Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Nê xin chào thua

Trong đợt suy thoái toàn cầu, nhiều người mất việc làm, đói nhăn. Chuyện ấy không chỉ riêng trong giới làm công ăn lương mà trong tất cả các ngành kể cả văn học nghệ thuật. Nêxin ở nước Thổ cũng không phải là ngoại lệ. Văn ông không bán được. Đã thế đời sống nước Thổ ông khai thác quá nhiều năm như hút dầu dưới mỏ, có mà núi cũng tan biển cũng cạn. Nên ngòi bút châm biếm của ông cũng bị bạc màu, đành phải tính chuyện lần mò đi nước khác kiếm ăn.
Ông nghĩ ngay đến Việt Nam, vì lâu nay nghe ở Việt Nam đám cầu thủ nước ngoài sang tìm việc rất dễ lại còn nhận lương cao, đến người Việt ở nước ngoài còn phải về nước xin việc làm. Nêxin chat cho tôi bảo sẽ mua vé bay sang ngay tìm cơ hội. Ông biết ở Việt nam, chuyên gia chống khủng hoảng và lạm phát thuộc loại giỏi nhất nhì thế giới thì còn đâu ổn định hơn đây. Nghe bảo tổng thống Mỹ Obma còn đang tính chuyện sang Hà Nội tìm chuyên gia chống suy thoái kinh tế giúp nước Mỹ gượng dậy.
Tuy vậy có những điều Nêxin không biết là những năm chiến tranh Việt Nam bị tàn phá và sau chiến tranh Mỹ lại cấm vận, dân khổ trăm chiều lo công ăn việc làm, còn chính phủ thì bận ổn định chính trị. Tất cả đều rèn luyện trong cái lò bát quái của Thái thượng Lão quân cả, ai cũng phải xoay xở, nên ai cũng tài. Cả như tôi là nông dân thất học ra thành phố mà còn biết dùng meo. Người thành phố từ phổ thông đã vào trường chuyên lớp chọn, rồi còn lò luyện, học đủ bậc đại học, cao học lên đến tiến sĩ, không học nổi thì mua. Lãnh đạo lại còn giỏi hơn. Họ nỗ lực mọi bề. Mấy ông chức nọ vụ kia từ thành phần cố nông cơ bản, lúc mới đi làm cách mạng văn hóa lớp năm lớp sáu tự khai mà bây giờ đều đủ vài bằng cao học, tiến sĩ, lại thêm cả bằng Ha-vớt xịt nước hoa. Chịu học thế nên đất nước mới ổn định..
Còn Nêxin chỉ biết có mỗi nghề viết, mà lại chỉ biết viết châm biếm. Ở xứ ta,giới văn chương nghệ thuật cũng tài như đám thợ. Đã viết thì phải biết viết đủ thứ: Từ văn chương đến văn điếu, từ thơ phú đến hò vè, từ triết học đến đơn kiện, từ phê bình nghiên cứu đến dịch thuật. Khi cần còn đạo chích, và cuối cùng là biết bơm xe. Cái gì cũng phải biết tí, để mất việc chỗ nọ thì tìm việc chỗ kia... Lãnh đạo cũng thế, cũng phải biết lãnh đạo đủ thứ, giao việc gì cũng làm tròn cho đến khi hỏng hẳn mới thôi. Điều đó Nexin cũng không biết.
Nêxin lại cũng không biết người Việt đứng đắn, ghét sự châm biếm, châm biếm là bất hảo. Lãnh đạo nước ta đứng đắn, châm biếm tỉa tốt là có ý gì. Bôi nhọ à. Không được. Vậy thì sang đây ông sẽ móm to. Mặc dù ta nay đang trong giai đoạn cởi mở, viết châm biếm cũng không bị cấm đoán lắm.
Tôi đón ông ở sân bay và đưa về khách sạn.
Ông rất hào hứng ở thủ đô một ngày, ra cảng một ngày lại về nông thôn một tuần, đi thăm các khu dự án chế xuất, lần mò vào các hội nghị hội thảo khoa học. Lại tò mò rúc vào cả các Bộ như giao thông Giáo dục Y tế Công thương, thăm ngành điện hỏi chuyện xăng dầu... Ở đâu nghe tiếng Nêxin ai cũng mỉm cười vẫy tay chào thân thiện. Chỉ khi Nêxin hỏi chuyện, giới thiệu nghề và mục đích sang đây thì tất cả đổi thái độ ba van chín nghìn lần, không trò chuyện nữa. Một tháng để tìm việc đã hết, gặp lại Nêxin thấy ông ôm đầu buồn nản bảo: “Xứ sở các anh lạ lắm, không phải là khó tìm việc, mà là cuộc sống nó tự viết còn hay hơn cả văn của tôi, thì tôi còn viết lách vào đâu được nữa...Chào thua thôi!.”

Nêxin tiếc đứt ruột



Một tháng lang thang đầu làng cuối xóm thực tế ở Việt Nam về, Nexin hồ hởi tìm gặp tôi vào chuyện ngay:
   - Rất nhiều cái mới lạ cho Đông Ngàn đây.
   Vừa nói ông vừa  hí húi giở cái ba lô cà cộ của dân du lịch bui, túm ngược đít balô dốc mạnh. Một đống  các tập thơ đủ khuôn khổ bung ra. Tôi liếc qua: Sách in đẹp, giấy tốt, Nhà xuất bản nhớn bé đủ cả. Sách có cuốn vẽ minh họa, có cuốn lại thấy cả khuông nhạc bài hát lẫn vào thơ. Nexin nói ngay:
  - Đây là kết quả tháng thực tế của tớ - ông đổi cách xưng hô cho thân mật - Qùa tặng của những nơi tớ đi thăm thú khảo sát...Rồi ông cười sảng khoái:
  - Thật kì lạ! Sao Việt Nam lắm nhà thơ đến thế. Đống thơ này là của giới chức sắc khi tớ đi thăm các tỉnh họ tặng. Vừa nói, Nexin vừa hóm hỉnh lôi thêm ra một mớ đĩa CD dứ dứ:
   - Đây nữa, là bài hát của các Sếp. Đúng là mười nghe không bằng một thấy. Người ta bảo người Việt Nam là dân lạc quan. Nay có đi mới biết mỗi ông quan đều là một nhà thơ. Bên Thổ tớ í, làm quan là làm quan chứ về thơ ca thì dốt lắm, âm nhạc thì đàn gẩy tai trâu, chẳng hiểu cóc khô  gì. Hết làm quan là về vườn dọn dẹp cửa nhà hầu vợ. Ông khá hơn thì đi du lịch chấm com! Ở đất nước cậu, hết quan thì về làm cố vấn, chủ tịch hội nọ hè kia cho đến khi chết hẳn. Loại có máu văn nghệ thì xông vào thơ, sáng tác nhạc, vẽ tranh làm nghệ sĩ. Sướng thật!
   Đến đây Nexin lại nhìn vào mắt tôi thành thật:
   - Đông Ngàn ạ, cậu là nghệ sĩ thật nhưng cũng thường thôi. Phải đến khi gặp các chức sắc mình mới biết thế. Giới chức sắc họ có tài kinh bang tế thế, lại có cả tài làm văn nghệ, giỏi cả hai. Cậu chỉ khá có một văn nghệ, đúng không?
   Tôi chỉ còn biết lặng lẽ gật đầu.
   Đến đây thì Nexin ngồi lặng, rồi ngó sang tôi, giọng tiếc rẻ:
   -Sao mình lại không được sinh ra ở Việt Nam để làm quan nhỉ! Vì sinh ở Thổ nên chỉ có mỗi một nghề. Nghĩ mà tiếc đứt ruột.

Nêxin Ma xó

Vì mê Thông tấn xã vỉa hè, những ngày tìm việc ở Hà Nội ông cứ la cà dai dài ở quán nước.
Tối nhâm nhi cà phê, ông bảo đã sưu tầm được một số bài thơ về chuyện ngoại tình mà theo ông biết ở Việt Nam người ta gọi nó là dân gian. Đây nhé:
Vợ là địch, bồ là ta
Chiến tranh xảy ra
Ta về với địch
Nằm trong lòng địch
Ta nhớ về ta.
Nước các bạn đánh nhau nhiều nên chuyện trong nhà mà kể cứ y như chiến tranh. Vợ chồng mà thành địch ta-ta địch nghe rối canh hẹ, mãi mới phân biệt được. Mãi rồi mới hiểu gian tà lại là bạn, còn bạn lại thành đối thủ. Mình chưa bao giờ viết nổi một cái châm biếm nào hay hơn thế.
Ông lại vê vê bộ ria mép kể tiếp về một bài thơ lạ:
Vợ là cửa cái nhà ta
Bồ là cửa sổ
Càng nhiều cửa sổ càng sang
Cửa cái ta vẫn đàng hoàng vào ra
Nhưng mà cửa cái nhà ta
Dễ thành cửa sổ của cha láng giềng!
Đấy hay chưa! Ông cười ý nhị. Chuyện sếch của vợ chồng mà kể thành chuyện cái nhà mới tài chứ. Nhưng mà như thế cũng khổ. Thích nhiều bồ non gái trẻ cho mát mẻ riêng mình, nhưng lại phải luôn hé mắt đề phòng thằng cha hàng xóm xâm lược nhà mình. Yêu như thế cũng giống như đang có chiến tranh, không tốt.
Mới đây lượn trên hè phố ông mó được đoạn nhật kí của một thanh niên Hà Nội sợ người khác đọc và hiểu được nhật ký của mình nên anh ta viết”mã hoá” như sau (mà ông xác định ngay là văn chương hậu hiện đại):
: “Tôi là một thanh niên rất Đại Cồ Việt và hơi bị Lê Đại Hành. Gặp em lần đầu và bị Bích Câu. Em nói thẳng muốn anh là Hàng Bồ của em. Anh cảm thấy rất Nguyễn Khoái và cực kỳ Đội Cấn rồi dần dần Khương Thượng không chịu nổi. Hẹn hò em lần đầu ở Hàng Chiếu, em đã Đặng Thai Mai, sau đó là đám cưới. Thời gian đầu fải nói là anh rất Lê Trực, nhưng do em Hàng Hành nhiều quá dần dà anh trở về Hàng Bún, cuối cùng ngụ tại Lê Văn Hưu ở tuổi 39, bây giờ em có muốn anh cũng chỉ ở Yên Bái.( trich SMS Huy Minh)
Đọc xong ông gỡ kính, mặt đăm chiêu: toàn tên phố phường cả. Thế là tôi mò đi đủ các phố ấy. Xong về hỏi chủ nhân Nhật kí viết gì thì thấy anh ta ôm bụng cười hô hố hô hố. Sau cơn sặc sụa, mặt anh ta buồn thiu. Thế là thế nào hở Đông Ngàn.
Trong khi tôi chưa biết biết cách giải thích thế nào cho ra chất lịch lãm Tràng An thì Nexin tiếp ngay sang chuyện thứ tư:
Ông chồng nhà ấy toàn đi với gái non, khi vợ biết chuyện khóc lóc kể tội thì ông í bảo “ Thế này mà em, anh coi bọn nó như khoai sắn nên mới ăn hàng ngày. Em như củ sâm lạng cao hổ cốt, chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt nên phải cất giữ. Cô vợ được an ủi thì hởi lòng hởi dạ, mặt tươi như hoa cất tiếng cười he he, rồi thẽ thọt bảo chồng “Anh iu ưi, có thế chứ! vắng anh, mấy thằng choai đến tán tỉnh, em phá đời chúng rồi, em cho chúng bại hoại để trả thù cho anh vì tội thích củ sâm, lạng cao của anh đấy”. Chồng nghe xong sững người, chợt hiểu chuyện, bảo: “ Được được. Nhưng thế thì vất vả quá, sau này anh sẽ để mắt đến củ sâm của anh luôn, không cho chúng mạo phạm đến em ”. Vợ bảo: “Thôi thế cũng được, ở nhà ăn sâm đi, ăn khoai sắn dễ đau bụng lắm”.
Kể đến đây Nêxin mủm mỉm: “ Xem ra chuyện này còn hay hơn cả chuyện ở nước Thổ !
Đến đây tôi chỉ còn cách bái lậy ma xó Nêxin.

Khoái thông tấn xã vỉa hè



Cách đây mấy năm nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng tự dưng khoe với tôi: “mình có chữ kí của Azit Nêxin”. Miệng nói tay lục túi, ông phập phồng mở cuốn sổ cho tôi nhìn ghé chừng mươi giây rồi từ từ gập lại như sợ tôi sờ vào thì cuốn sổ sẽ mòn đi í! Sau đấy ông nhìn xéo tôi : “Vất vả lắm tớ mới có được chữ kí của Nêxin vì phải dựa vào cái máy ảnh để tiếp cận. Phóng viên mà”.
   .
  Tôi chưa kịp ganh tị với nhà nhiếp ảnh về vận may được diện kiến Nêxin thì bất chợt Nêxin xuất hiện ngay trước mặt tôi như thần đèn, thật hơn cả chữ kí của ông í ở cuốn sổ. Nêxin xoa xoa bộ ria xén gọn mỉm cười với tôi: “ Cậu em ạ, ông Đáng nói thế cho ra vẻ quan trọng thôi chứ thực ra tôi luôn ở cạnh các bạn. Lúc nào chẳng ở cạnh các bạn như những câu chuyện xung quanh các bạn ấy. Nói rồi ông kéo tay tôi đi, bỏ lại nhà nhiếp ảnh ngơ ngác với cuốn sổ có chữ kí trang trọng của ông.

   Vì chuyện chữ kí tặng phóng viên, nên câu chuyện đầu tiên của Nêxin với tôi là câu chuyện về báo chí ở Việt Nam. Khởi đầu ông đề cập đến cái khoái nhất là loại báo xuất bản bằng mồm, âm thanh in vào không gian truyền đi bằng gió. Đó chính là Hãng thông tấn vỉa hè. Thế giới này không có quốc gia nào lại có hãng thông tấn nhanh nhậy bậy hay tuyệt vời đến như vậy. Hãng thông tấn vỉa hè trụ sở chính là quán nước. Mỗi quán là một trụ sở.Thông tấn xã vỉa hè  bàn từ chuyện chính trị nhảy sang kinh tế, xỉa vào văn hóa, đá vào y tế, nói đế vào giao thông chổng mông vào giáo dục...chẳng chừa ai từ cao xuống thấp, từ người đến vật, từ chuyện ma quỉ đến thần tiên, từ chém giết đến lừa đảo. Chuyện càng hot, càng xuất bản nhiều và các hãng ở bên cạnh sẵn sàng sao in lại ngay. Các chuyện chính trường ai lên ai xuống, vị nào giàu có, có bao nhiêu tiền bao nhiêu đất, bao nhiêu con, du học nước nào bằng tiền của ai. Rồi chuyện ai dốt ai khôn từ trời Âu đến đất Việt đều có tuốt, biết tuốt. Nói chung tin tức của họ nhiều như những tấm bằng cử nhân tiến sĩ giả. Thông tấn xã vỉa hè không có tổng biên tập, Phóng viên không cần nghiệp vụ, không cần học hành bằng cấp, có cũng được và không cũng chẳng sao. Có thể là bà chủ quán, một bác xích lô, một gái ăn sương, một ông đầu hói trịnh trọng, Là ai cũng đều có thể. Ngôn ngữ thì từ nghiêm cẩn đến ba láp, không cần chính xác và không bao giờ biên tập vì cũng không cần biên tập. Không phóng viên nào có lương vì không có nơi phát lương, mà họ cũng không cần lương. Họ  làm việc vô tư miễn phí như các tổ chức từ thiện không biên giới nhưng tin không mấy khi từ thiện vì tin rất ...tức. Họ không cần đài phát với các phương tiện tối tân, nên không sợ mất điện. Càng mất điện càng phát hăng vì đài phát chính là ...mồm các vị, phạm vi phát sóng chỉ trong hai ba mét. Nhuận bút cao nhất chỉ là những tràng cười tán thưởng. Không phải Taas nhưng luôn được phép tuyên bố, không phải BBC nhưng cái gì cũng biết. Mỗi phóng viên vỉa hè  đều có thể là một công dân vô trách nhiệm vô hạn. Nếu các tổ chức nhân quyền và tổ chức phóng viên không biên giới sang Việt Nam, chỉ vào trụ sở thông tấn vỉa hè, nghĩa là quán nước ấy, một lần thôi thì các thông báo thường niên nói xấu chính quyền Việt Nam chắc chắn phải viết lại ba trăm sáu mươi độ yahoo! Vâng, chắc chắn là như thế. Còn tự do thông tin của hãng này  chắc chắn là mẫu mực cho tất cả các nước trên thế giới kể cả nước Mĩ tự do nhất cũng phải học theo thôi.
  Ông kết luận một lần nữa: Khoái thông tấn xã vỉa hè!

Chuyện liên quan đến Nexin

Chuyện thứ 5:
Nêxin phát hiện
Chia tay Nexin tại khách sạn trước khi ông ấy ra sân bay, tôi vừa vui vừa buồn
Vui là vì tôi có dịp diện kiến ông, con người nổi tiếng đã dành cả cuộc đời tâm huyết cho các câu chuyện châm biếm xã hội. Tên tuổi ông lừng danh thế giới, vậy mà ngồi nhâm nhi cà phê với tôi ông thật hiền hậu như ông anh trong nhà.
Buồn là ông đã cố gắng lần mò từ Istambun xa xôi sang đây với kì vọng tìm việc làm đã không thành dù tôi đã giúp đỡ ông với mức cao nhất. Tuổi cao sức yếu, thời củi quế gạo châu biết ông sẽ sống thế nào.
Đang lúc bâng khuâng thì nghe có tiếng gõ cửa mạnh. Tôi bật khỏi ghế, tự hỏi: ai lại đến vào giờ này nhỉ.
Tôi mở cửa. Thật quá bất ngờ: Azit Nexin!
Azít Nexin tay xách catap đang đứng sững. Thấy tôi, một tay ông khoát nhẹ, bàn tay xòe ra như muốn nói: “ thế đấy anh bạn, tôi lại có mặt!”.
Giây phút bất ngờ qua, tôi mời Nexin vào phòng khách
Thói quen của người Việt chúng ta mỗi khi có khách thường là tay với phích nước sôi, tay kia vơ vội cái xuyến pha trà. Tôi cũng vậy, loay hoay với bộ ấm chén, rồi chuyệch choạc những câu chẳng ra đâu vào đâu vì chưa nghĩ ra được gì để bắt đầu.
Thì ông bắt đầu trước
-Đây, vì cái này mà tôi bỏ chuyến bay, dù đang rất muốn nhanh nhanh về nhà.
Ông mở catap, lặng lẽ đặt tệp giấy lên bàn, nói luôn:
-Tôi lui lại vì bất ngờ có được hai bản thảo này. Đây là hai truyện biếm cực hay. Tôi cho rằng tất cả các tác phẩm hay tạo nên tên tuổi tôi đều bị mờ nhạt trước nó.
Thật tình tôi chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Liếc nhìn tập giấy được gói ghém cẩn thận, tôi định xin phép ông được mở ra xem là cái gì, thì ông đã miệng nói tay chỉ: “Cầm lấy xem đi, tôi đang cần hỏi anh đây mà”. Vừa mở bung tập giấy tôi sững người “Ôi cha mẹ ơi, truyện triếc gì, đó là hai văn bản hành chính”. Tôi chưa kịp nói thì cũng là lúc ông nhổm khỏi ghế hỏi gấp: “truyện gì thế hả, sao lại mở đầu bằng : Cộng hòa xã hội chủ nghĩa...
Hình như bức bối trong người quá lớn, ông xả ra một tràng tiếng Thổ chẳng biết là nói gì. Nhưng tôi biết ngay là ông đang có sự nhầm lẫn. Lại cũng chẳng để tôi mở miệng, mặt ông tiếp tục lộ vẻ kinh ngạc: “ Nước anh thực là có những tài năng xuất chúng nên đã có những tác giả viết hài lỗi lạc đến như thế này. Nói thật, siêu hài đấy. Trước đây tôi cứ đinh ninh mình là số một! Cứ tưởng là số một. Nào ngờ khi gặp hai bản thảo này thì thấy cả đời dốc sức bay bổng với trí tưởng tượng phong phú của mình tôi vẫn chưa cất cánh khỏi mặt đất.
Đến đây thì tôi thật sự ngỡ ngàng, chẳng biết ông đang kể chuyện châm biếm hay là ông tin hai văn bản kia là hai truyện châm biếm thật.
Cũng không biết ông moi được ở đâu ra. Đó chính là văn bản của Bộ y tế về chuẩn ngực... chị em để cấp bằng lái xe máy và Bộ chuẩn cho trẻ 5 tuổi được đề nghị ghi vào hồ sơ theo dõi của Bộ giáo dục nước mình!.
Ôi! Đúng là không thể tin được!
nguồn:http://dongngandoduc.multiply.com

Người Vô Sự


"Trong Lâm Tế Lục, Tổ có nói rằng mục đích của Tổ là đánh phá, trị bệnh và cởi trói. Như vậy thì mục đích của Tổ không phải là đưa ra những tư tưởng uyên áo để chúng ta học hỏi, đàm luận và mắc kẹt vào đấy. Vì vậy nếu ta học Lâm Tế Lục với mục đích tìm cầu những tư tưởng uyên áo để đàm luận và để mắc kẹt vào chúng là ta đã đi ngược với ý của Tổ. Những giáo lý và những phương tiện thi thiết của người xưa (người xưa ở đây là Bụt và Tổ) sẽ trở thành những cái bẫy sập giam hãm ta, vì vậy ta hãy cẩn thận, hãy nhớ tất cả những thi thiết ấy, dù là tam thân, thập địa, thế giới hoa tạng hay Tịnh Độ..., trước hết đều là những giả danh (Tổ gọi là danh từ suông, văn cú, chữ nghĩa). Nếu ta mắc kẹt vào những thi thiết ấy, cho chúng là những thực tại khách quan có mặt ngoài ta, là ta đã bị sa vào bẫy sập.

Ta không nên đi tìm cầu Bụt, Tổ, Bồ Tát, tam thân, thập địa, thế giới hoa tạng, lầu các của Di Lặc ngoài ta. Ta phải chấm dứt mọi tìm cầu. Phải ngưng sự tìm cầu ngay và hãy trở về bản thân trong giây phút hiện tại. Bản thân trong giây phút hiện tại chứa đựng tất cả những gì ta muốn tìm cầu: pháp thân, bát nhã, giải thoát, Bụt, Tổ và các cõi nước trang nghiêm. Bản thân ở đây không hẳn là năm uẩn, vì năm uẩn vô thường có đó không đó. Nhưng bản thân cũng không phải là một cái gì có thể nhận thức ngoài năm uẩn, bởi vì nhờ có năm uẩn nương nhau mà ta nhận diện được bản thân ấy vốn là con người thật của chính ta. Con người thật ấy là chân tâm sáng chói có diệu dụng nhận diện và tiếp xúc với mọi mầu nhiệm của sự sống: Tổ gọi đó là cái tinh minh sáng rỡ biểu hiện thành sáu đạo thần quang: khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tư duy. Năm uẩn là vô thường nhưng bản tâm biểu hiện nhờ năm uẩn là con người thật của ta thì không sinh, không diệt, không có, không không, vượt thoát mọi khái niệm. Đó là con người thật không có vị trí (nghĩa là không thể được đồng nhất với một uẩn trong năm uẩn hoặc cả năm uẩn). Con người thật đó là Bụt. Bụt không phải là một thực thể có ngoài con người thật đó. Bụt và chúng sinh không phải là hai thực thể riêng biệt (Phật sinh vô nhị). Nếu không thấy được điều này, nếu không có đức tin vững chãi nơi sự thật này, thì không bao giờ chấm dứt được sự tìm cầu, phóng thể, vẫn không dừng lại được để làm một con người vô sự, vẫn còn có khuynh hướng chán phàm yêu thánh, vẫn chưa có được hạnh phúc và an vui thật sự.

Người nào có khả năng vận dụng được cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang kia thì có thể ngay tại đây trong giờ phút này tiếp xúc được với thế giới hoa tạng, với tam thân, với hằng sa Bụt và Bồ tát, có thể ứng thân hiện vật, độ đời, giúp người, và thấy rằng tất cả những cảnh giới này cũng đều là những hình ảnh phản chiếu (quang ảnh) của cái tâm sáng chói và mầu nhiệm kia.
Mẫu người lý tưởng trong đạo Bụt nguyên thỉ là vị La hán, mẫu người lý tưởng trong đạo Bụt đại thừa là vị Bồ tát, còn mẫu người lý tưởng trong thiền Lâm Tế là con người vô sự. Con người vô sự là con người không chạy theo nắm bắt bất cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Bụt, là Tổ, là Niết bàn, là tam thân, là Tịnh Độ. Con người vô sự là con người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết. Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh, cứu đời. Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Bụt và các Phật độ.

Bụt không phải là đối tượng tìm cầu của ta, đừng lấy Bụt làm mục tiêu lý tưởng của mình, đừng cho Bụt là một thực thể tồn tại ngoài ta. Hình ảnh của ta xây dựng trong đầu về Bụt không phải là Bụt. Bụt ấy có sinh, có trú, có hoại, có diệt, Bụt ấy không đáng là hình ảnh lý tưởng mà ta chạy theo. Bụt ấy là một bóng Ma, gọi là Ma Bụt, có thể hớp hồn ta, vì vậy gặp Ma Bụt ta phải chém đầu liền, gặp Ma Tổ cũng vậy, ta cũng phải chém đầu. Ta phải chém đầu tất cả các loài Ma, bởi vì tất cả những tạo dựng của trí óc, tất cả những thi thiết của cổ nhân chỉ có giá trị của thuốc hay trị bệnh, nếu ta xem những cái đó là những thực tại có thật biệt lập ngoài ta, không phải là những phương tiện chữa trị các căn bệnh si mê, tham ái, sân hận và tìm cầu của ta thì chúng trở thành chướng ngại, trở thành bẫy sập, vì vậy ta phải chặt đầu chúng mỗi khi chúng xuất hiện.

Con người thật, con người vô sự không bao giờ bị cảnh vật lôi kéo, vì vậy luôn luôn giữ được tự do. Cảnh giới Ma không lôi kéo ta được đã đành, cảnh giới Bụt cũng không lôi kéo ta được. Tại vì ta đã thấy rằng Ma và Bụt tương tức, Ma và Bụt bất nhị, đó là bệnh và thuốc có mặt một lần để trị nhau, để nương nhau. Con người vô sự vì thế thấy Ma cũng mỉm cười và thấy Bụt cũng mỉm cười. Con người vô sự có thể đánh dẹp được cả Ma và cả Bụt.

Tổ khuyên mọi người đừng ỷ lại vào kẻ khác, dù họ tự gọi là Bụt, là Tổ, là đại thiền sư, là thánh tăng, đừng đi tìm kiến giải nơi từ chương, nơi kinh điển, nơi văn cú, đừng kẹt vào các danh từ, đừng hy vọng tìm giải thoát và trí tuệ nơi sự học hỏi và nghiên tầm kinh điển. Tìm giải thoát và giác ngộ nơi sự nghiên tầm kinh điển cũng như hy vọng tìm được những giọt nước mát trong một bộ xương khô. Giáo điển chỉ là những bộ xương khô. Phải trở về giây phút hiện tại, vận dụng cái tâm sáng chói đang có mặt ngay tại đây thì mới có thể tiếp xúc được với giải thoát và giác ngộ, tiếp xúc được với Bụt và Tổ đang là những thực thể sống động nơi giây phút này.

Người tu đạo không cần phải dụng công mệt nhọc. Đừng đày đọa thân thể và tâm trí bằng cách chạy đi tìm cầu. Trong tinh thần vô đắc ta phải thấy rằng ta đã là cái ta đang tìm cầu rồi, cũng như đợt sóng tự biết mình là nước, có thể ngưng ngay lại sự bôn ba đi tìm nước. Phương pháp thực tập là dừng lại, bởi vì giây phút hiện tại nào cũng là giây phút trở về ngôi nhà đích thực của chính ta, từ bước chân, hơi thở cho đến hành động ăn cơm, mặc áo, uống nước, đi cầu. Không cần đi đâu hết, không cần làm gì nữa. Cái mà ta đi tìm đã có sẵn ngay ở đây. Vì vậy ta có thể thực sự là một người vô sự. Nếu ta tiếp tục đày đọa thân tâm vì sự thực tập, vì sự tìm cầu, vì sự nghiên cứu, vì sự dụng công khổ nhọc của ta thì ta đi ngược với con người của Tổ và của Bụt, và ta cách xa với Tổ và Bụt như trời xa cách đất.

Con người vô sự là con người tự do, ở đâu cũng làm chủ được mình. Nếu ta có được cái thấy chân thật (kiến giải chân chính) thì ta không còn bị kẹt vào những tướng sinh, trú, dị, diệt của vạn pháp, kể cả những tướng sinh, trú, dị, diệt của Bụt Thích Ca, và vì vậy ta cũng không bị kẹt vào hóa thân Bụt. Dù sự vật quanh ta và chính bản thân năm uẩn của ta có đang đi ngang qua những tướng sinh, trú, dị, diệt ấy thì ta cũng không trở thành nạn nhân của sự buồn vui hay thương ghét. Ta không bị cảnh đoạt. Ta luôn luôn đứng vào vị trí chủ động, đứng vững trong chánh kiến của mình và không trở nên nạn nhân của hoàn cảnh, của kẻ khác, không than phiền rằng hoàn cảnh như thế đó, người ta như thế đó cho nên tôi đã phải như thế này. Ta chuyển được hoàn cảnh mà hoàn cảnh không thể chuyển được ta. Ta luôn luôn là con người thật của mình trong bốn động tác đi, đứng, nằm, ngồi. Ta không cần phải đóng kịch, dù là đóng vai giải thoát, đóng vai giác ngộ, đóng vai đại thiền sư. Cái này gọi là ‘tùy xứ tác chủ, lập xứ đắc chân’. Con người thật có nghĩa như thế.

Vì ta có khả năng sống với con người thật của ta cho nên ta không cần phải làm dáng làm điệu. Ta đâu có cần phải chứng tỏ mình là giải thoát, là giác ngộ. Ta có thể sống một cuộc sống bình thường, ta chỉ cần làm một con người bình thường. Con người bình thường này là con người vô sự, có giá trị cao hơn cả những vị Bồ tát tự xưng là đang đi trên con đường viên đốn, đang đi ngang qua mười địa, đang đi vào Tịnh Độ, tại vì các vị này vẫn còn mang theo tâm niệm yêu thánh, ghét phàm, vẫn còn cái nhìn nhị nguyên, vẫn còn đi tìm cầu, chưa dừng lại được. Con người vô sự mới đích thực là con người đáng được chư thiên ca tụng, được địa thần nâng gót, được chư Bụt muôn phương xưng tán. Tại vì con người vô sự là con người hoàn toàn".

Theo nguoivosu.com

Thư Gửi anh Giuđa

LỜI TÂM SỰ


Anh Giuđa kính mến !
Vì anh đã dính líu vào vụ án Đức Kitô, một vụ án nhân loại không thể phủ nhận được mà người ta chỉ cố tình quên đi thôi. Vì thế, cho đến hôm nay, câu chuyện của anh vẫn là những đề tài sôi động được nêu lên để nhắc nhở con người. Vậy xin anh cứ bình tĩnh để lắng nghe con người, họ luôn ì xèo về anh.
* Người ta hay gọi anh Giuđa là “thằng Giuđa” hoặc là “hắn” hoặc là “Giuđa, tên phản bội”... Vì người ta thương Chúa chịu đớn đau xỉ nhục quá sức lẽ mình nên người ta xỉ vả anh không tiếc lời, và ra như vì anh bán Chúa mà Chúa phải chịu tử hình cùng với những tên trộm cướp gian tà. Rồi đa số người ta đã hiểu lầm câu : “Khốn cho người nào nộp Con Người : thà người đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24) của Đức Giêsu như một lời nguyền rủa, lên án, kết tội anh. Ở đây hình như nhấn mạnh sự đối kháng giữa hai chữ người : đằng sau anh là con người ta nói chung. Chữ khốn diễn tả thực trạng khốn cùng của anh, đồng thời cũng nói lên niềm đau đớn của Chúa Giêsu ; Người không nguyền rủa cũng không lên án anh. Cho nên câu thà người đó đừng sinh ra thì hơn cũng không thể hiểu như một lời quả quyết về số phận cuối cùng, sự trầm luân đời đời của anh ; đây chỉ là một cách lên án tội của anh, mức độ nghiêm trọng, ghê tởm của hành động phản bội ; nộp Con Người là một hành động hèn mạt đến nỗi kẻ phản bội không sinh ra thì hơn !
* Người ta nói vì anh Giuđa ham tiền “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6) nên anh đã bán đứng Thầy cho dân ngoại để họ giết Người. Một đoạn sách viết về anh : Hôm nay Giuđa đi đến quyết định nộp Thầy mình, để đổi lấy ba mươi đồng bạc, một món tiền không mấy lớn lao, vì như ta sẽ thấy, chỉ đủ mua một thửa ruộng bé nhỏ... Lúc sống với Chúa Giêsu, Giuđa không phải con người xấu xa. Có lẽ hắn giỏi che dấu lòng dạ và hắn đi dần đến tội một cách bí mật đến nỗi lúc Chúa Giêsu báo một kẻ sắp nộp Ngài, chẳng tông đồ nào ở bàn ăn đoán được là ai... có lẽ sa ngã vì dính vào tiền, mà tiền là phương thế nối dài cánh tay ta, giúp ta có uy quyền, có thế lực, từ đó ta không còn cậy dựa vào Thiên Chúa” (tr 278). Anh đã hợp đồng với giá là 30 quan tiền là giá một người nô lệ như Luật cũ đã định (Xh 21,32). Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa bị người ta bán rẻ...
* Có người nói anh hoạt động chính trị, anh muốn dồn Thầy mình vào chân tường để Thầy nổi dậy, lên ngôi, chiến đấu dành độc lập và thành một dân nước bá chủ thiên hạ. Anh đã chứng kiến nhìn tận mắt Thầy mình “ngon” lắm, bao nhiêu phép lạ, bao nhiêu chuyện thần kỳ... dễ như trở bàn tay, và coi những hạng Biệt phái, Luật sĩ như pha (nơ pa) ; khi họ muốn xô Thầy xuống vực thẳm, Thầy đã hiên ngang đi vào giữa họ thoát ra hoặc họ liền lượm đá để ném Thầy, nhưng Thầy lánh đi và ra khỏi Đền Thờ cái một.... Khi anh cố tình dồn Thầy để lòng Thầy sôi lên sùng sục mà vùng dậy và nếu có vào ngõ bí thì Thầy cũng chỉ cần giơ ngón tay trỏ ra là mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Nhưng thật xui xẻo cho anh, nào ai học được chữ ngờ, bởi vì “Giờ của Thầy đã đến”... Thế là anh hối hận tuyệt vọng và treo cổ tự tử.
* Trên các bàn tiệc rượu các đám cưới ma chay, mấy ông ưa lý luận triết lý cùn hay bàn tán tranh luận về anh lên thiên đàng hay xuống địa ngục ? Nhóm "luật sư" bênh vực biện hộ cho anh vì anh đã có công, đã dẫn mối để cho quân dữ đến bắt Đức Giêsu và "chúng nó" đã giết Người, máu Người đã đổ ra để tẩy rửa tội lỗi nhân loại, con người được cứu chuộc và được lên thiên đàng nên chắc chắn thưởng anh lên... thiên đàng. Bên cánh tả thì ra sức phồng mang trợn mắt đả kích Giuđa, kẻ lừa thầy phản bạn, kẻ gian dối vì "nó" đã dùng cái hôn chỉ dành cho tình yêu để chỉ điểm Quân Dữ tóm cổ thầy và giết thầy. Nó phạm trọng tội đáng phạt xuống... hỏa ngục.
Thế đấy, anh Giuđa à, con người chúng ta thì hay háu táu đoán già đoán non, lại cứ muốn xía vào việc của Thiên Chúa. Và họ còn có ý bàn tán dậy bảo răn đe để giúp nhau sống tốt hơn, yêu mến Chúa hơn, chân thành hơn, yêu thương nhau hơn... Biết đâu đó nhờ chuyện "quàng xiên" của anh mà có người hoán cải. Thôi chào anh, tạm biệt, "bai".
Nhìn người lại gẫm đến ta...
* Tôi có phản bội không ? Không có Giuđa này thì sẽ có Giuđa khác. Chả lẽ trong suốt cuộc đời của tôi không có lần nào phản bội Ngài chăng ? Trong tình yêu thì tội phản bội làm tổn thương nhất, đau đớn vô cùng. Và tình yêu càng lớn lao bao nhiêu thì khi bị phản bội càng đau đớn bấy nhiêu. Sự phản bội chống đối ra mặt còn đỡ hơn thói sống dửng dưng teo khô chai lì thờ ơ lạnh nhạt... ra như cách sống bất cần của tôi càng không nên sinh ra thì hơn.
* Tôi vẫn bán rẻ Thiên Chúa của tôi, khi tôi coi trọng trần thế hơn Người. Thật đúng thế, trần gian sao mà vẫn cứ hấp dẫn hơn, nó cung cấp cho tôi đủ mọi tiện nghi, nó giải sầu cho tôi dù chỉ chốc lát tôi cũng cảm thấy vơi bớt được phần nào, nó màu mè tươi thắm mát mẻ dù chỉ bên ngoài cũng xoa dịu được phần nào nỗi niềm đam mê của tôi... Trong cuộc đời đã có những lần tôi bán rẻ Chúa, bán rẻ những người chung quanh tôi để tất cả được lợi cho tôi, cho cá nhân ích kỷ của tôi. Đúng là khốn cho người nào bán rẻ (nộp) Con Người.
* Tôi kết án anh Giuđa còn tôi chẳng thích kết án mình, bởi vì tôi có nhìn ra mình đâu mà kết án. Nếu có nhìn ra mình thì thấy cái gì cũng đẹp, cung hay, cũng ngon, cũng nhất... "Sao anh thấy các rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?" (Lc 641). Và như thế, chẳng bao giờ tôi dám hỏi : "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?" (Mt 26,22).
- Lậy Chúa, qua cuộc khổ nạn của Chúa, con chẳng có quyền gì trách cứ và lên án ai, nhưng con nhận ra cách thức yêu thương vỗ về của Chúa trong cuộc đời lữ hành của con. Cách thức yêu thương của Ngài tức là Ngài khổ đau hơn con, Ngài tủi nhục hơn con vì thế cái đau của con chẳng thấm thía gì với cái đau của Ngài để rồi con được chìm lặng trong cái đau của con. Như vậy con có cần phải đề nghị cho Chúa một cách thức yêu thương nào hơn thế không ?
- Lậy Chúa, Ngài sinh ra trong máng lừa hoàn toàn tay trắng... ba năm đi rao giảng Ngài làm những phép la, chữa các bệnh tật xua trừ ma quỷ và làm cho người chết sống lại bao nhiêu người đã đặt kỳ vọng vào Ngài. Nhưng khi họ chứng giám cái chết của Ngài, bấy giờ họ mới vỡ lẽ ra... lại hoàn toàn trắng tay. Bài học khiêm nhường Ngài dạy con suốt đời mà con không thuộc. Con vẫn thích bon chen hơn, con vẫn thích thu vén lợi lộc hơn, con vẫn thích quyền cao chức trọng tác oai tác quái hơn... Và như thế con cần phải chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa mãi, suốt đời con.
Con trông cậy vào lòng xót thương của Chúa :
"Lậy Cha, xin tha cho họ (con) vì họ không biết việc họ (con) làm” (Lc 23,34)