Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-12-24
Blogger Nguyễn Hữu Vinh: “người dân VN ngơ ngác, không hiểu nỗi
nhà cầm quyền đang định làm gì trước hoạ mất nước? Đặc biệt nhiều người
không thể hiểu và không thể giải thích thái độ của nhà nước trước kẻ
thù”.
AFP
Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô so
sánh hộ chiếu Trung Quốc cũ (bên trái) và hộ chiếu điện tử mới (bên
phải) hôm 14-05-2012.
Họa mất nước gần kề
Nếu trước đây “thi bá” Tố Hữu – một cột trụ triều đình Hà Nội – từng
ca ngợi tình nghĩa “môi hở răng lạnh” rằng “Bên kia biên giới là nhà,
bên này biên giới cũng là quê hương”, hay “Bên ni biên giới là mình, Bên
kia biên giới cũng tình quê hương”, thì mấy ngày nay, xem chừng như dư
luận xôn xao với bài nói chuyện của đại tá, phó giáo sư tiến sĩ Trần
Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị Quốc gia của Bộ Quốc phòng Việt Nam
bày tỏ sự căm thù Mỹ và ca ngợi Trung Quốc, cho rằng Việt Nam không thể
vong ơn bội nghĩa với Trung Quốc về những giúp đỡ của họ trong những
cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ dù rằng Trung Nam Hải từng xâm lược Việt
Nam và có tham vọng ở biển Đông.
Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh trong 13 năm có cái nhìn “ân oán sòng phẳng hơn”:
Đúng là Trung Quốc giúp Việt Nam
trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ; nhưng bên cạnh sự giúp đỡ ấy
cũng có lợi ích của Trung Quốc.
Nguyễn Trọng Vĩnh
“Đúng là Trung Quốc giúp Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp và
chống Mỹ; nhưng bên cạnh sự giúp đỡ ấy cũng có lợi ích của Trung Quốc
chứ không phải chỉ đơn thuần 'vô tư' giúp Việt Nam đâu…Từ khi Trung Quốc
trở mặt đánh chúng tôi rồi, tôi cho rằng không còn ơn nghĩa gì nữa. Ơn
nghĩa gì mà anh giúp tôi rồi bây giờ anh giết dân tôi, anh phá nát mấy
tỉnh biên giới của tôi thì còn ân nghĩa gì nữa! Bây giờ anh còn nợ máu
với chúng tôi… Hiện nay không có biểu hiện Mỹ lại xâm chiếm hay nô dịch
chúng tôi; nhưng hiện nay biểu hiện xâm lấn và nô dịch chúng tôi là từ
Trung Quốc. Thì người ta phải xem xét sự việc thực tế để định ai là thù
ai là bạn chứ.”
Như vậy, “sự việc thực tế” đó là gì? Qua bài “Lưỡi bò và lưỡi liềm”,
blogger Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội báo nguy “cái họa mất nước sừng sững
trước mọi nhà”, khi Hoàng Sa đã nằm trong tay TQ từ lâu, một phần Trường
Sa cũng đang “dưới gót giày xâm lược”, trong khi mọi nẻo đường quê
hương – từ Mũi Cà mau tới địa đầu Móng Cái – đều thấy dân phương Bắc
ngênh ngang. Hiện tình quê hương, blogger Nguyễn Hữu Vinh lại báo động,
đang tràn ngập người Trung Quốc qua việc thuê đất đai, trúng thầu những
công trình trọng yếu, hàng hoá, thực phẩm, hoa quả nhiễm độc, kể cả áo
ngực phụ nữ nhiễm độc “made in China”.
“Sự việc thực tế đó” cũng được blogger Thiện Tùng báo động qua bài
“Không thể không hỏi, không luận bàn” liên quan hoạ xâm lược của phương
Bắc, từ chuyện “tàu lạ”, Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên, vấn đề
cho thuê rừng đầu nguồn, phim Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, lãnh đạo
Việt Nam chọn ngày quốc khánh TQ để kỷ niệm “Ngàn năm Thăng Long”, phía
Việt Nam tự ý thêm 1 sao nhỏ vô cờ TQ cho tới những hành động đáng ngại
gần đây của Bắc Kinh.
Công an ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Những hành động đáng ngại gần đây ấy, Blogger Huỳnh Ngọc Chênh từ
Saigòn lưu ý, có liên quan đến “hộ chiếu lưỡi bò”, việc cắt cáp tàu Bình
Minh 02 của Việt Nam lần thứ ba, cùng biện pháp quản lý trị an biên
phòng duyên hãy nhằm ngăn chận, khám xét, bắt giữ, trục xuất tàu thuyền
nào mà Bắc Kinh cho là vi phạm “lãnh hải lưỡi bò” phi pháp của họ tại
gần hết biển Đông. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh không quên báo động rằng
Trung Quốc lại vào tận vùng nội thủy của Việt Nam, và điều đó cũng có
nghĩa là hàng vạn tàu đánh cá của họ ngang nhiên tiếp tục hoạt động
trong “đường lưỡi bò đơn phương và phi pháp’ của Bắc Kinh. Như vậy, nhà
báo Huỳnh Ngọc Chênh báo nguy, “ đường lưỡi bò phi lý không còn là hình
vẽ trên bản đồ nữa mà đang từng bước được hình thành và cũng cố trên
thực tế bằng nhiều biện pháp công khai và xảo quyệt của Trung Quốc”. Và
tình hình nguy ngập cận kề lắm rồi, như blogger Huỳnh Ngọc Chênh nhận
thấy:
“Họ ngang nhiên đưa tàu giám ngư, hải giám, tàu đánh cá, tàu thăm
dò, giàn khoan, phân lô lãnh hải của ta để gọi thầu thăm dò... để đến
ngày 1 tháng Giêng, năm 2013 chính thức đưa tàu cảnh sát ra tuần tra và
tuyên bố đuổi bắt, khám xét tất cả các tàu thuyền của Việt Nam ra biển
của ta mà họ cho rằng xâm phạm lãnh hải áp đặt theo đường lưỡi bò của
họ. Và đàng sau tất cả các tàu bè đó là tàu quân sự của họ… Khi tàu cảnh
sát Trung Quốc tung ra tuần tra thì đừng hòng các tàu thuyền của ta ra
khơi hoạt động và làm ăn gì nữa. Hàng hải, dầu khí, ngư nghiệp, tài
nguyên.... đều mất sạch. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thì đến ngày
1 tháng Giêng, năm 2013, ta chính thức mất biển Đông trên thực tế. Một
khi đã mất biển Đông thì nguy cơ mất nước cận kề. Việt Nam đang ở vào
tình thế vô cùng nguy kịch.”
Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và
quyết tâm thôn tính Biển Đông, lạ lùng thay trước tình thế hiểm nghèo
như vậy mà lãnh đạo Việt Nam vẫn bình chân như vại.
Blogger Việt Hoàng
Nhưng blogger Huỳnh Ngọc Chênh thắc mắc rằng đảng và nhà nước “hầu
như hoàn toàn nhẫn nhịn” đến mức “kinh ngạc, vượt qua ngưỡng của lòng tự
trọng và không biết đã chạm đến đáy chưa?”
Theo nhận xét của blogger Nguyễn Hữu Vinh thì “người dân Việt Nam
ngơ ngác, không hiểu nỗi nhà cầm quyền đang định làm gì trước hoạ mất
nước? Đặc biệt nhiều người không thể hiểu và không thể giải thích thái
độ của nhà nước trước kẻ thù”.
Lại lỡ tàu một lần nữa
Qua bài “Việt Nam lại lỡ tàu một lần nữa”, blogger Việt Hoàng báo động:
“Bên ngoài thì Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và quyết tâm thôn
tính Biển Đông, lạ lùng thay trước tình thế hiểm nghèo như vậy mà lãnh
đạo Việt Nam vẫn bình chân như vại. Tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ
tướng, chủ tịch quốc hội vẫn không hề lên tiếng hay có động thái gì.
Người dân, vì vậy không biết đường nào mà lần, xuống đường biểu tình thì
bị bắt bớ, đàn áp, vu cáo, bôi nhọ là thế lực thù địch này nọ…”
Theo tác giả Việt Hoàng thì Việt Nam “đang thiếu lãnh đạo”, hay nói
cách khác cho đúng hơn, là “những người lãnh đạo của đảng cộng sản Việt
Nam đã từ chối trách nhiệm của mình trước nhu cầu và đòi hỏi của tình
thế và thực sự họ đã từ nhiệm vai trò của mình trước nhân dân và tổ
quốc”. Tác giả Việt Hoàng nhân tiện liên tưởng tới tình cảnh dân oan hay
ngư dân Việt bị bỏ mặc lâm nạn ngay trên vùng biển của Tổ Quốc Việt
Nam, từ tiếng súng bất đắc dĩ của Đoàn Văn Vươn tới những cái chết oan
uổng của người ngư dân Việt Nam ngoài Biển Đông, nhưng vẫn “không thức
tỉnh được giới cầm quyền”. Và “thay vì thay đổi và đứng về phía người
dân, họ đã chọn con đường quay lưng lại với nhân dân và thỏa hiệp với kẻ
thù, lịch sử của một thời đen tối đang lặp lại…”
Nhắc tới chuyện lịch sử, blogger Thùy Linh không quên lưu ý:
“Lịch sử Việt Nam được viết bằng các cuộc chiến tranh với
phương Bắc, với một đất nước lớn hơn nhiều lần. Tham vọng của Trung Quốc
chưa bao giờ muốn Việt Nam yên ổn, hòa bình, vững mạnh, mà luôn đẩy đất
nước bên bờ biển Đông vào thế bất ổn, suy yếu. Ngược lại với tham vọng
đó, gần 20 thế kỷ, Việt Nam chưa bao giờ rơi vào thảm họa tận thế, kể cả
1.000 năm Bắc thuộc. Nhưng giờ đây, chính sách của chính quyền hiện
hành khiến người dân đang lo lắng về một tương lai lệ thuộc vĩnh viễn
vào Trung Quốc. Sự lệ thuộc này chính là ngày tận thế của dân tộc Đại
Việt.”
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại một bến cảng ở thành phố Ôn Lĩnh ngày 16-09-2012. AFP photo.
Có lẽ tình cảnh ấy khiến blogger Thùy Linh than rằng " Hôm nay, Đất
nước tôi vẫn không thể đứng lên, dù một lần được thét gào 'Nam quốc sơn
hà nam đế cư' vào mặt quân cướp nước. Đất nước tôi quằn quại dưới sự thờ
ơ, dối trá, ươn hèn. Những kẻ cam tâm bán Tổ quốc cho những dự án lớn
nhỏ, những đồng tiền nhơ nhớp lót dưới những chiếc ghế chức quyền. Đất
nước tôi không biết đi về đâu khi tứ bề thọ địch, lòng người hoang mang,
tức tưởi, phẫn uất bởi những kẻ ươn hèn, tham lam... Những kẻ đang được
gọi là đồng bào nhưng dị mộng".
Trong khi bọn bành trướng ngày càng hung hăn hơn, thì “những kẻ đồng
bào dị mộng” ấy – nói theo lời blogger JB Nguyễn Hữu Vinh – “càng tổ
chức đình đám hơn các lễ lạt nhớ ơn Trung Quốc”, kể cả việc blogger
Trương Nhân Tuấn “… không ngạc nhiên khi nghe ông Phùng Quang Thanh, Bộ
trưởng Quốc phòng Việt Nam, luôn miệng ‘tụng niệm’ câu thần chú ‘biết ơn
đảng và nhân dân Trung Quốc … Việt Nam nguyện hợp tác chiến lược toàn
diện với Trung Quốc …’ ”. Khi bọn bành trướng ngày càng hung hăn thì
blogger Nguyễn Hữu Vinh “thấy những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam
đi ngược lại với thái độ hiếu chiến” ấy, trong khi nhân dân phẫn uất
xuống đường biểu tình yêu nước liền bị đàn áp, bị bôi xấu, bị kết tội,
bị vu cáo là “thế lực thù địch” đang “diễn biến hoà bình”…
Tàu cảnh sát biển Trung
Quốc trong một cuộc diễn tập ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến của Trung
Quốc, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Cảnh nhiễu nhương đó khiến blogger VietTuSaigon không khỏi nêu lên
câu hỏi rằng vì sao những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều bị nhà
cầm quyền Hà Nội dập tắt bằng mọi giá? Qua bài “Biểu tình và chuyện đàn
áp muôn thuở”, blogger ViettuSaigon giải thích rằng vì những cuộc biểu
tình yêu nước ấy đều có chung một thông điệp: Chống Trung Quốc bá quyền;
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, và hoàn toàn không có sự ủng hộ
hay ngầm ủng hộ của nhà cầm quyền, trong khi mọi cuộc biểu tình đều có
nguy cơ vạch trần âm mưu bán nước, sự nhu nhược, tính bưng bít và thông
đồng giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Tác giả tiếp tục nêu lên nghi vấn - rồi
cũng tự giải đáp:
“Tại sao không cùng nhân dân tổ chức chống ngoại xâm? Không ủng hộ
nhân dân biểu tình chống mưu đồ bá quyền của Trung Quốc mà lại dập tắt?
Vì, hiện tại, ngoài những thứ trần ngôn sáo ngữ “bốn tốt, mười sáu chữ
vàng”, “hợp tác cùng phát triển và cùng có lợi”… Thì vẫn còn một món nợ
quá lớn mà đảng Cộng sản Việt Nam nợ đảng Cộng sản Trung Quốc từ những
năm trước 1975 cho đến nay. Đặc biệt, trong công cuộc nhuộm đỏ chủ nghĩa
Cộng sản trên dải đất hình chữ S.”
Qua bài “‘Sâu’ trong sách lược ‘bất chiến tự nhiên thành’”, blogger
Hữu Nguyên chua chát rằng phương án tốt nhất vẫn là đàm phán song
phương, hòa bình trên cửa miệng nhưng luôn ẩn chứa sự răn đe, trừng trị
nếu đối tác không chấp nhận luật chơi được áp đặt bởi nước lớn có binh
hùng tướng mạnh đang mai phục sẵn sàng. Phương thức này thuận lợi cho
việc chìa ra “củ cà rốt” rồi nắm chặt lấy những con sâu bự nằm trong
giới chóp bu quyền hành của quốc gia đối tác mà về lâu dài sẽ biến đối
tác trở thành kẻ lệ thuộc, khiếp nhược và ngoan ngoãn. Sách lược này
trong binh pháp người Trung Hoa gọi là “bất chiến tự nhiên thành”.
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Và nhân dịp Giáng Sinh, Thanh Quang kính chúc quý vị cùng người thân được nhiều Ơn Chúa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-cn-wins-without-battle-tq-12212012161200.html
Theo dòng thời sự:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét