Nhịn ăn không chỉ là việc người nghèo tự ăn vào da thịt mình.
“Hội chứng” nhịn ăn đang xuất hiện phổ biến trong xã hội. Nhưng đó không phải là câu chuyện của những người mẫu, của những ngôi sao, của “một nửa thế giới”, nhịn để có được một vóc dáng “mình hạc xương mai”. Câu chuyện nhịn ăn ở đây là một hình thức đối phó với những khó khăn cuộc sống, của những người dưới đáy xã hội.
Đây là hiện tượng mà nhóm nghiên cứu ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG TP HCM đưa ra trong hội thảo “Chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, sau những cuộc khảo sát tại đầu tàu kinh tế của cả nước: TPHCM. “Nhóm cư dân hiện hữu sau khi di dời, giải tỏa nhà đất không được chuyển đổi nghề nghiệp và nhóm lao động nhập cư có thu nhập thấp thì chi tiêu cho ăn uống chiếm dưới 30% khoản thu nhập ít ỏi và luôn có thói quen bỏ bữa ăn”. “Mình hạc xương mai” vì thế đã biến thành “Mặt bủng da chì”, một hậu quả, chứ không phải là kết quả của việc nhịn ăn, khi mà tình trạng thiếu năng lượng chiếm tỷ lệ 30%.
Nhịn ăn, vì thế, đang là việc người nghèo tự ăn vào da thịt mình
Lạm phát, và sau đó là suy giảm kinh tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhóm xã hội, nhưng nhóm bị tổn thương nhiều nhất là nhóm thu nhập thấp, nhóm người nghèo.
Đó là câu chuyện đa số công nhân, khoảng 34%, chỉ chi cho cái dạ dày 1 triệu đồng/tháng, mức tối thiểu của tối thiểu, trong hoàn cảnh “giá thành phố”, vốn luôn đắt đỏ và chưa bao giờ ngừng tăng.
Đó là cơ cấu chi tiêu của cư dân nông thôn phần lớn tập trung vào các “yếu tố sinh tồn”. Chỉ có 3% cơ cấu chi tiêu dành cho giải trí. Dường như khi nhu cầu tối thiểu nhất của con người là “bữa ăn” mà người ta còn phải cắt giảm thì 3% chi tiêu cho “giải trí” vẫn còn là nhiều.
Và câu chuyện nguy hiểm nhất là đánh giá “Khuynh hướng tiêu dùng cận biên của tất cả các nhóm xã hội, các khu vực và trên toàn TP.HCM đều ở mức âm trong giai đoạn từ sau năm 2008. Điều này cho thấy việc tăng lên quá mạnh của chi tiêu và chi tiêu đã vượt xa mức tăng thu nhập đã làm các hộ gia đình phải sử dụng nguồn tiết kiệm tích lũy từ trước năm 2008″.
Nhịn ăn, vì thế, là đang ăn vào tương lai
Trên Tuổi trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam đưa ra một đối sánh: Nhóm thu nhập cao tránh được tác động tiêu cực là nhờ dùng tiền để thuê dịch vụ, ở nhà cao, đi xe hơi, sống ở khu vực an ninh, có lực lượng bảo vệ. Còn với nhóm có thu nhập thấp, hầu như tất cả tiêu cực xã hội đều ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của họ. Trong đó, bữa ăn là nhu cầu tối thiểu mà còn phải cắt giảm thì không thể tăng thêm bất kỳ nhu cầu nào khác. Nói cách khác, nhóm thu nhập thấp cũng là nhóm yếu thế, bị tổn thương nặng nề nhất do suy giảm kinh tế và lạm phát”.
Với một triệu đồng, người công nhân nghèo đảm bảo cho sự tồn tại, dù sao vẫn còn may mắn hơn 1 triệu người chính thức thất nghiệp. Nhưng con số 1 triệu đồng, thật mỉa mai, chỉ bằng ½ số tiền giới nhà giàu nuôi một con chó triệu đô, hoặc chỉ nhiều hơn tí “gia giảm” so với bát phở đại gia 850 ngàn.
Nhịn ăn, do đó, còn là một hình thức khác của giãn cách giàu nghèo, của bất công xã hội
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/12/24/hoi-chung-nhin-an/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét