Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Trần Trung Đạo: Các hiện tượng tha hóa trong “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” tại Việt Nam

Cali Today News - Tháng trước, một bức hình của tỳ kheo Thích Pháp Định và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhau đã trở thành một đề tài đàm tiếu trong mọi tầng lớp dân gian. Mỗi ngày, rất nhiều hình ảnh đã được chỉnh sửa nhằm lăng mạ Phật Giáo được gởi lên internet nhưng bức hình hôn môi là một bức hình thật và câu chuyện hôn môi cũng là câu chuyện thật. Người Phật Tử nào khi xem bức ảnh cũng có thể tự hỏi làm thế nào một bậc tăng sĩ đã thọ tỳ kheo lại hành xử thiếu suy nghĩ đến mức như vậy.




Tỳ kheo Pháp Định hẳn đã thuộc lòng lời dạy cuối cùng của Đức Phật: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật!” Giới luật là cốt lõi của tu tập. Trong suốt bốn mươi lăm năm gieo rắt hạt giống từ bi, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dành chuyến hoằng pháp cuối cùng từ thành Vương Xá đến xứ Kusinara để nhắc nhở ba điểm bất di bất dịch của một tu sĩ Phật Giáo: Giới, Định, Huệ. Một Phật Tử tại gia phải giữ năm giới, một tu sĩ bậc Sa Di giữ mười giới, một tăng sĩ như Tỳ Kheo Pháp Định đã thọ đại giới, tức phải giữ 250 giới.


Sau đó tôi được biết Tỳ Kheo Pháp Định, thế danh Phan Văn Triển, sám hối và đã chọn cách trả lại y bát để trở về đời sống thường tục. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú: “Người kia ở chiến trường, tuy thắng trăm muôn giặc, chưa bằng thắng chính mình, là chiến sĩ bậc nhất.” Anh Phan Văn Triển không chiến thắng được chính mình, không vượt qua được những cám dỗ xã hội. Anh không thấy đúng, nghĩ đúng, nói đúng, làm việc đúng, sống đúng, chuyên cần đúng, nhớ đúng, tập trung đúng theo tinh thần Bát Chánh Đạo mà đức Phật đã dạy. Nhiều người trước đó chê bai anh, nay khen anh vì biết lỗi lầm và ra đi. Nhưng ra đi chưa hẳn là chọn lựa tích cực nhất. Lần té ngã nào cũng có một sức bật để vươn lên. Nếu anh Triển thay vì hoàn tục mà ở lại chùa, dùng lầm lỗi của mình như một liều thuốc để tự chữa trị vết thương, đóng cửa tu học, biết đâu năm hay mười năm nữa anh chẳng những vượt qua mà còn chứng nghiệm được nhiều ý nghĩa vi diệu trong Phật Pháp.
Người Phật tử kính trọng tăng không phải chỉ vì chiếc y các thầy đắp mà còn vì hạnh nguyện các thầy đã chọn để dâng hiến đời mình. Hành trạng các thầy đang bước qua khỏi chiếc cầu trần gian đầy cám dỗ này vô cùng khó khăn và đầy thử thách. Mỗi chúng ta là một con người sinh ra với hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục và bắt đầu hành trình tu học như một con người mang tất cả đặc tính đó. Có vị đi được vài năm như anh Triển và cũng có vị bỏ cuộc sau khi đã đi gần hết cuộc đời mình. Trước anh Triển đã có nhiều người thất bại như anh và sau này cũng sẽ có nhiều người như thế. Trước anh Triển đã có nhiều người vượt qua được bể trầm luân và sau anh Triển cũng sẽ có nhiều người vượt qua được. Sự tha hóa qua chuyện “Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Tỳ Kheo Pháp Định hôn môi” đáng buồn nhưng không thể gọi là xấu hổ cho Phật Giáo nói chung.
Sự tha hóa đáng xấu hổ là sự tha hóa trong hàng ngũ lãnh đạo của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” tại Việt Nam.
Thật vậy, từ khi được đảng CSVN thành lập ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ Hà Nội và được xếp vào một trong 37 thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” chỉ là một đoàn thể xã hội giống như các đoàn thể khác trong mặt trận như Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Châm cứu Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Hội kế hoạch hoá gia đình Việt nam v.v.. Một tôn giáo có lịch sử hai ngàn năm và đã đóng góp một phần không nhỏ cho mảnh đất hình chữ S này còn tồn tại trên bản đồ thế giới, bị đặt vào vị trí ngang hàng với một hội làm vườn, cắt cỏ nhưng không một lãnh đạo Phật Giáo nào phàn nàn hay thắc mắc.
Sự tuân phục, phụ thuộc của hàng ngũ lãnh đạo “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” vào Đảng CS trầm trọng đến mức nhiều văn kiện từ một bài văn, bài báo bình thường cho đến đạo từ quan trọng nhân đại lễ Phật Đản của Pháp Chủ tối cao cũng không quên dành một phần lớn để ca ngợi công ơn cao dày của Đảng. Đạo từ của Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” công bố nhân mùa Phật Đản Phật Lịch 2556, tháng 5 năm 2012 là một bằng chứng.
Thông điệp Phật Đản lẽ ra là một cơ hội để nhắc đến công ơn của Đức Phật đã thị hiện trên thế gian để cứu vớt chúng sinh bị đắm chìm trong ô trược, soi rọi ánh sáng từ bi trí tuệ vào nhận thức con người đang lạc loài trong tăm tối vô minh, khơi mạch suối tình thương chảy vào thung lũng hận thù giết chóc. Nhưng không, Đạo từ của Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ, vỏn vẹn chỉ một trang nhưng phân đoạn dài nhất được dành để ghi ơn Đảng Cộng Sản Việt Nam trao tặng cho giáo hội “huân chương Hồ Chí Minh”, các huân chương và bằng khen khác “…Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, Tăng Ni, Cư sỹ, Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự trên tất cả các lĩnh vực Đạo pháp và Dân tộc cũng như quan hệ đối ngoại Phật sự quốc tế; được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng xã hội đánh giá cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước đã quyết định trao tặng Huân Chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Giáo hội, cùng một số chư Tôn đức, Cư sỹ, Phật tử có nhiều thành tựu Phật sự ích đời lợi đạo đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc, Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ và Chính quyền các cấp. Đây là minh chứng ghi nhận những đóng góp to lớn của giới Tăng Ni, Cư sỹ, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của Dân tộc.”
Huân chương để làm gì? Bằng khen để làm gì? Là tu sĩ, có gì cao quý hơn vinh dự được mang họ Thích, được đắp y truyền thừa của Phật, được nương tựa vào Chánh Pháp? Danh lợi, quyền lực là một trong những giới cấm tối quan trọng của một bậc xuất gia. Đại lão hòa thượng Phổ Thoại, 95 tuổi, xuất gia khi chỉ mới 6 tuổi đầu, ngài tu cả đời người dưới mái chùa cong, trong tiếng chuông tiếng mõ, bên ngoài vòng danh lợi. Với tuổi tác và thời gian trụ thế của ngài, tôi không nghĩ hòa thượng tự tay cầm bút viết những dòng trơ trẽn đó nhưng rõ ràng các lãnh đạo của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” phải chịu trách nhiệm cho nội dung mâu thuẫn với những lời dạy xa lánh danh lợi, khước từ quyền lực của Đức Phật mà một người học đạo bình thường nào cũng biết.
Điều mỉa mai hơn, đạo từ nhằm đề cao danh lợi, đánh bóng quyền lực lại được công bố đúng trong ngày một bậc thánh nhân ra đời chỉ để rồi 29 năm sau từ bỏ mọi quyền uy bậc nhất dành cho ngài, rời cung vàng điện ngọc, cắt mái tóc đông cung thái tử trả lại vua cha, khoát lên người một mảnh áo vàng và đi bằng đôi chân đất vào lòng thế gian đau khổ. Hai ngàn năm trăm năm từ ngày đại nguyện đó, trên đất nước Việt Nam có những kẻ tự nhận là con Phật, chọn ngày sinh của ngài để vinh danh, ca ngợi tầng lớp cai trị đang chà đạp lên những quyền căn bản của con người mà đức Phật đã dành 45 năm để xiễn dương giá trị. Một câu cũng Đảng, hai câu cũng Đảng, không một dòng nào trong đạo từ nhắc đến ý nghĩa sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa và bảy bước đi trên bảy đoá sen màu nhiệm. Không một câu nào trong đạo từ giải thích ý nghĩa vi diệu của câu nói đầu đời “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” mà Thái Tử Tất Đạt Đa cất lên.
Sự suy thoái của Phật Giáo từ cuối thời nhà Trần như cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viết trong Lịch sử Phật Giáo Việt Nam không chỉ là một bằng chứng mà còn là bài học “Thế mà Ðạo Phật trong đời nhà Trần, chỉ thịnh phát trong khoảng 50 năm đầu, rồi dừng lại và thoái bộ mãi. Vì hai lý do làm cho Ðạo Phật không thể tiến phát được là ở bên ngoài, sự cạnh tranh ráo riết, có nhiều khi là cả một sự đàn áp của Khổng-Giáo; và ở bên trong, giáo lý Ðạo Phật dần dần bị xen lẫn mê tín, dị đoan của những tà giáo, ngoại đạo mà các vua chúa trong đời nhà Trần rất sùng mộ.”
Hôm nay, một lần nữa, thỏa hiệp với giới cai trị và biến đạo Phật thành một loại tà đạo mê tín dị đoan là hai hiện tượng tha hóa phổ biến của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” tại Việt Nam.
Việc thỏa hiệp với giới cầm quyền có thể tìm thấy trong câu hỏi của “đại biểu quốc hội” Thích Thanh Quyết với Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp quốc hội vừa qua: “Nhiều mạng thông tin Internet đăng tải nhiều thông tin không đúng sự thật, truyền bá văn hóa đồi trụy, độc hại, trái thuần phong mỹ tục, bịa đặt xuyên tạc, gây dư luận xấu hoài nghi đối với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng không lành mạnh này, xử lý thế nào những người đưa thông tin không đúng sự thật?” Theo cách hỏi của Thích Thanh Quyết, các quan điểm đi ngược với chính sách độc tài toàn trị của đảng CS, phê bình chỉ trích giới lãnh đạo đảng, nhà nước CS là những lời “bịa đặt”, “xuyên tạc”, “gây dư luận xấu”, “hoài nghi” và cần phải có biện pháp trừng trị thích đáng. Ngoài ra, khi trả lời câu hỏi của báo chí vào tháng Tư năm nay Thích Thanh Quyết phát biểu về tự do tôn giáo tại Việt Nam: “Tôi thấy, ở nước ta, tín ngưỡng, tôn giáo rất được tự do, tự do đến mức độ được tôn trọng. So với các nước trong khu vực, tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam ít nhất là không kém, thậm chí còn nhiều mặt cao hơn và thể hiện rõ nhất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước.” Đạo Phật suy vi, thoái hóa không phải chỉ vì những ác ma, tà đạo bên ngoài nhưng vì những ung nhọt làm băng hoại Phật chất từ bên trong tăng đoàn. Thích Thanh Quyết còn trẻ, một ngày không xa, khi chế độc tài này sụp đổ, chắc y còn sống và phải trả lời trước Phật tử Việt Nam về những lời nịnh bợ hôm nay.
Nhưng sự nịnh bợ bốc mùi nhất có thể đọc trong bài “An lạc Phật giáo hòa trong vinh quang của Đảng“ của Thích Giác Phú viết trong tạp chí Xây Dựng Đảng số xuân Tân Mão và được nhiều trang web đăng lại: “Có thể nói, đất nước, dân tộc Việt Nam từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến nay đã đứng trên một vị thế mới – vị thế một quốc gia xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ – trong thế giới hội nhập, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước cùng phát triển. Đó cũng là cơ duyên, vận hội để Phật giáo ngày càng gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự dân tộc vì cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Thật sung sướng thay, trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta hôm nay: đất nước phồn vinh, thịnh vượng, Phật pháp xương minh phát triển trong ánh vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam.” Những nhận xét vô cùng ngu xuẩn, ấu trĩ, phản đạo như thế và đăng trong các báo quan trọng nhất nước mà không một lãnh đạo Phật Giáo nào lên tiếng phê bình.
Ngoài những đạo từ, bài viết, phát biểu nịnh bợ Đảng và nhà nước CS của lãnh đạo giáo hội trung ương cũng như của giáo hội địa phương vừa nêu, còn rất nhiều thông điệp, đạo từ, bài văn, bài báo tương tự, bắt đầu bằng ca ngợi đảng và chấm dứt bằng tung hô đảng không thể nào trích hết ra đây.
Nhiều người có thể phê bình tôi khi nhắc đến vài hiện tượng tiêu cực mà bỏ qua những “thành tựu to lớn” mà Phật Giáo đã đem lại trong 37 năm qua với nhiều chùa, nhiều tu viện, thiền viện và hơn bốn chục ngàn tăng ni. Vâng, to lớn và đông đảo, nhưng để làm gì? Phật Giáo đã đến Việt Nam và đã đi vào lòng lịch sử dân tộc Việt Nam bằng những tấm lòng vị tha cao quý chứ không phải bằng con số và những cuộc tranh giành, thắng thua. Phát triển trên sự chịu đựng đau thương triền miên của dân tộc, phát triển dưới lọng tàng của chế độ độc tài, đảng trị không phản ảnh tinh thần “vị chúng sanh thị hiện” của đức Phật. Có gì xứng đáng để khoe khoang?
Phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” cũng không đại diện cho truyền thống của một tôn giáo đã gắn liền với dòng sinh mệnh Việt Nam mà chỉ nói lên sự sợ hãi, phụ thuộc, nô lệ vào đảng CS. Đảng CS và dân tộc Việt Nam không đồng hành về tương lai mà cũng chưa hề đồng hành trong quá khứ.
Nhân dân Việt Nam muốn gì? Nhân dân Việt Nam muốn có một cuộc sống an bình thịnh vượng trong một cơ chế chính trị dân chủ pháp trị và phát triển toàn diện phù hợp với thời đại văn minh dân chủ. Chính quyền trong cơ chế chính trị dân chủ có nhiệm vụ ngăn chận mọi hình thái độc quyền, bảo đảm công bằng xã hội và bình đẳng cơ hội cho mọi thành phần dân tộc và mọi miền đất nước, tạo dựng môi trường, điều kiện và cơ hội đồng đều để mỗi người phát huy khả năng và sở thích đặc thù, đóng góp vào việc xây dựng nền văn minh mới cho toàn dân và cho nhân loại.
Đảng CS muốn gì? Sau hơn 80 năm qua nhiều lần thay màu đổi dạng nhưng Đảng vẫn duy trì một mục đích áp đặt quyền cai trị tuyệt đối lên toàn dân tộc Việt Nam, sống giàu sang phú quý trên mồ hôi nước mắt và xương máu nhân dân, kiểm soát mọi sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của đời sống con người, áp dụng mọi biện pháp để tiêu diệt một cách không nương tay các hành vi chống đối, mọi tiếng nói bất đồng phát sinh từ trong lòng dân tộc.
Phân tích để thấy, dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Cộng Sản chẳng những không chia sẻ một mụch đích cuối cùng chung mà còn mâu thuẫn đối kháng ngay từ trong căn bản. Do đó, về lý luận cũng như về thực tế, không bao giờ có chuyện “đảng song hành cùng dân tộc” như các lãnh đạo “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” lập đi lập lại khẩu hiệu tuyên truyền mị dân của đảng CS.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh, niềm tin vào chân lý từ bi bao giờ cũng mạnh hơn cường quyền và bạo lực. Tình thương rồi sẽ thắng. Tự do rồi sẽ thắng. Bao nhiêu chế độ độc tài hà khắc được dựng lên bằng bạo lực và đã sụp đổ trước sức mạnh của nhân dân. Chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam rồi cũng thế. Họ chỉ có thể kéo dài hơi thở bằng bộ máy công an kìm kẹp, bằng nhà tù, sân bắn, bằng vuốt ve, dụ dổ nhưng không thoát ra khỏi quy luật xã hội. Các thầy không làm được như Phật Giáo Miến Điện, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Nepal thì cũng không nên phạm vào giới vọng ngữ, một trong bốn giới hàng đầu của đại giới, làm nặng nghiệp cho chính mình và hại cho người khác.
Ngày nay, tình trạng “giáo lý Ðạo Phật dần dần bị xen lẫn mê tín, dị đoan của những tà giáo, ngoại đạo” cũng trầm trọng không kém cuối đời nhà Trần như cố đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã phân tích. Ngày rằm tháng Giêng chùa nào cũng đông đúc người sắp hàng xin xăm bói quẻ nhưng không lâu trước đó đại lễ Phật Thành Đạo mùng 8 tháng Chạp, ngày đạo Phật chính thức có mặt trên cõi ta bà này, lại thưa vắng người đi. Trong nhiều trường hợp, các lãnh đạo “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” chẳng những không ngăn chận tình trạng mê tín dị đoan mà còn khai thác sự mê muội của người dân vốn đã nghèo để thu góp tiền cúng sao, giải hạn. Cũng Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng Trị sự của “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, đã hãnh diện về tệ trạng mê tín dị đoan gia tăng “Năm nay số lượng người đăng kí giải sao, cầu antại chùa khoảng 23 vạn người, tăng 5% so với năm ngoái. Số sớ được viết cân lên cũng phải được con số hàng tạ”, và y khoe khoang về mức thu nhập cao “Trước khi tôi về làm trụ trì tại chùa Phúc Khánh thì tiền công đức tại chùa rất ít nhưng khi tôi về làm trụ trì thì ngay lập tức có người đến công đức tại đây hàng chục tỷ đồng. “ Qua đó, phóng viên bài phóng sự phân tích số tiền thu “Do giá cả mọi thứ đều tăng nên tiền cúng giải sao, cầu an năm nay cũng tăng 30% so với năm ngoái. Giải sao đầu năm là: 100.000 đồng/người, cầu an: 100.000 đồng/hộ; còn giải sao cả năm là: 700.000 đồng/người, cầu an: 400.000 đồng/hộ….Thông thường, người đến cầu an sẽ giải hạn luôn. Bởi theo giới thiệu của người giúp nhà chùa thu tiền, thì phải làm đồng thời cầu an và giải hạn luôn mới nghiệm. Nếu tính toán, với 23 vạn người, chỉ riêng thu từ tiền cầu an, giải hạn, đã lên đến khoảng 4-5 tỷ đồng.” Nhìn cảnh đồng bào nghèo khó xác xơ, chen lấn nhau nộp tiền “cầu sao giải hạn”, một người có chút nhận thức và lương tâm không khỏi đau lòng.
Lịch sử đạo Phật đã cho thấy, trong thời đại nào và ở đâu, các hàng tăng sĩ lãnh đạo Phật Giáo thỏa hiệp với tầng lớp thống trị, bị lôi cuốn vào vòng lợi danh và quyền lực, lợi dụng nỗi khổ đau bất hạnh của con người, giáo hội Phật Giáo đó không còn là đại diện cho đạo từ bi của đức Phật nữa mà đã bị tha hóa thành công cụ của bộ máy cầm quyền.
Dĩ nhiên, không thể quy kết bốn chục ngàn tăng ni Phật Giáo tại Việt Nam là bốn chục ngàn “đại biểu quốc hội” háo danh Thích Thanh Quyết hay bốn chục ngàn ma tăng Thích Giác Phú. Ẩn mình trong đám mây đen là ánh sáng của vầng dương trí tuệ. Che dấu dưới lớp rêu xanh là những viên ngọc từ bi nhẫn nhục. Hàng ngàn Như Lai Trưởng Tử thật sự đang dâng hiến cuộc đời cho Phật Giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam trong nhiều cách khác nhau trên khắp ba miền đất nước. Các bậc tăng tài chân chính đó là những mạch nước đang âm thầm chảy trong lòng dân tộc, khó khăn nhưng vẫn phải chảy để giữ gìn Chánh Pháp của đức Thế Tôn.
Trần Trung Đạo
Friday, 14 December 2012 16:05
*****
Nguồn: http://www.baocalitoday.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét