Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Khẩu hiệu có... cần không?

Khẩu hiệu có... cần không?

Đến giờ vẫn có "học giả" lo lắng và loay hoay "tìm khẩu hiệu phù hợp cho trường học". Nếu chỉ tìm ra khẩu hiệu mà thay đổi được chất lượng giáo dục thì loài người đã chẳng tốn bao công nghiên cứu không ngưng nghỉ...
Jeremy Wuitschick, một em học sinh 13 tuổi người Mỹ, đã cứu cả xe bus chở học sinh khi bác lái xe đột quỵ trên tay lái, còn Johnny Wood thực hiện CPR cấp cứu cho bác lái và các em khác gọi dịch vụ cấp cứu đã thành một sự kiện nho nhỏ. Tuy nhiên, tôi chợt nghĩ không hiểu trong trường hợp tương tự học sinh Việt Nam mình sẽ làm gì? Liệu các em sẽ lao đến giúp một tay hay chỉ khoanh tay đứng nhìn nạn nhân như bao người lớn thường làm mỗi khi có tai nạn? Điều này cũng gợi lên câu hỏi liệu nhà trường Việt Nam đã dạy cho học sinh những điều thiết thực chưa hay vẫn chỉ biết hô những khẩu hiệu sáo mòn? Nhìn người ... Bằng những quan sát thực tế của một người làm trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấy học sinh của những nước tôi biết học những điều khá thiết thực, ngoài kiến thức sách vở. Khi đến thăm giờ học Home Economics tại một quốc gia, (tương tự như môn Nữ công gia chánh hay Thủ công, ... ở ta), tôi thấy học sinh cả nam lẫn nữ say sưa với những sản phẩm của mình. Một học sinh nam khoe với chúng tôi chiếc ghế đẩu em vừa làm xong như một phần của bài tập.
Ảnh minh họa
Tôi thấy nó đẹp, trau chuốt, và chắc chắn như sản phẩm của 1 bàn tay thợ mộc chuyên nghiệp. Em sử dụng khá thành thạo các dụng cụ làm mộc. Ở một nhóm khác, một số em nam đang mắc mạng điện cho một phòng dạ hội giả định. Còn các em gái đang đan mũ và găng tay ... Ta đừng quên rằng ở những nước văn minh như Anh, Mỹ, Pháp... mua một chiếc ghế đẩu hay đôi găng tay thì quá dễ. Vậy giờ thực hành như thế rõ ràng để giáo dục ý thức yêu lao động và quý trọng thành quả lao động. Ngoài chương trình chính khóa, học sinh được thực hành những kỹ năng rất cần cho cuộc sống thông qua những tình huống trong đời sống thực, như hoạt động hướng đạo (boy-, girl-scouting), thay vì thuộc lòng những câu nói... sáo rỗng đao to búa lớn.
Không một khẩu hiệu
Những trải nghiệm đó giáo dục con người ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, và tình đoàn kết. Chính những trải nghiệm đó đã giúp Jeremy cứu các bạn và bản thân thay vì nhảy ra ngoài để thoát một mình. Giáo dục giới tính (sex education) cũng được thực hiện một cách thiết thực và đầy tính nhân văn. Học sinh nam được dạy phải biết nhường bạn gái lên xe trước, nhường chỗ thuận lợi, giúp bạn gái xách túi nặng, v.v... chứ không chỉ đơn thuần dạy về cơ quan sinh dục nam- nữ và các chuyện liên quan, như nhiều người lầm tưởng. Đặc biệt, tôi không thấy trường lớp ở đây giăng giăng khẩu hiệu như ở quê nhà, đặc biệt trong lớp học. Để ... chữa cho ta Khẩu hiệu chỉ là sự biểu thị cái người ta ao ước bằng lời, theo đúng quy luật là người ta thường nói đến cái người ta thiếu, tương tự như việc treo Hán tự trong nhà. Khi người đã có tâm cần gì phải treo chữ 'tâm'? Khi người ta giương cao khẩu hiệu nào đó, lĩnh vực liên quan thường đang có vấn đề. Để đoán biết đường hướng, sự chuyển động của xã hội hay bước đi của đất nước, người ta hay để ý xem khẩu hiệu của từng thời kỳ là gì. Có người ví nó như phương thuốc kích thích cho người buồn ngủ, có người lại ví nó như cái "dùi trống" để khuấy động phong trào. Tuy nhiên, khẩu hiệu cho dù ở mức độ nào đó là cần thiết, sẽ chỉ có giá trị khi nó được hiện thực hóa bằng hành động. Tôi còn nhớ nửa thế kỷ trước đây vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần, học sinh chúng tôi ở mọi cấp đều hô những khẩu hiệu mà đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa hiểu hết nội dung. Nhà trường Việt Nam ngày ấy có nhiều khẩu hiệu lắm, giăng mắc khắp từ cổng trường vào đến trong lớp học. Nhiều và thay đổi thường xuyên đến mức chúng tôi không còn để ý chúng... nói gì. Khi khẩu hiệu cũ đã hạ xuống thay bằng khẩu hiệu mới có nghĩa là phong trào cũ, về nguyên tắc, đã "kết thúc tốt đẹp"! Cái "dùi trống" ấy có thể bỏ đâu cũng được. Thế kỷ 21 đã sắp qua một chặng 12 năm, thế mà học sinh tiểu học vẫn hô nguyên khẩu hiệu mà ông bà chúng hô cách đây hơn nửa thế kỷ và chắc cũng... không hiểu nội dung. Ta có thể kê ra rất nhiều khẩu hiệu trong trường học hiện nay chứa đựng từ ngữ hết sức trừu tượng. Một hôm, đứa cháu học lớp ba của tôi hỏi "lý tưởng" nghĩa là gì. Tôi đành giải thích loanh quanh rằng "lý tưởng" nghĩa là học hành chăm chỉ, yêu quý ông bà, cha mẹ, yêu quý anh em, bạn bè và cả con cún nhà mình ... Trong thâm tâm tôi rất áy náy vì câu trả lời không thuyết phục được chính mình. Có lẽ Aziz Nesin còn sống cũng chịu. Cái đáng trách không phải là nội dung khẩu hiệu, mà là việc đặt vào miệng những đứa trẻ 8- 9 tuổi những câu nói mà người lớn còn thấy mông lung. Vô tình, người lớn đã tạo cho trẻ con thói quen nói những điều mình không hiểu, nhại những câu sáo mòn như những con vẹt. Khẩu hiệu và hành động Treo khẩu hiệu trong lớp học trước hết là phản khoa học vì chúng khiến học sinh phân tâm, chưa nói đến nội dung hay-dở. Hơn nữa, khẩu hiệu không thể là phương thuốc. Không thể bằng khẩu hiệu "Thi đua dạy thật tốt, học thật tốt" là thầy và trò ắt sẽ dạy và học tốt nếu không có biện pháp cụ thể và khoa học? Nó sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tính hời hợt, mồm miệng đỡ chân tay.
Phòng học lớp ba ...ở ta
và ... ở nước người
Nhìn thấy học sinh nước khác học được những điều thiết thực, tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu học sinh lớp 12 THPT tự mắc được mạch điện trong nhà mình. Nhưng một lần tôi thấy sau khi hai cháu học sinh lớp 12 mắc xong mạch điện và bật công tắc thì ... sọat một tiếng, kèm theo hoa cà hoa cải vì đoản mạch. Thay vì dạy cho trẻ con viết những điều đơn giản cho đúng từ lúc còn nhỏ, nhà trường lại dạy những điều trên mây trên gió tưởng là "cao siêu", để đến khi tôt nghiệp đại học, cử nhân của ta vẫn không viết nổi một bản báo cáo vài trăm chữ cho ra hồn. Trong khi đó, sinh viên nước người đều phải học đọc và viết tiếng mẹ đẻ trong chương trình học, cho dù sau này là kỹ sư, bác sỹ, giáo viên hay gì đó. Khi thế hệ người viết bài này cắp sách đến trường thì hoạt động hướng đạo (scouting), một hoạt động giúp thanh- thiếu niên rèn luyện sức khỏe, nhân cách ..., và kỹ năng mà trước đó được du nhập vào Việt Nam, được thay thế bằng những buổi tối đánh trống ếch và đi hô khẩu hiệu cổ động quanh làng xóm hay trên phố phường. Thế hệ đó bây giờ nhiều người giỏi nói những lời có cánh mà chính họ không hiểu, nhưng chỉ biết làm khán giả khi có ai gặp khó.
Nhà trường không cần treo khẩu hiệu nào cả. Thay vào đó, nó cần dạy cho học sinh kiến thức và những gì thiết thực. Và nếu nhất thiết phải có khẩu hiệu, thì CHÂN - THIỆN - MĨ là khẩu hiệu đẹp nhất và có thể sống mãi với thời gian.
Ước gì một ngày nào đó hoạt động hướng đạo được khôi phục làm cho sinh hoạt của thanh thiếu niên thật sự bổ ích trong đời sống thực thay cho những "hoạt động" trong ... những vở kịch TV! Những hoạt động này phải trở thành một phần của cuộc sống tuổi trẻ, chứ không chỉ diễn ra "Nhân dịp kỷ niệm ..." hay để "Chào mừng ...". Vậy mà đến giờ vẫn có "học giả" lo lắng và loay hoay "tìm khẩu hiệu phù hợp cho trường học". Nếu chỉ tìm ra khẩu hiệu mà thay đổi được chất lượng giáo dục thì loài người đã chẳng tốn bao công nghiên cứu không ngưng nghỉ. Nhà trường không cần treo khẩu hiệu nào cả. Thay vào đó, nó cần dạy cho học sinh kiến thức và những gì thiết thực. Và nếu nhất thiết phải có khẩu hiệu, thì CHÂN - THIỆN - MĨ là khẩu hiệu đẹp nhất và có thể sống mãi với thời gian. http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Khau-hieu-co-can-khong/9201845.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét