Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Tác động của truyền thông xã hội






Hội thảo mang tên như vậy vừa được tổ chức ngày hôm qua, 24/12, tại Hà Nội. 

Ngoài những ý kiến chung về truyền thông xã hội, một số ý kiến về các mạng xã hội là chừng mực, thậm chí có nhận xét tích cực về nó. Các blogger nếu gây dựng trang thông tin của mình vì những mục đích tốt đẹp vì đất nước và nhân dân thì chẳng có gì phải ngại ngùng sợ sệt khi đọc các ý kiến của người tham gia Hội thảo này. 

Nói đến chữ "sợ sệt" bởi vì đây đó, lúc này lúc khác người ta đã và đang cố tình tạo ra một nhận thức, một quan niệm là người chơi blog, người chủ trương các trang thông tin cá nhân đều cứ như là các trung tâm phát lộ và truyền bá thứ thông tin mà mấy năm trước một ông bộ trưởng ám chỉ đó là thứ thông tin, báo chí "lề trái". Mà lề trái về nghĩa nào đó rất gần với trái luật, có thể là vi phạm pháp luật lúc nào không biết nếu chiếu theo những tiêu chuẩn hiện hành...

Thôi không bình luận lôi thôi gì thêm nữa, cách tốt nhất là đưa lại chính bài đăng sáng nay, 25/12, của báo điện tử chính thống VietnamNet phản ánh Hội thảo này.

Vệ Nhi

-----


Nhà báo, blogger: Chỉ cần đều vì độc giả

Các ý kiến tại hội thảo Tác động của truyền thông xã hội (TTXH) lên tác nghiệp báo chí chỉ ra một khoảng cách thực tế đang tồn tại giữa hai nguồn thông tin.

Trên mạng đang xôn xao vấn đề gì...
Các ý kiến tại hội thảo do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức sáng 24/12 thống nhất rằng sự ra đời và lớn mạnh TTXH - các mạng xã hội, blog, web cá nhân... chỉ trong vài năm đã thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng.

PGS.TS Đoàn Thế Hanh, ủy viên Ban biên tập Tạp chí Cộng sản, chỉ ra: “TTXH đang góp phần đáp ứng một nhu cầu lớn của công chúng trong xã hội hiện đại, giúp họ không chỉ là người đón nhận thông tin mà còn là người phát tán thông tin và tham gia phát triển thông tin”.

Với lợi thế về kết nối và chia sẻ, TTXH đã chứng minh vai trò đối với báo chí chính thống. “TTXH hỗ trợ nhà báo phát hiện những vấn đề đang nổi lên, đang diễn ra. Từ những sự việc mà cư dân mạng bàn tán xôn xao, báo chí có thể kịp thời xác minh, phê phán những hành động tiêu cực và biểu dương những hành vi tích cực”, ông Hanh nói.

Công chúng coi TTXH là bạn đồng hành của báo chí trong cuộc đua cập nhật thông tin, thậm chí ở chừng mực nào đó, TTXH đang "dẫn dắt" xu hướng thông tin đối với báo chí, ông Hanh nhận định.


Ông Đoàn Thế Hanh: Báo chí là người "chính thống hóa" thông tin của truyền thông xã hội

“Báo chí cũng có thể ‘định hướng’ thông tin trên TTXH nếu nhanh nhạy nắm bắt và cung cấp thông tin về những vấn đề đang được xã hội quan tâm, bình luận sắc sảo, năng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả, giúp người đọc thấy được bản chất vấn đề”, PGS.TS Đoàn Thế Hanh nói.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam ở nay, TTXH và báo chí chính thống đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc "giành giật" công chúng và có vẻ TTXH đang thắng thế, nhà báo Lê Ngọc Sơn (báo Hoa Học trò) nhận định.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng quản lý báo chí TƯ, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông, sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là người trẻ, tập trung ở thành thị, nhưng số người lớn tuổi đang tăng, có thể coi là dấu hiệu về sức hấp dẫn của TTXH.

Công chúng sàng lọc kim cương và rác
Theo đa số ý kiến, khoảng cách giữa báo chí và TTXH có phần do “lỗi” của chính báo chí. “Đặc thù của nền báo chí Việt Nam, đặc biệt trong quản lý, đang tạo ra khoảng cách giữa báo chí và xã hội”, nguyên trưởng phòng thanh tra hành chính chống tham nhũng, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phạm Viết Đào, người tự nhận đã kinh qua cả ba vai nhà quản lý - nhà báo - blogger, nhận định.

Trong nhiều ví dụ, ông Đào nêu nạn nợ xấu do tiền ngân hàng đổ nhiều vào thị trường bất động sản: “Hàng trăm tờ báo chuyên ngành về kinh tế, hoặc không chuyên nhưng vẫn có chuyên trang về thị trường, lại không có một phản biện, dự báo nào để ngăn các nhà đầu tư, tránh được thảm họa bất động sản hiện nay”.


Ông Lưu Đình Phúc: Truyền thông xã hội là hiện tượng mới với các nhà quản lý

Trong khi đó, TTXH lại “hấp dẫn mãnh liệt ở chỗ nó mở cho mỗi cá nhân cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài và bày tỏ chính kiến - một nhu cầu không có điểm dừng, là cuộc cách mạng với không chỉ một xã hội khép kín lâu năm như Việt Nam mà với cả những xã hội có truyền thống dân chủ cởi mở hơn” như nhà văn Phạm Viết Đào nhận định.

“Với cách nhìn nhận các vấn đề chính trị, xã hội theo quan điểm cá nhân, TTXH là một phần của xã hội dân chủ”, nhà báo Đào Tuấn (báo Lao động) nhận định.

Theo ông Tuấn, để cạnh tranh, nhà báo cần luôn nhớ vai trò “người chép sử của thời đại” - đừng để có những khoảng trống trong lịch sử.

Hay như nhà văn Phạm Viết Đào đúc kết: “Làm sao để các nhà báo hết mình với dòng chảy cuộc sống như các mạng xã hội”.

Từ đó, nhiều ý kiến tại hội thảo lưu tâm đến vai trò của các cơ quan quản lý - những người vẫn còn không ít nghi ngại đối với TTXH.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu kinh tế ham viết lách, TTXH thực ra là "những câu chuyện ở quán bia", có cả rác và kim cương, tương tự ở báo chí chính thống.

Những tờ báo không còn thông tin những gì độc giả cần sẽ dần “mất khách”, những blogger không chứng minh được giá trị đối với độc giả sẽ bị “quay lưng”, ông A khẳng định độc giả đủ khả năng nhận biết rác và kim cương.

“Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để chính cộng đồng nâng cao năng lực sàng lọc và lựa chọn thông tin, ông Nguyễn Quang A nói.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Đình Phúc, cần có thời gian cho các nhà quản lý vì TTXH là một hiện tượng mới.

Tính đến hết tháng 7/2012, Việt Nam có 263 mạng xã hội đăng ký hoạt động, chủ yếu là các mạng về tài chính, thương mại, giải trí, công nghệ...

Bài và ảnh: Chung Hoàng 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/102429/nha-bao--blogger--chi-can-deu-vi-doc-gia.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét