Hắn chờ bạn bè lấp huyệt để thanh thản yên giấc. Chết vì lý tưởng hay chết vì không lý tưởng ‒ tất cả đều về hư vô.
Hắn mở mắt nhìn lần cuối khoảng trời trong xanh, định bụng sẽ phiêu diêu chìm vào giấc thiên thu. Giữa lúc đó, hắn lại nhìn thấy nó, thằng sinh viên năm thứ nhất đang lò mò ra đứng bên bờ huyệt. Bàn tay nó đưa ra trước, run lẩy bẩy. Nắm đất nằm yên trong tay nó, không rơi xuống. Hắn ngóc đầu nhìn nó, con tim bỗng quặn đau. Chết rồi răng vẫn còn đau ‒ hư vô là cái chi chi. Thằng nhỏ kia là hình ảnh của hắn những ngày đầu náo nức bước chân vào trường đại học. Có bao nhiêu thằng như vậy. Có bao nhiêu những đứa trẻ tuổi tâm hồn trong sáng tràn đầy niềm tin yêu như vậy. Tấm huy hiệu đoàn cài thẳng thớm trên ngực áo. Hắn thở dài, ném nó xuống đi, mày ném nó xuống cho tao, còn chờ chi nữa. Thằng nhỏ nhìn xuống lòng huyệt đôi mắt mở to hoang mang. Hắn lại gắt, mày thả nắm đất xuống cho tao, còn giữ làm chi nữa. Chỉ là cát bụi ‒ nắm đất này không ném lại đây, phải mang theo suốt cuộc đời, làm răng mà sống nổi ‒ phải biết bỏ lại để mà đi tiếp ‒ đừng bỏ cuộc. Thằng nhỏ vẫn giữ chặt nắm đất trong bàn tay tướp mồ hôi. Mấy đứa sinh viên khác chen tới, đẩy nó qua một bên. Hắn nạt lớn, phải biết bỏ lại để mà đi tiếp, nghe chưa. Nó giấu bàn tay ra sau lưng, cúi đầu len lét lùi lại. Hắn giận dữ bò ra khỏi huyệt, tới bên cạnh nó, thổi cơn gió lạnh chạy dọc qua sống lưng thằng nhỏ. Hắn thì thào ghê rợn.
Trường đại học nằm trên đỉnh đồi. Mộ của hắn nằm cô quạnh dưới hàng dương liễu. Ngày bạn bè tiễn hắn ra đây, cả triền đồi còn ngút ngàn màu xanh. Chiều chiều trên cánh đồng xa, có đàn cò trắng bay đi bay về. Hắn không sợ cô quạnh. Hắn chỉ sợ sự ồn ào, khi màu xanh quanh chỗ hắn nằm cứ mất dần đi. Quán nhậu, quán net, quán ôm, quán cá, quán đề thi nhau mọc lên lố nhố. Cánh đồng cuối cùng rồi cũng bị san bằng. Cây dương cuối cùng rồi cũng bị đốn bỏ. Người ta đổ beton lên chỗ hắn nằm. Quán karaoke ôm phía trên rèm che kín mít, nhạc xập xình, đèn nhí nháy, ngày cũng như đêm. Hắn nằm ngay dưới dàn karaoke, không cách chi ngủ được. Mấy thằng vô quán karaoke ôm thường là mấy thằng không biết hát. Chữ nhảy hai ba hồi, tay chân bắt nhịp loạn xạ mà vẫn không vô đúng nhịp. Vừa hát vừa rượt theo chữ, té lên té xuống mấy bận mà cứ ham té. Mấy con nhỏ bán quán ôm cũng không phải là ca sĩ. Có một con tóc dài, giọng khoẻ hung, nhưng hắn ghét con nớ. Gặp ai nó cũng ôm, cũng kể lể, em là sinh viên, vì hoàn cảnh khó khăn phải ráng làm thêm, để kiếm tiền đóng học phí.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Văn minh tiến bộ



Trong số tranh Đông Hồ vào thời Pháp thuộc, có bộ đôi văn minh tiên bộ vẽ ông tây bà đầm đi picnich, một bên xe đạp dắt chó, một bên ô tô váy đầm trông khá ngộ nghinh! Khi tôi cầm bức tranh đó sang Bordeaux thì người Pháp ngạc nhiên lắm. Không ngờ họ đã được đưa vào tác phẩm dân gian hay đến như thế.
Tôi nhắc lại chuyện này vì đột nhiên hôm nay đi ăn sáng bắt gặp bốn vị người Nam ta thôi nằm trong tốp văn minh tiên bộ thời nay: hội cầu lông!
(Nói thêm một chút là tại sao tôi xếp các vị này vào nhóm văn minh tiến bộ. Số là có lần ngồi ăn phở và cà phê sáng nghe thấy các vị ấy chê thể dục nay đã lỗi thời, chạy hùng hục thì khác gì con trâu con ngựa. Bây giờ thời đại văn minh, thể thao thấp nhất phải là là cầu lông, sau đến tennit và đỉnh cao vươn tới là đánh golf. Cứ từ từ từng bước từ thấp lên cao, vội gì).
Vị thứ nhất đầu tròn chân mập , mặt bánh bao loáng mỡ, trước là tay sốp-phơ gầy ngỏng. Hắn lái xe cho một thủ trưởng có máu mặt. Bây giờ nghỉ hưu, kiếm được một dinh cơ kha khá so với cái nghề phục dịch. Nguyên nhân thành đạt hắn đúc kết bằng ba chữ : mù-câm-điếc. Có như thế mới bền nghề và sẽ có bổng lộc. Bây giờ về nghỉ rồi vẫn thề giữ chặt ba chữ đó đem theo xuống mồ.
Vị thứ hai mắt lé cằm thụt, cao như cây sào, nguyên là một giám đốc ngành ngân hàng, về hưu đã nhiều năm. Vị ấy phất lên từ khi làm con nuôi cho một chức sắc, rồi được cất nhắc vào vị trí giám đốc một ngân hàng từ cuối những năm tám mươi thế kỉ trước, khi mà ngân hàng cho vay thì được lại quả từ mười lăm đến hai mươi phần trăm, nên cũng nhặt nhạnh được kha khá. Kinh nghiệm những năm bôn tẩu của vị í là tìm được ô tốt - hăng hái cho vay- rút lui đúng lúc.
Vị thứ ba răng hô mặt choắt tiến lên từ nghề cấp dưỡng, tức là anh bếp tập thể thời bao cấp, sau sang nghề tuyên truyền. Chẳng may khi có cương vị cao lại lòi cách ăn nói thời cấp dưỡng, thất thố với cấp trên nên bị bãi. Sẵn khả năng giao tiếp bình dân, vị sang ngạch chỉ chỏ đất đai. Gặp thời nên cũng vung vinh trên tiền. Kinh nghiệm là : Đời có số may.
Vị thứ tư là phụ nữ, vế to ngực nở, giàu nam tính, từng có chân trong Hội đồng nhân dân cấp Phường. Thị vốn ở quê ra, có tí nhan sắc, lấy chồng công an. Nay nhà cũng có của ăn của để. Hội đồng Phường bây giờ nằm trong diện bãi bỏ thí điểm nên được nghỉ. Kinh nghiệm rút ra là : Phải biết tranh thủ cơ hội với vốn tự có.
Bốn vị bây giờ thấy chẳng còn chỗ sinh hoạt nào hay hơn cái hội cầu lông tay tư này. Vào các buổi sáng họ tập hợp chơi cùng nhau để giữ sức khỏe hưởng thụ lâu dài. Các vị tâm đầu ý hợp ở chỗ không nói chuyện xưa, không bàn chính trị, chỉ bàn cách ăn chơi cho thoải mái và chờ cơ hội, nếu có.
Tôi muốn tái hiện văn minh tiến bộ của bốn vị trong cái hội cầu lông này vào một bức tranh mà thấy khó quá. Nghĩ mãi mà chẳng biết vẽ thế nào !
http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/149/149

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Té Giếng

Một chỗ ngồi bỏ trống trong lớp học tựa như một vết cắt mà phải rất lâu, mọi người mới có thể quen. Đó là điều những thành viên trong lớp cùng nhận thấy khi Hạo đã chuyển đi. Mọi người thường nể trọng, đánh giá cao hơn cả những nhân vật sôi nổi, hài hước và học giỏi. Điều ngược lại sẽ tới, tất nhiên, với những kẻ im lặng mờ nhạt. Hạo thì giống người chìm khuất trong bóng tối nhưng thi thoảng gây ra một vài sự vụ khiến tất cả phải giật mình. Người trong lớp giữ liên hệ bình lặng với Hạo. Nhưng chơi thân với nó thì không ai.
Có lẽ Linh là người đầu tiên phát hiện ra sự khác lạ của người chuyển đến từ trường trung cấp nghệ thuật, khoảng giữa học kỳ một. Hạo được xếp chỗ phía trước cậu. Ấn tượng mạnh về người mới đập vào Linh trước tiên là mái tóc cắt ngắn rối bù để lộ cái gáy gầy guộc, trắng xanh. Trừ ngày thứ hai mặc áo dài đồng phục, các buổi khác con nhỏ đánh bộ duy nhất kiểu áo sơ-mi xăn tay kèm quần jeans bạc màu. Móng tay nó bám đầy đất. Nếu không dính đất tức là mới được cắn gặm nham nhở. Cả người nó tỏa ra mùi meo mốc dễ sợ Linh chưa từng gặp ở đứa con gái nào. Hai cô bạn ngồi cạnh Hạo khịt mũi ầm ĩ như gấu, khéo léo nhắc nhở. Hạo học cũng tạm. Có lúc lên bảng nó đứng đực ra, trả lời loạn xạ các công thức hóa học hay làm những bài tập giải tích theo cách chưa ai thấy. Tuy nhiên, cũng có lúc báo điểm vào sổ, điểm kiểm tra cao ngất ngưởng của nó khiến chung quanh không thể tin vào tai mình. Hạo ít nói. Thi thoảng quên mang theo bút thước, Linh khều Hạo hỏi mượn. Nó đưa qua vai, lạnh lùng và thờ ơ, chẳng buồn ngoái đầu ra sau. Cậu tìm cách gợi chuyện với nó, bắt đầu từ các tò mò chưa ai dám đặt ra trước người kỳ cục:
– Nè Hạo, có bao giờ cậu bị nhức đầu khủng khiếp chưa?
- Ý cậu là tớ có bị chập cheng, ẩm IC, đu dây điện hay té giếng, phải không? – Hạo nhếch mép cười.
Linh bối rối quá thể. Chẳng ai được coi là lịch sự lại thò tay lật tẩy thâm ý người khác thản nhiên như lật nắp xoong cơm nguội. Cậu nhe răng cười khì:
- Cậu nhạy cảm ghê! Nhưng thật sự là cậu không giống đám con gái bình thường khác. Tớ cứ nghĩ cậu có một khả năng tiềm ẩn nào đó… – Lời nói trơn tru “bay lên” trên môi Linh. Bất cứ cô gái nào được nhận xét là độc đáo cũng sướng rơn ấy chứ. Tuy nhiên, phản ứng của Hạo tiếp tục làm cậu chưng hửng:
- Tớ rất hài lòng vì được là người bình thường. Thật vớ vẩn khi diễn để người khác chú ý tới! Tớ đoán cậu cũng nghĩ giống tớ.
- À, ờ… Tất nhiên rồi! – Linh bắt đầu cảm thấy khó xử. Thực ra, đôi khi cậu cũng làm vài “trò rùm” và thấy thật mê ly khi tất cả ánh mắt đổ dồn về phía mình, nhất là các cô bạn xinh đẹp. Cậu tiếp:
- Thế Hạo này, cậu học ở đây thoải mái chứ?
- Cậu biết không, tớ thích mọi người trong lớp mình. Cả cậu nữa! – Tia mắt và giọng nói con nhỏ thẳng tưng – Chính vì vậy tớ đã hành xử khác hẳn hồi lớp cũ. Tớ không còn uýnh nhau, không “hô biến” khi buồn chán, không “xoáy” đồ đạc của người khác. Tớ tử tế đấy chứ?
Linh hơi lùi lại, so vai cả hành động và ý nghĩ. Ánh nhìn Hạo lục soát tỉ mỉ gương mặt Linh. Hạo hơi nhíu mày. Vẻ thân thiện khác thường vài phút ban nãy biến mất khỏi mặt nó, như làn sóng rút đi để lại trên bãi cát những mảnh vỡ tình cờ. Đầu Linh sôi sục ý nghĩ duy nhất: Hạo từng là siêu quậy lớp cũ. Nó bị đuổi học và bằng cách nào đó, nó lọt vào cộng đồng 11P này… Còn 10 phút nữa mới hết giờ ra chơi, kịp để cậu kiếm vài thằng bạn kháo chuyện phát hiện ghê gớm này. Phấn khích bởi một bí mật xấu đầy hấp dẫn, người ta quên phứt các ký ức tốt lành xưa cũ. Linh cũng thế. Đoạn băng ghi nhớ về Hạo lập tức bị xóa trắng. Như chưa từng có việc con nhỏ cho Linh “quay nguyên con” bài kiểm tra Pháp văn. Như chưa từng diễn ra các vụ trao đổi đĩa chơi điện tử mới nhất. Chỉ sót lại một mẩu kinh nghiệm dại dột. Có lần Linh cho Hạo mượn con xe Wave đỏ nửa buổi: “Thế đấy, nếu bữa đó nó nổi máu cũ, không trả lại xe cho ta thì sao?”. Thật hú vía! Linh cào mớ tóc dợn sóng cho xù lên, “phê phê” khi mấy đứa con gái ném lia lịa về phía mình vô số tia nhìn ngưỡng mộ.

Xít, trưởng đội văn nghệ trường, thành viên lớp 11P, biệt danh Mỏ Nhọn. Ngay cả cô chủ nhiệm với thầy hiệu phó cũng đều o bế cưng chiều Xít vì “công năng” phi thường của nhân đặc biệt này. Hát, nhảy và xây dựng “sô” biểu diễn hoàn hảo – không ai bì nổi với Xít. Năm ngoái, một chương trình văn nghệ dài thượt dán nhãn trường B phát lên TV hay quá xá. Bà con dân tình xôn xao, lịm người kiêu hãnh còn dân trường khác lác xệch mắt vì ghen tức và thèm muốn. Lập tức, Xít trở thành ngôi sao sáng nhất trong các ngôi sao. Một nhóm tóc vàng ruộm bí mật xuất hiện trên trán nó, qua mặt đánh vù nội quy cấm nhuộm tóc. Các thầy cô coi như không nhìn thấy. Không nên quá khắt khe với nghệ sĩ chứ. Thi thoảng Mỏ Nhọn úp mở: “Con đường nổi tiếng mau lẹ nhất là lên tàng hình. Có năng khiếu mà không được tuyển vô đội văn nghệ cũng huề vốn!”. Xít phát ngôn vung vít nhưng khối đứa “cúng” tiền đãi nó chè cháo, bò pía, gỏi cuốn với hy vọng mong manh một ngày nào đó lên đời, làm ca sĩ một phen cũng mát cái mặt… Những đứa khác, dù không kết vụ hát hò, cũng chẳng dại gì rớ vô Xít. Coi kìa, mỏ nó nhọn lên. Chọc trúng nó một lần, nó rú lên, nói xấu tùm lum thì đời tan nát. Cho tới lần chuẩn bị liên hoan các đội tuyển văn nghệ trung học toàn thành, xảy ra tình huống làm thay đổi hình tượng “hiếm có khó tìm” của Mỏ Nhọn.
Bộ mặt Xít trở thành mẫu hình cho trạng thái nghiêm trọng. Năm nay, Mỏ Nhọn quyết định không chơi đàn đệm bằng hai cây organ “dệt tầm thường” chỉ tổ lọng cọng khi ra sân khấu. Nghĩa là phải có nhạc hòa âm phối khí ngon lành in vô đĩa đánh sẵn. Muốn có đĩa đánh sẵn? Tiền triệu! Xít chạy khắp các lớp, trổ tài huy động vốn nhưng kết quả chẳng mấy khả quan. Khi nó thất thểu về lớp trước các cặp mắt vừa ái ngại, vừa khoái trá của tụi bạn, chợt Hạo nhảy ra trước nó, chặn đường:
- Cậu hiện có bao nhiêu tiền? – Luôn là vậy, con nhỏ hỏi thẳng.
- Á… á… Bộ tính trấn lột hả? – Mỏ Nhọn tru tréo, đảo mắt nhìn quanh kêu gọi chú ý. Thấy sự lạ, mọi người bu vào.
- Cậu có gì để tớ trấn lột? Chẳng lẽ cái vật xấu xí này? – Hạo hỏi, móc tay vào sợi dây hạt đá lập lòe trên cổ Xít, buông ra hờ hững – Tuy nhiên, tớ có thứ cậu cần.
Dù tức điên lên, Mỏ Nhọn nuốt nước miếng, hạ giọng: – Tiền hả? Nhiêu?
- Tiền ở đây chẳng giải quyết được gì cả. Nếu muốn, tớ sẽ làm bản dựng hòa âm cho cậu. Cậu muốn bao nhiêu nhạc cụ đều “okie” tuốt. Một số thứ như piano, guitare, accoustic, lead, trống và doublebass tớ dập tốt. Các loại âm thanh khác thì phải làm trên keyboard. Chương trình bảy tiết mục, tớ làm một tuần. Được không? – Cách nói của Hạo như thể nó đề nghị thằng kia cùng ăn cà-rem.
Những đứa nghe thủng chuyện miệng há hốc. Lớp quên béng việc Hạo là dân nghệ thuật chính hiệu. Da mặt Xít tái dại. Ngờ vực. Và cả ghen tị. “Để nhỏ Hạo làm thử coi. Đỡ được cả bốn, năm triệu chứ chơi!”. Chung quanh nhao lên. Mỏ Nhọn thôi mỏ nhọn:
- Ờ đó. Ngon thì làm đi!
- Cuối mỗi bản dựng, cậu nghe thử và sửa sang thêm bớt gì thì nói luôn. Tớ biết một phòng thu. Không hiện đại lắm nhưng âm thanh dày và chuẩn. Chẳng tốn kém lắm đâu – Rõ ràng, con nhỏ “thứ dữ” trong lãnh vực này.
… Minidisc nhạc nền của đội văn nghệ trường B. Xuất sắc tới mức một số giám khảo ngờ rằng trường thuê dàn chuyên nghiệp bên ngoài. Vì “điểm yếu” duy nhất này, đội rơi xuống hạng nhì.Mỏ Nhọn gào toáng lên, tội vạ đổ sạch cho “mixer”. Một số đứa bảo Hạo dại, làm ơn mắc oán. Một số khâm phục Hạo.
Tuy nhiên phần đông công nhận “chân lý”: Những người té giếng đôi lúc tỏa sáng. Nhưng vì té giếng, không thể chơi thân với họ được…

Chiếc xe hơi đời mới phanh két. Bánh xe rít trên mặt đường như một tiếng cào buốt tai và mùi cao su cháy khét tô đậm cảm giác kinh hoàng trong Nhi, người vừa thoát chết khỏi tai nạn gang tấc. Thế nhưng chiếc Max tím của nó không thoát khỏi cú đâm kinh hoàng từ cái xe hơi. Phần đuôi xe bẹp dúm, những mảnh nhựa chụp đèn vỡ tung tóe, rơi thảm hại trên mặt đường. Niềng xe cong queo. Ông lái xe ăn bận sang trọng chui ra khỏi xe, hét toáng lên vì sợ hãi và tức giận. Một vài kẻ tò mò quây lại xem tai nạn. Một giọng the thé cất lên: “Xe bự đụng xe nhỏ. Xe bự phải đền!”. Tiếng quát khác át đi: “Có luật đâu vậy chớ? Ai lại đang đi mà dừng khựng giữa đường vậy. May mà trưa vắng người. Không thì chết chùm cả đám cho coi!”. “Trời ơi! Nói năng gì mà ghê quá. Bộ tính trù ẻo hả?” – Ông chủ xe nhảy dựng ngược, mắt trợn trắng. Giữa đám đông hỗn loạn ầm ĩ, Nhi luýnh quýnh, hai chân mềm nhẽo như miếng bơ tan dưới mặt trời. Nó muốn khóc òa lên. Từ xưa tới giờ, chưa bao giờ nó phải tự mình đương đầu giải quyết một tai nạn ghê gớm và tốn kém thế này. Nó muốn giữ ông chủ xe hơi lại, bắt đền. Nhưng miệng nó, không hiểu sao, cứ ngặm chặt như hến. Hoa tay múa chân sừng sộ dành hết phần đúng về phía mình xong, ông nhà giàu bặm trợn chui vô xe, bấm còi inh ỏi khiến chung quanh giạt ra như đàn gà hoảng loạn và toan vọt thẳng. Thình lình, một mô-tô dừng xịch ngay trước đám đông. Hai cảnh sát giao thông nhảy xuống, lập tức đo đạc, lấy lời khai nhân chứng, lập biên bản, tịch thu bằng lái của ông chủ xe dữ tợn. Chiếc xe tan nát của Nhi cũng được xe jeep chở về trạm. Con nhỏ còn lại một mình, lóng ngóng trên hè đường. Nó bây giờ mới òa lên khóc thật sự. Hạo tấp cái xì-cút-tơ xọc xạch của nó vào vỉa hè, gọi to:
- Nhi, lên đây tui đưa bạn về!
Con nhỏ bất hạnh leo lên yêu sau, ôm cứng lưng bạn. Nó nức nở:
- Sao Hạo không tới sớm hơn? Hồi nãy cả dám người xúm vô ăn hiếp tui…
- Tui thấy hết và đi gọi công an đó – Hạo tỉnh bơ. Nó không một lời an ủi Nhi – nếu không có công an, bạn sẽ thua, không ai đền xe hư cho bạn đâu.
- Tui chỉ muốn có ai bên cạnh lúc đó. Thật khủng khiếp… – Nhi vẫn nấc lên..
- Chẳng ai giết bạn đâu. Nếu bạn không đủ mạnh để tự bảo vệ mình, tốt hơn là nhờ người thật mạnh. Tui ở đó cãi vã hay nói ngọt chẳng thể giúp bạn được ra hồn.
Nhi không hiểu, hay đúng ra là không muốn hiểu lập luận của Hạo. “Một đứa con gái quá cứng rắn và thô bạo. Nó không thể cảm được các vấn đề của tâm hồn hay trái tim…” – Nhi nghĩ. Sau hôm tai nạn, gặp nhau ở lớp, Nhi gật đầu với Hạo một cái rồi lẩn vào đám bạn gái dịu dàng, yếu đuối. Sống giữa họ, là họ, đó là cảm giác an toàn và dễ chịu.

Tuần trước cô chủ nhiệm thông báo Hạo thôi không là thành viên của lớp 11P. Nó đã thi đậu trung cấp nhạc viện, khoa nhạc cụ giao hưởng, học doublebass, cái dàn to đùng bự gấp ba lần người nó. Nhưng Hạo phải ra tận Hà Nội vì ở đây không có khoa này. Nó học ở trường B chỉ tạm thời. Ngay từ đầu cô đã biết nhưng không nói gì hết. Vào lớp, dân học trò đều như nhau thôi.
Thực ra, Hạo chưa bao giờ đánh nhau, chưa bao giờ “cầm nhầm” đồ người khác, cũng chẳng có chuyện trốn học. Nó nói chơi, có lẽ để Linh… chú ý tới nó, một chút.
Thi thoảng Linh, hay Xít Mỏ Nhọn, hay Nhi nhìn vội về khoảng trống trong lớp. Không có vấn đề gì đặt ra, nhưng trong chúng, mọi việc không còn như cũ.

Tác giả: Phan Hồn Nhiên




Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Mặc định




Hình như từ mặc định ra đời để phục vụ cho cái máy vi tính? Cô họa sĩ được cho đi học đánh máy vi tính về được mấy hôm thì nhả ra cụm từ mặc định làm bao nhiêu người giật mình. Mặc định là gì nhỉ?
Chả là cô đánh bài dàn trang xong, đến lúc người trình bày đề nghị dịch chuyển thì nhận ngay được cái nguýt “máy đã mặc định thế, chuyển làm sao được?” / “Ai bảo” / “Thày chứ còn ai nữa”. Khi nghe rõ hai từ mặc định tôi hiểu lờ mờ rằng là máy đã mặc nhiên quy định như thế. Đã mặc định nghĩa là không thể thay đổi. Nhưng rồi một cô khác đi qua đã làm cho khái niệm đó lung lay, khi miệng nói “xem nào” rồi hai tay lướt rào rào trên bàn phím...Chỉ sau vài cái lách tách cô đã di chuyển được cả mảng chữ dễ như người ta cắt giấy, nhanh như di chuyển đồ vật. Họa sĩ đờ người : “Sao thày bảo thế? Hóa ra vẫn di chuyển được à?”
Đó là chuyện cái máy. Còn đây là chuyện tiền nong.
Kế toán trưởng cơ quan nắm chế độ tài chính chặt lắm. Những quy định khít khao như đường khâu nếp gấp trong chiếc áo mô-đen của các chuyên gia tài chính đã mặc định cho việc chi tiêu, khoản nào, khoản nào đâu ra đấy. Vậy mà khi cần chi tiêu xông xênh theo lệnh Giám đốc, kế toán trưởng đều giải tỏa được hết...Thì ra mặc định trong tài chính cũng chỉ là tương đối với các kế toán tài ba.
Nhưng tất cả chưa kì vĩ bằng chuyện nhân sự.
Con người công chức trông thì ai cũng như ai, nhưng khi tuyển chọn cũng được mặc định kỹ về phẩm cấp lắm. Nhất là khi bổ nhiệm cất nhắc thì còn chặt chẽ hơn nhiều. Những chữ quy trình đầy huyền bí trên cả khoa học, điều khiển tinh vi các hồ sơ lí lịch sâu đến ba đời chín họ. Vậy mà sau cất nhắc vẫn thấy đầy người sa ngã, hư hỏng, chẳng rõ tại sao. Mặc định rồi mà vẫn như không. Hình như các cá nhân cũng tự mặc định cho mình làm rối hệ thống, mà khoa học tổ chức người ta gọi là lỗi kĩ thuật, còn dân gian gọi là láo toét!. Đó là những trường hợp cán bộ trật đường ray, dồn toa chắc chết đến nơi, thế rồi sau ít ngày lúng túng được cấp trên bẻ ghi thoát hiểm. Gống như lưỡi câu gỡ khỏi miệng cá, tuồng như cá chưa hề mắc bẫy. Nó lại ve vẩy bơi, nhìn đểu cái lưỡi câu bất lực.
Cuộc sống biết bao nhiêu là cái mặc định từ trong nhà ra đến ngoài xã hội, đến cả những thế giới bao la. Người ta xây lên, người ta phá nó...Có nhẽ cuộc sống là như vậy.

http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/143/143

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Trọn đời thành đạt






Tên anh là Lu. Nhưng nhắc đến anh người ta gọi là Lu táu. Đó là biệt danh, người ta gọi anh thế ví cái thói quen ăn nói láu táu. Một thời ở cơ quan, anh là cái loa di dộng, một nhà điểm tin thời sự sốt dẻo từ tin thế giới động trời đến tin chó chết ở đầu đường cuối xóm.
 Bạn bè một thời còn để mãi trong đầu câu nói của anh “Một ngày không đọc báo Đảng (ý nói là báo Nhân Dân) là ăn không ngon ngủ không yên”. Giá  câu nói đó của một bí thư hay chức sắc gì đấy thì sức loan tỏa sẽ mạnh mẽ vô cùng. Nhưng tiếc thay anh lại  chỉ là anh nhân viên hành chính quèn, còn cách xa người cảm tình Đảng cả tầm tay với, nên nghe xong, người ta chỉ mỉm cười. Vì một lẽ thời trai trẻ, anh có đận mấy tháng xỏ nhầm giầy. Cũng chẳng làm sao được vì ở vùng tề, trai tráng đến tuổi là bị bắt đi lính. Cái dáng cò hương dặt dẹo của anh khi khoác bộ lính dõng thì vẫn như con cà cưỡng lên cạn, nào làm được gì đâu. Nghe bảo có một lần đi càn cùng đám lính lê dương, anh nổ một phát súng duy nhất trong đời cày nát mặt đất trước mặt ba mét vì súng cướp cò khi trượt ngã. Vì tiếng súng báo động ấy một cơ sở  được cứu thoát. Sau này truy nguyên, phát súng của anh được đánh giá cao, được tính giá trị ngang chiếc huân chương chiến công. Chỉ sau này trong cuộc rượu say bí tỉ, Lu Táu nói ra mới biết phát đạn là do súng cướp cò. Còn trước đó, khi được ca ngợi vì lòng dũng cảm không quản ngại cái chết để đánh động cho cơ sở bí mật của Việt Minh,  anh cứ ậm ờ  để mọi người hiểu là mình như một điệp viên ngầm...
Nhưng chuyện ấy chỉ là ghi công trên miệng. “Khẩu thiệt vô bằng” (miệng lưỡi không có bằng cớ), ai mà tin mãi nếu không có cái giấy chứng nhận. Hòa bình lập lại, đi xin việc Lu Táu khổ vì cái đận ba tháng xỏ nhầm giấy và người ta lại quên mất công trạng của phát đạn cướp cò. Nhưng rồi cũng may là  chị gái của anh ta lấy được một ông cốp. Thế là có cửa xin việc. Đi làm rồi, vẫn có người xói móc sau lưng là đồ Việt gian bán nước. Chuyện có đến tai, Ngự coi như không biết. Anh chỉ còn biết dốc sức cho công việc.
 Cái tính láu táu  lại có dịp phát huy thời công sở. Hồi ấy điện thoại chưa quay số tự động như ngày nay mà phải qua tổng đài với loại máy từ thạch quay như quay maniven ô tô nhưng không phải ai cũng thạo.Thế là Lu táu được thể phát huy năng lực. Cứ thấy ai đến gần máy điện thoại là anh đã nhanh tay quay trước cho, bất kể là ai, rồi phía tổng đài trả lời thì anh trao máy cho người ấy. Anh nghiện điện thoại như trẻ con nghiện chơi gêm. Có lúc chẳng có việc gì, anh cũng lảng vảng cạnh cái máy. Rồi bất chơt vồ lấy điện thoại quay cho một người quen với một câu muôn thuở: Có việc gì mới không? Chẳng biết đầu bên kia người ta nói gì, chỉ thấy anh lắng nghe tí rồi tiu nghỉu cúp máy. Nỗi đam mê điện thoại bám lấy anh anh suốt cả cuộc đời.
Anh sung sướng vì rồi cuối cùng người ta cũng bầu anh vào Ban chấp hành công đoàn. Chức thư kí chưa đến tay vì chưa là Đảng viên, anh chỉ là ủy viên để sai vặt thôi. Nhưng như thế cũng là mãn nguyện. Anh xăng xái đủ thứ việc  thư kí giao cho dù chỉ là giao liên hơn là giải quyết việc cụ thể. Vì văn hóa chỉ đạt trình độ đọc thông viết thạo nên công việc cũng chỉ dưa cà mắm muối, không được giao việc gì ra hồn. Anh mài đít miết ở ngạch hành chính lôm nhôm. Chẳng bao giờ có khuyết điểm hay ưu điểm nổi trội, nhưng gọn ghẽ một đời công tác hơn bất cứ tay có học nào. Mới đây được biết anh đã về hưu. Hôm rồi tôi bất chợt bắt gặp anh ở ngoài đường, thấy khoe luôn: “Trước khi về hưu mình được kết nạp. Bây giờ về sinh hoạt Đảng ở tổ hưu cũng vui. Vẫn đóng góp ý kiến thường xuyên”
Tôi cười chúc mừng anh: Vâng thế là trọn đời thành đạt
.

http://dongngandoduc.multiply.com

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Tô Linh Đô


Những năm bao cấp việc tuyển cán bộ làm ngành xuất bản không khó như bây giờ. Cái chuẩn hóa duy nhất là lý lịch phải  thuộc thành phần cơ bản, càng nghèo càng tốt. Vì đó là lực lượng nòng cốt của cách mạng.
    Tôi nói thế  là chuyện ở nhà xuất bản ở địa phương thôi. Cũng thời ấy, biên tập viên nhà xuất bản Văn học hay báo Văn Nghệ là những Xuân Diệu, Vũ Tú Nam, nguyên Hồng, Bùi Hiển, nguyễn Bính... Toàn là những đại thụ trong nền văn học nước nhà sau này.
  Còn chuyện tôi đang nói là chuyện nhà xuất bản của một khu tự trị. Cùng đợt tôi về có một anh bên công an vũ trang giải ngũ yêu thơ văn và quen giám đốc, anh mới học hết lớp bảy. Biên tập thời gian không được anh tình nguyện sang phát hành cho đỡ đau đầu. Một anh nữa nghe bảo lớp bốn, quen làm thơ tứ tuyệt, nhưng đọc lên còn dưới mức vè . Việc anh khai trình độ lớp bốn cũng khó mà tin. Có khi anh hạ thấp văn hóa để nó cân bằng với lí lịch. Cái chuyện đó cũng tựa như ngày nay người ta mua bằng tiến sĩ cho tương đương với chức tước đang có ấy mà. Cũng chẳng rõ ở lính anh làm việc gì, nhưng thoạt kì thủy chắc chắn là nông dân, có quê Thái Bình trong lí lịch hẳn hoi. Còn thành phần thì không chê vào đâu được: Cố nông. Bây giờ đám trẻ như con tôi nó không hiểu cố nông là cái gì, tôi chỉ tạm giải thích cho nó: cố nông là không có gì, là áo nhất manh, quần nhất mảnh, đi làm thuê không có tấc đất cắm dùi.  Chúng bảo khổ nhỉ, thế mẹ bác ấy  đẻ bác ở ngoài đường à, thì tôi chỉ biết ừ.
   Vị thứ ba tôi biết là trung cấp  thú y. Chắc chắn là anh không ăn gian lời khai vì khi kể chuyện hoạn lơn thiến trâu anh tỏ ra rất sành. Anh về nhà xuất bản cũng chỉ là chuyện tình cờ, là người cùng quê giám đốc và có nguyện vọng tha thiết làm việc bàn giấy. Anh bảo thiến trâu là nghề nguy hiểm, nếu sơ ý để nó đá trúng dái là toi đời. Anh đã một lần chết khiếp vì con trâu dữ vẩy cho một nhát ngang bạng mỡ, đi nắm viện nửa tháng, nên nhớ đời.
  Anh này để nhiều ấn tượng cho tôi nhất. Là đến cơ quan chuyện nọ chuyện kia, cuối cùng bao giờ cũng trở lại chuyện nghề thạo nhất của anh là hoạn trâu hoạn lơn. Giống như Xuân Diệu đi đâu nói chuyện cũng kết thúc bằng  câu  “ tráng miệng một bài thơ tình” khiến cử tọa sướng rên lên, rào rào bằng tràng vỗ tay không dứt. Anh này thì không được thế, nhưng các cộng tác viên cũng không bao giờ sỗ sàng nhấc đít khỏi ghế khi anh còn dở dang câu chuyện. Họ tự nhủ dù không dính gì đến bản thảo nhưng bù lại cũng có thêm tí kiến thức triệt sản nhỡ đâu có lúc dùng đến.
  Không làm việc cùng phòng  nên không biết anh biên tập thế nào. Nhưng không thể phủ nhận sự tận tâm và trách nhiệm, dù đi đâu từ đám ma sang đám cưới anh đều ôm khư khư cái ca táp trong lõi chứa dầy bản thảo đang làm. Một lần vợ anh còn úp mở: Ăn cơm còn ấp cạnh mâm, để lúc đợi món còn ghé mắt. Tối đến anh ấy thà ôm cặp chứ chẳng động tay đến tôi. Tôi cười cho đó là lời hờn dỗi của chị vợ quá yêu chồng mà thôi.
     Thời buổi bắt vào chữ nghĩa thấy mọi người nói muốn thành danh thì phải chọn cho mình một cái biệt hiệu để nâng giấc cho tên mình. Nếu không bốn mùa ai cũng réo cái tên cúng cơm ra thì  có khác gì bố cu mẹ đĩ ở quê.  Nhà ở cạnh sông Tô Lịch, đêm nằm vắt óc rồi cũng có công quả: à, Tô Lịch nằm trên đất Nghĩa Đô. Thế là cái biệt danh Tô Linh Đô  được ra đời. Anh khoái lắm có kém gì xuất nhập khẩu sách báo người ta trệch sang thành Sunhasaba, bên âm nhạc là Dihavina, thuốc là là Vinataba. Mọi người cười anh về cái biệt danh chẳng giống tây cũng chẳng giống ta. Anh không chấp, coi đó là chuyện ngứa ghẻ hờn ghen cả thôi.
   Nói thật thì trình độ cán bộ biên tập nhà xuất bản thế là hơi kém. Nhưng những đứa con bao cấp  để lại đâu có dễ đuổi. Những giám đốc trẻ sau này trình độ ngời ngời cũng phải nể. Chí ít đấy cũng là lớp lão làng, đi sau chỉ là tiếp nối thôi nhé. Đừng có đùa! Nên vẫn  phải nhìn lớp đàn anh theo nguyên tắc kính nhi viễn chi cho đến lúc các thành phần cơ bản ấy về hưu mà vẫn không dám ho he gì!
   Trước khi về hưu ít lâu, Tô Linh Đô không dưới vài lần thì thào vào tai giám đốc cho ghé cái chức phó ban it ngày. Gía kể trước đó vài năm thì may ra. Đằng này do  thức tỉnh muộn, khi Bộ chủ quản đã ra quyết định về tiêu chuẩn trưởng phó ban, mà lại do Bộ duyệt, thứ trưởng kí quyết định nên giám đốc có thiện chí thì cũng bó tay.
  Nhưng có cái giúp được, đó là anh cũng kịp kết nạp trước khi về hưu sáu tháng để chính thức từ cơ quan, về khu phố đỡ phiền
    Mới đây gặp vợ anh hỏi han, mới biết anh vẫn  chung thủy với cái cặp giữ từ khi về nghỉ không rời lúc nào.” Bây giờ đi đâu ông ấy cũng rước theo, vẫn bảo là bản thảo đọc cho ai đấy, vẫn đang sửa dở. Chẳng biết có thật thế không. Ở nhà vợ con có bao giờ dám mó vào thứ gì của ông ấy đâu”, chị bảo thế.





