Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Gạt bỏ tình riêng



Aung San Suu Kyi
Bà Suu Kyi là biểu tượng dân chủ được thế giới kính trọng
Trong hơn hai thập niên, phần lớn thời gian của Aung San Suu Kyi, nhà đối kháng Miến Điện và chủ nhân giải Nobel hòa bình, là bị giam lỏng tại nhà riêng ở Rangoon – cách xa chồng và các con ở nước Anh hàng ngàn dặm.
Bà hiếm khi nào nói về nỗi đau của sự chia cách này.

“Tôi nghĩ bà thật sự mạnh mẽ. Ngay cả khi buồn phiền về chuyện gì thì bà luôn ý thức rằng bà phải đương đầu với nó. Bà sẽ không phí hoài thời gian để ngồi than khóc,” Kim Aris, con trai Aung San Suu Kyi, nói về mẹ.
Ngày qua ngày trong gần 20 năm, Aung San Suu Kyi luôn đối diện một lựa chọn: hoặc tiếp tục sống trong cảnh giam cầm ở Rangoon hoặc đoàn tụ với chồng con ở Oxford. Bà biết rằng nếu rời khỏi đất nước thì bà không còn có thể quay lại để lãnh đạo người dân của mình.

Lựa chọn khó khăn

“Đương nhiên tôi tiếc là mình đã không thể dành thời gian cho gia đình,” bà từng thừa nhận.
“Ai cũng muốn ở bên cạnh gia đình. Đó là lý do tại sao mọi người cần gia đình. Lẽ tất nhiên tôi cũng ân hận về điều đó. Đó là sự nuối tiếc của riêng tôi.”
“Tôi đã muốn ở cùng với gia đình. Tôi muốn nhìn thấy các con mình khôn lớn. Nhưng tôi không hối tiếc việc tôi chọn ở lại cùng với đồng bào của tôi trên mảnh đất này,” bà nói.
Aung San Suu Kyi là con gái của Tướng Aung San, vị anh hùng giải phóng dân tộc của Miến Điện – người đã bị ám sát khi bà chỉ mới hai tuổi.
Bà luôn tin rằng số mệnh của bà là phụng sự người dân Miến Điện. Bà thậm chí đã nói điều này với chú rể Michael Aris vào đêm trước lễ thành hôn.
"Tôi đã muốn ở cùng với gia đình. Tôi muốn nhìn thấy các con mình khôn lớn. Nhưng tôi không hối tiếc việc tôi chọn ở lại cùng với đồng bào của tôi trên mảnh đất này."
Aung San Suu Kyi
“Tôi muốn đoan chắc ngay từ đầu rằng anh ấy cần biết Tổ quốc có ý nghĩa như thế nào đối với tôi và nếu như điều kiện cần tôi trở về sống ở Miến Điện thì anh ấy sẽ không bao giờ ngăn trở tôi,” bà kể lại.
Sau một thời gian làm việc ở hải ngoại, Suu Kyi và Michael trở về Oxford, Anh quốc, để ổn định với đời sống nghiên cứu và nuôi dạy hai con trai là Alexander và Kim. Mọi việc cứ thế cho đến khi mẹ của Suu Kyi trở bệnh nặng ở Rangoon vào năm 1988.
Về lại quê nhà để săn sóc mẹ, Suu Kyi đã trở thành lãnh đạo của phong trào đấu tranh dân chủ. Bà đã lập nên đảng chính trị Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).
Phe quân sự tiếm quyền đã giam cầm bà ngay tại nhà và cuộc sống gia đình của bà cũng chấm dứt từ đó.
“Lúc đó dĩ nhiên tôi biết rằng mối quan hệ của tôi với gia đình sẽ thay đổi rất nhiều bởi vì chúng tôi không thể nào giữ liên lạc với nhau nữa,” bà thuật lại.
Nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện lúc đó nghĩ rằng họ có thể sử dụng chiến thuật này để buộc Suu Kyi rời khỏi đất nước.
“Giáng sinh đầu tiên sau khi tôi bị quản chế, Michael được phép đến thăm tôi nhưng họ không cho phép các con đi cùng,” bà nói.
Bà Suu Kyi cùng chồng và con trai
Bà Suu Kyi đã không được ở bên cạnh chồng khi ông qua đời
Nhưng Aung San Suu Kyi đã chọn ở lại Miến Điện để dấn thân vào cuộc đấu tranh đòi cải cách chính trị mặc dù nỗi buồn riêng của bà không bao giờ vơi.
“Có những điều mà ta chỉ có thể làm cùng với gia đình mà không làm với người khác. Điều đó rất đặc biệt. Gia đình là rất đặc biệt. Cho nên khi một gia đình phân ly thì không có gì tốt đẹp cả. Không bao giờ tốt đẹp,” bà cho biết.

Nối lại tình mẫu tử

Bà chỉ gặp lại người con trai út của mình sau 12 năm xa cách.
Khi Kim cuối cùng cũng được chính quyền Miến Điện cho phép vào thăm mẹ, tình mẫu tử đã được nối lại qua tình yêu âm nhạc.
“Nó đem theo các đĩa nhạc mà nó thích. Nó lấy ra các đĩa nhạc đó và hỏi tôi: ‘Mẹ có biết ai đây không?”
“Cái nào tôi cũng đoán sai, nhưng sau đó tôi cũng bắt đầu biết được ai là ai. Nó đã cho tôi nghe rất nhiều bài của Bob Marley do đó tôi cũng bắt đầu thích Bob Marley.
Áp lực càng đè nặng trong lòng Suu Kyi khi chồng bà – lúc đó vẫn đang ở nước Anh – được chẩn đoán ung thư vào năm 1997.
Chính quyền quân sự khi đó nói rằng bà có thể ra đi để đoàn tụ với chồng – nhưng bà tin rằng bà sẽ không bao giờ được phép quay lại. Cả Suu Kyi và Michael đều không hề tính đến chuyện bà sẽ rời Miến Điện.
"Chúng ta biết rằng điều kỳ diệu đang diễn ra. Tất cả chúng ta đều ý thức được rằng đây là một thời khắc rất đặc biệt đối với Miến Điện. Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước chúng tôi."
Aung San Suu Kyi
“Chưa có lúc nào mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ ra đi. Tôi biết rằng tôi sẽ không đi và anh ấy cũng biết điều đó,” bà nói.
Michael qua đời vào năm 1999.
Mười năm sau, khi Miến Điện đang chật vật với nền kinh tế của mình, các lãnh đạo quân sự của nước này bắt đầu nhận thấy rằng họ cần sự giúp đỡ từ phương Tây. Tuy nhiên điều này có nghĩa là họ phải thực hiện cải cách và cuối cùng là phải chấm dứt quản thúc Aung San Suu Kyi vào năm 2010.
Giờ đây, bản thân Suu Kyi và nhiều đảng viên NLD đã được bầu vào Quốc hội do các tướng lĩnh lãnh đạo mặc dù tiến đến dân chủ hoàn toàn vẫn là một viễn cảnh xa vời ở đất nước này.
Mặc dù quá khứ đau thương về những mất mát cá nhân vẫ́n đè nặng trong lòng, Suu Kyi vẫn lạc quan về tương lai.
“Chúng ta biết rằng điều kỳ diệu đang diễn ra. Tất cả chúng ta đều ý thức được rằng đây là một thời khắc rất đặc biệt đối với Miến Điện. Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước chúng tôi."

 BBC NEW

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét