Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Định Mệnh

thiếu nữ miền đông4/03/2012
"...một vùng nước xa xôi. Vâng vùng nước thay vì vùng đất,"

cái chữ "VÂNG" làm khựng lại một phát như bị ngã sấp, mắc ói quá, nghỉ đọc luôn! hehe
đu đeo theo làm chi hổng biết nữa, háo danh.

Ngày đó qua nhà cô Tư bờ lau đọc truyện Đánh mất cô dâu tự nhiên nỗi hứng viết thêm một đoạn và bị chửi như ở trên. Cũng đáng đời, thay vì muốn gì thì về nhà rồi muốn viết muốn phê gì cũng được. Ai biểu...
Nhưng nghĩ cũng tức, để một con bé cỡ con mình nó chửi dù đúng dù sai thì cũng mất mặt. Bởi mới ngồi viết tiếp, ai dè khó quá trời. Ngồi đồng gần 2 tháng sửa tới sửa lui mà còn chưa xong. Làm nhà văn khó thiệt hén :)

Không biết tại sao, nhưng đã nhiều lần tác giả đánh mất nhân vật của mình. Và nạn nhân mới nhất lại là một cô dâu, vào cái ngày tốt đẹp đó khi đàng trai đến rước dâu thì họ (cả nhà trai lẫn nhà gái) mới biết cô dâu đã biến mất. Khi câu chuyện được đem lên một cấp cao hơn để khiếu nại: tác giả, thì hắn lại chỉ nhớ mang máng một điều gì đó ngoài bến sông. Hình như lúc cô dâu đi làm tóc trở về, rồi sau đó là cả một màn sương mơ mơ hồ hồ bao phũ cho nên dù ráng nhìn cho kĩ, hắn vẫn không thấy được gì. Mãi cho đến mấy năm sau, khi tìm lại được nhân vật của mình thì họ lại mang một thân phận khác hẳn, trái với ý muốn của tác giả. Thật là kì cục, hắn nói khẽ…



1/ Dòng sông hiền hòa tĩnh lặng chợt náo loạn cả lên khi có tiếng ùm rõ to, ngay sau đó là tiếng người la lên: có người tự tử, có người tự tử…cứu với.
Dọc theo bờ sông cứ tưởng là hoang vắng chợt có vô số bóng người chạy ra nhìn, nhưng dòng sông cứ lững lờ trôi như phủ nhận việc có người vừa nhảy xuống. Rồi đám đông cũng tản ra và từ từ mất dạng. Không gian lại trở về như cũ, im lặng, hoang sơ.

Không một ai trong số những người có mặt nơi đó biết rằng, hắn đang trải qua giây phút trọng đại nhất của đời mình: sống hay là chết! Cho dù trước khi nhảy xuống hắn đã tự nhủ chết cho xong, chết là một cách giải quyết êm thắm và nhẹ nhàng nhất, không làm phiền tới ai khác…
Những ray rức, những ân hận, những xấu hổ rồi sẽ tan biến như bong bóng xà phòng. Sẽ chẳng còn ai nhớ tới hắn, và như thế hắn sẽ thấy nhẹ nhỏm như mình đã ở bên ngoài cuộc chơi, không ràng buộc, không trách nhiệm, không lo âu…

Nhưng chết không phải là một điều dễ dàng, hắn biết bơi và bản năng của hắn lại trỗi dậy khi hắn ngộp thở, như một phản xạ, hắn nhoài người lên để hít một hơi dài, rồi lại chìm xuống không động đậy. Để tự giết mình hắn đã lập đi lập lại mấy lần như thế, nhưng không được. Vào lúc hắn đuối sức, lúc dễ chết nhất thì hắn lại hoảng sợ, hắn sợ chết cũng như bao con người khác. Hắn vùng vẫy, bơi về phía bờ. Nhưng sức đã cùng, lực đã kiệt, hắn chẳng bơi được bao xa. Khi hắn buông xuôi mặc cho số phận thì trớ trêu thay chân hắn lại chạm đất, thì ra nơi hắn vùng vẫy nãy giờ nước cạn queo chỉ ngang ngực mà thôi. Hắn lại trở về cuộc sống một cách trớ trêu như thế.

                                             


2/ Ngày ấy Ngân không bao giờ nghĩ tới cuộc đời mình lại trôi tuột xuống tuốt dưới này, một vùng nước xa xôi. Vâng, vùng nước thay vì vùng đất, vì nơi cô trú ngụ bấy lâu không hề có đất. Bốn bề chỉ có nước, đến nỗi người chết cũng phải chết treo. Bỏ vô cái hòm mỏng manh đóng bằng mấy tấm ván ép rồi treo lên cây. Ai chưa từng đến vùng này sẽ lấy làm lạ vì không có đất sao lại có cây? Thật ra thì có đất, nhưng nó đã bị nước che khuất từ lâu, rất rất lâu.

 

Cái xóm nhỏ mà cô đang nương nhờ được gọi bằng cái tên mà chắc không ai ngờ: xóm Việt kiều. Họ là những người Việt nghèo khỗ tứ cố vô thân, từ miền Tây họ trôi dạt sang đây để mưu sinh rồi định cư ở đây luôn. Cái xóm nhỏ này hình thành bởi những chiếc ghe, những chiếc bè lớn kết nối với nhau bằng những sợi dây thừng. Cái xóm lúc to lúc nhỏ, tùy vào lúc họ ở nhà hay đang đi đánh cá, hoặc hái lượm trong đám rừng cây thưa thớt kiếm chút củi nấu nướng. Mọi thứ ở đây đều rất đắt đỏ nếu phải mua và bán, hàng hóa được chở về mỗi tháng 2 lần từ rất xa. Tận trên Nam Vang, và cô đã đến đây chính trên một chuyến tàu như thế...

Tới giờ này Ngân cũng hổng biết vì sao mình lại lên chiếc tàu ấy, chiếc tàu khách đưa người lữ thứ chơi xa, người thương hồ mua bán miền đất lạ. Chỉ biết rằng khi tàu cặp mé sông đón khách cô đã mơ mơ hồ hồ bước lên, như một định mệnh của đời mình. Không buồn, không vui, không trăn trở, lại càng không nghĩ đến cái lễ cưới đang chờ mình làm vai chính.

Cô chỉ đôi chút băn khoăn khi tàu cập bến Nam Vang, đi về đâu đến đâu? Cô không biết, nhưng không thể ở lại tàu, thế là cô bước lên bến tàu mà không có điểm đến hay dừng. Đúng lúc đó thì hắn gọi:
-       Cô gì ơi, cô muốn đi đâu vậy?
Cô không trả lời vì không biết hắn hỏi ai, kế đó người đàn bà lớn tuổi đứng cạnh hắn mới lên tiếng:
-       Cô có muốn đi theo tụi tôi không?
Không hiểu sao cô lại gật đầu, rồi lẳng lặng đi theo họ như một cái bóng. Một chương mới của cuộc đời cô đã mở ra từ ấy, bọn họ là 2 mẹ con đi từ Việt Nam sang xóm Việt kiều để tiếp tế cho bọn trẻ nghèo khó ở đó. Tay xách nách mang, họ mang đùm đề nào là muối, đường, bột ngọt và cả những con chút chít nho nhỏ, mà họ nói để làm quà cho mấy đứa trẻ, mấy món đồ chơi hư cũ chắc họ xin của ai đó bên nhà.

 Bà mẹ chừng bảy mươi, còn hắn khoảng bốn chục ngoài, đặc biệt hắn mà đem nhát trẻ con thì ăn tiền. Hắn tên Hoàng Sơn người cao lớn vạm vỡ, đầu trọc lóc mặt mày bậm trợn nhìn cứ như giang hồ xã hội đen, bạn cứ hình dung hòa thượng Lỗ Trí Thâm trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc ra sao thì hắn y vậy đó. Hắn là người tu Phật tại gia, ở VN hắn có mở một quán cơm chay vừa kinh doanh vừa làm từ thiện, cứ đến mùng 2 và 16 âm lịch là hắn nấu cơm chay để phát miễn phí cho mọi người. Nhưng nghe nói đâu công việc cũng xập xệ lắm, tại hắn cứ bỏ đi hoài, nay nấu dùm chổ này, mai nấu dùm chổ khác. Nhưng đi nhiều nhất vẫn là qua vùng này, mà hắn chỉ thích gọi là xứ Miên.

Toàn bộ vật dụng cái nào nặng đều được hắn khiêng vác, hai người đàn bà chỉ mang đồ nhẹ nhàng. Họ lẳng lặng lên một chiếc tàu khác để ngược dòng Mékong ra Biển Hồ rồi đi thêm mấy chục cây số nữa mới tới xóm Việt kiều. Nhìn bọn trẻ và cả người lớn ồn ào tiếp đón, mới thấy được sức quyến rũ của hắn. Họ vội vã phụ hắn chuyển đồ lên bè rồi lăng xăng hỏi han chuyện Việt Nam. Ở đâu mà không nhớ về đất mẹ?

Hắn bảo hắn thương lũ trẻ nên không bỏ được chổ này, mắc nợ chúng rồi. Mà cũng phải, mười mấy đứa trẻ còm nhom vì không đủ ăn, mặt mày nhem nhuốc vậy mà chúng mạnh cùi cụi, không  bệnh hoạn chết chóc gì cả. Chỉ có điều chúng không được nhìn thấy thế giới văn minh nên khờ lắm, và chúng thường khao khát được đi với hắn một chuyến. Nhưng hắn bảo không được, chừng nào tụi con lớn ta sẽ cho đi! Nhưng chừng nào chúng lớn? Khi đó thì chúng lại mắc đi lưới cá, hái củi kiếm ăn mất rồi và chúng cũng quên luôn lời hứa của hắn.

Sau buổi cơm sáng hôm sau, hắn bảo Ngân:
-        cô có biết chử không?
-        có, hồi nhỏ em được đi học hết lớp mười mới nghỉ.
-         vậy thì bắt đầu bửa nay cô dạy bọn trẻ học chữ đi. Nói rồi hắn bỏ đi mất.
-        Trời đất, tui mà dạy học hả? Rồi dạy sao, bằng cái gì???




Má hắn lúc ấy mới bước qua bảo Ngân theo bả qua bên bè lớn, là nơi sinh hoạt hội họp của cư dân xóm này. Ngạc nhiên chưa, lũ trẻ đã có mặt đầy đủ, lại còn thêm cái bảng đen và hộp phấn. Và thế là Ngân trở thành cô giáo từ đó. Cơm nước thì có người lo dù chỉ cơm và ít khô cá mà họ đánh bắt được, nghe nói nhiệm vụ này là hắn giao cho cha mẹ lũ trẻ phải lo cho cô. Bản thân họ cũng không dám ăn cá tươi, vì như thế sẽ tốn kém hơn là làm khô với muối mặn rồi ăn.

Hắn và mẹ hắn đã đi từ chuyến tàu khuya, đem theo mấy trăm kí khô mà họ gửi đem lên Nam Vang bán cho có giá, rồi kèm theo đó là một trang sớ đầy những thứ mà họ cần mua sắm. Chủ yếu chỉ là muối và bột ngọt, thi thoảng có nhà trúng nhiều cá đặt mua thêm ít gương lược, một thứ xa xỉ phẩm chốn đèo heo hút gió này.
Những ngày chờ đợi, nhờ có công việc làm cô giáo cho bọn trẻ mà Ngân cũng cảm thấy đở buồn. Cô lại còn kịp tìm hiểu về hắn, người ta kể ngày còn trẻ hắn đã lỡ tay đánh chết cô vợ vì cô ấy ngoại tình. Nghe đâu đi tù mất mười mấy năm, khi về là hắn tu luôn. Cô ấy là trẻ mồ côi của xóm Việt kiều ngày đó….


3/ Những cảm xúc nhiều khi lạc điệu, khi con tim và khối óc lại đá nhau chan chát. Rồi trí nhớ nhiều khi lại bỏ ta đi khiến ta lúc nào cũng thấy thiếu thiếu một chút gì đó, hình như là của mình rồi lại hình như là của người. Sợ chết thì không, nhưng không nhớ gì hết lại là một nỗi ám ảnh. Cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó, ta đi đâu đó rồi không biết đường về nhà thì sẽ ra sao nhỉ?

Mà điều đó cũng còn chưa ghê gớm bằng việc ta chẳng nhớ ai trên đời này, lúc đó ta sẽ hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi người. Thế giới đông vui này sẽ không có ta trong đó, ta hoàn toàn đơn độc như một ốc đảo giữa sa mạc.

Cảm xúc là thứ mà con người bị nó làm hại nhiều nhất, không có cảm xúc họ sẽ sống lâu hơn, già hơn, vô ưu vô lo. Họ sẽ không còn đấu tranh, không đánh nhau, không giành giật bất cứ thứ gì. Nhưng như thế thì sống còn có ý nghĩa gì nữa? Sống để làm gì? Và như thế, trong sự tiến hóa của loài người có một thứ bao giờ cũng cũ hoặc nó tiến rất, rất chậm gần như bằng không. Đó chính là…


4/ Thằng Thịnh băn khoăn mãi không biết vì sao con Ngân mất tích, nó gần như mất phương hướng. Vì nào giờ ai cũng nói còn Ngân có phước mới lấy được nó, còn trẻ mà đã được cơ cấu vào lãnh đạo, tương lai phía trước sẽ rực rở. Rồi cái chuyện lên xe xuống ngựa chỉ là chuyện nhỏ mà thôi, con gái xứ này đứa nào mà không ước ao như vậy?

Nó đau lắm, nhất là mỗi khi đi đám giỗ hay tiệc tùng là người ta lại dòm ngó nó, làm như nó ở cõi trên dọn về vậy đó. Nó đã tính bỏ xứ mà đi, nhưng chưa kịp rục rịch thì chú Năm bí thư điện biểu nó dìa trển nhận công tác. Mày nhớ ghé nhà chú trước, nhậu cái rồi tao nói chuyện cho nghe! Ổng bảo vậy, từ xã lên huyện cũng đâu có xa xôi gì nhưng ổng biểu ghé nhậu thì phải đi buổi chiều, chứ buổi sáng làm sao nhậu?

Tao nghe chuyện con Ngân nó bỏ trốn hôm rước dâu, tao nghi nó chửa hoang đó mày ơi. Thôi đừng buồn nữa, ở đây với chú. Nhà tao rộng còn tới mấy phòng trống, mầy coi cái nào vừa mắt thì để đồ đó rồi ra đây chú cháu lai rai ba sợi.

     Hắn vừa đi vừa suy nghĩ: sao ổng lại để ý tới mình dử vậy, nào giờ cán bộ xã sợ ổng còn hơn sợ cọp. Hở cái là ổng chửi tắt bếp liền, cái điệu này ổng muốn gì ở mình mới được? Nghĩ mãi hổng ra hắn bèn thay đồ ra rồi lên nhà trên ngồi nhậu với ông Năm Thức, bí thư 3 nhiệm kỳ liền ở huyện Bình Minh này.

Tối hôm đó, hắn ngà ngà say nhưng vẫn không ngủ được. Nỗi oán giận và cái cục tức của hắn vẫn còn đó chưa tiêu hóa, nhưng rồi cũng trong đêm đó thằng Thịnh biết ông Năm Thức muốn gì. Giác nữa đêm, phòng hắn chợt mở ra và con Thãng bước vào. Đứa con gái độc nhất của Năm Thức chui vào mùng hắn, trong men rượu và cả trong cơn oán giận con Ngân hắn dày vò con nhỏ cho tới gần sáng mới thả cho nó về phòng.

Sau ngày đó hắn ở rễ nhà ông bí thư luôn, làm cánh tay mặt cho ổng trong những phi vụ đen tối nhưng đầy tiền bạc. Hắn có nghe tin đồn con Thãng có bầu trước khi làm vợ hắn, nhưng hắn chẳng qua tâm. Vì con nhỏ chỉ là công cụ đồ chơi cho nó dày vò mà thôi chứ nó đâu có yêu thương gì ả. Điều mà nó còn sợ chút là ông già vợ đầy quyền lực kia kìa, nhưng ổng cũng già rồi, sắp hưu rồi, lúc đó hắn sẽ nắm tất. Cả quyền, lẫn tiền và gia sản của 2 cha con, cứ thế thằng Thịnh cật lực làm tai sai cho 2 cha con lão kiếm tiền.

Hai năm sau, trước khi về hưu ông Năm Thức và con Thãng kiện hắn ra tòa tội ăn cắp vàng của con Thãng, nhưng chủ ý là ly dị với hắn. Thỏa thuận tại tòa, hắn đồng ý ly dị và không lấy bất cứ thứ tài sản nào trong nhà ông Năm, đỗi lại họ rút đơn kiện hắn ăn cắp vàng với đầy đủ chứng cứ.

Thua đau, hắn về lại nhà mình tay trắng, trả thù đời không được còn bị đời đá thêm phát nữa. Lần này thì hắn quị hẳn, thằng Thịnh về nhà chưa được bao lâu đã bỏ đi, nghe nói hắn lên núi tu ở cốc ông Tự, chắc đồng bệnh tương lân vì ngày trước ông Tự cũng thất tình do vợ bỏ và đuổi đi.

TB: hắn còn chưa biết tin này chứ nếu không chắc tức hộc máu mà chết: Cái thằng mà làm cho vợ hắn, con Thãng có bầu lại là thằng cha vợ chết đâm Năm Thức.

5/ Khi Hoàng Sơn cùng mẹ hắn trở lại xứ Miên 2 tháng sau đó, một khoảng thời gian lâu nhất từ trước tới nay giữa 2 chuyến đi. Hắn đã kịp bán toàn bộ nhà cửa, sản nghiệp của hắn ở Sài Gòn, lần này thì hắn quyết chí đi luôn. Dành trọn đời mình cho xứ Miên nghèo khó này. Nhiều năm sau khi con Ngân hỏi hắn:

-        nếu như anh quay lại mà không thấy em thì anh có ở lại không?

Hắn đã nói chắc nụi không hề phân vân:

-         anh biết rằng em là duyên phận của đời mình mà...

Lần này tác giả mà có đánh mất nhân vật thì hắn cũng không cho phép. Nghe nói sau vài năm, có mấy mặt con, hắn có dẫn Ngà về thăm quê đôi lần rồi thôi, họ đã quyết làm lại cuộc đời nơi mảnh đất giàu tình thương ấy. Còn cái xóm Việt kiều cũng không còn nghèo khổ như xưa, nhờ công vun đắp của 2 vợ chồng hắn….

Kết

Ngồi trầm ngâm bên ấm trà còn chưa uống giọt nào, hắn mãi đưa đẩy những suy tưởng của mình, nhưng sao chả có cái nào làm hắn vừa ý. Nào là thằng Thịnh bị điên rồi cầm dao rượt chém cha con Năm Thức, nhưng vậy thì người ta sẽ bảo truyện của mày không nhân văn tí nào…Nào là Hoàng Sơn và con Ngân trở thành đại gia trong nghề làm khô cá tra Biển Hồ, giàu có vô cùng. Nhưng như vậy thì lại không lô gic tí nào, làm gì có chuyện nghèo rớt mồng tơi cả xóm mà trở thành đại gia? Chỉ có nước cái thằng Hoàng Sơn đó trở mặt, bóc lột cái đám dân đen đó thì may ra, nhưng vậy lại ác quá, tội cho cái thằng đường tu không trọn, quảy lu đi tìm. Thôi thì cho nó cái kết khá một chút cũng được, có chút nước hậu bà con đở ném đá, cả nhà cùng vui vậy. Hên thì được mấy cha biên kịch mượn xào thì cũng có chút tiền còm đi nhậu.

Quyết định vậy đi! Từ sau khi chết giả vì tự tử thiệt, hắn bổng trở nên dễ dãi với người và cả với chính bản thân mình. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ….
Một cuốn truyện khá thành công, một kịch bản ăn khách và nghe đâu lại sắp được chuyển thể thành phim màn ảnh rộng đã được viết nên bởi một người như hắn. Một linh hồn tưởng đã chết, từ thể xác tới tinh thần sau cú tự tử hụt đã hồi sinh và viết nên. Một truyện duy nhất trong đời, Độc nhứt lão gia là danh hiệu mà bạn bè đặt cho hắn. Người chỉ viết mỗi 1 truyện trong đời chắc cũng là truyện đời của hắn….

Bảy Mề Đay