Lão Toại dáng vẻ lù khù, con trai lão cũng lù khù, mình cũng lù khù, chỉ có vợ lão – bà Cuc Le - không lù khù, vợ mình cũng không lù khù, con gái mình lại càng không lù khù. Xem ra, nếu chia thành hai phe – phe địch và phe ta - thì phe ta rất lù khù, còn phe địch thì không lù khù. Suy cho cùng ( nói ra, phe địch đừng có chảnh ), phe địch giống như phong lan còn phe ta thì như chậu gốm đựng than gỗ với xơ dừa. Nhưng phong lan mà không có cái chậu gốm với than và xơ dừa thì cũng tàn cũng héo, đừng nói trổ bông.
Thật ra, cái vụ phe ta phe địch nầy có lẽ cũng do ông trời sắp đặt.Còn nhớ, hôm ấy Huy Đức rủ mình qua nhà nhậu chơi, mình tới trễ, chỉ còn cái ghế trống cạnh lão Toại. Thoạt đầu thấy lão với cái dáng vẻ lù khù, mình tưởng người nhà của Huy Đức ở quê ra. Nhưng khi Huy Đức giới thiệu mình với lão, lão quay sang niềm nở bắt tay nói: “Tôi đọc của ông rất nhiều, hôm nay mới được biết !” Trong tiệc nhậu, mình hơi ngạc nhiên vì lão làm nghề ngân hàng mà lại biết rất nhiều chuyện không liên quan đến tiền bạc, từ chuyện văn chương đến chuyện trên trời dưới đất, chuyện bí sử thâm cung. Đỗ Trung Quân nói rằng lão có biệt danh là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Lộ, em của Phạm Xuân Ẩn, ý nói chuyện gì lão cũng biết.
Hôm sau, Đỗ Trung Quân gọi điện cho mình, nói anh Toại rủ ra Mai Cali nhậu chơi. Rồi những hôm sau nữa, khi thì Mai Cali, khi thì bờ kè, Sao Biển Đỏ, Đồn Đất, Kỳ Đồng . . . từ đó, trở thành bạn nhậu.
Riết rồi quen, khi điện thoại reo, hễ thấy số của lão hiện ra là biết lão rủ đi nhậu, nhậu trước rồi chuyện gì sẽ nói sau. Mà lão tuy lù khù nhưng rất lịch sự, câu đầu tiên lão luôn luôn hỏi, ê, chiều nay có “ quởn” không ? Nếu mình nói không “ quởn” thì thôi, lão không ép.
Cũng lạ, bạn của lão toàn anh em báo chí và văn nghệ sĩ, mà cũng không ai xa lạ ngoài những người bạn của mình: Huy Đức, Đỗ Trung Quân, Đặng Tâm Chánh, Nguyễn Quang Lập, Võ Như Lanh, Đặng Thanh Tâm, Trần Thị Ngọc Huệ, Võ Thành Lân, Nguyễn Văn Tất, Miên Đức Thắng . . . Lão nói, thời buổi nhiễu nhương, thiện ác lẫn lộn, có được những người bạn như vậy để chia sẻ là hạnh phúc.
Một hôm, gần cuối năm, đang ngồi nhậu ở bờ kè, lão nói: “Năm nay ông giúp tôi làm cái giai phẩm xuân nghen !” Mình từ chối: “Em có biết gì về tiền tệ đâu mà làm giai phẩm xuân cho ngân hàng”. Lão lại nói: “ Không, đâu nhất thiết hễ giai phẩm xuân của ngân hàng là phải nói chuyện tiền nong, tôi muốn cho nhân viên của ngân hàng tôi năm nay ăn món ăn lạ, một tập hợp hồi ức của các nhà văn tên tuổi trong nước”. Úi trời, chuyện như vậy mà mình không nghĩ ra, chỉ cần gọi điện nói một câu ngắn gọn: cho xin một cái hồi ức khoảng 1500 chữ để đăng báo tết, thích gì viết nấy. Thế là, những trang hồi ức từ Cà Mau của Nguyễn Ngọc Tư trải dài đến Hà Nội của Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến . . . tập hợp lại thành một giai phẩm xuân đặc sắc. Nhưng không ngờ mình “mắc mưu” lão Toại, chỉ sau một thời gian, những người góp mặt trên cái giai phẩm xuân ấy đều trở thành bạn nhậu của lão. Lần đầu lão mượn cớ mời họ đi nhậu để cảm ơn, sau đó lão gom lại thành băng nhậu, nghĩa là cả nước nầy, lão đi tới đâu cũng có mấy nhà văn nhà thơ là bạn nhậu.
Có lẽ, cái thú vui nhất của lão là ngồi nhậu với bạn bè.
Có lần, lão mời cả nhóm bạn bè đi Côn Đảo, ra sân bay, một tay lão đẩy xe, khuân vác hành lý, làm thủ tục, lão hì hục như anh chàng phục vụ. Xuống sân bay, vào khách sạn cũng thế, một tay lão gánh vác, chia phòng, giao chìa khóa . . . mình hỏi lão, ông mời anh em đi chơi mà sao ông cứ như anh cu li, lão cười, lão nói chơi là phải vui, miễn làm cho anh em vui là mình vui. Có lẽ lão nói thiệt vì lão đã làm thiệt, tánh lão không màu mè cũng như cái dáng vẻ lù khù của lão.
Khác với bạn bè, lão đi ăn nhậu lúc nào cũng dẫn bà Cúc đi theo. Thiên hạ đồn rằng ngày xưa, sáu mươi năm trước, khi Ngọc Hoàng nặn ra lão, ném lão xuống trần gian cho đầu thai, nhìn theo thấy cái bào thai nhảy múa lung tung như mừng rỡ, như sắp lao vào chốn ăn chơi, Ngọc Hoàng hối hận mà lẫm bẫm rằng: “Không được, không được, thằng nầy có số đào hoa dữ lắm, không khéo nó làm náo loạn thế gian, ta phải cho người đi theo kềm chế bớt”. Sau đó ông nặn ra bà Cúc ném xuống rồi giao cho một vị thần theo dõi việc kết hôn giữa hai người. Đầu tiên, khi họ trưởng thành, trời sắp đặt cho hai người cùng đi chuyến xe duyên từ Sài Gòn ra Đà Lạt thi đại học. Lão Toại để ý bà Cúc từ đó. Một hôm, sáng sớm, bà Cúc từ nhà trọ đến trường, đi ngang đầu con hẻm, thấy có một chàng trai tóc tai bồm xồm, ăn mặc hipi, quần ống loa, áo ngắn bó sát người, đứng dựa cột đèn, tay cầm điếu thuốc đưa lên môi phì phà nhìn chăm chăm vào mình như đã rình rập sẵn. Bà Cúc hốt hoảng dấp té, lão Toại đến đỡ dậy, đưa tay vuốt vuốt tùm lum tà la lên người bà Cúc, miệng hỏi có đau không, có đau không ? Từ trên trời nhìn xuống, vị thần kia mĩm cười và tâu với Ngọc Hoàng: “Bẩm Tiên Đế ! Con đã hoàn thành nhiệm vụ, chúng nó “cảm” nhau rồi, chỉ có điều con làm phép run hơi quá liều nên con bé kia run lặp cặp, mặt mày xanh mét, suýt nữa ngất xỉu. . .”
Vụ nầy có thật, bởi năm ngoái ( tức gần sáu mươi năm sau ) đi chơi Đà Lạt, bà Cúc với Trùm Sò nắm tay nhau đi qua khu phố gần chợ hoa, hai bà đang nói chuyện về hoa thì bất giác bà Cúc nói như hốt hoảng: “ Đây nè đây nè, chỗ cây cột đèn nầy nè, hồi xưa thằng chả đứng rình tui chỗ nầy nè, tui vấp té chỗ nầy nè ! Thằng cha mắc dịch mắc ôn, lợi dụng lúc mình té, chả đỡ mình dậy rồi vuốt vuốt, phủi phủi tùm lum . . .”
Có lẽ vị thần kia cố ý làm phép run quá lố nên để lại cho bà Cúc một cú té nhớ đời.
Thằng con lão cũng lù khù y như lão. Hồi mình đi Cali, hai tuần sau được tin lão cũng qua Cali, mình tới nhà lão chơi, thấy thằng nhỏ, mình ngạc nhiên vì tướng tá hắn giống hệt nông dân. Hắn lui cui nướng thịt bò, làm các món nhậu, phục vụ tận tình, rồi lại lui cui dọn mâm, rửa chén.
Về nước, có lần ngồi nhậu, mình nói với lão, thằng con ông đã thiệt, sống ở Mỹ mà giống như anh chàng nhà quê. Nói là nói vậy thôi, chớ ai dè.
Con gái mình vốn chảnh chọe, khó tính, ai dè nó lại phải lòng anh chàng có dáng dấp nhà quê, lù khù, chân chất. Hỏi sao con chọn hắn, nó nói ai biết, chắc tại vì ảnh thiệt tình, mà con thì chúa ghét sự giả dối.
Có lẽ tùy theo bối cảnh mà ông trời bày ra chuyện xe duyên bằng một màn kịch khác nhau chăng ? Ở đây không có chuyện đi bộ của sinh viên, cũng không có cột đèn để thằng kia đứng dựa mà núp núp, rình rình con bé. Hôm ấy, lão Toại với bà Cúc sang Cali bày ra bữa tiệc kỷ niệm ngày cưới rồi mượn con bé nhà mình đi chụp ảnh ( cái nầy chắc do lão Toại sắp xếp chớ không phải do ông trời nào cả ). Đến tàn tiệc, rất khuya, con trai lão lái xe đưa con gái mình về. Sợ làm phiền chủ nhà nên con bé không dám gỏ cửa. Hai đứa tự nhốt trong xe cho tới sáng. Mấy hôm sau con bé gọi điện cho mình, nói: “ Bên trong cái vẻ sần sùi ấy là cả một tâm sự loài chim biển”. Mình nhớ mấy năm trước từng nghe con bé nói: “ Bên trong cái vẻ hào hoa phong nhã ấy là . . . hổng có gì hết”.
Vậy là biết rồi, chỉ khác bà Cúc là không run lặp cặp, không vấp té . . . mà thôi.
Khi nghe tui nó rụt rịch ở bển, mình nói với lão, ê, hình như thằng con ông nó tán tỉnh con gái tui rồi đó nghen, lão cười, thế thì hay quá, mà hễ tụi nó có gì thì ông ủng hộ nghen. Mình nghĩ bụng, cái cha nội nầy quá lo, làm sao mà ủng hộ với không ủng hộ, chuyện lựa chọn của tụi nó mà. Thời buổi nầy, con đặt đâu cha mẹ ngồi đó.
Có lần ngồi nhậu, lão bộc bạch rằng, làm sui mà biết được gốc gác gia đình, làm sui mà lại là bạn nhậu thì còn gì hơn. Nói thì nói vậy, nhưng cả mình với lão, cả bà Cuc Le với Trùm Sò đều im lặng, hồi hộp theo dõi hai đứa nhỏ coi tụi nó tới đâu. Một hôm, Dịu Nhi gọi điện nói nho nhỏ với mình: Tánh ảnh giống hệt cha, khoái mua sắm đồ điện tử, mua thì mắc mà luôn khai giá rẻ, lúc khai báo thì cái mặt sượng ngắt, cứ gải gải cái đâu, biết nói dối liền.
Vậy là biết rồi con ạ !
Một hôm, vợ chồng lão sang nhà mình nhậu, lão gọi điện nói chuyện với hai đứa nhỏ, nói chính thức và nghiêm túc. Có lẽ lão chọn đúng thời điểm. Nói xong, lão cười vang lên: Quá đã ! Quá đã ! Tụi nó “duyệt” cho hai đứa mình làm sui rồi !
FB Võ Đắc Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét