Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Chính phủ tự phê: “luôn trung thành với lợi ích quốc gia”!


Hữu Nguyên
 
 
Ban cán sự Đảng của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm bí thư vừa hoàn thành đợt tự phê bình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW 04. 
 
Xác định đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và sâu sắc này là một cuộc chỉnh đốn Đảng toàn diện nhằm xây dựng và tăng cường sức mạnh, tính chiến đấu của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: “Đợt tự phê bình, phê bình lần này khó khăn, phức tạp hơn nhiều, phê và tự phê là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất. Bởi nó đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những khuyết điểm của chính bản thân mình… Nếu không thật tự giác, chân thành thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình …”.
 
Theo thông báo được Chính phủ phát đi thì Ban cán sự Đảng của Chính phủ đã làm tốt trên tất cả các mặt mà Đảng yêu cầu tự kiểm điểm. Về tư tưởng chính trị, Ban cán sự Đảng Chính phủ khẳng định họ “không suy thoái về tư tưởng chính trị”. Về chuyện này có tờ báo còn rút tít: “Ban cán sự Đảng Chính phủ luôn trung thành với lợi ích quốc gia”. Cứ làm như lâu nay mọi người hiểu lầm Chính phủ lập ra là để phục vụ lợi ích nhóm vậy!
 
Về chuyện hiểu lầm này thì Chính phủ khẳng định ngay: “Qua kiểm điểm đã khẳng định Ban Cán sự đảng Chính phủ luôn kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, cương lĩnh, đường lối của Đảng,” thông báo của Chính phủ cho biết. Về đạo đức lối sống, các đảng viên trong chính phủ cũng “không suy thoái”, “không cục bộ, bè phái”, “không lợi ích nhóm” và kiên quyết đấu tranh chống “tham nhũng lãng phí”.
 
Về cung cách làm việc, Ban cán sự Đảng Chính phủ ‘”luôn nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ… phát huy vai trò tập thể và cá nhân người đứng đầu”. “Ban cán sự Đảng chính phủ là một tập thể đoàn kết, thống nhất cao,” thông báo viết. Ban Cán sự đảng Chính phủ cho rằng tất cả hành động của họ là “vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, vì độc lập chủ quyền quốc gia, vì sự ổn định và phát triển của đất nước”.
 
Đáng lưu ý là mặc dù trước đó Ban cán sự Đảng Chính phủ khẳng định không phai nhạt lý tưởng chính trị, không suy thoái về đạo đức, lối sống tuy nhiên trong phần nói về khuyết điểm họ cũng thừa nhận “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”  thuộc Chính phủ đang ở trong tình trạng này.
 
Khi lên thay ông Phan Văn Khải năm 2006, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã long trọng tuyên bố và cam kết nếu không đẩy lùi được tham nhũng thì ông sẽ từ chức. Cho tới nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, người ta càng thấy lời hứa đã của ông đang bị chìm vào quên lãng khi mà tham những ngày càng được xem là nghiêm trọng hơn, phổ biến hơn trong khi ông thủ tướng còn kiêm nhiệm cả vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương. Nhất là mới đây, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã buộc phải thừa nhận họ không ngăn chận được tham nhũng và lãng phí, mặc dù họ đã rất “kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí”.
 
Nếu tham chiếu trở lại phần ưu điểm mà Ban cán sự Đảng Chính phủ khẳng định ở trên, thì người ta có thể hiểu cái chuyện tham nhũng và lãng phí mà Chính phủ buộc phải thừa nhận họ không ngăn chận được là cái chuyện mà nó đã và đang xảy ra ở tận đâu đẩu đâu đâu chứ không phải trong bộ máy Chính phủ.
 
Cuối cùng Chính phủ nhấn mạnh thành tích điều hành nền kinh tế xã hội của mình mấy năm qua đã đạt nhiều thành tích như “điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, giữ vững quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự xã hội và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
 
Nhấn mạnh thành tích này có vẻ như Chính phủ cho rằng những cơn khủng hoảng kinh tế dẫn tới lạm phạt cáo, rối loạn thị trường tài chính ngân hàng, doanh nhiệp phá sản hàng loạt, tập đoàn kinh tế nhà nước nợ nần mất kiểm soát, hàng loạt quan chức vi phạm pháp luật và cuối cùng là đời sống xã hội ngày càng khó khăn do giá cả leo thang, thu nhập tụt giảm, lao động mất việc ngày một nhiều… là những khuyết điểm phụ, nho nhỏ bên cạnh cái ưu điểm tuyệt vời sáng rực của Chính phủ là “luôn kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, cương lĩnh, đường lối của Đảng” và lời thề luôn “trung thành với lợi ích quốc gia”.
 
Một “tiếc gia” dân gian gần đây có nhận xét về câu chuyện phê bình và tự phê bình của ông ta như sau: “Khuyết điểm lớn nhất của tôi là nghĩ mình chỉ có những ưu điểm. Và ưu điểm lớn nhất của tôi là biết rõ khuyết điểm lớn nhất của mình”. 
 
“Tiếc gia” này có vẻ chưa “quán triệt” lời căn dặn nhiều lần của TBT Nguyễn Phú Trọng dành cho đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và quan trọng lần này là: “Nếu không thật tự giác, chân thành thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình …”. 
 
Đáng tiếc là trong thời buổi cơm áo gạo tiền đắt đỏ khó khăn này mà chỉ thuần túy đòi hỏi con người ta  phải “tự giác”, phải “chân thành”… thì e đó là một đòi hỏi quá lý tưởng lẽ ra chỉ dành cho thời thịnh trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét