Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Thư ngỏ gửi một nhà giáo






                               
Món phở tại nhà hàng Vườn Thủ Đô

“Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người bỏ ra gần triệu đồng để ăn một bát phở…” đó là lời của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, chủ nhiệm bộ môn văn hóa-truyền thông trường Đại Học KHXH&NV Hà Nội trong bài: “Hà thành ăn ngủ xa hoa” đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần sáng nay 31/12/2010.

Vâng, thưa GS. Tôi cũng không ngạc nhiên lắm về lời bình của GS, người chắc cũng cùng tầng lớp với những người ăn tô phở gần triệu đồng. Hay nói cho chính xác hơn tô phở bò Sagagyu giá 650.000 đồng.

Nhưng đọc bài nầy kèm theo nhận xét của GS như thế tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới việc: hằng triệu người đứng ngó một người ăn phở. Thấp thoáng đằng kia là những công nhân nghèo của những khu chế xuất, khu công nghiệp lao động cao, nhan nhản khắp các tỉnh thành. Hay dưới một chút là những người phụ hồ ở các công trình xây dựng, còn dưới nữa là những người lượm rác quanh khu nhà tôi đang ở, chỉ với một bịt rác trong khi chờ người phu vệ sinh đi dọn, lần lượt 4,5 người tìm kiếm. Lạ một điều là người nào cũng tìm được một cái gì đó cho mình. May mà tôi còn chưa dám nghĩ tới những người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa…Những người thu nhập một tháng còn chưa được nửa bát phở!

Giáo Sư còn nói: “Nhìn nhận lạc quan hơn thì xuất hiện thói quen xài sang của một bộ phận người Việt cũng là tín hiệu đáng mừng về thu nhập đang tăng lên, sâu xa hơn là tín hiệu vì một đất nước đang giàu lên, nền kinh tế đang phát triễn.”

Tôi thì không lạc quan được như GS, vì không biết rồi đây các bạn trẻ học được gì với những hình ảnh trái chiều như thế. Một xã hội như thế không hề là một xã hội hạnh phúc. Hạnh phúc và chất lượng của cuộc sống không thể hiện bằng lối sống xa hoa phù phiếm như thế.
Tôi chỉ sợ các cháu bắt chước, để rồi mai đây Việt Nam lại có thêm nhiều vụ PMU 18, hay nhiều vụ Vinashine để các cháu có tiền chi trả cho những tô phở bò Sagagyu, cho những túi xách Hermes, những ô tô cực đắt, siêu sang thì nước ta rồi sẽ đi về đâu?

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Thông tin mới nhận được từ trang Wikileaks

TỐI MẬT



Chúng tôi vừa nhận được một văn bản gửi về từ một trang phụ của Wikileaks, nhưng rất tiếc có một bản phụ lục đính kèm do sơ suất trong quá trình mã hóa đã bị biến dạng không thể đọc được (bản tự kiểm của đương sự). Chúng tôi sẽ cố gắng gửi yêu cầu để họ gửi trở lại càng nhanh càng tốt. Sau đây là nội dung văn bản.


Kính gửi anh Hai Ẫu, chủ tịch hội đồng lý luận, thi đua khen thưởng, kỷ luật, quần chúng thượng tầng. (bên hạ tầng là phần việc của chị Hai).


Sài Gòn, ngày…tháng…năm…


Căn cứ vào bản kiểm điểm của đồng chí Té Ghế, chúng tôi nhận thấy có các sai phạm như sau:


1/ Xa rời quần chúng, không kịp thời uốn nắn quan điểm lệch lạc của quần chúng, để càng ngày càng lấn qua lề trái.


2/Trên cả ba mặt trận: chính trị, kinh tế, văn hóa đều tỏ ra cực đoan, thiên kiến. Có những hành động chống lại diễn biến hòa bình mà cụ thể là đã cho đăng những bài có nội dung và hình ảnh đồi trụy lạc, ăn mặc hở hang, thậm chí là không mặc quần áo. (trong clip bắt mại dâm ở QN)


3/ Gieo rắc tinh thần sợ hãi, yếm thế khi cho đăng liên tục những tin tức mình về lô cốt, ô nhiễm, thực phẩm không an toàn, và nhất là những hố tử thần. Làm cho lòng dân hỗn loạn


4/ Luôn miệng kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc. Trong khi theo số liệu của cơ quan thống kê cho thấy: mỗi năm tiền kiều hối và lao động xuất khẫu gửi về là hơn chục tỹ đô la….
Nếu bất hòa bất phục tất nhiên họ sẽ cãi cọ với ta và đếch thèm gửi tiền về. Đằng nầy họ cứ ngoan ngoãn gửi về năm sau cao hơn năm trước.


5/ Dám nổ là Té giếng trong khi chỉ đạt té ghế nhằm lấy thành tích. Trong các khuyết điểm cái nầy nặng nhất!


Căn cứ vào các sai phạm trên, nhưng có chiếu cố đương sự có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng ( 5 bằng liệt sỹ ) và mới phạm tội lần đầu. Hội đồng kỷ luật quyết định phê bình Té Ghế trước toàn dân. Nếu tái phạm sẽ cảnh cáo ghi lý lịch.

 

                                                         HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT ĐÃ KÝ.

 

Kính xin anh Hai phê duyệt để ban hành.



Phụ lục: đính kèm theo là báo cáo của TBT các báo TT, TN, PL, NLĐ, SGGP về việc đương sự đã nhiều lần gửi đăng bài nhưng đều bị trả lại. Nên đã tự ý đăng không phép.       

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Giấc mơ của tôi



                       

Đọc Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bất giác tôi lại nhớ tới Dzũng Đa Kao, Bồn Lừa, thằng Côn, con Thúy….và tôi lại mơ giấc: Mơ thành người Quang Trung.
 Vì sao người ta không đưa tác phẫm của Duyên Anh vào chương trình học Văn của bậc phổ thông trung học nhỉ? Những tác phẫm của ông ấy đã làm say đắm hàng triệu trái tim, làm cho ta trong phút chốc bỗng lớn lên, vươn vai Phù Đỗng không còn tự ti trước những gả khổng lồ xung quanh.
 Từ sau 1975 cho tới nay, tôi chưa được xem tác phẫm nào của một tác giả VN mà đem lại cho người xem sự xúc động, tự hào mình là người Việt. Rất thân quen, gần gủi chứ không sáo rỗng, giáo điều, không anh hùng kiểu đọc vài dòng đã chán!
 Và tôi đã hiểu điều ấy tại sao khi đọc được dòng comment ngắn ngủi: “chú ấy cung cấp đường link phản động” nơi nhà một người bạn.
 Khi mọi tư tưởng, lời nói phản ứng lại với nhửng sai phạm của chế độ, đều được tự động quy chụp là phản động thì chổ đó không có tự do, không có mơ mộng bay bỗng và đương nhiên không có tiến bộ.
 Viết tới đây tôi lại nhớ tới một chuyện cách đây không lâu. Khi tranh luận với một cô bé người miền Bắc và đang học đại học ở Pháp về chuyện giáo dục giửa 2 miền . Cô ấy bảo tôi là người kì thị Nam Bắc. Thật ra khi cô ấy nói như vậy thì cũng chính cô đã thừa nhận mình mới là người phân biệt vùng miền. Vì khi tranh luận thì chúng ta cần đưa ra những luận điễm để chứng minh, chứ không vì một ý nhỏ mà làm lớn chuyện.
 Đây cũng chính là cách giáo dục giửa hai miền, khi một cái đầu bị nhồi nhét những định kiến thì thật khó mà thay đổi được họ. Và chính bản thân họ cũng bị thiệt vì chuyện nầy. Họ khó mà cách tân để theo kịp tình hình không những của đất nước mà còn ở bình diện thế giới.
 Vì sao tôi cảm được cái hay, cái sâu lắng của những: Đôi mắt mang hình viên đạn, Người mẹ Bàn Cờ, Thuyền và Biễn..v.v….v.v mà họ thì không hiểu ở tôi điều ngược lại? Nói như thế thì cũng chưa đúng lắm vì cũng có người hiểu được ấy chứ. Nhưng thật lòng mà nói họ ít quá. Như hôm qua chúng ta vừa đọc: 35 năm quá dài của nhà văn Dạ Ngân. Để rồi khi đọc xong chúng ta lại cảm nhận giửa người Việt với nhau mà sao khó gần nhau quá như vậy.