Lại nói cái đận mới về Nhà xuất bản được trưởng phòng hướng dẫn công việc biên tập, anh ta đăm chiêu một tuần hai tuần rồi bỗng phát hiện ra nghề biên tập cũng giống nghề thợ hoạn học ở trường Nông nghiệp.Thế là anh vào cuộc không chút bối rối.
   Giao bản thảo cho anh đọc thì anh đọc lướt như người đọc truyện. Nhàn hạ thật. Sau đó là công đoạn cắt xẻo y như thợ thiến. Làm việc đó anh cũng không cần cân nhắc nhiều. Cứ đoạn nào không hiểu là anh thò bút  thiến tuốt. Trưởng phòng tá hỏa khi thấy có bản thảo anh cắt đến một phần ba, cả những phần quan trọng. Khi trưởng phòng cật vấn, anh hồn nhiên: chỗ nào không hiểu là tôi cắt. Biên tập mà không hiểu thì người đọc sao hiểu được? anh lí sự thế.
   Kể ra cái lí của anh là rất cứng.
   Thế là ngồi lại. Lại một phen trưởng phòng phải mời anh lên trao đổi nghiệp vụ, tìm cách giải thích để xử lí cái góc u tối trong kiến thức của anh. Lần này kỹ càng hơn nhưng xem ra cũng chẳng thấm tháp được là bao. Anh giống như cái vỏ bao xi măng không ngậm nước, có phun có ngâm cũng chỉ âm ẩm tí chút.
    Tiếp đó còn chuyện khâu vá, hàn khẩu những đoạn cắt sao cho liền mạch thông suốt không làm mất ý của tác giả mà văn lại sáng ra. Trưởng phòng lấy hình tượng thế để anh dễ hiểu. Nhưng anh lại kêu trời. Lúc này anh thấy biên tập lại giống thợ may, lại có cái giống thợ hàn. Anh ngẫm phải có đến ba nghề may ra mới hầu chuyện được tác giả mà nay anh mới có một. Gay quá, anh lại phát hiện thêm: biên tập còn có phần giống việc nặn bánh trôi bánh rán.
    Khổ nhất cho anh là công đoạn làm việc với tác giả. Một bên anh có quyền nhưng lại chưa đủ kiến thức để thực thi quyền nên không thuyết phục nổi họ. Còn tác giả thì luôn khó chịu với việc bản thảo bị anh cư xử như con vật, cứ đè ra thiến bừa. Có lúc trao đổi cả tháng hai bên không hiểu nhau, chẳng đưa lại kết quả gì. Có cộng tác viên làm găng, đòi rút bản thảo. Trưởng phòng vò đầu chẳng biết làm sao. Còn anh lại đe lên gặp giám đốc xin quay lại nghề cũ cho nhẹ gánh mặc dù có hơi nguy hiểm.
    Nhưng thời bao cấp, việc thuyên chuyển cán bộ nghiệp vụ từ bộ nọ sang bộ kia là hơi khó. Khi đã sang ngạch xuất bản thì anh là dân của Bộ văn hóa rồi, bộ nông nghiệp ai còn coi anh có nghề thú y nữa. Giám đốc đành thuyết phục trưởng phòng cố công giúp đào tạo, coi như bắt đầu từ A!
   Giám đốc bảo: chuyện này cũng không mới lạ. Làm lãnh đạo là khó nhất mà thuyên chuyển từ lãnh đạo văn hóa sang y tế, giao thông, công nghiệp sang lâm nghiệp, nông nghiệp rồi lại trở về văn hóa như đèn cù mà người ta vẫn làm thường xuyên, có sao đâu. Thế rồi giám đốc quyết định tiếp tục đào tạo.
   Cực chẳng đã, trưởng phòng đành phân cho anh làm sách nông nghiệp, ưu tiên phần sách  thú y để anh có  việc. Cũng vì cái nghề thợ hoạn của anh mà mỗi năm tăng được một hai đầu.
  Từ đấy anh mới ổn định làm biên tập. Đi đâu anh cũng ví việc của mình chính là nghề thợ hoạn khiến đồng ngũ khó chịu. Anh thì không biết điều đó mà còn tự cho là có cách nghĩ hóm hỉnh. Anh lại cười khơ khơ. Trưởng phòng lắc đầu: không phải giấy xi măng nữa, anh ta chính là loại túi polime trơ với thời gian.
  Giám đốc chẳng bao giờ biết điều đó. Và tiếng cười khơ khơ của anh thợ thiến cứ ròn mãi cho tới ngày về hưu
!
http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/136

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Thế giới nghiện

Nghiện! nhắc đến từ này chắc người ta nghĩ ngay đến thuốc phiện, heroin, rượu, nghiện thuốc lá... Nhưng thế giới nghiện phong phú lắm chứ không đơn giản như ta tưởng.


Loại trừ những cái nghiện trên vì truyền thông nói quá nhiều. Ở đây nói đến những cái nghiện khác. Ví dụ đay là một loại nghiện.Tôi biết một cô ban đầu thích văn chương, rồi mê văn chương và sau đó là nghiện văn chương. Từ ngày sa vào đó, cơn nghiện lên, cô đi đọc thơ với những ca nghiện khác, cùng quán xá tơi bời, rượu chè chẳng kém đám mày râu. Cô cần thơ văn hơn chồng con.Cái tổ ấm với anh chồng và đứa con chỉ là cái cành đỗ sau mười giờ tối. Chán quá với cô vợ nghiện bất tử , anh chồng chào thua và xin li hôn. Cô vợ chẳng cần đắn đo đặt bút kí liền đẻ tiếp tục nghiện. Cái nghiện này họ tự tay phá toang một tổ ấm.. Một anh bạn khác nghiện đàn bà. Không có đàn bà là anh không chịu được. ở nhà cặp bồ , trên đường cặp bồ , lúc nào cũng có đôi ba cô dự phòng. Cũng may anh gặp toàn những cô nghiện đàn ông thành ra chung giường chung chiếu, hai bên cùng phê. Về sau anh cũng không biết mình la cái gì nếu thiếu đàn bà. Anh dần mất khái niệm gia đình, sống như con thú hoang. Cơ quan tôi còn có anh nghiện đọc báo và sau đó truyền thông cho xung quanh mẫn cán hơn cả thằng ti vi . Anh bảo: Một ngày không đọc báo Đảng là ăn không ngon, ngủ không yên. Từ ngày anh nghỉ hưu, tôi ít gặp nhưng tôi chắc anh vẫn nghiện đọc báo như xưa. Thằng em tôi nghiện cà phê sáng. Không có li cà phê sáng, nó như thằng mất hồn. Phải xong li cà phê thì con tàu công việc mới mở máy. Đúng như các cụ ta xưa từng tổng kết “ngủ ngày quen mắt , ăn vặt quen mồm.”. Nghiện là thứ con người thường gặp nó gắn vào đời mỗi con người vì món nghiện nó đáp ứng cho sự thỏa mãn thất khiếu của con người. Có cái nghiện từ mắt như sắc dục, thỏa mãn thả chim cò. Có cái nghiện từ tai để thỏa mãn cơn nịnh, có cái nghiện từ lưỡi để thỏa mãn vị giác (nhất là người có thói quen ăn ngon hoặc ăn thùng uống thình), có cái nghiện từ mũi, mũi phổng lên sau khi cái lỗ nhĩ chứa đầy lời khen.
Thực ra nghiện là thói thường tình ở con người ta thôi. Cái nghiện nó thúc đẩy cho con người hoạt động, đẻ ra mưu chước mánh khóe để đáp ứng cho chính mình. Có cái nghiện hại cho chính mình, có cái nghiện hại cho xã hội. chẳng mấy khi có cái nghiện nào vô hại, vì nghiện là rơi vào trạng thái thái quá, thái quá là bất cập. Trong mọi cái nghiện có thì nghiện quyền lực là kinh khủng nhất. Có ông suốt đời ngồi ghế quyền lực ngồi mãi ngồi miết rách cả tá quần, gẫy cả tá ghế mà vẫn muốn ngồi. vừa ngồi vừa lết hết ghế con đến ghế bố, bị mắng chửi cũng không thấy gì. Phần nhiều loại nghiện này thì mắt đui tai điếc miệng câm mũi tịt. Thất khiếu dường như hỏng cả. Nghĩa là nghiện đã tha hóa họ . Bệnh đã ăn vào Cao hoang, vào cái huyệt châm cứu không tới, thuốc không ngấm đến. Chỉ còn cái chết là chữa được đôi chút. Trong cái nghiện này, có cái nghiện u mê mù quáng, nhưng cũng có cái bản chất là nghiện tiền, cái đó phổ biến ngày nay. Tiền thỏa mãn cho thất khiếu, cho nên thất khiếu nhiều khi phải lui trước các cơn nghiện vì như thế nó sẽ nhận được lợi ích tối đa. Ôi, trên đời chỉ một chữ nghiện mà tai hại lắm thay.
1/10/1009
http://dongngandoduc.multiply.com

Kích cầu và những dấu hỏi lơ lửng




SGTT - Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc trở lại, một phần nhờ chính sách tiền tệ và tài khoá linh hoạt của Chính phủ được cụ thể hoá trong gói kích thích kinh tế lên tới 8 tỉ USD. Tuy vậy, vẫn còn một số câu hỏi lơ lửng chưa có câu trả lời rõ ràng sau những con số đã công bố.
Dấu hỏi từ gói to…
Khi bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc công bố gói kích thích kinh tế lên đến 8 tỉ USD (143 ngàn tỉ đồng) tại phiên họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, nhiều nhà tài trợ quốc tế đã tỏ ra kinh ngạc sau đó. Lý do, Việt Nam có thể huy động ở đâu số tiền lớn đến như vậy trong bối cảnh thu không đủ chi, thâm hụt ngân sách tăng mạnh và vẫn vay nợ ODA?
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama kể, khi ông báo cáo với các đồng nghiệp phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương về con số này của Việt Nam, ông đã bị họ truy vấn rất nhiều. Khoản kích cầu tương ứng với 8,7% GDP trong năm nay đã làm Việt Nam được xếp thứ ba trong khu vực về cách chi tiêu công mạnh tay nhất. Ông Rama đã cố gắng bảo vệ con số này trước các đồng nghiệp để họ đưa nó vào bản báo cáo chính thức của WB dù không chứng minh được các chi tiết cụ thể lúc đó.
Cho đến gần đây, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại cho rằng, gói kích thích kinh tế của Việt Nam thậm chí còn lớn hơn, ở mức 145,6 ngàn tỉ đồng (8,6 tỉ USD). Cũng như WB, ADB đã không thể thống kê chi tiết các khoản chi tiêu trong gói này, vì theo một chuyên gia kinh tế của ngân hàng này, họ đã không thể tiếp cận các số liệu cụ thể. Về tổng quát, ADB cho rằng số tiền kích thích này bao gồm việc cắt giảm tạm thời 30% thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thêm tài chính cho các hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất 4% đối với một số khoản nợ ngân hàng và thúc đẩy việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu có bao nhiêu trong tổng số tiền trên đã thực sự được đưa vào nền kinh tế, chuyên gia kinh tế của ADB Bahodir Ganiev tỏ ra do dự. Ông nói: “Các số liệu về tài khoá trong sáu tháng đầu năm cho thấy (Chính phủ) không chi tiêu nhiều lắm. Các khoản chi tiêu không nhiều và không nhanh do các khoản đầu tư vẫn đang trong quá trình giải ngân”.
Nhưng giám đốc ADB Ayumi Konishi có cách lý giải khác: “Phát tiền cho dân nghèo, giảm thuế,… tức là cộng tất cả các khoản vào thì sẽ cho ra số kích thích, kinh tế 8,6 tỉ USD. Có nghĩa là không phải Chính phủ huy động được 8,6 tỉ USD tiền mặt”.
Ông giải thích lý do Chính phủ cần (công bố) gói kích thích kinh tế lớn đến 8,7% GDP: “Gói kích thích lớn là vì Chính phủ muốn đạt được mức tăng trưởng hợp lý. Mặt khác Chính phủ hiểu rằng, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam rất kém. Mức tăng trưởng như vậy là biện pháp tốt nhất để đảm bảo rằng không có quá nhiều người bị ảnh hưởng quá tiêu cực do suy giảm kinh tế”.
… Đến gói nhỏ
Cho đến gần đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những tín hiệu rõ rệt trong việc ghì cương các khoản vay liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 4% do lo ngại lạm phát gia tăng. Có vẻ như, khoản kích thích này đang hoàn thành nốt sứ mệnh của nó. Ông Konishi bình luận: “Tôi không cho rằng cơ chế này là hoàn hảo, nhưng ít nhất nó cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại được qua thời điểm xấu nhất”.
Nguồn cho gói hỗ trợ lãi suất này, theo giải trình của bộ trưởng Võ Hồng Phúc trước Quốc hội tháng 5 vừa qua, là lấy từ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ADB, tổ chức vừa thông qua khoản vay 500 triệu USD cho Việt Nam nhằm chống suy giảm kinh tế, cách giải thích này sẽ gây ra sự hiểu lầm lớn. Ông Konishi nói: “Dự trữ ngoại hối không phải là một khoản dự trữ mà Chính phủ gửi ở ngân hàng, hay một loại quỹ mà Chính phủ có thể tiêu. Nghĩa là Chính phủ không thể lấy 1 tỉ USD ra chi để hỗ trợ lãi suất. Rõ ràng đã có quá nhiều hiểu lầm”.
Ví dụ thế này, doanh nghiệp tư nhân có hàng hoá để bán ra nước ngoài lấy 1 tỉ USD. Về lý thuyết doanh nghiệp đó không thể tiêu 1 tỉ USD đó ở Việt Nam và phải mang đến ngân hàng thương mại. Đến lượt ngân hàng thương mại lại mang số tiền đó đến NHNN để đổi lấy số tiền Việt
tương đương.

Ông Konishi lý giải, như vậy 1 tỉ USD nằm ở NHNN như là dự trữ ngoại hối, nhưng lại không phải là tiền của NHNN. Ông nói, dự trữ ngoại hối là rất quan trọng, vì khi nhập khẩu hàng hoá, các doanh nghiệp phải đến ngân hàng mua ngoại tệ để nhập khẩu. Một khi dự trữ ngoại hối bằng không, thì bạn không có tiền để nhập khẩu nữa. Ông nhấn mạnh: “Vì thế, dự trữ ngoại hối chẳng liên quan gì đến tiền của Chính phủ”. Mặc dù vậy, ông thừa nhận rằng ADB vẫn tính gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỉ USD mà Chính phủ công bố vào các thống kê chính thức của tổ chức này.
Kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng rõ ràng, nhu cầu về một tổng kết rõ ràng, minh bạch về gói hỗ trợ vừa qua vẫn còn đó. “Tôi phải nhấn mạnh thêm, trong việc Việt Nam vượt qua suy giảm kinh tế, có công rất lớn của người dân và doanh nghiệp, bên cạnh chính sách của Chính phủ”, ông Konishi nói.
Tư Giang