Viet-studies
5-11-2012
Tôi
đọc tin Em bị bắt, cũng như trước đây, đọc tin em Huỳnh Thục Vy, Vĩnh
Khang,…. và nhiều nữa, nhiều thanh niên mà tôi không nhớ tên hết, cả
những người bị bắt mà không có tên…tôi hiểu những gì đang diễn ra trên
đất nước chúng ta.
Tôi không khỏi ray rứt, thấy sự bất an
trong lòng, vì không thể làm gì được cho các em, như để cùng chung hành
trình, thậm chí chỉ để chia sẻ. Hình ảnh của các em là hình ảnh của
chính chúng tôi ngày xưa đang sống lại, cũng ở cái tuổi đầy nhiệt huyết
như các em bây giờ.
Cách đây hơn 40 năm, những năm tháng mà
thế hệ chúng tôi khó quên. Khó quên không phải vì hận thù, vì tiếc nuối,
vì bất mãn thời cuộc, hay vì bất cứ lý do nào khác, mà vì những kỷ niệm
đẹp của trái tim tuổi trẻ trong sáng, đã dám đứng lên vì một cảm xúc
lớn.
Thuở ấy trời xanh, mây trắng bay…
Cái từ ngữ đồng bào thuở ấy rất
thiêng liêng. Chúng tôi không biết gì về mọi thứ mưu toan của người lớn,
hay của thời cuộc. Chúng tôi hồn nhiên bay trong tình tự dân tộc, bất
chấp hiểm nguy để chống xâm lược.
Chúng tôi biết rằng cách mà họ bắt các
em hiện nay, cũng giống cách mà chúng tôi bị bắt ngày xưa. Họ bắt bất cứ
lúc nào và ở đâu. Ở nhà trọ, trong ký túc xá, tại cổng trường, trong
công viên, khi đang đi trên đường, đang lúc ngồi chơi với bạn bè. Những
người mặc thường phục, có súng ngắn bên trong, nhanh như cọp dữ, họ nhảy
vào, khóa tay chân, gùi lại và quăng vào xe. Con mồi của họ nằm im re
trong rọ, và từ đây không còn thấy ánh sáng mặt trời. Họ đưa con mồi vào
hang tối, cái ngóc ngách xó xỉnh nào đó, nhiều lắm, ngay trong cái
thành phố sáng sủa nầy, nhưng không ai biết hay nhìn thấy được. Thế rồi
họ tra tấn và đánh đập bằng khá nhiều kỷ thuật tân kỳ, song song với
những đòn tâm lý, áp đảo tinh thần một cách hiểm ác, và ép cung. Tác
phẩm “Hồ sơ một Thế hệ” mà Thành Đoàn thanh niên ngày nay ghi chép lại,
chưa phản ánh đủ vì nhiều lý do.
Điều mà chúng tôi đòi hỏi lúc đó là gì?
Chúng tôi đòi hỏi, khi bắt phải có trát của tòa án, có Luật sư chứng
kiến, dù là tạm giam để điều tra. Phải minh bạch và cho công luận biết.
Phải đưa ra xét xử và có luật sư biện hộ, phải đúng quy trình tố tụng,
phải có chứng cứ…và chứng cứ phải được xem xét là không ngụy tạo. Đối
tượng mà chúng tôi chống, lúc bấy giờ, là Chính phủ Việt Nam Cọng Hòa,
song lại có đôi điều mà trái tim công bằng của tuổi trẻ ghi nhớ như là
nét son của một xã hội công dân – dù nó nó chưa tương xứng để gọi tên
như thế– Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện, Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn
Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh luận tay đôi với
Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong số 42
SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cọng, vì có bằng chứng minh bạch. Ông
Viện trưởng Tiết đã cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là
bằng chứng của ép cung, lời cung đã khai không còn giá trị. Thế là hầu
hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa. Trong đó có một số anh chị có
vai trò trong tổ chức Thành đoàn CS. Dù các anh chị ấy có lập trường
kiên định, một lòng trung thành với con đường lý tưởng đã chọn, song
không khỏi ghi nhớ về tính cách của một vị quan tòa, và nguyên tắc, dù chưa phải là thực chất của một thể chế dân chủ,
nhưng ở đó có một số điểm tựa để cho người dân tin cậy, là hệ thống
luật pháp về dân sự, dù thời điểm đó đang là chiến tranh. Vì cách bắt
bớ, và cách tra tấn ép cung, đều không minh bạch, mà một số đông SVHS,
từ chổ không liên quan, không hiểu biết gì về CM, đã trở thành người đi
theo CM. Những anh chị là Cán bộ thì tin rằng, mai sau thể chế của chúng
ta sẽ đàng hoàng hơn, minh bạch hơn, và tốt hơn gấp “vạn lần”. Thể chế
Cọng hòa ở Miền Nam, tồn tại 20 năm, trong chiến tranh khốc liệt và
thiếu chính nghĩa, vì phụ thuộc nước ngoài. Ngày nay, đất nước đã thống
nhất, với một chế độ duy nhất, của một đảng duy nhất lãnh đạo, đã qua 38
năm, là thời gian có thể làm nên những kỳ tích cho quốc gia như nhiếu
quốc gia khác, mà sao, chỉ cái việc bắt bớ con em trong nước lại còn quá
bầy hầy, nói chi tới chuyện lớn hơn?
Điều mà chúng tôi đòi hỏi ngày nay
cho thế hệ trẻ các em, cũng là điều mà chúng tôi đòi hỏi cho thế hệ mình
của nửa thế trước! Đó là đoạn đường quá dài và chua xót cho một Việt
nam ở thế kỷ 21.
Phương Uyên,
Những người lớn tuổi đã ký tên trong thư gởi Chủ tịch nước, không thể biết chắc
rằng Các Em đã làm gì gây phương hại cho quốc gia, ngoài cái nhiệt tình
với sự căm giận kẻ đã cướp nước, cũng giống như các thế hệ đi trước, mà
lên tiếng đòi hỏi sự minh bạch và công bằng cho các em về mặt luật
pháp, trong đó mang nặng tình cảm cho cả thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ
đang học hành, đang còn có cảm xúc lớn về những vấn đề của đất nước,
trong tình trạng ngổn ngang, mà người lớn có trách nhiệm thì chăm bắm
cho cái riêng của mình.
Chúng ta chỉ có đau xót mà không làm gì
được, trước hằng vạn thanh niên nghiện ngập ma túy, hằng vạn thiếu nữ
liều mình, nhắm mắt đưa chân, lao đi kiếm chồng bất kể gian nguy, trước
tình trạng đạo đức suy đồi, giết ngưới, cướp của, giụt dọc vì đói ăn
khát uống, bắt trộm chó để bị đánh tới chết và bị thiêu…Và cảm thương,
quý mến về những thanh niên đang cầm súng giữ đảo, giữ bờ cỏi với lòng
trung thành, chấp nhận hy sinh, mà không biết chắc mai sau có được Tổ
quốc ghi ơn hay bị phản bội, bị quên lãng, bị khuyên “không nhắc tới”, như hằng vạn thanh niên đã nằm xuống ở biên giới Tây nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc?
Chúng ta ray rứt tự hỏi, trách nhiệm đó thuộc về ai? Thật khó trả lời!
Chúng tôi cũng được biết vài thông tìn ,
có lẽ là bạn Công an nào đó viết trên mạng, qua lá thư “giả mạo”, là
các em đã làm truyền đơn chống TQ chiếm đóng Hoàng sa, Trường sa, nhân
đó chống Chính quyền VN, vẻ cờ 3 sọc đỏ trên tiền giấy VN, do thế lực
phản động hải ngoại giật dây, có cả “hóa chất” để làm thuốc nổ…và v.v.
Chúng tôi không thể biết đâu là sư thật.
Ví dụ sự thật về “hai bao cao su đã qua sử dụng” của LS Cù Huy Hà Vũ,
và mới đây, trong cái vụ nầy, cái thư ngỏ công khai gởi Chủ tịch nước
của các nhân sĩ, đã được “thay ruột”một cách ngon ơ, trắng trợn, chỉ
trong có hai ngày, bày ra một “sự thật” cả thiên hạ đều biết và kinh
ngạc.
Sáng kiến nầy của ai đó, thật rất không hay. Tại sao phải làm thế?!
Chúng ta thấy thiếu vắng hẳn về mặt nhân
cách của người viết, thiếu cả cái nhân cách của một pháp nhân. Cái
“thiếu” nầy, kéo theo sự hoài nghi về các chứng cớ.
Truyền đơn to hay nhỏ, ngắn hay dài, sao mang nhiều nội dung quá: “Kích
động, tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, nhà nước VN, kêu gọi đồng
bào đứng lên kích động lật đổ ĐCSVN, thể chế chính trị VN…”. Các
bạn trẻ là ai mà dám táo tợn đến thế? Ngày xưa, tôi bị đối phương bắt,
họ khẳng định tôi là Cộng sản, nhưng không có bằng chứng, nên ghi cái
tội là “phá rối trị an”, vì đúng như thế, và cho đi tù Côn đảo không hẹn
ngày về. Tôi không khen gì chế độ trước, nhưng nghi nhận là họ không suy diễn.
Số lượng truyền đơn là 700 hay 2.000, mà
ghim vào mỗi tờ đó là giấy 10.000 hay 20.000, tính ra số tiền là quá
lãng phí, trong thời buổi kinh tế khó khăn!
Hóa chất ở chợ Kim Biên, thì như có người nói, chẳng thể làm thuốc nổ được.
Mà cái video clip, có lẽ được quay trong
trại giam, mặt mày sao phờ phạt, đọc từng câu trong tờ giấy viết sẳn,
nghiêm túc đến mức hoài nghi dàn dựng. Chuyện nầy thì tôi không thể biết
rõ.
Việc vẽ lên tiền giấy VN ba sọc đỏ, tôi đồng ý với ý kiến nêu trong “Thư giả mạo”,
việc nầy nếu có, thật sự vô ích. Tôi quen thuộc với lá cờ nầy trong 20
năm với tuổi thanh niên, tôi nhìn nó, tôi chào nó, rồi tôi chống nó. Nay
tôi nhìn lá cờ với cái nhìn lịch sử đắng cay mà cảm thông với bao thế
hệ của dân tộc mình. Nó ra đời từ thời Chính phủ Trần Trọng Kim, cái
thời nháo nhào khi còn Pháp thuộc, người dân Việt chạy tung tóe khắp nơi
để tìm cách cứu nước, với bao nhiêu là ngã rẽ. Và như thế lịch sử đã
lướt qua trong ký ức. Tôi không quan tâm lắm đến màu cờ. Vì “có màu nào
mà không phai ”, như trong lời bài hát nào đó về tình yêu. Có lá cờ nào
không thấm máu của dân Việt?. Có giòng máu của sự chân thành và niềm
tin, có giòng máu của sự nhầm lẫn, cũng có giòng máu của lợi dụng, cũng
có giòng máu chảy mà chủ nhân không hề biết lý do hoặc màu cờ nào. Tôi
quan tâm nhiều hơn về kẻ ôm cờ, nhưng đồng ý với tác giả của lá thơ “giả mạo”(dù thiếu tư cách và dấu mặt) rằng, phải gát quá khứ sang bên để cho lành vết thương của dân tộc,
và đặc biệt, phải làm gì trước hoàn cảnh cực kỳ khó khăn hiện nay của
đất nước, bên trong là họa tham nhũng, bên ngoài là họa xâm lăng, tư
tưởng thì đang còn trong bóng râm của sự trăn trở và nghiên cứu thời
cuộc, đang trong tình trạng “nhạt phai lý tưởng!” nầy.
Trong lá thư “giả mạo”, tác giả giả mạo viết: “Tô
vẽ lá cờ vàng 3 sọc đỏ, làm khó lành vết thương chiến tranh, tình cảm
dân tộc không hàn gắn nổi, việc hòa giải hòa hợp dân tộc còn nhiều khó
khăn..”Đúng như thế, việc hòa giải hòa hợp dân tộc thật
làkhó, nhưng không thể không làm được. Nếu tôi biết các em có mang lá cờ
ấy trong người, tôi vẫn giữ nguyên tình cảm trong lòng và không thay
đổi thái độ. Tôi sẽ nhẹ nhàng khuyên các em hãy cất nó đi, vì nó tượng
trưng cho một quá khứ nặng nề, bất cứ từ vị trí nào, nó sẽ không đem lại
lợi ích gì cho ai cả, nó cần phải được bỏ lại đằng sau, để cùng tôi đi
tới tương lai, tương lai của chính thế hệ các em, cũng là tương lai dân
tộc. Đi tới với cái nhìn cởi mở, mới mẽ để sẳn sàng tiếp nhận cái mới mẽ
của thời đại đang đặt ra rất cấp thiết. Đi tới vì tương lai, chứ không
ai có thể đi tới vì quá khứ, và không để cho quá khứ níu kéo chân mình,
dù quá khứ đó mang nhiều đau thương, mất mát hay hận thù, và dù quá khứ
đó có là tự hào, vẻ vang, thuận lợi, và hãnh tiến tới đâu chăng nữa,
cũng chỉ đem lại cho mình sự mù quán, vì ngày mai không phải là ngày hôm qua. Các
em không thấy sao, “ngày hôm qua” nó đã biến mất và mang theo cùng nó
là sự lỗi thời! Thanh niên ở nhiều quốc gia tiến tiến ngày nay, rất ít
bận tâm về những nấm mồ, càng không chịu núp bóng vào chiến công của cha ông, họ đi con đường khám phá. Thông điệp của họ là yêu sự đổi mới và trung thành với tương lai.
Vì sự đổi mới là liên tục, và khi nói “tương lai”- cái chưa có- tức có nghĩa là dự kiến tương lai. Mà dự kiến thì luôn tốt đẹp và lương thiện.
Tôi không xem quá khứ là quan trọng lắm,
kể cả lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Tôi trân trọng nhìn nó là một chứng tích của
một giai đoạn lịch sử. Đôi khi, trong lúc quá hưng phấn vì lẽ nào đó,
người ta thường nâng mô đất lên thành quả đồi, mà bỏ quên đi hòn núi
đang chắn ngang trước mặt.
Dạo gần đây, bạo lực xảy ra nhiều quá, ở
mọi lãnh vực xã hội. “Thế lực thù địch” thì nổi lên khắp trong các văn
kiện. Tôi không biết Lãnh đạo đất nước hiện đang và sẽ bắt đầu từ đâu?
Tôi nhớ phim Bao Công có câu: “Lấy đại đao chém xuống nước, nước càng
chảy mạnh..”.
Cũng như bao nhiêu người khác, tôi đang
ngồi trong nhà, nghĩ về các em. Và tự hỏi, tôi có thể làm gì được cho
các em của thế hệ hôm nay?!
Trong khi viết những giòng nầy, tôi được
biết mấy ngày hôm nay, tại trường Công nghệ Thực phẩm, nơi Uyên học,
các Công an đang quần thảo, tìm kiếm những SV liên quan về lá thư kêu
cứu…./.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-11-12
Nguồn: Viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét