Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Người lính nào cũng khổ (*)

Thích Nhất Hạnh Nguyễn Ngọc Già chuyển ngữ
Lời nói đầu:

Từ ý kiến rất xúc động và thực tế của độc giả Bùi Văn Nịt:

Trong chiến tranh thì nhân dân hai miền dù thua, dù thắng đều có những người thoát chết ở chiến trường, nhưng đau thương trong hoà bình. Vậy mà những người lành lặn, khỏe mạnh vẫn chưa nguôi mối hiếm khích trong quá khứ, tuy rằng cứ hô hào hòa hợp. Người khỏe không làm được hòa hợp thì người què, người cụt, người đui què mẻ sứt sẽ tiên phong trong sự hòa hợp. Chúng tôi đề nghị nhà nước hay Mặt trận TQ hay một đoàn thể nào đó, hay chính nhân dân tổ chức cho những người lính hai phe trước đây một cuộc họp mặt thân mặt, không còn goị nhau là Việt cộng hay Ngụy mà là những thương phế binh Việt Nam với nhau. Sau này cứ đến dịp Tết nguyên đán thì lại tổ chức gặp nhau họp mặt một lần, rồi tổ chức đi thăm viếng nghiã trang của những người lính hai chiến tuyến trước kia, thăm đền chùa, để các vị sư cầu phúc cho tất cả, rồi đến các nhà thờ thăm hỏi, chuyện trò với các linh mục...

đã tạo cảm hứng cho tôi tiếp tục chuyển ngữ một phần tác phẩm "Anger" của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Phần dịch dưới đây, ngoài việc chuyển đến độc giả Bùi Văn Nịt như lời sẻ chia của cá nhân tôi, còn là lời cảm thông với những người lính Việt Nam, đặc biệt những Người Lính đã mất một phần thân thể, bất kể từ chiến tuyến nào.

Bài dịch cũng là lời đòi hỏi giới cầm quyền Việt Nam đã đến lúc phải thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, bởi chưa bao giờ lòng người ly tán nghiêm trọng như bây giờ, trong đó rất nhiều người hả hê trước hiện tượng thất thế và có thể có những hậu quả cho ông Nguyễn Tấn Dũng trước "biến cố" từ vụ án bầu Kiên. Tôi không dám trách tâm trạng đó, bởi đó là tâm trạng có thể cảm thông trước sai phạm, tội ác ngày một nhiều và rõ hơn, của người CS nói chung và phe cánh Nguyễn Tấn Dũng nói riêng. Tuy thế, chính sự việc bầu Kiên, có phải đẩy Việt Nam đứng trước tình trạng chia rẽ mãnh liệt, trong khi đó người dân Việt Nam lại trở thành nạn nhân đầu tiên và gánh hậu quả nặng nề nhất?

Thỏa ước hòa bình

Chúng ta hãy nói với người mà chúng ta yêu thương: "Em (anh) yêu, trong quá khứ, chúng ta đã gây ra cho nhau quá nhiều đau khổ, bởi lẽ không ai trong chúng ta có khả năng xử lý nỗi giận dữ. Giờ đây, chúng ta phải cùng nhau tạo ra một nghệ thuật để xử lý nỗi giận dữ của chúng ta.

Thiện Tâm có thể loại bỏ sức nóng của nỗi giận dữ và cơn sốt của sự đau khổ. Sự mẫn tiệp có thể mang vui sướng và hòa bình ngay lúc này và ngay ở đây. Kế hoạch dành cho hòa bình và hòa giải của chúng ta cần dựa vào điều này.

Bất cứ khi nào năng lượng giận dữ xuất hiện, chúng ta thường muốn giải tỏa nó bằng cách trừng phạt người mà chúng ta cho rằng họ là cội nguồn mang lại đau khổ cho ta. Điều này được gọi là năng lượng theo thói quen trong ta. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta luôn trách cứ người gây ra khổ đau cho chúng ta. Trước hết, chúng ta không nhận rõ, nỗi giận dữ là điều bình thường trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần chịu trách nhiệm trước tiên, nhưng chúng ta lại rất thiệt thà để tin chắc khi đôi co hay trừng phạt người đó, chúng ta sẽ bớt đau khổ. Nên nhổ bỏ niềm tin kiểu này, nếu chúng ta không muốn nó mọc rễ trong tâm hồn mình. Bởi bất cứ điều gì chúng ta làm hay nói trong trạng thái giận dữ chỉ gây tổn thương thêm cho mối quan hệ. Vì vậy, chúng ta không nên cố gắng nói hay làm bất cứ việc gì khi mình đang nổi giận.

Khi bạn nói điều gì đó không tốt hoặc hành động như là sự trả đũa, lúc đó cơn giận của bạn tăng lên. Bạn làm người khác đau khổ thì người đó sẽ cố hết sức đáp trả y như vậy để tâm trạng họ cũng nhẹ nhàng như bạn muốn. Thế là mâu thuẫn tiếp tục leo thang càng cao. Vấn đề này đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ. Cả bạn và người kia vốn quen thuộc với nổi giận dữ leo thang, nỗi đau khổ leo thang và các bạn không rút ra được bất cứ điều gì từ cái cách đó. Cố trừng phạt người khác nhất định làm tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn.

Trừng phạt người khác nghĩa là trừng phạt chính mình. Điều này đúng trong mọi trường hợp. Quân đội Mỹ trừng phạt Iraq, không chỉ làm Iraq đau khổ mà còn làm cho Mỹ cũng đau khổ. Ngược lại, Iraq cố trừng phạt Mỹ, Mỹ đau khổ và Iraq cũng khổ đau không kém. Điều tương tự như thế xảy ra mọi nơi; giữa người Israel và người Palestin, giữa người Hồi giáo và người Hindu, giữa bạn và người khác. Nó luôn luôn như thế. Vì vậy chúng ta nên thức tỉnh; chúng ta nên nhận thức rõ, trừng phạt người khác không phải là sách lược sáng suốt. Cả bạn và người kia đều là người thông minh. Các bạn có thể sử dụng sự sáng suốt của mình. Các bạn nên cùng nhau thỏa thuận một sách lược giải quyết nỗi giận. Cả hai bạn đều biết rằng cố trừng phạt lẫn nhau thì chẳng khôn ngoan. Do đó hãy hứa với nhau rằng mỗi khi bạn giận dữ bạn sẽ không nói, không hành xử để giải tỏa nó.

Khi các bạn vui vẻ hãy ký một hợp đồng, thỏa ước hòa bình của các bạn, một thỏa ước của tình yêu chân thật, đó là bạn biết nắm bắt lợi thế những khoảng thời gian đó. Chỉ nên dựa vào nền tảng tình yêu chân thực để viết và ký kết thỏa ước hòa bình, không giống như thỏa ước hòa bình mà các đảng phái chính trị ký với nhau. Họ dựa trên tư lợi quốc gia để ký thỏa ước. Họ vẫn tràn đầy hồ nghi và giận dữ. Thỏa ước của các bạn hoàn toàn dựa trên tình yêu thuần khiết.

Vỗ về nỗi giận dữ

Đức Phật không bao giờ khuyên chúng ta che giấu nỗi giận dữ. Ngài khuyên chúng ta quay về với chính mình để xoa dịu nó. Khi một cái gì đó trục trặc xảy ra trong thể xác chúng ta, như ruột, dạ dày, gan, chúng ta phải dừng mọi việc và quan tâm sâu sắc đến vấn để đó. Chúng ta xoa bóp, dùng chai nước nóng lăn lên bụng, chúng ta làm mọi cách có thể để chăm sóc những bộ phận cơ thể này.

Giống như các bộ phận cơ thể chúng ta, nỗi giận dữ là một phần của mình. Khi chúng ta giận, chúng ta nên quay về với chính mình và chăm sóc cẩn thận nó. Chúng ta không thể nói: "Cút đi nỗi giận dữ, mày phải cút ngay. Tao không muốn thấy mày." Khi bạn đau bao tử, bạn không nói, "Tôi không thích bạn - bao tử ạ, xéo đi." Không, bạn chắc chắn chăm sóc nó. Cũng như vậy, chúng ta phải vỗ về và chăm sóc nổi giận dữ của mình. Chúng ta nhận ra nó hiện hữu, vỗ về nó và mỉm cười với nó. Năng lượng mà giúp chúng ta làm những điều này được gọi là sự sáng suốt, sự sáng suốt của di thiền (walking meditation), sự sáng suốt của việc hít thở.

Hạnh phúc không phải là chuyện cá nhân

Điều này có nghĩa là bạn không nên giấu nỗi giận dữ của mình. Bạn phải để cho người khác biết rằng bạn đang giận và đang đau khổ. Điều này rất quan trọng. Khi bạn nổi giận với ai đó, xin đừng giả vờ là bạn không giận dữ gì cả. Đừng giả vờ bạn chẳng đau khổ gì cả. Nếu đó là người yêu mến đối với bạn, thì bạn phải thú thật rằng bạn đang giận dữ và đau khổ. Nói với người đó theo cách bình tĩnh.

Trong tình yêu chân thật, không có chỗ cho kiêu hãnh. Bạn không thể giả vờ rằng bạn chẳng đau khổ cũng như chẳng có gì có thể làm bạn giận dữ cả. Đó là cách tránh né dựa trên sự kiêu hãnh. "Giận dữ ư? Tôi à? Tại sao tôi lại phải giận dữ? Tôi bình thường thôi." Thực tế, bạn không bình thường. Bạn mang tâm trạng như đang ở địa ngục. Nỗi giận dữ đang thiêu đốt bạn và bạn phải nói với vợ, con trai, con gái. Xu hướng chúng ta hay nói: "Tôi không cần em (anh, con, bạn v.v...) mới có hạnh phúc. Tôi có thể tự xoay xở lấy." Đó là sự phản bội với lời thề ước bạn đầu - hứa chia sẻ mọi điều.

Hồi ban đầu, các bạn đã nói với nhau: "Tôi không thể sống thiếu em (anh). Hạnh phúc của em (anh) phụ thuộc vào anh (em)." Bạn đã nói rõ ràng như thế. Tuy nhiên, khi bạn giận, bạn nói ngược lại "Tôi không cần anh (em)! Đừng đến gần tôi! Đừng động chạm vào tôi!" Bạn thích đi vào phòng riêng và khóa cửa lại. Bạn cố hết sức để chứng minh rằng, bạn chẳng cần người khác. Đây là điều rất con người, là xu hướng thông thường. Tuy thế đó không là cách sáng suốt. Hạnh phúc không phải là chuyện cá nhân. Nếu một trong hai bạn không hạnh phúc, người còn lại cũng không hạnh phúc.

Lời bình: Nguyễn Đức Kiên có hạnh phúc không? Nguyễn Tấn Dũng có hạnh phúc không? Phía đối nghịch với Nguyễn Tấn Dũng có hạnh phúc không? Người Việt Nam có hạnh phúc không?

Nguyễn Ngọc Già _________________

(*) Tựa đề cho người chuyển ngữ đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét