Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Chuyện kể ở Oslo (1)


Song Chi.
Một cái nhìn thoáng qua về kiến trúc-cảnh quan-điạ hình-khí hậu.
Một số bạn bè ở VN biết tôi đang sống ở Oslo thường hỏi Oslo có đẹp không. Thường thì tôi rất khó trả lời. Nhưng cũng có khi tôi bảo: không đẹp. Tôi nghĩ người Na Uy chắc sẽ không vui nếu biết tôi chê thủ đô của họ. Nhưng sự thật, nếu so sánh Oslo với nhiều thủ đô có tiếng là đẹp của châu Âu thôi chứ chưa nói châu nào khác, ví dụ như Paris, London, Roma, Prague, Athens, Moscow, Budapest, Brussels, Vienna, Amsterdam… thậm chí so với thủ đô của hai nước láng giềng Copenhagen (Đan Mạch) và Stockholm (Thụy Điển), thì thủ đô Oslo của Na Uy không đẹp bằng, xét về mặt kiến trúc, di tích, danh lam thắng cảnh.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Oslo tôi đã thất vọng. Những tòa nhà to, kiến trúc nặng nề, thô kệch, phần lớn xây bằng gạch màu đỏ sẫm, nâu, hay bằng đá màu đen, xám, hoặc nếu tường gạch quét vôi thì cũng là những màu không sáng sủa, như màu vàng đất, màu lục… Chỉ những khu dân cư mới có màu sắc sáng hơn một chút với những căn nhà hai tầng bằng gỗ sơn trắng-lối kiến trúc quen thuộc ở vùng Bắc Âu, hoặc những chung cư tường ốp gỗ màu nhạt. Những con đường rộng, vỉa hè hoặc khu đi bộ ở trung tâm thường lát đá màu xám.
 

Đường phố ở Oslo.
Từ nhà cửa, những con đường, đường hầm metro, bến xe bus, xe cộ cho đến quần áo người đi đường đa phần đều có những màu tối, lạnh hoặc màu trung tính, nếu màu tươi thì cũng hơi xỉn thế nào đó, khiến cho thành phố nhìn chung có màu sắc hơi buồn bã. Không thể nào tìm thấy những màu sắc tươi sáng, trong trẻo, phối hợp với nhau một cách rực rỡ như áo quần của các chàng trai cô gái Hàn Quốc hoặc Nhật Bản ở xứ này. Cộng với bầu trời rất hiếm khi có một ngày trong xanh, nắng vàng rực, mà thường là xam xám, trắng nhờ, còn mùa đông thì trắng xóa tuyết phủ khắp nơi. Kiến trúc thì thường là thô, từ nhà cửa cho đến những cây cầu. Những bức tượng, phù điêu dựng chỗ này chỗ kia cũng thô, phần lớn bằng đá xanh, xám.
Ngay cả quần thể tượng gồm hơn 200 bức tượng bằng đồng, đá granite và sắt trong công viên Vigeland (tiếng Na Uy: Vigelandsparken) nổi tiếng-mà khi khách phương xa tới, người dân Oslo thường đưa đi xem như một niềm tự hào, thì trong mắt tôi, những bức tượng cũng thô, không lấy gì làm đẹp. Tuy nhiên, cách sắp xếp, bố cục chung của khu công viên, đặc biệt là cột tháp The Monolith cao hơn 14 mét, với hơn 121 tượng người quấn quanh đủ mọi tư thế, ý tưởng chung của quần thể tượng cũng như thông điệp của từng khối tượng thì rất hay-nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc sống, sự tự do, những tình cảm thiêng liêng của con người như tình mẹ con, cha con, vợ chồng, tình cảm gia đình, tình yêu của tuổi già…Những giá trị căn bản và nhân văn mà xã hội Na Uy luôn chú trọng, thay vì hô hào những điều to tát.

Vigelandsparken.
Song, nhìn ở một khía cạnh khác, Oslo là một thủ đô có địa hình, quy hoạch độc đáo mà hiếm có thủ đô nào trên thế giới có được: vừa có biển, vừa có rừng, đồi, với những con đường dốc quanh co; vừa là đô thị nếu xét theo những tiêu chuẩn tối thiểu của một đô thị, vừa có tính chất của một thành phố nhỏ, thị trấn hay ngoại ô…nếu đi ra khỏi khu vực trung tâm.
Nhiều khi ngồi trên metro hoặc xe lửa đi qua những con đường hai bên là rừng lưa thưa hoặc một bên là biển, một bên con đường men theo vách núi quanh co, nhìn xuống những dãy nhà cao thấp bám bên bờ biển, ngẩng lên cũng lại thấy những ngôi nhà thấp thoáng lưng chừng đồi…cứ tưởng như mình không phải đang ở trong một đô thị. Chỉ khu vực trung tâm nơi tập trung những con phố lớn, khu mua sắm, khu hành chính, giải trí… là tương đối bằng phẳng, còn lại đường xá ở Oslo thường là lên dốc xuống dốc. Mà thật ra thì cả đất nước Na Uy với 70% diện tích là núi, phần còn lại là rừng, chỉ có 3% là đất bằng, canh tác được nên dù ở thành phố nào thì cũng có đồi có dốc cả thôi. Người Na Uy vì vậy phải phá núi để làm đường, xây đường hầm chui qua núi, làm nhà v.v…
Na Uy là xứ đất rộng, người thưa. Oslo là thành phố lớn nhất (454.03 km2 )và cũng là thành phố đông dân nhất (hơn 610,000 người trong khu vực nội ô, tính đến tháng 1.2012, theo Wikipedia). Nhưng lạ lùng là người Na Uy nói chung thường thích ở nơi tĩnh mịch, ở giữa thiên nhiên, ngôi nhà của họ có khi xây cao trên đồi, có khi tách bạch hẳn những ngôi nhà khác. Cũng như sở thích vào mùa đông lên núi ở trong những căn nhà gỗ nhỏ mà họ gọi là hybel hay vào mùa hè nghỉ ngơi trong những ngôi nhà mát xây trên những hòn đảo. Trong khi đó dân nhập cư như người Việt mình chẳng hạn và một số sắc dân khác, không thích sự cô độc, mua hay thuê nhà thường hay tìm tới những khu vực gần trung tâm, gần siêu thị v.v…
Địa hình khắc nghiệt. Khí hậu khắc nghiệt. Như ở Oslo này, một năm hết 6 tháng là mùa đông tuyết phủ trắng trời trắng đất, nhiệt độ thấp nhất khoảng âm 25-27 độ C. Mùa xuân hầu như chưa kịp nhận thấy, còn mùa hè thì ngắn ngủi với số ngày nắng đẹp cộng lại chưa được một tháng, mùa thu chưa kịp hết thì mùa đông đã tới, cũng có lá vàng nhưng đừng mơ tưởng đến mùa đông vàng lãng mạn của Paris, của Kyoto hay Seatles, Washington D.C.
Từ khi đến Na Uy tôi mới nhận ra những cái khổ ở xứ nóng như nắng đổ mồ hôi, một ngày phải tắm vài ba lần vẫn thấy nhớp nháp, con người thường dễ cáu kỉnh, nóng nảy và dễ bị những bệnh ngoài da, các loại côn trùng, dán, rết…sinh sôi nảy nở tùm lum…nhưng xem ra, vẫn sướng hơn cái khổ của người ở những nơi lạnh quá lạnh như mấy xứ Bắc Âu. Mùa đông lúc nào cũng phải trùm đủ thứ áo quần ấm dày cộp lên người, mỗi lần đi đâu mất cả mươi, mười lăm phút để mặc đồ, đeo găng tay, quàng khăn, mang vớ, mang giầy, đội mũ…Da thì khô, mỏng và trong suốt (!), tóc rụng nhiều do thường xuyên gội đầu bằng nước nóng, hay mỏi xương mỏi cốt, người nào bị bệnh suyễn, thấp khớp, đau chứng nửa đầu migraine thì ở xứ lạnh tha hồ khổ.
Không có đủ nắng nên người ta phải uống thật nhiều sữa, ăn các sản phẩm từ sữa, ăn cá, đồng thời uống dầu cá, Calcium quanh năm để phòng loãng xương. Thậm chí phải tập thể dục, chơi thể thao rất nhiều mới trụ nổi với khí hậu khắc nghiệt. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao dân Bắc Âu có truyền thống chơi thể thao rất hăng và thường giữ được phom người chuẩn, ít bị béo phì dù ở xứ lạnh ăn ngon ngủ ngon. Còn dân mấy xứ Trung Đông hay châu Á nói chung thường lười thể thao vì ở xứ nóng, thứ quý nhất là mặt trời cung cấp năng lượng cho con người rồi, cần gì thể thao nữa.
Trong một cái xứ sở mà ngày nắng đẹp trong năm đếm trên đầu ngón tay, thì ánh nắng quả là quý như vàng. Chả trách gì hồi còn ở nhà, nhiều người Việt trong đó có tôi cứ ngạc nhiên khi nhìn thấy những du khách phương Tây tới VN cứ mặc áo thun quần sóc đầu trần đi giữa nắng một cách sung sướng, còn họ thì cũng ngạc nhiên vì người Việt cứ ra đường là đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay, nói tóm lại là kín mít từ đầu đến chân.
Mùa hè là mùa được mong chờ nhất trong năm. Oslo vào mùa hè cũng rộn ràng đủ mọi hoạt động. Khu vực trung tâm lúc nào cũng đông người đi mua sắm, ăn uống, đi dạo phố hoặc nằm, ngồi phơi nắng trên những bãi cỏ. Có những khu công viên người ta mang theo tấm nilon trải giữa bãi cỏ, rồi cởi trần, mặc mỗi chiếc quần sóc hoặc bikini y như giữa bãi biển, nằm phơi nắng hàng giờ hết sức thoải mái. Đây cũng là mùa kiếm sống cho nhiều người. Trên các đường phố, vỉa hè, người thì kéo đàn, người đánh trống, nhảy vòng, làm vài trò ảo thuật, hay tự sơn mặt mũi, biến mình thành một pho tượng-có khi là tượng Thần Chết màu trắng toát, tượng Nữ hoàng Ai Cập như được dát vàng, tượng người lính y như bằng đồng đen v.v…Đội ngũ nghệ sĩ vỉa hè này đôi khi cũng leo lên các chuyến metro, cứ hai người vừa đàn vừa thổi kèn hoặc đánh trống, đi từ đầu này đến đầu kia xin tiền.
Ở nhiều thành phố của châu Âu, đây là cách mưu sinh thường gặp, nhất là vào mùa hè.
Từng sống ở xứ nóng rồi lại xứ lạnh, tôi tin rằng thời tiết, khí hậu ảnh hưởng đến tính cách của con người nói riêng và của một dân tộc nói chung. Ở xứ nóng, nắng đem lại năng lượng, con người vì vậy thường năng động, nói nhiều cười nhiều làm nhiều, như người Việt, làm việc chơi bời nhậu nhẹt từ sáng sớm đến tận đêm khuya chả sao. Còn ở xứ lạnh quá lạnh như Na Uy, con người kém năng động hẳn. Lạnh quá chả ai muốn đi làm, nếu có thể được thì cứ trùm mền mà ngủ là sướng nhất. Mùa đông đến, cũng chả ai muốn ra đường đi chơi, chỉ muốn ngồi nhà, bên lò sưởi, quây quần cùng gia đình, bạn bè. Điều đó lý giải phần nào tính tình trầm mặc, có phần lạnh lùng, ít nói, thích ở nhà hơn ra đường của dân Bắc Âu trong đó có dân Na Uy.
Những người Việt tôi quen, sống ở Na Uy đã lâu, còn bảo tôi cách đây vài chục năm thôi, người Na Uy không có thói quen ra ngoài ăn hàng quán, ngồi uống café nhiều như bây giờ. Thường thì họ thích ở nhà với gia đình, có tụ họp thì cũng mời họ hàng, bạn bè đến ăn uống tại nhà. Sau này dân du lịch, dân nhập cư đến nhiều, mở quán xá nhiều, thay đổi luôn cả thói quen của dân Na Uy. Tôi không biết điều đó có đúng không, nhưng bây giờ thì đường phố ở Oslo quán café, nhà hàng cũng đầy người, còn những quán rượu, disco thì luôn luôn tấp nập giới trẻ vào mỗi cuối tuần.
Du lịch ở Oslo.
Với du khách từ xa đến Oslo, đây không phải là một thành phố “thiên đường của mua sắm” vì giá cả quá đắt, là một trong những thành phố đắt nhất thế giới. Nhà hàng, khách sạn…cái gì cũng đắt.
Cũng như những thành phố lớn khác ở châu Âu, du khách đến Oslo dễ dàng tìm được những thông tin về du lịch, những tour du lịch bằng xe bus đi vòng quanh thành phố đến những địa điểm quan trọng, đi một chuyến cruise khoảng vài tiếng đồng hồ trên biển, ghé thăm một số hòn đảo. Người thích khám phá về văn hóa, lịch sử thì ghé thăm các bảo tàng, gallery…như The Viking Ship Museum, Norwegian Museum of Contemporary Art, Norwegian Museum of Cultural History, Vigeland Museum…Và đừng quên ghé bảo tàng Ibsen-nhà thơ, nhà soạn kịch, đạo diễn sân khấu nổi tiếng thế kỷ thứ 19 Henrik Johan Ibsen của Na Uy, tác giả của A Doll's House, Peer Gynt The Wild Duck , The Lady from the Sea (trong đó vở A Doll's House-Nhà búp bê đã được trình diễn ở VN); bảo tàng Edvard Munch-họa sĩ của trường phái Biểu hiện (Expressionism) và Tượng trưng (Symbolism) cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tác giả của bức The Scream nổi tiếng…
Hoặc ghé tòa nhà Nobel Peace Center (tiếng Na Uy: Nobels Fredssenter) nơi trưng bày những hình ảnh, thông tin về Alfred Nobel, về giải Nobel Hòa bình và những người đoạt giải do Ủy ban Nobel Na Uy bình chọn hàng năm, nhưng lễ trao giải thì lại diễn ra tại giải Tòa Thị Chính, City Hall (tiếng Na Uy: Oslo rådhus) cũng nằm gần đó. Và tất nhiên, trong danh sách các địa điểm cần đến, là Vigelandsparken đã đề cập ở trên.
Cũng có những tour du lịch một buổi, tổ chức cho du khách tìm hiểu một chương trình nghệ thuật dân tộc, ăn tối với những món ăn truyền thống, đặc trưng của người Na Uy trong một ngôi nhà gỗ, nếu là mùa hè thì nướng thịt ngoài trời, nếu là mùa đông thì ăn trong nhà, có lò sưởi lửa bập bùng.
Đất nước đa chủng tộc, đa tôn giáo.
Bây giờ đến Na Uy nói chung và Oslo nói riêng chẳng khác gì nước Mỹ ở khía cạnh đa chủng tộc, đa tôn giáo. Từ vài thập niên trở lại đây chính phủ Na Uy mở rộng cửa với người nhập cư. Theo Wikipedia, dân nhập cư ở Na Uy tính đến năm 2012 là khoảng 655,000 người, chiếm 13.1% tổng dân số. Trong đó, nhiểu nhất là người Thụy Điển, Ba Lan, Đan Mạch, Đức, Anh, Pakistan. Nhưng ở Oslo thì cộng đồng nhập cư đông nhất lại là người Pakistan, chiếm khoảng 3.6 %.


Người Hoa ở Oslo biểu tình phản đối nhà cầm quyền TQ đàn áp Pháp luân công.
Người Việt ở Na Uy có khoảng hơn 20,000 người, riêng ở Oslo có khoảng hơn 5,000 người, cũng là một cộng đồng nhập cư lớn.
Còn tôn giáo thì ở Na Uy có đủ từ Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo, Phật giáo, Hindu, đạo Sikh, Do thái giáo…
Đi trên đường phố Oslo có thể gặp người dân đủ màu da, từ châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á, cho đến Bắc Phi. Những năm sau này, người Hồi giáo từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đến Na Uy sinh sống khá đông, do tình hình chiến tranh, bạo loạn, những vấn đề về chính trị, tôn giáo…Ở đâu, lúc nào cũng có thể bắt gặp những người phụ nữ Hồi giáo trùm khăn quanh đầu, áo choàng rộng lết phết, một mình hoặc đi cùng gia đình.
Thật ra sống ở một đất nước đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ…cũng là một điều thú vị. Chúng ta biết được nhiều cái khác từ ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán cho đến thói quen ẩm thực, tính cách chung của từng dân tộc. Chúng ta tập làm quen và chấp nhận những cái khác đó. Tập trở nên tinh tế, khéo léo và bao dung hơn trong khi nói chuyện, tranh luận với những người đến từ quốc gia khác, tôn giáo khác, được nuôi dưỡng trong một môi trường văn hóa xã hội chính trị khác. Còn ở VN, chung quanh ta lúc nào cũng là người Việt, chúng ta không học được cái gì khác biệt, chưa kể, chúng ta cứ “bơi”trong cái ao đậm đặc tính cách Việt, văn hóa Việt, những thói quen của người Việt, tôi cho rằng cái nhìn của chúng ta cũng thiếu đi sự phong phú, đa chiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét