Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Lối ra nào cho Thể thao VN?

Đoàn VN dự Olympics ở London. Ảnh: Reuters

Thấy bên Tuyên huấn thông báo là tuyệt đối không được bình về vụ bầu Kiên, Cua Times…tuyệt đối nghe lời. Giờ ta chuyển sang đề tài thể thao cho khác tone đi chút.

Tin TPO cho hay, ngày 22-8, Trưởng đoàn Olympic London 2012 Lâm Quang Thành và các môn có VĐV tham dự Thế vận hội đã “họp kín” rút kinh nghiệm. Báo chí và truyền thông không được tham dự.

Như chúng ta đã biết, đoàn VN, đông nhất từ năm 1988 đến nay, không giành được huy chương nào như chỉ tiêu đề ra. Nếu được một huy chương, dù là“Trần Kẽm” thôi, chắc không có chuyện “họp đêm” như thế. Về Nội Bài không kèn không trống.

Người ta mổ xẻ nhiều lý do. Vì bé nhỏ, vì nghèo, vì ít thi đấu, không có điều kiện ra nước ngoài, có đến ngàn lý do…tại trời.

Thấp bé nhẹ cân không phải là…lý do

Bảo là người Việt bé nên khó đua với tây là sai. Bằng chứng là trong lịch sử ta từng có huy chương. Chị Trần Hiếu Ngân, đoạt huy chương bạc Taekwondo tại Sydney 2000. Anh Hoàng Anh Tuấn, trong môn cử tạ,cũng được huy chương bạc Bắc Kinh 2008. Cử tạ mà thắng cả tây là ghê răng.

Phải kể thêm ở London vừa qua, mấy anh chị Tây gốc Việt vẫn được huy chương. Marcel Nguyễn, quốc tịch Đức, cao 1m67, cũng đạt hai huy chương bạc ở thể dục dụng cụ, thấp hơn lão Cua tới 3 cm.

Carol Huỳnh, 31 tuổi, người Canada có mẹ sinh ra ở Việt Nam,đã hạ vận động viên vật Nguyễn Thị Lụa của Việt Nam trong trận ra quân đầu tiênở hạng 48 kg. Carol thấp hơn Lụa…1cm, cuối cùng đạt huy chương đồng. Năm 2008 tại Bắc Kinh, chị đạt huy chương vàng.

Nghèo, ít tiền…càng sai

Kenya một quốc gia nghèo ở Châu Phi có GDP (nominal) năm 2011 là $35 tỷ đô la, bình quânđầu người $850/năm. Người Kenya bé, chết yểu, tuổi thọ trung bình chỉ có 57, ăn uống thiếu thốn đủ đường, vệ sinh có nhiều vấn đề.

Trong lúc Việt Nam có là $136 tỷ USD và bình quân đầu người $1.498/năm. Dân số ta gấp đôi họ.

David Rudisha của Kenya huy chương vàng 800m. Ảnh: Reuters

Thế mà trong Olympics London vừa qua, Kenya đoạt 2 huy chương vàng môn chạy 3000m và 800m, 4 bạc môn 10km và marathon, 5km và 5 đồng cũng toàn về chạy thi. Olympics Bắc Kinh năm 2008 họ có tới 14 huy chương. Các môn chạy luôn là thếmạnh của dân xứ toàn sa mạc, sư tử và kền kền này.

Nước Ethiopia, GDP khoảng 31 tỷ đô la, bằng tám lần đầu tư của Vinashin bị mất, thu nhập bình quân đầu người 360 USD/năm, được 3 huy chương vàng, 1 bạc và 3 đồng, toàn các môn về chạy.

Thấy quốc ca của họ kéo lên giữa London mà thèm. Hai đoàn này về nước không “họp kín” như Việt Nam, quốc gia vừa gia nhập câu lạc bộ các quốc gia thu nhập trung bình (trên 1000$/người/năm).

Như bị dội thêm gáo nước lạnh cho nền thể thao nước nhà, bầu Kiên, một người giầu có, ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá Việt Nam, vừa bị bắt vì“tội kinh doanh trái phép.”

Thú thật, tôi trọng bầu Kiên vì anh làm được nhiều cho bóng đá. Chuyện mafia, không ở trong cuộc nên mình chịu. Giờ đây không có bầu Kiên, cả VFF lẫn VPF đang như gà mắc tóc.

Với tình trạng này, thể thao Việt Nam bao giờ ra khỏi vùng trũng khu vực, nói gì đến vươn ra châu Á và thế giới. Suốt đời đi cọ sát và học tập. Cọ nhiều quá, trầy da, tróc vỏ, chẳng được cái huy chương nào cho ra hồn.

Vì thế ta nên tìm lối thoát cho Thể thao VN, nhằm vào những môn hợp với người Việt.

Chiến lược của người nghèo

Nhớ thời cụ Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục những năm 1960-1970. Cụ bảo, nước nghèo như mình nên tập trung vào Toán học. Vì toán chẳng cần phòng thí nghiệm, chỉ cần bút chì và giấy nháp, thậm chí vẽ trên đất, rất hợp với sỹ tử nhà nghèo.

Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ảnh: Wiki

Thế mà đúng thật. Đi thi Olympics toán quốc tế, Việt Nam đạt hết giải này đến giải khác. Sau vài chục năm, vừa rồi có anh Ngô Bảo Châu chiếm luôn giải Nobel trong toán học. Đến nỗi người ta bảo VN có gien trội về toán học.

Toán học thì liên quan gì đến thể thao. Liên quan chứ. Học theo cụ Bửu, liệu cơm gắp mắm, nhà nghèo chơi kiểu nghèo, thấp bé nhẹ cân chơi thể thao kiểu thấp bé, thế nào ta cũng được giải gì đó.

Dân Việt giỏi toán nên có thể chơi cờ quốc tế. Cân nặng, chiều cao, vòng ngực, chẳng liên quan gì đến trí tuệ. Chơi cờ cần logic toán học, vì thế, cờ là thế mạnh của Việt Nam. Nhưng họ không thi Olympics, tiếc thế.

Bóng đá cần có tiền nuôi trẻ tài năng từ bé ở câu lạc bộ,xây sân vận động, mua bóng, sản xuất giầy, tất, áo, quần. Rồi phải thuê bầu hàng chục ngàn đô/tháng mà chắc gì nên cơm cháo.

Các môn khác cũng vậy. Đấu kiếm, bóng bàn, bóng rổ, bơi lội, nhẩy xà, nhẩy cao… đều cần những trung tâm luyện tập và thi đấu, rồi người cũng dài dài chút. Tiền bỏ ra không nhỏ. Đầu tư dàn trải thì khó mà kiếm được huy chương.

Sự thành đạt của người nghèo

Thế kỷ 19, Olympics năm 1896, anh chàng Spyridon “Spyros” Louis của Hy Lạp, chuyên chạy bộ đưa nước trong làng, đã thắng marathon 42km.

Abikila năm 1960. Ảnh: Wiki

Giữa thế kỷ 20, tại Olympics Rome 1960, anh Abebe Bikila, Ethiopia, dự thi marathon. Khi đó, hãng giầy Adidas, nhà tài trợ cho các chân chạy, chỉ còn lại vài đôi, mà không đôi nào vừa với anh.

Abebe quyết định chạy chân đất vì trong lúc luyện tập ở quê hương, anh có bao giờ biết giầy tất là gì. Buổi tối, toàn ba xoa hai đập và lên giường với vợ.

Thế mà, anh đoạt giải nhất năm đó và cả năm 1964 tại Tokyo (đã biết đi giầy), vận động viên duy nhất đạt huy chương vàng cú đúp trong môn chạy 42km.

Nhớ lần vào sân Tokyo, biết mình được giải nhất, anh còn chạy vòng quanh sân chào khán giả trong lúc các đối thủ khác nằm liệt, đủ biết Abebe khỏe như thế nào.

Ví dụ nhỏ: Chạy là một lối thoát

Tập chạy cần gì sân vận động. Đường đua có trong làng, huyện lộ, xã lộ, cao tốc, bờ ruộng, trên đồi, xuống núi. Chạy đâu có cần trường học hay thầy dạy. Có sức khỏe, dẻo chân, dài hơi là được. Nhà nước không cần đầu tư gì nhiều, chỉ cần vài sân vận động bóng đá, thêm vài đường đua, để tập trước khi đi thi cho quen. Người lớn, trẻ em, phụ nữ, già trẻ, ai chả chạy được.

Dân ta thấp bé nhẹ cân, rất hợp với môn này. Không quen 100 m, cái này tây là nhất vì nhanh nhưng chóng mất sức. Ta thử chạy vài km, chục km và kể cả 42 km. Tưởng Tây chân dài chạy nhanh ư? Chân dài, cái khác cũng dài, cũng to, làm cho cơ thể nặng thêm và hạn chế tốc độ, nhất là ở cự ly xa.

Có chi tiết khác hợp với hoàn cảnh bên ta. Trong bối cảnh giao thông tắc nghẽn như hiện nay ở Hà Nội và Sài Gòn, thay vì đi xe có động cơ tới công sở, cán bộ nên tập chạy bộ đến VP, sau vài năm thế nào dân ta có có huy chương vàng về chạy thi, có khi vượt cả Kenya hay Ethiopia cũng nên.

Rất có thể, lúc đó lãnh đạo Thể thao không phải “họp kín” như sau vụ “cọ xát” tốn bạc tỷ ở London năm 2012.

HM. 27-08-2012

Chân đất chạy marathon

Tại Toky0 1964

http://hieuminh.org/2012/08/27/loi-ra-nao-cho-the-thao-vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét