Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Tư liệu: Từ “Gác lại” đến “Cưỡng đoạt”--Sách lược thực dụng và thâm độc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc

"Chủ quyền thuộc ngã" - Từ “Gác lại” đến “Cưỡng đoạt”: Sách lược thực dụng và thâm độc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc

25/02/2010
Hồng Lê Thọ

Hổ lớn vờn hổ con
Trong lần trả lời phỏng vấn vào đầu năm 2010, đại sứ TQ tại VN Tôn Quốc Tường đã nhắc lại chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” trên biển đông của chính phủ TQ, chờ đến một thời điểm “chín muồi” sau nầy(1). Phát biểu nầy không có gì mới, thường được lập đi lập lại có vẻ như lãnh đạo TQ muốn hợp tác hòa bình, không muốn tranh cãi hay tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh những lời nói êm tai này, vấn đề tăng cường tuần tra, kiểm tra bằng các loại tàu “Ngư Chính” cải trang, lực lượng hải quân, cảnh sát biên phòng và tuần tra ngư nghiệp không ngớt quần thảo và ngày càng gay gắt trên biển Đông. Động thái tăng cường khả năng chiến đấu, hiện đại hóa lực lượng hải-không quân bằng khí tài hiện đại với tầm hoạt động vươn ra vùng biển Ấn Độ dương và xa hơn nữa trong suốt một thập niên 2000…cho thấy sách lược hai mặt của nhà cầm quyền TQ với thái độ khăng khăng của TQ trong vấn đề chủ quyền đối với HS-TS với chiếc lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông.
CT Mao Trạch Đông tiếp TT Nixon tháng 2 1972
Bài viết nầy với mục đích tìm hiểu sáng kiến “gác lại” nêu trên được phía TQ đề xuất từ lúc nào và thể hiện trên thực tế ra sao, liệu chúng ta có thể tin tưởng được “thiện chí” của phía TQ đến đâu và có thể chấp nhận giải pháp “gác lại” để cùng khai thác trên vùng biển và quần đảo vốn từ xưa thuộc về chủ quyền của nước ta ?
Thử đặt vấn đề nếu như HS và TS vốn thuộc lãnh thổ của TQ, “không thể tranh cãi được” như TQ khẳng định thì liệu nhà cầm quyền TQ có đưa ra chủ trương nầy hay dứt khoát bảo vệ “lãnh thổ thần thánh” (Senkaku ở biển Đông TH, HS-TS ở biển Nam TH, Đài Loan và nhiều đảo khác trên biển Đông và Nam TH) như tuyên bố của Đặng Tiểu Bình cũng như các lãnh đạo khác của TQ (2 ) Nói khác đi, TQ chỉ bày tỏ thái độ “thiện chí” hợp tác “mềm dẻo” trên vùng biển thuộc lãnh thổ của nước khác như VN, Nhật Bản… để lấn lướt và xâm thực trong lúc chưa thể dùng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt như đã xảy ra đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 hay đối với một số đảo nhỏ ở Trường Sa năm 1988.
Chiếc lưỡi bò lãnh hải của Trung Quốc

Bước 1. Tránh né: Chu Ân Lai nói với thủ tướng NB Tanaka Kakuei ” Tôi không muốn đề cập đến vấn đề này”

Trong cuộc hội đàm kéo dài 3 ngày tại Bắc Kinh (3) nhằm tiến đến việc bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật sau khi quan hệ Trung-Mỹ đã được Tổng thống Nixon và Mao Trạch Đông khai thông trước đó vào tháng 2/1972, Thủ tướng Nhật bản(đương nhiệm) Tanaka Kakuei trong phiên
CT Mao Trạch Đông gặp Thủ Tướng Tanaka Kakuei và ngoại trưởng Ohira Masayoshi(NB)
họp cuối cùng vào ngày 27/9/1972, đã đặt vấn đề chủ quyền của Nhật Bản đối với dãy đảo Senkaku với người đồng nhiệm(4), Thủ tướng Chu Ân Lai thì ông ta đã gạt phăng “tôi không muốn đề cập đến vấn đề nầy”, tỏ thái độ tránh né, cho rằng hai bên phải xuất phát từ “đại cục” trên cơ sở “đại đồng tiểu dị”, không để cho vấn đề chủ quyền “Senkaku”(hay đảo Điếu Ngư) trở thành vật cản trong cuộc đàm phán mà mục tiêu trước mắt là bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật là tối thượng. Phía Nhật cũng đã ngầm hiểu ý đồ của Chu Ân Lai, tỏ ra “đồng tình” vì cho rằng Nhật bản đã sáp nhập các đảo ở Senkaku vào lãnh thổ của Nhật bản từ ngày 14/1/ 1895 (Minh Trị thứ 14), tuyên bố có chủ quyền và quản lý kể từ ngày đó đến năm 1969, tức trong 74 năm đã trôi qua phía TQ chưa hề lên tiếng phản đối. Nhưng từ khi Ủy Ban Kinh Tế Viễn Đông (ECAFE) công bố kết quả thăm dò thềm lục địa ở biển Đông TH năm 1969, cho biết có khả năng trữ lượng dầu mỏ ở vùng biển quanh các đảo Senkaku vô cùng phong phú thì Đài Loan và TQ lần lượt lên tiếng đưa ra yêu sách về chủ quyền vào tháng 5/1969 (5). Ngầm hiểu ý kiến của Chu Ân Lai trước đề xuất của Tanaka, NB càng không muốn gây cãi vả căng thẳng có thể đưa đến đổ vỡ cuộc đàm phán này khi tình hình kinh tế trong nước đang đứng trước nạn lạm phát phi mã ,nhu cầu về dầu mỏ của Nhật Bản ngày càng khó khăn vì phản ứng của các nước Trung Đông đối với thái độ ủng hộ Israel của Mỹ và chính sách theo đuôi của NB, và sức hấp dẫn của thị trường TQ đang khát vốn và kĩ thuật của phương tây mà Nhật bản là nước có nhiều thuận lợi nhất(6). Hơn thế nữa, kể từ khi chiến tranh thứ hai kết thúc, chính quyền Nhật Bản vốn thuộc về phe bảo thủ thân Đài Loan trong đảng cầm quyền LDP(Tự do dân chủ) và nằm dưới sự bảo trợ của chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, Nhật bản không thể thực hiện việc chủ động mở ra quan hệ với Trung Quốc suốt một thời gian dài, mãi đến khi Tanaka Kakuei(田中 角栄)lên nắm quyền vào tháng 7/ 1972 với thế lực chính trị ủng hộ hùng hậu (của các phe phái khác trong Đảng như Phe cánh Ohira Masayoshi 大平 正芳, Miki Takeo 三木 武夫…) chiếm đa số, lấn lướt các phe phái thân Đài Loan như Fukuda Takeo 福田 赳夫, Nakasone Yasuhiro 中曽根 康弘…) trong đảng LDP là người đang nắm đa số tại thượng-hạ viện trong quốc hội Nhật bản. Ông Tanaka Kakuei đã đưa ra hai chủ trương lớn trong cuộc tranh dành chức Chủ Tịch Đảng nầy, về đối nội là thực hiện chương trình “Cải tạo quần đảo Nhật bản”(Nihon Retto Kaizoron 日本列島改造論) để đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng hòng tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế trước nguy cơ khủng hoảng (7) và về đối ngoại là nhanh chóng khôi phục quan hệ Nhật-Trung, không chậm chân, bị nhỡ “cơ hội” nhảy vào thì trường béo bỡ mà tư bản phương tây đang chực chờ sau khi quan hệ Trung-Mỹ được cải thiện. Vì vậy, khi bản tuyên bố Thượng Hải Mỹ-Trung năm 1972 ra đời, được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trước khi Nixon kết thúc chuyến thăm lịch sử ở TQ, các nhà lãnh đạo chính trị, tài giới và tư bản công nghiệp của Nhật bản không dấu nỗi sự bàng hoàng và ngỡ ngàng vì phía Nhật Bản không hề được phía đồng minh Hoa Kỳ thông báo hay hé lộ khả năng bình thường hóa với TQ trước và vì bản thân Nhật Bản cũng đã chuẩn bị một kịch bản tương tự đối với TQ từ khi có cuộc tiếp xúc qua “ngoại giao bóng bàn” (thi đấu bóng bàn quốc tế có tuyển thủ TQ tham dự tại Yokohama) như Mỹ đã thực hiện trước đó.
Thủ tướng Chu Ân Lai nâng cốc chúc mừng Thủ tướng Tanaka(1972)
Về phía TQ, sau một thời gian dài đấu đá thanh trừng nội bộ khốc liệt, điên cuồng chạy theo Cách Mạng Văn Hóa(1966-1976) theo chỉ đạo của CT Mao Trạch Đông, thất bại của “Đại Nhảy Vọt”(1958-1960) trước đó đã đẩy nền kinh tế của TQ khốn đốn lại càng kiệt quệ hơn, sản xuất công-nông nghiệp suy sụp toàn diện, trước mối lo sợ bị LX vây hãm và thôn tính ở biên giới ám ảnh, vào những năm cuối đời, Mao Trạch Đông đã phải chuyển hướng chiến lược đối ngoại, chấm dứt thời kỳ xem Mỹ là cừu địch, có chủ trương cải thiện quan hệ với các nước phương tây trong đó xác định mục tiêu tối thượng là vấn đề Đài Loan phải được công nhận thuộc lãnh thổ của một nước TQ, duy nhất, không can thiệp nội bộ lẫn nhau và chung sống hòa bình với hàm ý chống lại giặc thù con gấu bắc cực (LX). Từ đó, trước khi qua đời, Mao Trạch Đông sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo cấp cao trong đó giao cho người kế thừa là Hoa Quốc Phong điều hành ,trấn áp “bè lũ 4 tên” cầm đầu “Hồng Vệ Binh” trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diệp Văn Nguyên và Vương Hồng Văn) cất nhắc Đặng Tiểu Bình (ĐTB)-- sau một thời gian dài trấn áp và giam lỏng-- trở lại vị trí lãnh đạo cùng với Thủ tướng Chu Ân Lai xây dựng kinh tế và triển khai công tác đối ngoại của Đảng CS TQ.
Với một bối cảnh chính trị các nước Nhật-Mỹ-Trung như trên , chúng ta có thể thấy được rằng Chu Ân Lai đã chọn cách đối phó cực kỳ khôn khéo trước đối thủ Nhật bản, gạt phăng vấn đề xác định chủ quyền một số hòn đảo trên biển Đông TH như đã nói ở trên của Thủ tướng Tanaka, gây cảm tưởng cho phía Nhật bản rằng TQ không quan tâm đến những hòn đảo nhỏ nhặt trên biển Đông TH. Nhưng trên thực tế vào 2 năm sau đó, lợi dụng tình hình Mỹ thất bại trong cuộc chiến ở VN, bắt đầu rút quân khỏi bán đảo Đông dương, chính quyền Nixon lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị (Vụ Watergate) và nền kinh tế của Hoa Kỳ rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, TQ đã nhanh tay cướp lấy thời cơ, cưỡng đoạt bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa bất chấp quần đảo nầy vồn thuộc về lãnh thổ chủ quyền của Việt nam. Hay nói khác đi, không phải Chu Ân Lai đã từ bỏ vấn đề yêu sách chủ quyền của họ đối với Senkaku như chúng ta đã thấy, chỉ vài năm sau đó, tức vào năm 1978, ĐTB vẫn nhắc đi nhắc lại các đảo Senkaku là “thuộc” chúng ta, nhấn mạnh vấn đề chủ quyền của TQ đối với các quần đảo trên biển Đông TH và Nam TH là “không thể tranh cãi”(!) và TQ chỉ chấp nhận đàm phán trên tiền đề này.(8)
Thực ra, hành động tránh né nầy của Chu Ân Lai không phải là không được báo trước, vì vào ngày tháng 28/7/1972 trước đó, trong lần gặp Chủ tịch Đảng Kômei (Nhật Bản) , Ông Takeiri Yoshikatsu thuộc phe thiểu số trong quốc hội nhưng là người tích cực ủng hộ chủ trương bình thường hóa quan hệ Nhật-Trung , Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã cho biết ý đồ nầy của phía TQ, rằng “Phía TQ không muốn đụng chạm đến vấn đề quần đảo Senkaku, một việc quá nhỏ so với việc khôi phục quan hệ Trung –Nhật”(9). Theo ghi chép của Takeiri “Chu nói rằng không quan tâm đến vấn đề Senkaku, chỉ có mấy ông nghiên cứu lịch sử đặt chuyện từ khi có vấn đề dầu mỏ…không cần phải xem nặng đến vậy”. Có phải thực tâm Chu Ân Lai nghĩ như vậy hay chủ quan cho rằng TQ có nguồn dầu mỏ phong phú(!?) có thể cung cấp cho Nhật bản về lâu dài vì vậy khuyên phía đối tác Nhật không nên đem vấn đề Senkaku ra tranh luận hay chọn môt cách nói mà phía NB không thể phản bác, yên lòng trước thái độ mềm dẻo của ông ta ? Hoặc có thể bản thân Ông Chu cũng không hình dung được rằng không đầy 20 năm sau khi TQ bước vào thời kì “cải cách và mở cửa”, từ năm 1978 để phát triển kinh tế thì nước nầy đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ từ năm 1993 và ngày nay đứng vào vị trí nước lớn thứ hai về số lượng dầu mỏ nhập khẩu và kèm theo đó biết bao hệ lụy trong chính sách “phú quốc cường binh” theo chủ nghĩa bành trướng ngày nay mà VN là nạn nhân gần nhất !(10)

Bước hai: “Gác lại tranh chấp”

Ý đồ xem TQ vừa là nơi cung ứng dầu mỏ vừa là thị trường tiêu thụ sản phẩm và công nghệ của NB thể hiện rất rõ trong thái độ háo hức, tạo ra “China boom” trổi dậy mạnh mẽ, nhất là khi Nhật bản nằm trong vòng xoáy của “Nixon Shock”( Cú choáng Nixon) xảy ra vào năm 1971(11) và tiếp đến là “Oil Shock”(Cú choáng Dầu mỏ lần thứ nhất) sau khi chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 bộc phát vào năm 1973 khi các nước xuất khẩu dẩu mỏ ở Trung Đông xếp Nhật bản thân Mỹ vào đối tượng những nước cần hạn chế xuất khẩu dầu mỏ vì có chính sách thù địch ở Trung Đông trong khi hơn 90 % dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản phải dựa vào các nước xuất khẩu dầu mỏ từ khu vực nầy. Mặt khác, với giá cả dầu mỏ nhập khẩu tăng vọt đẩy nền kinh tế Nhật bản vào tình trạng suy thoái và lạm phát triền miên với tốc đó 23% trong năm 2004, kết thúc thời kì kinh tế phát triển tốc độ cao trong hơn một thập niên. Cho nên niềm hi vọng của nước
Nguồn nhập khẩu dầu thô của TQ (đơn vị: nghìn thùng/ngày)
nầy vào nguồn dầu mỏ của TQ rất lớn (tuy rằng chất lượng dầu mỏ của TQ không tốt). Nhật Bản đã tranh thủ nhập khẩu nguồn “dầu mỏ vừa gần lại vừa rẽ” của TQ (12), rất cần cho công nghiệp đồng thời đẩy mạnh mậu dịch, xuất khẩu trang thiết bị gang thép ồ ạt sang nước nầy bên cạnh việc cho vay ODA và viện trợ kĩ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường, bến cảng… phục vụ xuất khẩu của TQ.
Ở thời điểm tuyên bố bình thường hóa Trung-Nhật năm 1972, chưa có nhà lãnh đạo TQ nào đưa ra giải pháp sâu hơn một bước như “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” vì lúc ấy như đã nói ở trên, Chu Ân Lai chưa vội tỏ rõ thái độ TQ trong vấn đề chủ quyền đối với các đảo Senkaku. Như đề cập trong chú thích ở dưới, quan hệ kinh tế Nhật-Trung đã phát triển cực nhanh sau khi TQ có chính sách “cải cách và mở cửa” vào năm 1978 và tham gia vào WTO năm 1991 sau nầy, xem phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Để triển khai việc hợp tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản, ngày 8/10/1978, trước khi sang thăm Nhật Bản để kí kết “Hiệp Ước Hòa Bình và hữu nghị Trung-Nhật”, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã nói với ngoại trưởng Nhật bản Sonoda Sunao tại Bắc Kinh rằng “giữa hai nước Trung Nhật không
PTT Đặng Tiểu Bình tiếp thủ tướng NB Suzuki Zenko
phải là chẳng có vấn đề gì. Thí dụ như vấn đề đảo Điếu Ngư(Nhật gọi là Senkaku), vấn đề thềm lục địa nhưng chẳng cần lôi ra ngay bây giờ. Hãy để yên bên cạnh. Rồi từ từ hai bên thảo luận một cách bình tĩnh, trao đổi tìm ra phương cách mà bên nào cũng có thể chấp nhận được. Thế hệ chúng ta không tìm ra phương cách giải quyết thì thế hệ kế tiếp, hoặc kế tiếp nữa cũng sẽ tìm thấy một giải pháp thỏa đáng”(13). Điều nầy cho thấy ĐTB đã khôn khéo đưa ra vấn đề về chủ quyền “Điếu Ngư” với hàm ý “đây là một vấn đề còn tồn tại, chưa được giải quyết”-- ngược lại với chủ trương của Nhật Bản cho rằng “không có vấn đề tranh chấp chủ quyền”-- thay vì tránh né nhưng lại áp dụng một chiêu bài cao cấp và thực tế hơn Chu Ân Lai, rõ ràng nhất là nội dung họp báo của ĐTB tại Tokyo sau đó 2 tuần lễ, vào ngày 23/10/1978, rằng:
“Các đảo Senkaku ở TQ gọi là đảo Điếu Ngư. Từ cái tên gọi cũng đã khác nhau. Rõ ràng là chủ trương về chủ quyền các đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật bản khác nhau. Hai bên đã cam kết là sẽ không đụng đến vấn đề nầy khi bình thường hóa quan hệ và lần kí kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị cũng nhất trí là sẽ không đề cập đến nó. Với trí tuệ của người TQ thì chúng tôi chỉ nghĩ ra phương pháp nầy. Có nghĩa là nếu đụng đến vấn đề nầy thì sẽ không nói gì thêm được rõ ràng. Treo lại vấn đề nầy cũng chẳng sao, thế hệ kế tiếp sẽ thông minh hơn chúng ta, chúng sẽ tìm ra được giải pháp mà mọi người có thể chấp nhận được”. Theo Hiramatsu Shigeo thì “Việc gác lại nầy đối với TQ là cần thiết ở thời điểm mà việc giải quyết vấn đề nầy không thích hợp. Khi TQ thấy có lợi thì họ sẽ lôi xuống một cách dễ dàng”(14) vì ”TQ không bao giờ thỏa hiệp với bất cứ ai về vấn đề chủ quyền họ cho là thuộc TQ như ĐTB vẫn thường nhấn mạnh”.(15) Đây là một điểm quan trọng trong sách lược ngoại giao “thực dụng” của nhà lãnh đạo TQ trong khi đàm phán với đối tác “đang có vấn đề tranh chấp lãnh thổ” với nước nầy và cũng là mặt trái của nhà cầm quyền TQ đối với Nhật Bản là nước đang thèm khát thị trường và dầu mỏ TQ như đã nói ở trên.

Bước ba: “Cùng nhau khai thác”—một thủ đoạn tinh vi

Ngày 31/5/1979 trong lần gặp gỡ Thủ tướng Suzuki Zenko 鈴木 善幸(đương nhiệm—người kế tục Tanaka Kakuei) ĐTB nói rõ chủ trương của TQ là khai thác chung tài nguyên dầu khí ở vùng biển này không đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ trên các đảo Senkaku và sang tháng 6/1979 tức 1 tháng sau, qua con đường ngoại giao, phía Bắc Kinh chính thức công bố đề án “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” trên tiền đề là chủ quyền các đảo nầy thuộc về TQ, cho đây là giải pháp hữu hiệu để tránh “đụng chạm” về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Phương sách nầy sau đó cũng đã được Đặng Tiểu Bình (16), Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng đề xuất với các nước ASEAN trong giải pháp hợp tác về nghề Cá trên biển Đông(17).
Tóm lại, từ những năm cuối thập niên 1970 TQ đã đưa ra và luôn kiên trì chủ trương chính sách “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” trên cơ sở bảo đảm chủ quyền thuộc về TQ. Trong bức điện trả lời phỏng vấn của báo chí Nhật bản ngày 12/10/1996, Ngoại trưởng TQ, Tiền Kỳ Tham nhấn mạnh “Hai bên đã nhất trí giao lại việc giải quyết vấn đề quần đảo Senkaku cho tương lai khi đàm phán để bình thường hóa quan hệ cũng như kí kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật. Đó là một sự thật lịch sử” và còn nói thêm “dựa trên tiền đề này, chúng tôi đã nhiều lần gạt sang một bên và đề nghị cùng nhau khai thác tài nguyên. Chủ trương nầy xuất phát từ đại cục của quan hệ giữa hai nước, và quan điểm chiến lược có lợi hòa bình và ổn định của khu vực”. Gần đây Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cũng đã lập lại chủ trương nầy vào ngày 12/3/2008 trong cuộc họp báo nhân kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa 11 TQ , rằng “TQ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận, TQ tích cực chủ trương thông qua phương thức ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ để giải quyết những vấn đề liên quan”(18) chứ không bao giờ rút lại yêu sách về “chủ quyền” như phương châm chỉ đạo “chủ quyền tại ngã”(chủ quyền là của chúng ta) trước đây của ĐTB.
Nói khác đi, TQ sử dụng chiến lược “tằm ăn dâu”, tạo ra “sự thật đã rồi” bằng cách đi từ chỗ đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo ở biển Đông TH vốn thuộc Nhật bản hay quần đảo HS-TS trên biển Nam TH xưa nay vốn thuộc VN, sang đến chỗ tranh chấp để chứng minh vấn đề yêu sách của TQ là có thật, xem đó là “vấn đề do lịch sử để lại” tồn tại (19) chưa được giải quyết thỏa đáng và tiến dần đến chỗ “gác lại tranh chấp “ để “cùng khai thác” trên một tiền đề là Nhật Bản hay các nước có yêu sách chủ quyền trên biển Đông như VN, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines phải công nhận “chủ quyền” của TQ theo chủ trương của họ
Sản xuất nội địa và lượng dầu mỏ tiêu thụ của TQ (1990-2010)
trong khi TQ chưa đủ khả năng khống chế như trường hợp đảo Senkaku hay tình hình chính trị quốc tế chưa đủ chín muồi (lời của Đại Sứ Tôn Quốc Cường) cho phép TQ có thể sử dụng vũ lực chiếm đoạt một cách mạo hiểm như đã hành động ở biển Đông đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Ba bước đột phá theo thứ tự và có hệ thống nầy luôn được hệ thống tuyên truyền của TQ rao giảng, lớn tiếng la lối và được hổ trợ bằng cách kích động tinh thần dân tộc dư luận trong nước theo chủ nghĩa Đại Hán qua việc công bố kết quả thăm dò dư luận, rằng 92 % người dân tán thành biện pháp vũ lực để “khôi phục chủ quyền của TQ trên quần đảo Trường Sa (20). Mặt khác, về pháp lý, TQ củng cố chủ trương bằng những luật pháp do nước nầy nhào nặn như “Luật về lãnh hải” được Hội nghị đại biểu toàn quốc thông qua vào tháng 2/1992. Thật vậy, Điều 2 về lãnh thổ trên đất liền của bộ luật nầy xác định “tất cả đại lục TQ, các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư, quần đảo Bành Hồ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa(Hoàng Sa ), Trung Sa, Nam Sa(Trường Sa) kể cả các đảo nhỏ khác được TQ tự ý ghi rõ tên gọi để khẳng định phạm vi chủ quyền của TQ”. Hành động nầy đã nảy sinh mâu thuẩn nghiêm trọng trên vùng biển Đông Trung Hoa với Nhật Bản và với các nước đông nam á khác như VN, Malaysia…về vấn đề chủ quyền ở quần đảo Trường Sa ở biển Đông. Đồng thời những điều khoản của Luật lãnh hải của TQ còn đe dọa đến sự tự do đi lại của tàu bè trên biển đông, TQ tự cho phép mình có quyền truy đuổi, bắt bớ các tàu thuyền “xâm phạm” lãnh hải TQ hay khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) trên vùng biển 200 hải lí (370 km) tính từ đường phân định lãnh hải của các hòn đảo mà TQ tự nhận là của mình trên biển Đông.(21)
Trong khi ĐTB không ngừng luôn miệng, rằng “TQ xem trọng việc phát triển quan hệ lâu dài với Nhật bản đến đời đời con cháu mai sau, từ thế kỷ 21 sang đến thế kỷ 22, 23 vĩnh viễn. Đây là điều quan trọng hơn mọi vấn đề quan trọng khác…”( phát biểu với Thủ tướng Nakasone Yasuhiro vào 25/3/1984)(22) thì những gì đã xảy ra trên thực tế ở biển Đông TH với Nhật bản trong những tháng năm sau đó đã phủ nhận, chứng minh ý đồ ngang ngược nầy của nhà cầm quyền TQ trong chủ trương “gác lại tranh chấp”.
GS Hiramatsu Shigeo cho biết “từ đầu tháng 12/1995 đến trung tuần tháng 2/1996, trong khoảng 60 ngày, TQ đã xâm nhập vào vùng biển EEZ để khoan đào thăm dò ở các điểm cách 570 mét nằm sâu trong đường trung tuyến của Nhật bản mặc dù Cục an ninh trên biển của Nhật bản đã nhiều lần yêu cầu chấm dứt nhưng các tàu điều tra hải dương của TQ vẫn tiếp tục…thử hỏi hành động như là nhảy vào sân nhà của người khác để đào bới và sau đó còn bước sâu vào tận cửa nhà người ta tìm của cải…như vậy có ngang ngược hay không ?” (23). Cách thức nầy TQ cũng đã áp dụng với vùng biển Tư Chính hay trên Vịnh Bắc Bộ của VN , ngang nhiên kí kết hợp đồng cho công ty nước ngoài thăm dò để khai thác ở vùng biển bên trong khu vực đặc quyền kinh tế Việt Nam theo UNCLOS (Công ước về Biển của LHQ) mặc dù TQ đã nhiều lần cam kết tôn trọng hiệp ước nầy trong vấn đề lãnh hải và qui định về khu vực EEZ hay thỏa thuận về việc phân định đường lãnh hải trên Vịnh Bắc Bộ. Nói khác đi, trong khi kêu gọi “gác lại tranh chấp” thì phía TQ lấy “Luật biển” của mình để lật ngược, khẳng định chủ quyền, xác định đó là lãnh thổ của họ là một thủ đoạn xảo trá (“deception”---chữ dùng của TS Ota Fumio) thì liệu những lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo TQ có thể làm cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế yên tâm tin tưởng vào cái gọi là “thiện chí” như việc “gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác” được hay không.(24) Cựu Đề Đốc Ota Fumio phân tích “Mô hình chiến thuật dùng vào việc xâm lấn lãnh hải của TQ như sau: một là TQ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Luật Lãnh hải năm 1992 trong đó TQ khẳng định quần đảo Senkaku thuộc lãnh thổ của mình và Luật chống ly khai đối với Đài loan trong năm 2005. Hai, thế rồi TQ thường xuyên thực hiện việc tuần tra biển trong khu vực mà họ khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Ba, TQ chứng tỏ sự hiện diện của mình chi mọi người biết bằng cách điều lực lượng/quân lính hải quân đến khu vực ấy. Bước cuối cùng, TQ biến việc chiếm đóng tạo thành môt sự thật đã rồi. TQ theo đuổi mô hình nầy trong biển nam TH. Đối với biển Đông TH, TQ đã tiến đến bước thứ ba”(25)
Sau một thời gian nguội lạnh trong quan hệ Nhật-Trung dưới thời Thủ tướng Koiizumi Junichiro 小泉純一郎(26/4/2001-31/10/2005), tháng 6/2008 Thủ tướng Fukuda Yasuo cải thiện quan hệ hai nước, ra tuyên bố chung xác nhận thỏa thuận “việc gác lại tranh chấp và cùng khai thác chung giếng khí đốt nằm trong vùng biển tiếp cận đường trung tuyến của hai bên thuộc vùng biển Đông TH, biến vùng biển nầy thành “biển của hữu nghị, hòa bình và hợp tác giữa hai nước trong quan hệ chiến lược bình đẳng và hai bên cùng có lợi”(26) nhưng cũng từ tháng 12/2008, lực lượng vũ trang TQ lại bắt đầu hàng loạt hoạt động điều tra quần thảo trên vùng biển Nhật bản nhằm tái khẳng định chủ quyền của họ đối với các đảo Senkaku và người phát ngôn phía TQ luôn tuyên bố phía TQ không bao giờ nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền biển đảo trong đàm phán (27).
Những hành động và lời nói với phía Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền và khai thác vùng biển các đảo Senkaku cũng đã diễn ra tương tự nhưng cường độ mạnh mẽ và thô bạo hơn trên biển Đông trong khi lãnh đạo hai nước Trung –Việt đều tán thành “phương châm 16 chữ vàng”-- và sau nầy thêm “tinh thần 4 tốt”-- của Chủ Tịch Giang Trạch Dân, xác nhận việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện giữa hai nước vào năm 1999(28).

Thay lời kết

Nhà cầm quyền TQ hiện nay đang cố gắng dùng lời lẽ ngọt ngào trong đàm phán ngoại giao(29), với những thông điệp rất êm tai như “hòa bình”, “hữu nghị”, “láng giềng thân thiện”… hay gần đây nhất là “sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (30) khi đề cập đến quan hệ Trung-Việt nhưng bên trong và hành động trên thực tế hoàn toàn trái ngược, áp đặt “một chiều” để lấn át và răn đe thô bạo kiểu Trung Quốc (31). Nhìn hạm đội của TQ trong tư thế vũ trang sẵn sàng chiến đấu, thao dượt rầm rộ trên biển Đông và liên tục bắt bớ tàu đánh cá, đánh đập ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa, xem biển Đông và Nam TH như ao nhà, người ta không thể không cảnh giác trước uy hiếp về quân sự của TQ. Tư tưởng biên giới lãnh thổ mở rộng và luôn biến động theo tầm địa lý của lợi ích quốc gia trong một số nhà lãnh đạo quân sự TQ càng kích động những người quá khích chạy theo chủ nghĩa dân tộc ích kỷ và bành trướng, đưa nguy cơ xung đột ngày càng có điều kiện bùng nổ bất cứ lúc nào.
Không thể xây dựng niềm tin trên sự giả dối và càng không thể thương thảo khi đối tác lăm lăm gươm giáo, đằng đằng sát khí, với mùi khét của khói súng lãng vãng bên cạnh. Lời nói phải đi đôi với việc làm với thái độ tự trọng và biết kiềm chế, tương kính lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để tìm lối thoát hợp lý và công bằng vì một nền hòa bình và ổn định dài lâu để cùng phát triển phải chăng là một đòi hỏi quá đáng hay ngược lại đang nằm trong tầm tay của các nhà lãnh đạo TQ nếu họ chấp nhận từ bỏ tư tưởng Đại Hán ?
Hồng Lê Thọ
Mồng 5 tết Canh Dần, tháng 2/2010
Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa
====================

Chú thích:

(1) Tại buổi họp báo ở Hà Nội ngày 6/1/2010, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường nhắc lại chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của lãnh đạo TQ.
Đại sứ Tôn Quốc Tường nói, "Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác", và đề nghị rằng Việt Nam và Trung Quốc nên tạm gác lại tranh chấp, đợi điều kiện chín muồi.
"Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề. Trong quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành...
Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa."
Xuân Linh. Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp Biển Đông. Vietnamnet,6/1/2010.
Nữ quân nhân TQ canh gác trên đảo Hoàng Sa
(2) 关于主权属我 搁置争议 共同开发的讨论一、主权 属我 搁置争议 共同开发的来源 “Chủ quyền thuộc về chúng ta--Nguồn gốc của chủ trương “Gác tranh chấp về chủ quyền—cùng nhau khai thác”
http://www.nansha.org.cn/study/4.html
(3) Biên bản ghi chép cuộc hội đàm giữa Tanaka-Chu Ân Lai lần thứ ba vào ngày 27/9/1972) trong “những bí mật của hội đàm Nhật-Trung” của báo Asahi ngày 2/10/1972:
Tanaka Kakuei:
-Về vấn đề các đảo Senkaku thì Ngài suy nghĩ sao ? Có rất nhiều người nói nầy nọ với chúng tôi.
Chu Ân Lai:
-Về vấn đề các đảo Senkaku thì lần nầy tôi không muốn đề cập. Bây giờ mà nói ra cũng chẳng tốt lành gì. Cho rằng vì nơi nầy sẽ có dầu mỏ, thế là trở thành vấn đề. Nếu chẳng có dầu mỏ thì Đài Loan hay Hoa Kỳ cũng không xem là vấn đề.
「尖閣論議深入りせず、日中会談で周首相、田中首相が明 かす」『朝日新聞』1972年10月2日、「尖閣論議避け た周首相、肩の荷おろし日中会談秘話」『日新聞』同 10月2 日 (tư liệu đại học Tokyo)
(5) 尖閣諸島の領有権問題と中国の東シナ海戦略 (平松茂雄 )
GS Hiramatsu Shigeo cho biết “tháng 9/1972 lần đầu tiên thủ tướng Nhật Bản, Tanaka Kakuei sang thăm TQ để bình thường hóa quan hệ Nhật-Trung, phát biểu rằng phía NB “muốn làm rõ vấn đề chủ quyền các đảo Senkaku” thì Chu Ân Lai đáp lại” nên kết thúc đàm phán tại đây”, gạt ra bàn đàm phán để tránh va chạm về vấn đề nầy. Xem như một sự đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước. Nhận thức nầy đã trở thành một sự thỏa thuận làm nền tảng cho việc “gác lại tranh chấp” của `ĐTB sau nầy vì theo Hiramatsu Shigeo thì “Việc gác lại nầy đối với TQ là cần thiết ở thời điểm mà việc giải quyết vấn đề nầy không thích hợp. Khi TQ thấy có lợi thì họ sẽ lôi xuống một cách dễ dàng”
(6)Kim ngạch thương mại Nhật-Trung năm 1972 trước khi bình thường hóa quan hệ chỉ ở mức 900 triệu đô la, chiếm 4% tổng kim ngạch mậu dịch của TQ thì từ năm 1993, Nhật Bản đã vượt kim ngạch thương mại của Hong Kông với TQ, bình quân hàng năm tăng 16.3 % trong quãng thời gian từ năm 1990-2000 và năm 2000-2007 là 16%/năm, kim ngạch thương mại Nhật-Trung năm 2007 đã lên đến 236 tỷ đô la, tăng 20.6% so với năm trước và gấp 33 lần khi TQ bắt đầu có chính sách “cải cách và mở cửa”. Đặc biệt quan hệ Nhật-Trung phát triển ở tốc độ cao kể từ khi TQ gia nhập WTO vào năm 2001. Hàng hóa Nhật Bản đứng hàng thứ 1 trong nhập khẩu của TQ và hàng thứ 4 trong xuất khẩu của TQ. Kim ngạch FDI của Nhạt tính đến 2007 là 61.56 tỷ đô la, là nước đứng thứ hai về kim ngạch đàu tư vào TQ., không kể 20 tỷ đô la là khoản vay ODA từ năm 1979 đến 2007 và 2 tỷ đo la thuộc viện trợ kĩ thuật.( He Liping “Sino-Japanese Economic Relations:A Chinese Perspective”)
Danh sách 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang TQ ( năm 2008, đơn vị : tỷ USD)
(7) Chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 bộc phát vào ngày 6/10/1973, liền sau đó Tổ chức các 6 nước xuất khẩu dầu mỏ(OPEC) công bố nâng giá dầu từ 3.01 USD/thùng lên 5.12 USD/thùng, tăng 70% vào ngày 16/10/1973, và sẽ từng bước giảm sản lượng. Tổ chức OAPEC(xuất khẩu dầu mỏ khối Ả Rập) tuyên bố cấm vận dầu hỏa đối với các nước ủng hộ Israel kể từ ngày 20/10 và sau đó công bố giá dầu mới từ 1/1974 từ 5.12 USD lên 11.65 USD/thùng…đã làm cho giá cả hàng tiêu dùng trong nước Nhật bản rối loạn, xã hội rơi vào tình trạng không trọng lực, tỷ lệ làm phát tăng vọt trên 23% trong năm 1974.
(8) như (2)
(11) “Cú sốc Nixon” hay “cú sốc đô la” là một biện pháp kinh tế của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ngày 15 tháng 8 năm 1971 đồng đô la Mỹ đã tụt giá xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Tổng thống Nixon đã tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương phá giá đồng Đô-la, đình chỉ khả năng quy đổi của đồng đô la ra vàng, đồng thời áp đặt mức thuế đặc biệt 10% đối với hàng hóa nhập khẩu. Những hành động này được biết đến như là "Cú sốc Nixon" chủ yếu nhằm vào Nhật Bản Tây Âu, những nước tuy là đồng minh chiến lược của Mỹ nhưng ngày càng trở Nixon hành đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ.
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%BA_s%E1%BB%91c_ t
(12) Bộ Công Thương Nhật Bản và tài giới mong muổn mở rộng nguồn nhập khẩu dầu mỏ để đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 trong đó hơn 90% là nhập khẩu từ các nước Trung đông, phần dầu nhập khẩu từ TQ bắt đầu từ năm 1973 sau khi hai nước cam kết bình thường hóa quan hệ. Năm 1975 NB nhập từ TQ khoảng 65 triệu thùng, chiếm 3,9% tổng số lượng, gấp 8 lần số lượng năm 1973, năm 1976 là 80 triệu thùng, tương đương 5%.(Beaver County(Pa) Times 26/12/1975). Năm 2004 TQ đã công bố quyết định ngừng việc xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật bản sau khi TQ đã trở thành nước nhập khẩu do nhu cầu về dầu mỏ tăng cao trong quá trình kinh tế phát triển quá nhanh..
(13) 人民網日本語版」2004年8月13日
(15) như (5)
(16) Bộ Ngoại giao Trung Quốc. “Set aside dispute and pursue joint development”. Ngày 17/11/2000. http://www.fmprc.gov.cn/eng/ziliao/3602/3604/t18023.htm
*Tháng 6/1986, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Phó Tổng Thống Philippines Salvador Laurel rằng Trung Quốc và Philippines nên gác tranh chấp Trường Sa, "không nên để vấn đề này cản trở tình hữu nghị của Trung Quốc với Philippines và các nước khác"
*Tháng 4/1988, Đặng Tiểu Bình đề nghị với Tổng Thống Philippines Corazon Aquino, "Xét quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, chúng ta có thể tạm gác vấn đề này và tiếp cận theo hướng khai thác chung"
(17) Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng (Li Peng) trong tuyên bố ngày 13 tháng 8 năm 1990 tại Singapore rằng Trung Quốc đã chuẩn bị xếp lại những vấn đề về chủ quyền và sẽ liên kết phát triển vùng quần đảo Trường Sa (Spratly), muốn gác lại vấn đề gây trở ngại chính và dựng lên một khung cảnh mới để giải quyết những vấn đề trong vùng. Tuyên bố trên theo sau sự kiện va chạm khốc liệt tháng 3-1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam tại rặng đá ngầm Johnson - khi đó ba tàu Việt Nam bị đắm và 77 thủy thủ Việt Nam bị giết hoặc mất tích - và phản ánh một sự trở mặt rất quan trọng.

Trích “Trung quốc và các tranh chấp vùng biển Nam Trung Hoa » - China and the South China Sea Disputes . M. Valencia

(19) Hồng Lê Thọ “Quan hệ Việt Trung và các vấn đề do lịch sử để lại ?”
(20) Hồng Lê Thọ ”Lý lẽ và âm mưu bành trướng của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán” http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/lyle-ammuubanhtruong.htm
(21)Kayahara Ikuo “中国軍事論中国軍事論--Về quân sự của Trung Quốc”(Chugoku Gunjiron) trang 301-327
(22) 中日関係に関するトウ小平氏の語録
(23)Sakurai Yoshiko 中国の意図を甘く見るな 『週刊新潮』 20041028日号 http://yoshiko-sakurai.jp/index.php/2004/10/
(24) như (13)
(25) như trên
(26) 東シナ海ガス田開 発合意について
(27) 「断固我が国の大陸棚の主権権利を守る」と題する人民日報評論員論評要旨1980年5月8日
「釣魚島および付属の島嶼は、中国の固有の領土である」
劉建超報道官:中国政府は「釣魚島および付属の島嶼は、古代から中国の固有の領土である。釣魚島および付属の島嶼に対する中国の主権は疑う余地もない」と 再度言明するものである。中日間で釣魚島の主権問題で食い違いが存在することは、客観的な事実である。われわれは協調を通じてこの問題を解決することを主 張している。
2008718
釣魚島(日本名:尖閣諸島)問題は、中日間で未解決の領土問題である19961018日付 「人民日報」第8 面 作者:鐘厳
“釣魚島問題について”
(28) Phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” đánh dấu quan hệ Trung Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung, từ tháng 2/1999.
(29) Quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Việt mãi mãi xanh tươi” Tôn Quốc Tường 21/2/2010 (mạng báo moi.com)
(30) Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đề cao chủ trương Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện trong dịp viếng thăm Việt Nam vào tháng 11/2006: “Sơn Thủy Tương Liên - Văn Hóa Tương Thông - Lý Tưởng Tương Đồng - Vận Mệnh Tương Quan”.

http://dinhtanluc.yolasite.com/phuc-trinh-ngoai-giao.php

(31) Hồng Lê Thọ ”Thông điệp mở đầu năm hữu nghị Việt-Trung : những gáo nước lạnh ngổ ngáo!”
http://bauvinal.info.free.fr/binhluan/thongdiepmodau.htm
Copyright © 2009 by Bauxite Việt Nam International
http://bauvinal.info.free.fr http://bauxitevietnam.free.fr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét