Tương Lai
Đất nước của chúng
ta "hình khe, thế núi gần xa, đứt
thôi lại nối thấp đà lại cao"[Đoàn Thị Điểm] cứ thể trải dài từng đợt "sóng núi" [Nguyễn
Tuân] dập dồn hòa với sóng biển, tạo ra nét
dáng uốn lượn bờ biển hình chữ S ưỡn ngực đón gió Biển Đông. Mà vì thế, “mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả ở trên
miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm
không mỏi vỗ sóng vào bờ" [Lê Bá Thảo].
Từ lớp vỡ lòng,
con em chúng ta cần phải được dạy điều đó để tâm hồn tuổi thơ thấm đậm niềm tự
hào về biển trời hùng vĩ của tổ quốc. Từng bước trưởng thành, thế hệ trẻ Việt Nam
cần phải khắc sâu vào trái tim mình hình ảnh đất nước bán đảo "có cứng mới đừng đầu gió" trước
Biển Đông này, “Biển sóng biển sóng đừng
trôi xa. Bao năm chờ đợi sóng gần ta...Sóng
bạc đầu và núi chìm sâu. Ta về đâu đó…” [Trịnh Công Sơn]. Mà nói đến biển thì phải nghĩ đến thềm lục địa với nhiều
đảo, quần đảo tự bao đời ông cha ta đã xác lập chủ quyền.
Đại Việt Sử ký Toàn thư chép
năm 1473, Lê Thánh Tông đã cảnh báo Lê Cảnh Huy : “Nếu người dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc,
thì phải tội tru di”. Lùi xa về mấy trăm năm trước nữa, giữa thế kỷ XII,
cũng sách trên ghi : năm 1161, “Lý Anh
Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần
tiễu ở các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên cõi xa”. Năm 1171, vua “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi
sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”. Năm 1172, “mùa xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải
đảo ở địa giới các phiên bang Nam
Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Từ buổi ấy, ông cha ta đã ý
thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ vươn xa ra biển! Những trận quyết chiến
chiến lược để khẳng định quyền độc lập từ thời Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán
năm 938 trên sông Bạch Đằng,“một vũ công
cao cả vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi
đâu” đúng như lời bình của Ngô Thì Sĩ!
Trong lịch sử,
giặc ngoại xâm phương Bắc theo đường biển tràn vào để mở các mũi vu hồi hỗ trợ
cho quân bộ, đều bị đánh cho tan tác. Những bại tướng như Hoằng Thao, Toa Đô
cùng hàng vạn quân xâm lược đã làm mồi cho cá. Và rồi đã muốn hãy quên tất cả
những chuyện đó "Biển sóng biển sóng
đừng âm u, đừng nuôi trong ấy trái tim thù"
[Trịnh Công Sơn] để chỉ được dạt dào sóng biển. Nhưng cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Biển Đông quá hấp dẫn
khiến cho cái lưỡi bò ham hố của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán cứ thè ra muốn
liếm trọn một vùng rộng lớn nằm trên ngả tư giao thương quốc tế nối liền Ấn Độ
Dương với Thái Bình Dương, biến nó thành ao nhà của chúng.
Xem ra chúng làm
sao không ham hố : riêng trữ lượng dầu khí ở đây đã khoảng 28 tỉ thùng, đó là theo
ước lượng của Mỹ, còn theo Trung Quốc thì có đến 200 tỉ thùng, đủ cung cấp cho
cả thế giới khoảng sáu năm rưỡi đủ thỏa cơn khát nhiên liệu để thực hiện mộng
xưng bá! Mà đâu chỉ dầu mỏ, Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là
nguồn cung cấp cá và hải sản quan trọng, chiếm khoảng 7-8% tổng sản lượng cá
biển và hải sản trên cả thế giới. Hơn nữa, về phương diện chiến lược, đây là
một trong những con đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Mỗi ngày có khoảng
từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có
trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.
90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45%
trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận
chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.
Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng
hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có từ
29 đến 39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu,
trong đó, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển qua Biển Đông. Điều đặc biệt cần lưu ý là hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là
Trường Sa, có vị trí như một cái yết hầu, từ đó, người ta có thể kiểm soát tất
cả các tàu bè qua lại, khiến cho quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa
sẽ khống chế được toàn bộ Biển Đông. Mà khống chế Biển Đông cũng có nghĩa là có
thể khống chế hầu hết các nước ở châu Á và có ảnh hưởng chi phối các quốc gia
giàu có trên thế giới có quan hệ thượng mại với châu Á.
Thế thì làm sao mà
cái lưỡi bò, cái "lưỡi không xương
nhiều đường lắt léo" này lại thụt vào được cơ chứ! Chẳng thế mà, vừa rồi, trên bài xã luận ngày
4.9.2012 của Nhân Dân Nhật báo in chữ đen, họ nói toạc ra chứ chẳng úp mở hay
chữ vàng, chữ bạc gì nữa khi bà Ngoại trưởng Mỹ đến Băc Kinh : "tôi nói ra, anh nói ra, đừng mơ hồ gì nữa,
anh như thế nào, tôi như thế nào, phải hiểu như thế; anh muốn gì thì cứ việc,
tôi vẫn cứ thế"*.
Xưa nay, nói
về"cái lưỡi", người ta hay dẫn Ê Dốp thời Hy Lạp cổ đại [620-560
trước CN]. Song "cái lưỡi Êdốp"
dù sao cũng có tính nhân văn, "cái
lưỡi Đặng Tích" lắt léo đáng sợ hơn. Sách Lã Thị Xuân Thu chép: "Sông Vĩ nước lên to. Nhà giàu nọ có
người chết đuối, có kẻ vớt được xác, bèn đến xin chuộc. Kẻ kia ra giá quá cao,
xót của, y đến hỏi Đặng Tích. Họ Đặng bảo : "Cứ để yên. Nó còn bán cái xác
cho ai được nữa". Kẻ vớt xác thấy gã nhà giàu không động tĩnh, lấy làm lo
cũng đến hỏi Đặng Tích, họ Đặng cũng bảo y chang, chỉ thay chữ bán bằng chữ mua
: "Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được nữa?". Chẳng cần
nói toạc ra như lời lẽ của bài "xã luận" kia, với cái lưỡi lắt léo
Đặng Tích thì rồi cái xác ấy sớm muộn cũng thối rữa ra! Ấy vậy mà những
"Đặng Tích" thời hiện đại còn thâm hiểm, xảo quyệt và trắng trợn hơn
nhiều.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” |
Chứng cứ lịch sử
rành rành ra đấy, các bản đồ cổ của chính họ như "Hoàng triều dư địa toàn đồ" (1728-1729), "Hoàng triều nhất thống dư địa toàn đồ"
(1894) và gần hơn nữa là "Hoàng
triều trực tỉnh dư địa toàn đồ" được vẽ năm 1904,"Đại Thanh đế quốc toàn đồ"
(1905)... rồi “Trung Hoa dân quốc tối tân
địa đồ” (Bản đồ mới nhất và hiện đại nhất của nước Trung Hoa) ra đời sau
khi thành lập nước Trung Hoa Dân Quốc (năm 1911), xác định điểm cực nam của
lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam, không hề thấy sự hiện diện của quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cũng phù hợp với sử sách Trung Quốc. Các
văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc trước năm 1909, như Đại
Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh Nhất thống chí (1461), Đại Thanh Nhất
thống chí (1842) đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là
Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Thế mà báo chí, loa đài khắp nước họ ra rả ngày đêm tuyên
bố Trung Quốc đang sở hữu 2.000.000 km vuông lãnh thổ đại dương, nằm trong
"đường chín đoạn" của biển
Nam Hải (tức là biển Đông).
Đây là một kịch
bản đã được tính toán rất kỹ từ rất lâu, được đưa vào sách giáo khoa để nhồi
vào đầu trẻ em Trung Quốc "ý thức về
chủ quyền lãnh thổ" mà họ đã vẽ ra. Họ cho phát hành 23.527 tạp chí
nghiên cứu Biển Nam
Trung Hoa (Biển Đông) để loan truyền rộng rãi nội dung trên. Trong 10 năm, họ đã khuyến khích làm 238 luận
văn tiến sĩ về Biển Đông và các quần đảo với nội dung xác định chủ quyền Trung
Quốc. Cũng trong thời gian đó, họ tổ chức 516 cuộc hội thảo về Biển Đông, biển
Đông Bắc và các quần đảo đang tranh chấp.
Thật là "nhiều đường lắt léo"! Họ quyết sử
dụng món võ quen thuộc, không phải võ Tàu, mà là võ Tây, nhưng là Tây phát xít,
kẻ thù của loài người, "Nói 10 lần
người ta chưa tin, thì nói 100 lần họ sẽ tin”, luận điểm của Gơben [P.J.
Goebbels] Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã! Song họ khôn mà không ngoan, họ
đã coi thường hoặc không lường trước được truyền thống "Bách gia chư tử" với "Bách gia tranh minh" kéo dài từ 770 đến 222 TCN của thời Xuân Thu
Chiến quốc trong lịch sử của họ. Thể chế tàn khốc của Mao-Đặng vẫn chưa thể xóa
sạch truyền thống đó. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc, cho dù chưa nhiều vì bị o
ép, khống chế và khủng bố vẫn dũng cảm lên tiếng phê phán đường lối bành trướng
của thế lực hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc. Họ không ngần ngại nói
rõ nếu tiếp tục chính sách ngoại giao pháo hạm, sự phát triển của Trung Quốc sẽ
bị cho là mối đe dọa với nhiều nước khác; không tỉnh táo thì "Biển Đông sẽ là cái bẫy giam hãm Trung
Quốc". .. : "Ý nghĩa lớn
nhất của việc lập ra "thành phố Tam Sa" là chường cho bàn dân thiên
hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội
Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế...".
Trong bối cảnh một
thể chế chính trị đàn áp dân chủ của Trung Quốc hiện nay, những tiếng nói ấy
cho thấy truyền thống của "trăm nhà
đua tiếng" thời Xuân Thu Chiến quốc, rồi truyền thống của "cuộc vận động Ngũ Tứ" thời hiện đại
trong lịch sử Trung Quốc vẫn chưa mai một. Hy vọng rằng những lời cảnh tỉnh ấy
sẽ có một tác động lan tỏa trong dư luận Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo
giáo sư Carl Thayer, nhà bình luận có uy tín, "những cái đầu nóng theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đang muốn ngăn chặn
bất kỳ cuộc tranh luận nào bằng cách chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền.
Sau loạt diễn biến đầu năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ định một
Nhóm Dẫn đầu (LSG) trực thuộc Ủy viên Hội đồng Nhà nước Đới Bỉnh Quốc nhằm nắm
quyền kiểm soát các hoạt động của nhiều bộ liên quan đến Nam Trung Hoa. Bộ
Ngoại giao Trung Quốc được giao trọng trách chỉ đạo và phối hợp các phản ứng
của Trung Quốc. Hiện chưa có hoạt động nào kể trên chứng minh được hiệu quả
hoàn toàn". C. Thayer nhân
mạnh, chừng nào việc chuyển giao quyền
lực ở Trung Quốc còn chưa xong, thì những người muốn thăng tiến về quyền lực sẽ
còn nêu ra vấn đề Nam Trung Hoa để thu hút sự ủng hộ của người trong nước.
Cho nên, sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp quyết định lập cơ sở đồn trú của Trung
Quốc. Diễn biến mới này sẽ làm tăng quyền lực của quân đội [PLA] đối với các cơ
quan dân sự trong việc bảo vệ chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố ở biển Nam
Trung Hoa. Cả hai động thái - điều đội tàu cá và lập cơ sở đồn trú - cho thấy
Trung Quốc đang đi một bước cố ý nhằm tăng áp lực lên Việt Nam. Hai sự kiện đều là những quyết
định có tính toán kỹ lưỡng về mặt chiến thuật. Không cảnh giác để chúng thừa cơ
đánh chiếm Trường Sa thì rồi ai phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây? Nỗi
"xấu hổ với tiền nhân" này
chẳng thể nao khỏa lấp được!
Rõ ràng là cái lưỡi bò
ham hố trơ tráo thè ra bất chấp công luận là do "trái tim đen" đâp theo nhịp của những lợi ích quá lớn mà lòng
tham không đáy vốn nuôi dưỡng từ bao đời thật khó cưỡng! Thật dễ hiểu khi Blogger mang tên Kongdeua ngang ngược và láo xược nói với người Philippine trong
cuộc tranh chấp bãi cạn trên biển : “Nếu
mỗi người Trung Quốc đều nhổ một bãi nước bọt thì chúng ta sẽ làm chúng (Philippines)
chết chìm”. Quả thật bloger này xứng đáng là hậu duệ xuất sắc của "người cầm lái vĩ đại" của họ : vào tháng 8 năm 1965, khi vạch ra
chiến lược tràn xuống Đông Nam Á ông ta đã không hề úp mở : “Chúng ta phải
giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện,
Malaysia và Singapore …Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng
sản […] xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy […] Sau khi giành được
Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này,
lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông
sẽ thổi bạt gió Tây”.**
Thì ra,
"cái lưỡi bò" vốn không xương nên nhiều đường lắt léo, lại có một
"truyền thống" ghê gớm như thế, được những Đặng Tích thời hiện đại
rao giảng, nếu không thường xuyên cảnh giác mà nhớ đến lời căn dặn của Khổng Tử
"Nhân vô viễn lự tất hữu cận ưu",
tạm dịch : "Không lo xa thì tất có
cái buồn gần" thì dễ mắc vào kịch bản soạn sẵn của bọn“Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân”, tạm
dịch là “nói năng khéo léo, nét mặt vờ
niềm nở, hạng người đó ít lòng nhân” mà cụ Khổng từng lên án. Nếu muốn để không " xấu hổ với tiền nhân" thì cần nhớ kỹ điều này!
______________________
*
dẫn lại theo Danh Đức. báo Tuổi Trẻ ngày 6.9.2012
** dẫn lại theo Nguyễn Minh Thuyết, Báo Tiền
Phong, tháng 8.2012
(bản gốc của tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét