Người dịch: Huỳnh Phan
3-11-2012
Khi ngày bầu cử tới gần, sẽ có ích khi nhìn vào quá trình chuyển đổi chính trị mù mờ đang diễn ra tại Trung Quốc trong tháng này. Đó là một gợi nhớ về những lợi ích của nền dân chủ có đôi chút xáo trộn của Mỹ.
Người Trung Quốc đang đối mặt với việc chuyển đổi chính trị mười năm một lần khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho Tập Cận Bình, người thừa kế được chỉ định từ lâu. Nhưng bên trong mọi sự đã sắp đặt sẵn này, nhiều vấn đề quan trọng vẫn còn đang sôi sục, với một Đại hội Đảng Cộng sản mang tính quyết định, dự kiến bắt đầu vào thứ Năm này.
Hãy tưởng tượng thứ Ba này Hoa Kỳ phải quyết định không những tổng thống và các thành viên Quốc hội, mà còn cả quy mô và phạm vi của ngành hành pháp, việc giám sát quân đội và các quy định hiến pháp mới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho rằng vẫn còn đang mặc cả về tất cả những vấn đề này vào đêm trước của đại hội đảng ở đàng sau bức màn bí mật, tạo cơ sở cho các tin đồn và bàn tán vỉa hè.
Việc chuyển đổi thể chế chính trị sắp tới sẽ thay thế hầu hết các thành viên của hai cơ quan điều hành chính của đất nước này: Ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng và Quân ủy Trung ương. Điều ngạc nhiên là thậm chí những chuyên gia Mỹ nắm thông tin tốt nhất cũng biết rất ít về các quyết định nhân sự sẽ được thực hiện như thế nào.
Với việc thiếu minh bạch của Trung Quốc, chủ đề bí hiểm này chủ yếu dành cho các nhà quan sát rất am tường về chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, các được mất về chính trị ở Bắc Kinh trong tháng này có thể cũng quan trọng đối với thế giới như là được mất về chính trị trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Dưới đây là một số “nếu” lớn mà các chuyên gia đang theo dõi:
● Ban thường vụ Bộ Chính trị sẽ lớn cỡ nào? Có tin đồn rằng số uỷ viên sẽ giảm từ 9 xuống 7 và hai chức vụ bị loại là tuyên truyền và thực thi pháp luật. “Quyết định loại bỏ hai chức vụ này và giảm số uỷ viên từ 9 xuống 7 gắn chặt với cải cách chính trị,” Lý Thành (Cheng Li), một học giả hàng đầu về Trung Quốc tại Viện Brookings lập luận.
Trung Quốc sẽ vẫn là một nhà nước cảnh sát trị, ngay cả khi không thấy có ngành tuyên truyền và thực thi pháp luật trong [Ban Thường vụ] Bộ Chính trị. Và đó có thể là một chế độ độc tài kiên quyết hơn, với một nhóm tinh lọc, họ có thể đạt được sự đồng thuận một cách dễ dàng hơn về các chủ đề gai góc. Tuy nhiên, áp lực cho sự thay đổi đang lớn dần. Và đó sẽ là một nhóm các gương mặt mới – với năm hoặc bảy ủy viên mới, tùy thuộc vào kích cỡ của nó.
● Hồ Cẩm Đào, chủ tịch về hưu, có tiếp tục ở lại Quân ủy Trung ương không? Tiền nhiệm của ông, Giang Trạch Dân, cũng nắm lấy vấn đề quân sự như thế, và Hồ Cẩm Đào cũng có thể muốn giữ được địa vị và bảo trợ này, làm giảm đi vừa phải sức mạnh của Chủ tịch sắp lên, Tập Cận Bình. Nhưng ở đây câu chuyện cũng về thay đổi. Phần lớn trong số 12 thành viên của Quân Uỷ có khả năng đều sẽ là người mới. Điều này thể hiện sự thu lượm lớn cho quân đội Trung Quốc vốn ngày càng quyết đoán về các vấn đề như là biển Đông.
● Các vấn đề về tham nhũng và ô dù đã nổ bùng trong vụ bê bối Bạc Hy Lai vào tháng Hai vừa qua sẽ nằm trong tầm kiểm soát hay không? Cho đến nay, Trung Quốc đã thực hiện tốt công việc kiềm chế các hậu quả không mong muốn từ việc thanh trừng Bạc Hy Lai, cựu bí thư có sức lôi cuốn của Trùng Khánh. Nhưng Lý Thành thuộc Viện Brookings thấy ra một sự chia rẽ phe phái sâu đậm giữa Hồ Cẩm Đào (có những người đi theo gốc gác từ Đoàn Thanh niên Cộng sản) và Giang Trạch Dân (có những kẻ ủng hộ chủ chốt thường được mô tả là các “thái tử đảng”). Những người ủng hộ Giang Trạch Dân ở thành thị được cho là ủng hộ sự phát triển nhanh tiếp tục, trong khi nhóm Hồ Cẩm Đào chú trọng tới tổ chức đảng và an ninh trong nước để kiểm tra tình trạng bất ổn đi kèm với việc tăng trưởng nhanh.
Thách thức cho Tập Cận Bình sẽ là việc bắt cầu nối cho khoảng cách này, và cho đến nay ông có vẻ khá khéo léo. Ông ta tự mình là một thái tử đảng (cha ông là một trong những cố vấn thân cận của Mao Trạch Đông), nhưng ông cũng đã bắt được các cầu nối đến phe của Hồ Cẩm Đào.
● Đảng sẽ xem xét những thay đổi về điều lệ đảng, có thể qua việc khẳng định rằng đảng nằm dưới quyền nhà nước hay không? Lý Thành dự đoán có thể có pháp lệnh rằng “đảng phải đứng dưới luật pháp chứ không phải đứng trên luật pháp“.
Biến động ngầm bên trong bề mặt phẳng lặng của chính trị Trung Quốc đã nổi rõ lên trong các vụ tiết lộ gần đây về tài sản kếch xù mà các lãnh đạo đảng đã tích lũy: Hồi tháng 6, Bloomberg News báo cáo rằng đại gia đình Tập Cận Bình có tài sản gần $ 1 tỷ; tháng trước, tờ New York Times ghi nhận rằng gia đình Ôn Gia Bảo, thủ tướng sắp ra đi, ngầm sở hữu tài sản 2,7 tỷ USD. Chắc chắn có thể kể những câu chuyện tương tự như thế về hầu hết các lãnh đạo chóp bu.
Bằng cách nào đó, trong hai tuần tới, ban lãnh đạo thối nát, bí ẩn này sẽ phải vạch đường chỉ lối cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. So ra thách thức của họ làm cho bầu cử dân chủ có vẻ dễ dàng.
Nguồn: Washington Post
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét