Mưa, không nghĩ thì đầu để làm gì. Ừ thì nghĩ.
1. Thiên hạ xôn xao luận bàn về sự giống nhau i xì của hai chiếc cà vạt. Người cho là sự tình cờ ngẫu nhiên, kẻ bảo chắc có chủ ý. Lần này còn đỡ, chứ đợt trước hình chiếu như đúc của toàn bộ trang phục cơ. Kể ra phép ngoại giao cũng rắc rối, lắm chuyện. Ông bạn đồng nghiệp của tôi, một người thường có những ý kiến, nhận xét khá sắc sảo về nhiều vấn đề lại đưa ra góc nhìn lạ: nhiều người cứ bảo vị nhà ta bắt chước bạn, nhưng có khi không phải thế, mà hoàn toàn ngược lại. Chính nó (bạn Tàu) dò la, tìm hiểu trước, rồi sắm một cái giống y của bác nhà ta. Khi gặp nhau, thấy hai bên giống nhau, theo thói đời thường tình, đám đông sẽ nghĩ là bác ta xu nịnh nó, lấy lòng nó bằng cách bắt chước nó. Sao không nghĩ nó cố tình làm như thế để dân ta xầm xì, eo sèo, nói ra nói vào, dè bỉu chê bai, gây mâu thuẫn, dùng ta triệt ta luôn, từ chuyện nhỏ nhất. Nghe ông bạn bảo vậy, mình nghĩ cũng có thể lắm chứ. Tàu nó ranh ma lắm, cái gì mà nó chả làm, ngay cả cái không ngờ nhất. Vậy thì sau này có bác nào công du xứ Tàu, hoặc đón nó qua ta, nhớ coi chuyện sắm sửa trang phục như bí mật quốc gia nhé. Thật kín mới được, thậm chí chiếc quần đùi sọc hay trơn cũng phải bí mật, sang đó nếu có tắm rửa thay ra thì gói kỹ lại mang về nhà giặt, chứ giặt phơi tênh hênh ở nhà khách, nó thấy liền sắm ngay một chiếc y chang và la toáng lên là quần đùi cũng giống thì còn gì bản sắc nữa.
2. Con gái mình là đứa hiền lành, ít quan tâm đến những chuyện ghê gớm trong xã hội bởi cháu nhìn cái gì cũng giản dị, trong sáng. Vậy mà mấy bữa nay cháu bức xúc lắm, về cái vụ tên cướp ở quận Tân Bình (Sài Gòn) không chỉ cướp giật mà còn thủ dao đâm chết người, bị bắt tại trận. Cháu bùi ngùi thương người bị hại là sinh viên mới ra trường, đang chở người yêu đi tìm việc. Cháu nói rằng các bạn sinh viên cùng lớp đứa nào cũng chung ý nghĩ phải đem thằng cướp sát nhân đó ra xử bắn ngay tại trận, không cần điều tra điều mẹ gì nữa. Trong những trường hợp như thế này, theo cháu, phải xử bằng luật Hồi giáo, phải nghiêm như Singapore, Iran... thì mới chặn được tội ác. Đã đành thực thi pháp luật phải bài bản, tránh oan sai nhưng với thằng cướp ấy cứ đòm một phát đã, cho linh hồn anh sinh viên mới ra trường kia được ngậm cười.
3. Thật buồn và thất vọng khi đọc bản tin về vụ cưỡng chế đất đai ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hôm 20.9. Chỉ vì người dân không đồng tình việc (bị) tự nguyện mất đất, đứng ra ngăn cản thi công mà công an xã chĩa súng bắn bị thương 3 người. May mà chưa có ai chết tại trận. Dưới thời mồ ma phong kiến và thực dân, ngay cả khi phải đàn áp người dân vùng nào đó, nhà cầm quyền đều phải đưa lực lượng ở nơi khác đến, chỉ với lý do sợ lực lượng tại chỗ ít nhiều có quan hệ gần gũi, thân thuộc, nặng tình cảm thì sẽ khó khăn khi thi hành công vụ. Thời nay, chả cần lo xa thế. Giá trong vụ Vĩnh Long, những kẻ bắn thẳng vào người dân là ở tỉnh, ở huyện mò về thì mình chả nghĩ ngợi gì, nhưng đây là công an xã, không ngần ngại bắn vào bà con chòm xóm, thậm chí cả họ hàng thân thuộc, bắn vào những người mà họ vẫn gặp hằng ngày, vẫn chào hỏi lúc này lúc khác, cứ nghĩ đến thế đã thấy đau xót lắm. Chả nhẽ lực lượng công quyền chỉ được phép chọn một: được phần chế độ, mất phần nhân dân (hoặc ngược lại)?
4. Mấy hôm rồi, mình tranh thủ thời gian rảnh đọc lại vài bộ sách cổ điển Trung Quốc là Sử ký Tư Mã Thiên, Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc (hiện ở nhà còn đủ ba bộ này), ngẫm ra một điều: đất Trung Hoa từ xưa đến giờ, cứ mỗi lần bộ máy cầm quyền muốn đưa kẻ nào đó ra đứng đầu chấp chính, bao giờ cũng đặt ra thử thách cực kỳ ghê gớm để xem xét, để đánh giá tài xử trí đến đâu. Nếu làm được ngon lành thì duyệt, không xong thì lại kiếm đứa khác. Vậy nên, mình ếch ngồi đáy giếng nhưng cứ đoán mò cái đã: Tập Cận Bình chưa chắc đã làm vua, đừng vội nịnh nó. Y phải giải quyết cho ngon khúc gân gà Senkaku/Điếu Ngư đã. Cả xứ Trung Quốc đang nhòm vào, lắng nghe, trông chờ. Nhưng tay này không vừa, y biết Điếu Ngư khó nuốt, bèn lấy điểm trước bằng việc chuyển hướng xuống phía nam. Một số động thái vừa qua đã chứng minh điều đó. Hi hi, ai tin thì tin.
21.9.2012
Nguyễn Thông
1. Thiên hạ xôn xao luận bàn về sự giống nhau i xì của hai chiếc cà vạt. Người cho là sự tình cờ ngẫu nhiên, kẻ bảo chắc có chủ ý. Lần này còn đỡ, chứ đợt trước hình chiếu như đúc của toàn bộ trang phục cơ. Kể ra phép ngoại giao cũng rắc rối, lắm chuyện. Ông bạn đồng nghiệp của tôi, một người thường có những ý kiến, nhận xét khá sắc sảo về nhiều vấn đề lại đưa ra góc nhìn lạ: nhiều người cứ bảo vị nhà ta bắt chước bạn, nhưng có khi không phải thế, mà hoàn toàn ngược lại. Chính nó (bạn Tàu) dò la, tìm hiểu trước, rồi sắm một cái giống y của bác nhà ta. Khi gặp nhau, thấy hai bên giống nhau, theo thói đời thường tình, đám đông sẽ nghĩ là bác ta xu nịnh nó, lấy lòng nó bằng cách bắt chước nó. Sao không nghĩ nó cố tình làm như thế để dân ta xầm xì, eo sèo, nói ra nói vào, dè bỉu chê bai, gây mâu thuẫn, dùng ta triệt ta luôn, từ chuyện nhỏ nhất. Nghe ông bạn bảo vậy, mình nghĩ cũng có thể lắm chứ. Tàu nó ranh ma lắm, cái gì mà nó chả làm, ngay cả cái không ngờ nhất. Vậy thì sau này có bác nào công du xứ Tàu, hoặc đón nó qua ta, nhớ coi chuyện sắm sửa trang phục như bí mật quốc gia nhé. Thật kín mới được, thậm chí chiếc quần đùi sọc hay trơn cũng phải bí mật, sang đó nếu có tắm rửa thay ra thì gói kỹ lại mang về nhà giặt, chứ giặt phơi tênh hênh ở nhà khách, nó thấy liền sắm ngay một chiếc y chang và la toáng lên là quần đùi cũng giống thì còn gì bản sắc nữa.
2. Con gái mình là đứa hiền lành, ít quan tâm đến những chuyện ghê gớm trong xã hội bởi cháu nhìn cái gì cũng giản dị, trong sáng. Vậy mà mấy bữa nay cháu bức xúc lắm, về cái vụ tên cướp ở quận Tân Bình (Sài Gòn) không chỉ cướp giật mà còn thủ dao đâm chết người, bị bắt tại trận. Cháu bùi ngùi thương người bị hại là sinh viên mới ra trường, đang chở người yêu đi tìm việc. Cháu nói rằng các bạn sinh viên cùng lớp đứa nào cũng chung ý nghĩ phải đem thằng cướp sát nhân đó ra xử bắn ngay tại trận, không cần điều tra điều mẹ gì nữa. Trong những trường hợp như thế này, theo cháu, phải xử bằng luật Hồi giáo, phải nghiêm như Singapore, Iran... thì mới chặn được tội ác. Đã đành thực thi pháp luật phải bài bản, tránh oan sai nhưng với thằng cướp ấy cứ đòm một phát đã, cho linh hồn anh sinh viên mới ra trường kia được ngậm cười.
3. Thật buồn và thất vọng khi đọc bản tin về vụ cưỡng chế đất đai ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hôm 20.9. Chỉ vì người dân không đồng tình việc (bị) tự nguyện mất đất, đứng ra ngăn cản thi công mà công an xã chĩa súng bắn bị thương 3 người. May mà chưa có ai chết tại trận. Dưới thời mồ ma phong kiến và thực dân, ngay cả khi phải đàn áp người dân vùng nào đó, nhà cầm quyền đều phải đưa lực lượng ở nơi khác đến, chỉ với lý do sợ lực lượng tại chỗ ít nhiều có quan hệ gần gũi, thân thuộc, nặng tình cảm thì sẽ khó khăn khi thi hành công vụ. Thời nay, chả cần lo xa thế. Giá trong vụ Vĩnh Long, những kẻ bắn thẳng vào người dân là ở tỉnh, ở huyện mò về thì mình chả nghĩ ngợi gì, nhưng đây là công an xã, không ngần ngại bắn vào bà con chòm xóm, thậm chí cả họ hàng thân thuộc, bắn vào những người mà họ vẫn gặp hằng ngày, vẫn chào hỏi lúc này lúc khác, cứ nghĩ đến thế đã thấy đau xót lắm. Chả nhẽ lực lượng công quyền chỉ được phép chọn một: được phần chế độ, mất phần nhân dân (hoặc ngược lại)?
4. Mấy hôm rồi, mình tranh thủ thời gian rảnh đọc lại vài bộ sách cổ điển Trung Quốc là Sử ký Tư Mã Thiên, Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc (hiện ở nhà còn đủ ba bộ này), ngẫm ra một điều: đất Trung Hoa từ xưa đến giờ, cứ mỗi lần bộ máy cầm quyền muốn đưa kẻ nào đó ra đứng đầu chấp chính, bao giờ cũng đặt ra thử thách cực kỳ ghê gớm để xem xét, để đánh giá tài xử trí đến đâu. Nếu làm được ngon lành thì duyệt, không xong thì lại kiếm đứa khác. Vậy nên, mình ếch ngồi đáy giếng nhưng cứ đoán mò cái đã: Tập Cận Bình chưa chắc đã làm vua, đừng vội nịnh nó. Y phải giải quyết cho ngon khúc gân gà Senkaku/Điếu Ngư đã. Cả xứ Trung Quốc đang nhòm vào, lắng nghe, trông chờ. Nhưng tay này không vừa, y biết Điếu Ngư khó nuốt, bèn lấy điểm trước bằng việc chuyển hướng xuống phía nam. Một số động thái vừa qua đã chứng minh điều đó. Hi hi, ai tin thì tin.
21.9.2012
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét