Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Hà Văn Thịnh – Vài lời với Chu Mộng Long


Hahien’s Blog:  Hôm nay vào Quê Choa đọc được bài của bác Hà Văn Thịnh (*) phản bác lại bài của Chu Mộng Long mà mình đã đăng hôm qua. Mình cũng học tập Bọ Lập để cố gắng giữ cho blog này thuần túy là blog cá nhân, nhưng vì đã đăng bài của Chu Mộng Long nên cũng thấy nên đăng cả bài của bác Hà Văn Thịnh – cũng rất đáng đọc với một góc nhìn khác với bác Chu Mộng Long. Nhưng qua quan sát chủ quan của mình thì hình như  những góc nhìn ấy khác nhau chỉ vì hướng về hai vấn đề khác nhau thì phải? Tự dưng lại nhớ đến câu chuyện “xem voi” ngày xưa…
Và nhân đây cũng xin nói lại nguyên tắc của chủ blog này là khi đăng lại bài viết của người khác thì bao giờ cũng kèm theo lời bình của mình dù chỉ ở một khía cạnh nào đó (**) mà bài viết ấy gợi ra. Và ngoài những ý kiến của chủ blog – có thể phản đối hay đồng thuận ở riêng những khía cạnh ấy- thì nội dung còn lại của những bài viết ấy không nhất thiết phản ánh quan điểm của người đăng.

Hahien’s Blog


______________________________________________________
(*)  Đọc bài của Hà Văn Thịnh:

Vài lời với Chu Mộng Long

     Hà Văn Thịnh
Mãi đến khuya hôm nay (31.10.2012) tôi mới đọc bài của ông nhan đề Tham vọng của một thứ công cụ quyền lực. Lý do: Lâu nay tôi có đọc một số bài của ông, càng lúc càng thấy chán nên bỏ không đọc nữa mặc dù ABS đã điểm. Chỉ đến khi thấy DL tôn vinh ông, cho rằng đáng đọc (mà tôi thì đôi khi có niềm tin ở DL) nên tôi đã đọc và… hoảng hồn(!)
(HHRiêng cái đoạn trên thì bác Thịnh nhầm. DL (Dân Luận) lấy ý kiến của chủ blog này đăng trên trang của họ chứ không phải DL “tôn vinh” bác Long, có lẽ nếu bác Thịnh biết đấy không phải là ý kiến của DL mà “đôi khi” bác “có niềm tin” thì hẳn người nổi danh như bác đã chẳng mất công đọc bài viết của một người ít tên tuổi như bác Long rồi lại mất công viết cái bài phản bác này?:)
Tôi không bàn đến quan niệm của ông Chủ tịch Hội Nhà báo VN muốn cấp cho các nhà báo đặc quyền “thi hành công vụ” là nên hay không (để lúc khác) mà chỉ muốn nói đôi lời với ông về cái cách ông khinh miệt, xúc phạm các nhà báo Việt Nam. Tất nhiên không kể tôi vì tôi không phải là nhà báo, và hơn một nửa những bài tôi viết chẳng có đồng nhuận bút nào và cũng chưa hề nhận của ai bất kỳ đồng nào từ những bài “viết không cần đăng”. Ở đây, tôi chỉ tranh luận với tư cách khách quan như là một phác thảo nghiên cứu nho nhỏ vì nghe đâu ông cũng là một “nhà khoa học”? Tôi không quá lời bởi trên blog của ông, ông khẳng định chỉ bàn về học thuật. Theo tôi hiểu, những ai dám tự xưng “nhà thơ”, “chỉ bàn về học thuật” trên blog phải là những người siêu quần mới đủ tư cách để công khai bản lĩnh đầy mình.
Thứ nhất, nếu là một người có học thuật thì căn cứ vào đâu để ông khẳng định hàng ngàn nhà báo đang làm việc trên 700 tờ báo chỉ là “một lũ nhảy như choi choi, là yêu quái, là ngồi xổm trên luật pháp, là chuyên đi rình rập, xoi mói, ném đá, lá cải, giá áo túi cơm hèn hạ”… Tôi thực sự không hiểu nổi những ngôn từ mà ông đã dùng như “chĩa mồm, vãi đái” (xin lỗi bạn đọc) là thuộc loại ngôn từ nào?
Thứ hai, vì bức xúc với một vài cá nhân, một vài tờ báo mà ông quơ đũa cả nắm là phản khoa học, phi thực tế – nói thực, tôi thấy cái đầu của ông đang ở tình trạng không như bình thường. Ai cho ông cái quyền phỉ báng, vu khống (ông nói hàng triệu nhà báo là vu khống rõ ràng) qua cái sự tưởng tượng bệnh hoạn ấy?
Thứ ba, tôi biết và quen, đọc, hiểu hàng ngàn bài viết của hàng trăm nhà báo. Chỉ có một số rất ít lợi dụng danh nghĩa công luận để gây điều tiếng xấu. Một số rất nhỏ ấy có xe hơi, nhiều đất đai… mà ai cũng biết tiền nhuận bút chỉ đủ để mua 4 cái lốp hoặc làm cái hàng rào bao quanh căn nhà nhỏ… Thế nhưng, đa số những nhà báo là những người tâm huyết, có tài. Ông chỉ cần đọc báo Bóng Đá thôi sẽ thấy: Trong các nấc thang “học thuật”, bóng đá ở thứ hạng thấp nhưng điều kỳ lạ là tôi lại học được rất nhiều từ họ cách viết, cách đặt vấn đề, ngoại ngữ… Nói như thế để thấy rằng công lao của Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Vietnamnet… là vô cùng lớn và rất đáng được trân trọng. Chính nhờ có hàng ngàn nhà báo xứng đáng ấy mà cái ác được ngăn chặn, được đưa ra ánh sáng, hàng ngàn quan tham bị truy tố… Tôi biết có những nhà báo khi đang nằm ở bệnh viện K vẫn biên tập bài để kịp đăng về sự càn rỡ của TQ ở Biển Đông; có nhà báo bỏ ra hàng chục triệu đồng (tiền xe cộ, tiền tổ chức nguồn tin, khách sạn…), hàng tháng trời sức lực mòn mỏi, để đưa tin, viết bài cho nóng, phục vụ không xu nhuận bút cho hàng triệu người mà không hề nhận được một lời cảm ơn từ sự bạc bẽo của cuộc đời, thậm chí còn bị hiểu lầm…
Thứ tư, ông đã quá lời, không, ông bị loạn ngôn rồi khi trên blog của ông đầy rẫy những từ ngữ dung tục, bài viết của ông thiếu logic, kiến thức thì chụp giật… Là một nhà giáo, làm sao ông không nghĩ rằng khi sinh viên đọc thấy những điều tệ hại ấy, sẽ nghĩ sao về người thầy?…
Thứ năm, dựa vào đâu mà ông nói các nhà báo VN có “quyền lực thứ tư” rồi, nếu có cái mác “thi hành công vụ” sẽ có quyền lực vô biên? Ông thật ấu trĩ trong xã hội này: Chỉ có một TBT, làm sao có quyền lực nào nữa? Vả lại, ông phải biết rằng nếu ta khâm phục nhà báo ở Mỹ, ở Đức một thì phải khâm phục hàng ngàn nhà báo VN mười. Họ phải chọn từng câu, “lách” từng chữ; viết để lề trái khen thì không đăng, để lề phải khen thì bị ném đá…, khổ sở trăm đường, xa xót, đắng cay… Đó là chưa nói những kẻ để cho nhà báo xấu lợi dụng là những kẻ tồi tệ, ăn cắp tiền dân, của nước. Xét về lẽ nào đó thì phân chia lại thu nhập cho bớt bất công cũng chưa phải là điều xấu xấu nhất (hiểu theo nghĩa hẹp tối đa của sự “thông cảm” này – không đồng nghĩa với bao che bởi khi hàng đàn quan tham nhiều không đếm xuể thì báo nào đăng cho lại? Ai đó có cho đăng không? Làm báo ở xã hội ta phải ra đảo không người mà sống vì chằng chịt các quan hệ, nể nang…). Là nhà giáo chắc ông hiểu: Người thầy nhiều khi không thể cho điểm thấp như thực tế của bài làm, của khóa luận tốt nghiệp, vì biết rằng sẽ đẩy các em vào chỗ khốn cùng do chẳng xin được việc. Không tiền, bằng cấp trung bình, ai nhận? Cái cay đắng của xã hội này là ở chỗ: Phải hành động xấu để bảo vệ những người tốt, bảo vệ những cái tốt cuối cùng từ những con người non trẻ!
Thứ sáu, tôi kể ông nghe hai câu chuyện nhỏ. Tôi bắt đầu nghi ngờ K. Marx từ hồi sinh viên năm thứ nhất khi đọc thấy Marx viết về Ấn Độ “Ấn Độ là một dân tộc không có lịch sử”. Cùng một lúc Marx sai 3 điểm: chưa hề đến đã khẳng định như trời, phê phán cả một dân tộc, chứng cứ thiếu thuyết phục – tức là thiếu khoa học. Chuyện nữa, có vài vị PGS tôi quý về cách cư xử, tôn trọng vì là đồng nghiệp nhưng khi thấy mấy ông ấy viết trên giáo trình đại học rằng “tất cả các nhà sử học trước Marx đều lố bịch”, thì từ đó, tôi coi kiến thức của họ chẳng bằng những sinh viên năm thứ nhất…
Thực tình, tôi nghĩ tranh luận với ông sẽ chẳng có tác dụng gì vì một khi đã viết như ông đã làm thì mọi lời nói đều vô nghĩa. Nhưng chẳng lẽ ai cũng im lặng để ông tưởng mọi người sợ hãi? Tôi chỉ tiếc mình không phải là một nhà báo chứ nếu như tôi danh chính ngôn thuận, nhất định tôi sẽ kiện ông về tội phỉ báng và vu khống. Chắc chắn ông sẽ thua. Rất mong ông suy xét về cách viết, cách dùng từ và, ông nên công khai xin lỗi, trước khi quá muộn…
Quảng Trị, Lễ Các Thánh Thần, 1.11.2012.
Tác giả gửi cho QC
Nguồn:   Blog Quê Choa
__________________________________________________________
(**) Và nhân thể, xin đăng lại lời bình của chủ blog khi đăng lại một bài viết của Nhà báo Đoan Trang –   Giọt nước mắt của lề phải:

Nhân đọc “Giọt nước mắt của lề phải” của Đoan Trang

16/12/2011
“…Trong một nền báo chí được định hướng chặt chẽ, sát sao. Trong một nền truyền thông nơi “quyền bình luận” của nhà báo bị triệt tiêu sạch sẽ – đừng hỏi vì sao báo chí (lề phải) Việt Nam bao năm qua không có nổi một cây viết bình luận cho ra hồn; phóng viên, nhà báo đâu có cái quyền ấy; nó là quyền của lực lượng “chống âm mưu diễn biến hòa bình” kia. Trong một nền truyền thông nơi báo chí bị coi như công cụ, nhà báo không khác gì con chó, khi nào bảo sủa thì sủa, bảo im thì im. Thì người làm báo phải lựa chọn. Hoặc là im lặng để cố gắng đưa được thông tin tới bạn đọc chừng nào tốt chừng ấy. Hoặc ra đi…”
Tôi cảm nhận được sự  cay đắng thật chân thành qua những lời tâm sự trên của  Đoan Trang,  một nhà báo mà tôi rất kính trọng,  qua bài viết “Giọt nước mắt của lề phải”  (*) của chị
Vâng, là người đã từng đọc đủ các loại báo “lề phải”,  tôi hoàn toàn thông cảm với những điều chị viết. Tôi cũng nghĩ rằng không chỉ  tôi mà rất nhiều độc giả khác  cũng chia sẻ với chị và NHỮNG NHÀ BÁO NHƯ CHỊ sự  cay đắng này.
Chúng tôi quá hiểu điều đó, chị Đoan Trang kính mến ạ. Vì chúng ta đều là công dân của cùng một nước. Vị thế công dân thế nào thì nó cũng được phản ánh dù ít dù nhiều vào tư cách nghề nghiệp của từng người. Chỉ chê trách nhà báo không thôi thì không công bằng. Nói người thì phải nghĩ đến ta. Không nên đòi hỏi người khác những gì mà nếu mình ở địa vị họ mình cũng không thể làm được.
Tôi luôn tâm niệm điều đó
Vì thế mà chị bảo “nhà báo không khác gì con chó, khi nào bảo sủa thì sủa, bảo im thì im” (mặc dù sự ví von này có vẻ hơi chua cay) thì tôi thấy cũng không có vấn đề gì lắm. Nếu tất cả các nhà báo của chúng ta đều đạt cái “chỉ tiêu” được “trên” giao cho ấy thì cũng là chuyện bình thường, là điều có thể hiểu được như  chị đã phân tích. Chúng tôi chẳng dám đòi hỏi gì hơn vì “nước ta nó thế” như chữ dùng của chị
Nhưng khổ nỗi là không phải lúc nào các nhà báo của chúng ta cũng chỉ dừng lại ở việc “bảo sủa thì sủa, bảo im thì im” mà nhiều khi lại còn “vượt chỉ tiêu” quá xa (về phía bên “lề phải”) nữa, nếu dùng lại những chữ  mà Nhà báo Đoan Trang đã dùng thì cái sự “vượt chỉ tiêu” này có thể được diễn đạt một cách cũng rất nôm na rằng “chưa ai bảo sủa đã sủa”,  nghĩa là đoán ý “người ta” mà “sủa”  mặc dù “người ta” chưa bảo gì, hay thậm chí bảo sủa 1 tiếng thì sủa liền 2 – 3 tiếng hoặc sủa liền cả tràng (nếu nói một cách thanh nhã hơn là:  “tát nước theo mưa”)
Tất nhiên không phải nhà báo nào cũng sẵn sàng “sủa” như  vậy. Vì thế, chúng tôi thực sự  kính trọng các nhà báo có lương tâm như  Đoan Trang đã viết:  “… trong hoàn cảnh của họ, họ không thể thoải mái viết bài phê phán, chỉ trích rồi đưa lên mạng tùy thích. Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu…”  Tôi cũng tin chắc là những nhà báo này chiếm số lượng không nhỏ và thực sự cảm phục họ về những cống hiến thầm lặng của họ cho đất nước, cho nhân dân. Họ đang góp phần ghi lại những điều mắt thấy tai nghe một cách trung thực những gì đang diễn ra và lịch sử chắc chắn cũng sẽ công khai vinh danh họ trong tương lai.
Nhưng nếu không làm được những điều này thì chúng tôi cũng chỉ mong các nhà báo làm được cái điều tối thiểu mà Nhà báo Đoan Trang bảo là “bảo sủa thì sủa, bảo im thì im”, còn nếu tốt hơn nữa thì nếu “người ta” bảo “sủa” to thì cố gắng “sủa” nhỏ thôi, còn im được là tốt nhất, như một nhà báo mà tôi quên tên đã nói đại ý rằng nếu không thể viết ra được SỰ THẬT  thì hãy IM LẶNG, đừng viết ra những điều DỐI TRÁ! Pháp luật và điều lệ của Hội Nhà báo, theo tôi biết cũng đâu có cấm các anh các chị  IM LẶNG  trước một tình huống như thế! Hay là các anh các chị cũng không có cả QUYỀN IM LẶNG nốt? Nhưng tôi không dám nghĩ đến điều này.
Trong những hoàn cảnh như thế, thưa các nhà báo kính mến, chỉ cần các anh các chị IM LẶNG thì đối với chúng tôi cũng đã tốt lắm rồi! Liệu yêu cầu ấy của chúng tôi có xa xỉ không nhỉ?  Viết ra SỰ THẬT mà các anh các chị bị mất việc, mất kế sinh nhai hoặc bị những tai ương nào khác để chúng tôi đọc cho “sướng” thì ai chứ riêng tôi thực sự cũng chẳng thấy sung sướng gì khi người khác gặp tai họa! Nhưng IM LẶNG không viết ra những điều vô lý thì cùng lắm là làm các anh các chị có ít  “thành tích” hơn chứ không thể bị mất việc, nặng hơn chút là “mất điểm thi đua”, không được tuyên dương, không được coi là “nhạy bén”…  mà thôi. Không biết tôi nghĩ thế có đúng không? Nếu đúng như thế thì đòi hỏi này của tôi chắc cũng không đến nỗi quá đáng lắm phải không các nhà báo kính mến?
Hahien’s Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét