Tuần
qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler gốc Việt
thăm Hà Nội, bàn chuyện làm ăn và đòi phía chủ nhà tha 5 tù nhân chính
trị. Trong lúc ấy, bà Aung San Suu Kyi, cựu tù nhân lương tâm của
Myanmar, đang làm thượng khách của nước Mỹ. Một bên khuyên thả tù, một
bên, từng là tù nhân, đang tìm lối thoát cho đất nước khỏi đói nghèo,
tụt hậu.
Năm tỷ đô la và năm tù nhân lương tâm
Khi tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng
Kinh tế Đức, Philipp Roesler, Bộ trưởng BNG Phạm Bình Minh, đã khẳng
định “Đức là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Liên hiệp
châu Âu (EU), với tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao. Kim
ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt gần 5,6 tỉ USD, tăng 33% so với
năm 2010.”
Cách đó hai năm cũng vào dịp này
(10-2011), bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, đã thăm Hà Nội để bàn về
hiệp định mậu dịch tự do với Liên hiệp Âu châu và Đức, nền kinh tế lớn
nhất EU, cũng ủng hộ thỏa thuận này.
Đọc hai mẩu tin nhỏ cũng biết ông Roesler đến Hà Nội lấy kinh tế làm trọng.
Ông là người Đức nhưng có phần
máu Việt. Roesler sinh năm 1973 tại Khánh Hòa và được một gia đình Đức
nhận làm con nuôi khi mới chín tháng tuổi. Xuất thân là trẻ mồ côi,
không biết cha mẹ là ai, sang Đức hơn ba chục năm, Roesler đã lên tới
chức Phó Thủ tướng Đức từ tháng 5-2011. Có lẽ ông là người gốc Việt
thành công nhất trong những người mình ở hải ngoại.
Khi bàn về công chuyện thì
Roesler là người Đức vì quyền lợi Đức. Khi bia bọt, có thể Roesler kể về
vùng quê xa tít mù khơi, cốt gây thiện cảm với chủ nhà và giúp ký hợp
đồng dễ hơn.
Đến thăm Đại học Kinh tế Quốc
dân, ông nhắc “Với những người không được tự do để chọn cho mình cách
suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu tự
do kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội.”
Hoặc “Một đứa trẻ mồ côi thời
chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi mà có cơ hội vươn lên trong
một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng
chứng nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào.”
Nghe nói trong túi Roesler có
danh sách 5 tù nhân và yêu cầu Việt Nam thả tự do. Phóng viên Hoàng
Khương của báo Tuổi Trẻ vừa bị kết án 4 năm tù cũng được sự quan tâm đặc
biệt của chính phủ Đức.
Kinh tế, nhân quyền, tự do, dân
chủ và đồng minh, hợp tác luôn là câu nói cửa miệng của các chính khách
phương Tây. Roesler không phải là ngoại lệ . Joseph Cao, người Mỹ gốc
Việt, nguyên nghị viên QH Mỹ, đến thăm Hà Nội cũng hành xử không khác
mấy.
Họ đều biết là Việt Nam không nghe. Nhưng mưa dầm thấm lâu. Biết đâu có ngày các vị lãnh đạo nhà mình đổi ý.
Roesler đưa lên bàn cân, một bên
là 5 người tù nhân lương tâm, bên kia là hợp tác kinh tế 5 tỷ đô la giữa
hai quốc gia. Sau chuyến thăm, nếu thuận buồm xuôi gió, thì có thể số
tiền kia tăng lên gấp đôi, gấp ba, vì nước Đức coi Việt Nam là thị
trường tiềm năng.
Trong cuộc nói chuyện với sinh
viên, Roesler nhắc đến vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế,
cũng như nói về sở hữu cá nhân.
Ông còn nhấn mạnh, điều kiện cho
đầu tư là chữ tín của hợp đồng và niềm tin của đối tác với hợp đồng.
Trong làm ăn, dân Việt ta ít được tín nhiệm trong việc giữ lời hứa.
Trong bối cảnh chiến lược dựa vào
quả đấm thép “doanh nghiệp nhà nước” bị thất bại hoàn toàn thì câu nhắc
nhở “sở hữu cá nhân” so với “sở hữu toàn dân”, giữ chữ tín, từ miệng
một chàng trai trẻ mang dòng máu Việt không phải không có lý.
Đưa quốc gia vượt ra khỏi mối
bùng nhùng, đôi lúc hãy bắt đầu bằng xây dựng chữ tín. Tín với bạn, tín
với đối tác, tín với dân, tín với lời thề trước Đảng CS của ông Carl
Marx, đồng hương với Roesler.
Tha tù nhân lương tâm – bước đi khôn ngoan
Ở tầm quốc tế, chữ tín đôi khi
bắt đầu bằng những việc đơn giản. Tha tù nhân chính trị để cải thiện
hình ảnh quốc gia cũng là một bước đi quan trọng.
Còn nhớ, cuối năm 2010 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp Tổng thống Tổng thống Thein Sein đã khuyên
Myanmar mở cửa với thế giới bên ngoài vì nhìn gương Việt Nam.
Phần khác, các cuộc cách mạng mầu
Ả Rập và Đông Âu đã làm các tướng tham lam bên xứ Phật phải hoa mắt, ù
tai. Thay đổi hay là chết, họ nhìn ra ánh sáng cuối đường hầm.
Giữ chữ tín với người đồng nhiệm
Việt Nam, cựu tướng quân Thein Sein đã khởi động tiến trình cải cách dân
chủ, thả bà Aung San Suu Kyi và bầu cử tự do, công nhận sự hợp hiến của
phe đối lập. Hàng ngàn tù nhân chính trị đã được thả.
Mới đây, ông còn thay tới 16 bộ
trưởng, trong đó có bộ trưởng Thông tin. Không kiểm soát báo chí và cho
phép báo tư nhân ra đời. Quyền lực thứ tư sẽ giúp cho xã hội minh bạch
và trong sạch hơn.
Hiện nay phương Tây ồ ạt đổ vào
Yangon. Máy bay lúc nào cũng chật cứng thương gia. Tôi thăm Yangon hồi
tháng 7 và đoàn công tác đã tìm ra vài địa điểm để thuê văn phòng. Nhưng
giá cả hàng ngày lên vù vù, khó mà theo kịp, không cẩn thận sẽ không
thuê được nữa. Ngày tôi ở Yangon, Hoa Kỳ tuyên bố bỏ hạn chế các công ty
Mỹ vào làm ăn.
Tháng trước Aung San Suu Kyi thăm
khắp châu Âu và được chào đón nồng nhiệt. Mấy hôm nay, cựu tù nhân
lương tâm, khôi nguyên Nobel hòa bình, đang thăm Mỹ 18 ngày.
Ngoài việc nhận Huy chương Vàng
Quốc hội Mỹ, gặp Hillary Clinton, và các nhà lập pháp, Obama tiếp tại
Nhà Trắng, rồi Tổng Thư ký UN chào đón, với lịch thăm thú dầy đặc, bà
Aung San Suu Kyi được Tổng thống Thein Sein, người từng giam giữ bà hàng
chục năm, giao nhiệm vụ nặng nề là đàm phán với Mỹ để nới lỏng các biện
pháp trừng phạt kinh tế.
Tin giờ chót cho biết, phía Mỹ đã bỏ lệnh trừng phạt cá nhân Tổng thống Thein Sein và chủ tịch Quốc hội Myanmar.
Bà nói rất rõ với phía Mỹ, cải
cách chính trị tại Myanmar không thể phụ thuộc vào cấm vận của bất kỳ
ai, mà phải dựa vào nội lực của chính quốc gia ấy.
Dùng tù nhân lương tâm để giải thoát quốc gia trên thế giới đã từng xảy ra và có những ví dụ về hòa giải tuyệt vời.
Nam Phi có Nelson Mandela, ngồi
sau song sắt 27 năm trời và sau thành lãnh tụ yêu mến của cả da trắng
lẫn da đen, bởi vị tổng thống da trắng Frederik Willem de Klerk đã biết
hòa giải.
Ba Lan có thủ lãnh công đoàn Đoàn
kết Lech Wałęsa bị tù, giam lỏng, rồi lên đến Tổng thống bởi vị lãnh
đạo cộng sản Wojciech Jaruzelskilúc đó hiểu thời thế.
Thời cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu
Bình vào tù ra tội, nhưng chính ông đưa nước Trung Hoa lên hàng thứ hai
trên thế giới vì thuyết mèo đen mèo trắng.
Niềm hy vọng tiếp theo, cả thế
giới đang trông chờ vào sự khéo léo của người phụ nữ tưởng rằng yếu đuối
như Suu Kyi. Chính nữ tù nhân lương tâm này sẽ thay đổi Myanmar
Liệu ai đó có rút ra được gì từ
bài học “tha tù cứu nước” để tiến tới dân chủ của Myanmar hay lời chân
tình bàn về tự do và chữ tín của đứa con bị bỏ rơi Philipp Roesler khi
đến Hà Nội.
Cộng sản không thể học được...?
Trả lờiXóa