Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Hồi ức của tôi...


bởi Nguyen Phi vào 15 tháng 12 2012 lúc 20:18 ·





Trong lịch sử nước Việt tự ngàn xưa đến giờ, có lẽ giai đoạn từ 1945 cho tới nay là giai đoạn mang lại nhiều cảm xúc nhất cho dân tộc. Đủ cả các cung bậc, mà kịch tính nhất là thời gian từ 1975 cho đến nay cho dù nội chiến đã kết thúc. Chúng ta và cả con cháu chúng ta sau nầy sẽ phải cám ơn nhà báo Huy Đức, vì anh đã dũng cảm viết lại những sự thật lịch sử. Những điều mà ngay cả khi đang sống trong thời đại nầy mà tôi vẫn còn chưa được biết, chưa hiểu về những gì đã xảy ra và tại sao lại như vậy!



Giải phóng, tôi một chàng trai trẻ sắp 18 tuổi chưa đi quân dịch và nhất là chỉ biết yêu thôi chả biết gì. Chả hiểu mái trường chế độ cũ (cái nầy mình phải nói theo phong cách cách mạng để nhiều người hiểu) đã dậy dỗ mình ra sao, nhưng thú thật trong lòng mình chả có ý niệm gì về hằn thù dân tộc, hay cụ thể là căm ghét Việt cộng hoặc những chiến binh miền Bắc. Cho dù bản thân đã nhiều lần chứng kiến cảnh mấy ổng ném lựu đạn vào chợ Hóc Môn, thịt nát xương tan, người chết máu đổ nhưng lại không có chiếc áo lính nào, toàn thường dân vô tội. (cho tới bây giờ vẫn chưa có ai đứng ra xin lỗi nhân dân vì điều nầy). Rồi những lần khác, nữa đêm không phải nghe nhạc Trịnh: đại bác đêm đêm vọng về thành phố mà là chui dưới gầm bàn, có khi là gầm giường để trốn đạn pháo kích của mấy ảnh. (Cái nầy là do thầy cô dạy à nhe…)

Khi đọc một số trang trong Bên Thắng Cuộc, những hình ảnh xưa như cuốn phim chiếu chậm, những hồi ức xưa cũ lại lũ lượt kéo về….Tất cả cứ như một giấc mơ, như mới vừa hôm qua chứ không phải đã xa lắc xa lơ những ba mươi mấy năm dài…Hồi đó cho dù ngay trong thời chiến tranh ác liệt nhất là vào mùa hè 1972, thì đối với những đứa trẻ đang học trung học như chúng tôi vẫn không hề có chiến tranh trong đầu, chúng tôi vẫn nô đùa, vẫn yêu thương, vẫn mơ mộng như Chương còm: Mơ thành người Quang Trung….

Không biết những người khác có như tôi, chiến đấu mà không có sát khí thì thua chắc. Hổng biết có phải vậy mà những người miền Nam đã thua người anh em phương Bắc. Cũng chẳng sao anh em trong nhà cả mà, lọt sàng thì xuống nia. Lại thêm một lần sai lầm nữa khi suy nghĩ như thế, he he he hậu quả là thương tật đầy mình, cái đầu thì ngớ ngẩn, ngu suốt mấy chục năm liền. Cho dù đã được học tập chánh trị thường xuyên, được chỉ đạo sâu sát tới tận quần chúng. Nhưng cho dù có sơn son thếp vàng thì đồ giả cũng là đồ giả, theo thời gian nó phai nhạt, bong tróc, ghẻ lở và hiện nguyên hình cho dù (người ta cố tình che đậy) không mong muốn….
Trong phần VI Vượt Biên: Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói “thuyền nhân” chỉ là “những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động”.
Bên Thắng Cuộc. Chương VI- Vượt biên.


He he he, lúc ông phát biểu ông đương mần quan. Mà người ta nói miệng nhà quan có gang có thép, cho nên dek có thằng nào dám cãi. Chứ bây giờ ổng, hay thằng con ổng mà nói như thế thì chỉ nội fây búc chúng nó ném đá cũng chết! Ông sống dậy mà nghe nè:
“Bên thắng cuộc” ghi lại: “Người di tản được đóng vàng để công an mua thuyền hoặc đóng thuyền cho đi mà không sợ bị bắt hay gây khó khăn. Việc thực hiện Phương án II chỉ do ba người là bí thư, chủ tịch và giám đốc công an tỉnh quyết định. Công an được giao làm nhiệm vụ đứng ra thu vàng và tổ chức cho người di tản”.

Trích: “Đi được hai đêm, một ngày, thì bị tàu biên phòng của nhà nước chặn, và bắn vào tàu, trúng một người chết, chúng tôi quay tàu chạy, thì họ bắn theo, chúng tôi phải tốp lại. Họ đậu cách chúng tôi khoảng 50 mét và bắt chúng tôi giơ tay hết lên, và bắt hai người bơi sang tàu của họ. Trên biển, hai thanh niên nhảy xuống và bơi sang tàu của họ. Họ giữ hai thanh niên và áp sát tàu vào tàu chúng tôi. Họ đem súng ống xuống và làm dữ lắm. Họ đòi kéo về lại Việt Nam, nhưng chúng tôi lấy hai cái nón để gom tiền Việt Cộng, vàng, đồng hồ, đủ thứ đưa cho họ. Họ lấy và cho được 1 nồi cơm, 4 cây đá, và một nồi cá kho, rồi họ chỉ ra đi ra chỗ sáng, tức là chỗ tàu Cap Anamour đang đậu.”

“Trước kia, đối với thế giới, họ hiểu lầm những người này không có chính nghĩa. Cộng Sản nói mình ra đi là trốn nước ra đi, nhưng chính những hình ảnh bi thương tị nạn đã làm bừng tỉnh lương tâm nhân loại. Những người thuyền nhân này được đón tiếp như những chiến sĩ của tự do. Tôi nghĩ đó là công lao của tất cả mọi người và đó là vinh dự chia đều cho tất cả chúng ta.”


“Kể từ khi có người Việt vượt biển và có biết bao nhiêu người chết, vào các trại tị nạn thì trong tự điển thế giới bắt đầu có chữ mới “thuyền nhân” “boat people”, và định nghĩa “thuyền nhân” là những người tị nạn. “
ông Vũ Văn Lộc, San Jose, California
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/boat_people_exodus_the_base_of_oversea_Vietnamese_communities_part1_PAnh-04302008140035.html


Trở lại với cuốn sách: Gấp cuốn sách lại là một chương khác mở ra trong lòng người đọc: một thời kỳ biến động của đất nước đã khuấy động sự trầm lắng mà nhiều người muốn quên sau hơn bốn muơi năm nhọc nhằn, thao thức cùng dân tộc. Huy Đức đã đốt lên ngọn lửa trong đêm dài để soi rọi những mất mát thực sự của đất nước, con người. Đọc “Bên thắng cuộc” để biết rằng từng có những mảnh đời như thế. Họ bị bạc đãi, bị vùi dập và tâm hồn họ rách rưới tả tơi ngay cả khi được sống và định cư ở nước ngoài.

“Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.

Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.
Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật.”
Vì khao khát tìm kiếm sự thật nên “Bên thắng cuộc” không thể xuất hiện công khai tại Việt Nam. Thực tế cho thấy nó đang lưu lạc trên khắp thế giới tới nơi nào có người anh em của nó. “Bên thắng cuộc” sẽ mãi mãi đứng ngoài mảnh đất mà nó yêu thương để mỗi đêm thủ thỉ bên tai người đọc những câu chuyện đắng lòng về một đất nuớc liên tục gặp bi kịch trong các cuộc chiến mà căn cước kẻ chiến thắng vẫn rất mù mờ.
Có một điều chắc chắn rằng mặc dù Việt Nam có rất nhiều giải thưởng được cho là cao quý để trao tặng những cuốn sách độc đáo, thế nhưng không giải thuởng nào đủ giá trị để trao cho “Bên thắng cuộc”.
Vì nó quá lớn.
Và chứa đầy máu cũng như nước mắt của toàn dân tộc.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/literature-and-arts-121312-ml-12132012141356.html


Kể sơ ra như thế để thấy sự thật như thế mà mấy anh còn dám bóp méo trắng trợn thì thật là…...(chổ chấm chấm dành cho bạn đọc điền vào cho sướng)
Vượt biên là một thời kì bi thương của dân tộc Việt, tuy chỉ ngắn ngủi trong vài chục năm nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người Việt hải ngoại. Chính vì thế tôi rất thông cảm cho họ, cho dù nhiều người rất cực đoan. Tôi xin các anh, những người trong nước chưa chắc đã sung sướng gì, nếu không muốn nói là còn thê thảm hơn. Như các anh một chết hai sống, nhưng sống thì các anh được giải phóng thật sự. Không như chúng tôi, những con người đang chết dần, chết mòn không chỉ vì người lạ mà còn chính vì những người anh em ruột thịt của mình. Các anh có biết trên TT Cuối tuần có người đã viết: chỉ đến khi về tới nhà tôi mới biết mình còn sống!

Vâng, vẫn còn sống để lại có dịp đối mặt với thịt ôi, rau nhiểm khuẫn hay thuốc trừ sâu rồi trái cây để hàng tháng vẫn còn tươi rói hoặc những con mực trắng phau vì được xúc rửa bằng hóa chất…Đó là tôi còn chưa nói tới sự ô nhiểm không khí, cái thứ mà ai cũng phải hít vào nếu muốn sống. Vừa qua người ta đã ưu ái xếp Sài Gòn vào 1 trong 10 thành phố ô nhiểm nhất thế giới!

Kể ra thì tôi cũng thấy lạ, lâu rồi đời mình cũng quen hay sao ấy. Giờ đây tôi không có cảm giác oán hận ai hết, một phần do chính những người miền Bắc đem lại. Các bạn của tôi, già có, trẻ có, trí thức có, và lao động bình thường cũng có. Những người bạn miền Bắc đã đem lại cho tôi cái cảm giác: tin ở con người. Cám ơn các bạn, từ khi internet được phổ cập làm cho sự giao lưu giửa con người với con người không còn hạn chế bởi những rào cản tâm lý hay ý thức hệ.
Đồng thời trên thế giới phẳng, con người ta cũng dễ cảm thông và bộc bạch những suy nghĩ bị kềm nén quá lâu, những sự thật bị bưng bít giờ trở thành khôi hài. Và chính trong giai đoạn nầy, cũng chính những người bạn phương Bắc, sống và trưởng thành trong cái nôi XHCN lại khởi động đầu tiên trong việc chống lại sự giả dối, chống lại sự nô lệ nước ngoài. Trong thời điểm nầy ít nhất ta đã nô lệ về kinh tế, chứ đâu có quốc gia nào mà lại có nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa của TQ đến hơn 90% như VN.

Trong khi những người bạn miền Bắc của tôi mở ra những đợt biểu tình chống TQ xâm lược Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam. Thì lại có một người bạn miền Bắc khác lại tiếp tục hành trình hòa hợp, hòa giải dân tộc bằng cách nói lên sự thật. Những sự thật lịch sử, tự trong thâm tâm tôi tôi chưa bao giờ nghĩ rằng anh viết cuốn sách nầy vì muốn làm vui lòng ai đó. Và cũng không vì để chọc ngoáy người nào, mà đơn giản chỉ vì đó là những sự thật lịch sử mà lịch sử thì phải công khai cho cả dân tộc được biết. Có rất nhiều ý kiến đánh giá rằng anh viết thiếu nhiều sự kiện, nhiều tên tuổi v.v…Hay lại có ý kiến đả phá điều nầy điều nọ thì xin phép được nói rằng: tất cả chúng ta hãy bình tỉnh, hãy thật khách quan để đọc trọn vẹn nó. Nếu chổ nào sai, chổ nào thiếu mà cần thiết phải thêm vào thì hãy đóng góp ý kiến với tác giả. Tôi tin anh sẽ tiếp thu và nếu cần thiết anh sẽ sửa. Hãy mở lòng ra cùng nhau thì dân tộc Việt mới có cơ hội hàn gắn những nỗi đau mà lịch sử để lại. Hãy mở lòng ra thì chúng ta mới có thể đoàn kết lại mà chuẩn bị chống ngoại xâm một lần nữa.

 Cuối cùng thì tôi cũng cám ơn anh Trần Chí Kông, người đã đặt ra một câu hỏi và chính câu hỏi nầy đã tạo cảm hứng cho tôi viết. Anh đã hỏi: Ai là bên thắng cuộc? Với tôi, cá nhân tôi, thì ai có cơ hội đọc cuốn sách của Huy Đức và hiểu được những ẩn ý đằng sau câu chuyện của anh sẽ là người chiến thắng!

PS: Vào năm 1979 tại Hà Nội khi chiến tranh biên giới nổ ra, có một thanh niên mới 17 tuổi đã xung phong nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc trước những tên bành trướng Bắc Kinh. Cùng lúc đó, tại một đơn vị quân đội trong Nam có một người được chọn là 1 trong 30 chiến sỹ được đưa đi huấn luyện đặc biệt để chi viện cho miền Bắc, lý do được chọn là anh có điểm xạ kích 30, điểm tối đa. Đội quân bắn tỉa, họ sẽ luồn sâu vào sau lưng địch để giết người, phá hủy cơ sở hậu cần của địch.
Gia đình tôi cũng là một đại diện tiêu biểu cho những gia đình VN mà hoàn cảnh lịch sử đã để lại, nhà có mười mấy thuyền nhân (tính luôn cả họ hàng). Nhưng đồng thời cũng có tới 5 bằng liệt sỹ, tôi có thể trách cứ ai vì những điều nầy khi gia đình ly tán, mất mát? Không, chúng tôi không trách cứ ai cả vì chúng tôi đã tập tha thứ từ lâu và vì chúng ta đều là những người lầm lạc...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét