Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Chuyện về người hiền của văn chương Nam bộ ( Bài 1): Đôi bạn



by
Lts. Tháng 10 này, nhà văn Trang Thế Hy được 88 tuổi. Chỉ với khoảng mười tập truyện ngắn cùng tập thơ Đắng và ngọt (2009), một số giải thưởng (giải văn học Nguyễn Đình Chiểu 1960 – 1965, tặng thưởng của hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, giải A của uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2002), ông được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của Nam bộ thế kỷ 20. Loạt bài này là món quà sinh nhật gửi về xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre, nơi ông chọn sống ẩn dật bao năm qua với lý do “đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo của mình…”
Hình như có điều này: những nghệ sĩ tài năng thường trẻ rất lâu. Trang Thế Hy là bằng chứng. Vài mươi năm trước, như một triết nhân, anh bảo mình cũ rồi, “đi chỗ khác chơi” thôi. Nhưng cái hay rất ngoan cố, nó cứ mới mãi, bất chấp lời từ giã khiêm nhường pha chút hờn dỗi – tự hờn dỗi – của anh. Anh vẫn có mặt, dù chưa bao giờ ồn ào, lại ở xa, tít tỉnh đảo Bến Tre vốn trái đường.

Nhà văn Trang Thế Hy
 
Còn những người viết trẻ tài năng thì sớm già dặn, bằng tiếng nói từng trải của họ về cuộc đời, như họ từng có mặt ở đó từ bao giờ. Nguyễn Ngọc Tư đấy.
Nên người nhiều tuổi, người ít tuổi, họ là bạn. Có một đôi bạn như thế dưới miền Tây, Trang Thế Hy – Nguyễn Ngọc Tư, cách nhau đến hơn nửa thế kỷ tuổi. Mà tri âm…
Tôi có biết ít nhất hai chuyện về đôi bạn này.
Chuyện thứ nhất
Hồi Cánh đồng bất tận bị đánh, anh Trang Thế Hy rất buồn. Không phải chỉ vì Cánh đồng bị đánh. Cả chuyện nó được bênh cũng buồn, còn buồn hơn. Đánh bênh, chê khen, đều trật. Cái truyện thống thiết quằn quại hạnh phúc và đau khổ, tình yêu và thù hận, nhân ái và bạo tàn đều cùng cực ấy của con người – lạ và ghê gớm thay, lại của cùng mỗi một con người – của một thuở hôm nay và của muôn đời bất tận, bị cả hai phe ráo riết coi là chuyện chống tiêu cực thời thượng. Phe hung hăng chửi nó bôi đen xã hội, phe nức nở khen nó dũng cảm tố cáo cũng chính cái xã hội đó. Sầu nhất trên đời là một tuyệt tác bị đọc một cách sát đất, tầm thường.
Buồn, anh Trang Thế Hy ngồi lặng một mình trong vườn dừa vắng của anh, người tinh lắm cũng chỉ thấy anh uống rượu nhiều hơn mọi ngày một ít. Những ngày ấy, Tư không lên với anh. Anh nhớ, nhưng vì chính điều đó mà trong thâm tâm anh mừng: cô bé ấy rất bản lĩnh. Vui không háo hức khoe, khó, cả hiểm nguy, không hoảng hốt tìm chỗ dựa. Bản lĩnh và tư cách. Mạnh mẽ và im lặng. Chịu một mình. Hiền dịu và bướng bỉnh. Đầy tự tin. Hiểu cái nghiệp mình đã dấn thân là thế. Chính việc cô không đến lại như một lời nhắn thân tình: không sao đâu bạn già ạ, con chịu được mà…
Nhà văn Trang Thế Hy và nhà văn Nguyên Ngọc .
Vậy mà, cũng dạo ấy, có một lần anh khóc. Ấy là khi một người cầm bút ở dưới đó, người ấy anh biết, khá rõ là khác, không chỉ biết mà còn tin, và quý, vì anh nhận ra một dấu hiệu tài năng mà anh chờ đợi. Với anh, xưa nay vẫn vậy, anh tin ít ra trong nghệ thuật, cái tài đi đôi với cái tâm. Trong cuộc đời, từ rất lâu, từ mãi mãi, Trang Thế Hy vẫn tin, chờ đợi cái tài và cái đẹp… Thế mà cậu ấy, có tài và vì thế đáng tin, được chờ đợi, bỗng quay ra hùa đánh Cánh đồng. Và người trong nghề đánh thì rất hiểm. Thà anh chàng trưởng phó tuyên giáo gì đó – có cái tên rất ngộ mà xin lỗi tôi quên mất rồi, chỉ nhớ là nó rất ngộ – anh chàng ấy đánh thì anh chẳng chấp, nói cho cùng họ có hiểu gì đâu, cả văn học và cuộc đời, ai lại đi chấp kẻ không hiểu, Tư cũng dê kêu, anh biết, dửng dưng dê kêu. Đằng này người kia thì chắc chắn hiểu, hoàn toàn đủ khả năng hiểu Cánh đồng. Mà vẫn đánh. Tức không còn chuyện văn chương. Là chuyện con người. Sự sa đoạ của con người làm Trang Thế Hy khóc. Thà nó không có tài, anh nói. Nước mắt không thành dòng, chỉ mấy giọt, đặc sánh và mặn chát, lăn rất chậm trên đôi gò má đột ngột nhọn hoắt, già sọm của anh…
NGUYÊN NGỌC
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Ðời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau”.
(Đắng và ngọt, Trang Thế Hy, báo Vui sống 1959)
Theo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét