Thu nhập không tăng mà giá
cả cứ lên như diều gặp gió, tất nhiên ai cũng phải chắt bóp, giảm bớt
chi tiêu, nhưng riêng khoản chi cho nhu cầu ăn uống thì rất khó giảm.
Nhậu đối với không ít người cũng là một nhu cầu vì xét cho cùng thì đó
cũng chỉ là ăn và uống, có điều chi phí cho phần uống thường tốn hơn hẳn
phần ăn! Trong thời bão giá, dân nhậu Sài Gòn vẫn “vô tư” ra vào quán
xá, nhưng tiền chi cho ăn nhậu đã được hạn chế thật sự, có khi chỉ một
đĩa mồi, thậm chí mười ngàn đồng đậu phộng luộc cùng… vài ve là xong!
So với năm, bảy năm về trước, phong cách
dân nhậu Sài Gòn không hề thay đổi. Đến “cữ” là chuông điện thoại vang
lên, kế đó là những lời hẹn hò ngắn gọn mà có sức mạnh hơn cả mệnh lệnh
“Số 7!”, “33 nhe!”, “Bê vàng, 7 giờ!”.
Tới giờ G, các thành viên lục tục kéo
đến, ai vào chỗ ngồi người nấy, cứ như mọi chuyện đã được lên kế hoạch
tỉ mỉ từ lâu, cho dù cái bàn quen thuộc đã bị nhóm khác “xí” phần. Tiếp
viên nhà hàng cũng đã quen khách, chẳng cần hỏi han gì, kéo ngay ra
thùng bia đúng “gu”, đặt trước mặt thượng đế này ly có đá, thượng đế kia
ly không đá.
Khách quen dùng bia ướp lạnh được chiều
đúng ý, khách thích bia nóng cũng… đúng ý luôn! Việc khởi đầu cuộc nhậu
có khi rất “lạnh lùng”, chỉ bằng một câu “Chúc sức khỏe!”, có khi lại
rất “hùng hồn”.
Có lần, người viết được chứng kiến lời
khai mạc tưng tửng như sau: “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng đi cùng
thời thế. Hôm nay anh hùng có rồi mà thời thế chưa đến thì anh hùng
phải…”. Chỉ chờ đến đó, cả bàn lập tức hô vang “Nhậu!” và rộn rã tiếng
cụng ly.
Dân nhậu “hợp tác phát triển”
Đã đến quán nhậu thì phải chấp nhận bầu
không khí “trên cả ồn ào”. Sau tuần bia đầu tiên là đủ chuyện trên trời
dưới đất được dân nhậu đem ra bàn tán, bình luận rôm rả.
Không chuyện công ty thì chuyện thành
phố, không chuyện thành phố thì chuyện quốc gia, hết chuyện quốc gia thì
lân la quốc tế. Ai cũng tỏ ra sành sỏi, thạo tin.
Nếu có điều tranh cãi, chẳng cần phải
nhờ đến bộ óc nào cao siêu, hiểu biết thâm hậu, mà dân nhậu dùng…
internet! “Về nhà mở trang web đó, vào mục đó, đọc kỹ rồi nộp phạt chầu
nhậu tuần sau nhe!” – đó là cách cá độ trong bàn nhậu thời nay.
Quả là trong thời buổi công nghệ thông
tin, chẳng chuyện gì mà người ta không biết. Cứ có tên trang web là tìm
ra cả, đã vậy mấy cái anh YouTube và Facebook còn “mồi chài” dữ hơn,
chuyện vừa xảy ra mấy giờ trước đã có ngay clip để trình làng.
Được cái dân nhậu bình luận “quyết liệt”
đấy nhưng xong chuyện này là sang ngay chuyện kia, hiếm khi có vụ “đúc
rút, chốt lại” những gì đã nói. Ôi, rượu vào lời ra, nói ba chuyện phiếm
cho khuây khỏa mà!
Mấy năm trước, chi phí cho một cuộc nhậu
của năm, bảy thành viên thuộc diện “giàu thì không mà nghèo cũng chẳng
phải” thường khoảng trên triệu đồng, nay số tiền đó đã được tiết giảm
còn hai phần ba, thậm chí một nửa.
Cũng vì “tiền khó” nên các đệ tử lưu
linh không “miệt mài sinh hoạt” như xưa, thường thì mỗi người uống hết
bốn, năm chai là rục rịch ra về, hiếm thấy các trường hợp “quắc cần câu”
như trước, cũng chẳng mấy ai níu kéo nhau “đi tăng hai” nữa.
Đến lúc tiếp viên đưa hóa đơn tính tiền
là chẳng ai bảo ai, vị nào cũng móc bóp, rút tiền. Mới hay, phong trào
“hợp tác xã”, hay còn được gọi hùng hồn hơn, ở “tầm cỡ quốc tế” là
“Campuchia” hoặc “Liên Hiệp Quốc” đã trở nên quen thuộc, coi như người
nào trả tiền nhậu của người ấy, theo đúng lý sự của dân nhậu: “Chơi thế
mới bền!”.
Mấy người bạn đi Hà Nội về kể chuyện
ngoài đó dân nhậu không thể tụ họp “trường kỳ kháng chiến” được như dân
Sài Gòn, mà nguyên nhân cũng chỉ vì bão giá.
Một chầu nhậu mà chỉ tốn có khoảng trăm
ngàn đồng quả là khó tìm ra được quán ở thủ đô. Người Hà thành tính tình
không “vung vít”, không “làm ra làm, nhậu ra nhậu” như dân Sài Gòn nên
tần suất nhậu của họ cũng thấp hơn hẳn.
Phái đẹp chẳng chịu thua
Nói chuyện nhậu hôm nay, có lẽ phải lưu ý
đến một “điểm nhấn” mới. Ấy là chuyện phái đẹp có vẻ cũng khoái nhậu,
vì bên bàn nhậu chuyện trò thoải mái hơn, thân mật hơn, có muốn cố ý
diễu ai thì cũng chẳng sao vì hôm sau cứ đổ tội cho bia rượu là ổn cả.
Ai không tin thì cứ đến nhà hàng, quán
nhậu kiểm tra cho rõ thực hư. Xin đảm bảo là trong mấy bàn nhậu, thể nào
cũng có bàn hiện diện ít nhất “một bóng hồng”, bởi lẽ “Rượu bia là chất
pha cồn / Uống bia phải có… (mấy bà) xồn xồn mới vui!”.
Có khi một bàn năm, sáu khách mà chỉ có
một đấng mày râu “chịu trận”, mà các cô, các chị đã “tám” với bia thì ắt
là vui hơn trảy hội. Không ít lần người viết “bắt quả tang” một nhóm
năm bảy phụ nữ, trẻ thì ngoài đôi mươi, cao niên một chút thì mấy chị
hàng U50 hết sức tươi tắn, xôm tụ quanh bàn nhậu.
Họ cũng cụng ly, cũng “Dzô!” như ai! Ở
trung tâm nhóm cũng thường có nhạc trưởng để khơi đề tài và chắc chắn
trong các đề tài, thể nào cũng có chuyện hài, nếu không tại sao có lúc
cả nhóm cười rũ rượi?
Điểm khác biệt nhất giữa phái đẹp và
phái mạnh trong bàn nhậu là thái độ ứng xử với tiếp viên. Các bà, các
chị, các em thường ít làm phiền các nhân viên phục vụ, thậm chí không
muốn họ đứng gần để mọi chuyện chỉ được lan truyền trong nhóm của họ.
Ngược lại, dân nhậu mày râu lại rất
thích kéo tiếp viên, nhất là các tiếp viên nữ vào cuộc. Đa phần các quán
không cho phép tiếp viên ngồi chung bàn với khách nhưng khách thường kỳ
nèo, thậm chí năn nỉ “Ngồi chút mà, dăm phút thôi!”.
Thế rồi, cho dù tiếp viên cứ đứng, khách
“chuyển tông”, vồn vã mời uống “Thôi thì chăm phần chăm nhé!”. Báo hại
cho nhiều tiếp viên nữ: sau một ca làm việc, cô nào cô nấy tưng tửng cả
vì say bia.
Tội nhất là mấy cô gái trẻ mới từ quê
lên thành phố. Uống bia vào chẳng thấy ngon ngọt gì mà vẫn phải nhấp với
anh này vài hơi, cạn với chú khác cứ đủ 50% mới được, không uống có
nghĩa là không niềm nở với khách, mà cứ vài lần “chảnh” như vậy là bị
mất việc như chơi.
Riêng những cô đã có “thâm niên” phục vụ
ở nhà hàng thì không chỉ quen với bia rượu, mà còn dạn dĩ chọc quê thực
khách, có cô tinh nghịch, kể cả chuyện tiếu lâm khiến cả bàn khách lăn
ra cười. Bù lại, đến khi tính tiền, cô nào xởi lởi nhất, tình tứ nhất sẽ
được “bo” nhiều, cả trăm ngàn đồng, trong khi mấy cô kém bắt chuyện thì
chỉ một, hai chục ngàn thôi.
Điểm khác biệt nữa là ít khi thấy phái
đẹp “hợp tác xã”. Không phải trong nhóm chị em không có nữ Mạnh Thường
Quân, nhưng khi có một bóng hồng đứng ra trả tiền thì những người đẹp
khác trong bàn thường coi chuyện đó là hiển nhiên. Dường như họ đã có sự
thống nhất trước khi đến điểm hẹn.
Không biết có phải họ có “quỹ nâu” hay
quy định một người trả rồi… “để mai tính”. Qua tìm hiểu, có thể thấy
phái đẹp cũng thống nhất với quan điểm “vào Liên Hiệp Quốc” hoặc “sang
Campuchia”, song cách thể hiện của họ không “tồng ngồng” như phái mạnh
mà thôi.
Nhà hàng vẫn có đủ chiêu, hãng bia vẫn biết cách chiều thượng đế
Đã tưởng thời buổi “tiền khó” thì các
nhà hàng ế ẩm, nhưng không, nhóm nhà hàng cũ vẫn có nhiều tuyệt chiêu để
giữ khách, còn tại những nhà hàng, quán xá mới mọc lên thì tất nhiên,
mỗi nơi có bí quyết câu khách riêng.
Bây giờ, vào nhà hàng, muốn thưởng thức
món ngon vật lạ miền Bắc, miền Trung đâu có khó. Chả cá Lã Vọng (làm từ
cá lăng), vịt om sấu, gỏi cá mai… đều luôn sẵn sàng phục vụ theo nhu
cầu.
Khá nhiều món mới, nhất là món làm từ
các loài cá như cá sấu, cá tầm, cá mập và nhiều loài cá biển có những
cái tên khá lạ (cá ngự long, cá gộc, cá da bò…) được lăng-xê, nhưng với
giá hoàn toàn không bình dân.
Nếu xem qua thực đơn thì dường như giá
các món ăn truyền thống không lên nhiều, thường khoảng năm, bảy chục
ngàn đồng một đĩa, cao hơn nữa cũng chỉ trăm ngàn.
Tuy vậy, phải “soi mói” kỹ thì mới thấy
phần lượng đã bị giảm đi ít ra cũng 20% so với lúc chưa nổi bão giá. Với
dân nhậu, chuyện đó hoàn toàn chấp nhận được vì mồi có ít đi cũng chẳng
sao, miễn là có thứ để nhâm nhi mà tán dóc.
Một trong những chiêu câu khách mới là
mua ba đĩa được tặng một đĩa, nhưng thật ra, lượng thức ăn trong bốn đĩa
có được chỉ bằng hai đĩa cùng loại ở quán khác. Có nhà hàng bên quận 7
dùng chiêu độc nữa là bán bia Sài Gòn đỏ chỉ bảy ngàn đồng một chai.
Mới nghe, ai cũng lo cho chủ quán vì bán
vậy thì làm gì có lãi. Vậy mà chủ quán vẫn tỏ ra phơi phới: “Các anh
đến đông vui là em mừng rồi, lời chút thôi còn hơn là quán vắng như chùa
bà Đanh”.
Thật ra, chủ quán dùng chiêu khác rất dễ
biết: vì nhậu thì uống là chính, giảm giá cho cái chính và tăng giá cho
cái phụ là món ăn. Cũng một đĩa bò lúc lắc, ở nơi khác có giá năm chục
ngàn đồng thì ở quán này những tám chục ngàn đồng.
Không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng
quán nhậu phải có nhân viên phục vụ nhiệt tình, đặc biệt là dễ coi, dễ
mến thì mới đông khách. Vì vậy, những quán có dàn nữ nhân viên xinh xắn,
ăn mặc “hơi mát mẻ”, biết chiều ý khách hàng như 45 Phan Đăng Lưu, 2 Lý
Thường Kiệt, 79 Đinh Bộ Lĩnh, 108 đường 3 tháng 2… luôn tấp nập khách
ra vào từ trưa đến tối khuya.
Ở các quận xa trung tâm thành phố như
Tân Phú, Gò Vấp, quận 2, quán xá mọc lên nhiều (ví dụ đã hình thành hẳn
một khu phố nướng Trần Não) và giá cả xem ra cũng dễ chịu hơn.
Thế nhưng ngay giữa quận 3 vẫn có những
chỗ nhậu rất bình dân như quán nhỏ nằm trên đường Huỳnh Tịnh Của. Quán
này nói đúng ra phải là “siêu bình dân” vì chủ yếu bán bia hơi và bia
chai Sài Gòn – toàn những đồ uống có cồn giá mềm nhất cùng các món nhậu
đơn giản giá “bèo”, vậy mà từ trưa đến 10 giờ đêm luôn đông khách.
Khách đến thuộc đủ thành phần, từ mấy
anh công nhân đến nhóm học sinh, sinh viên, từ khách trẻ tuổi chừng mười
bảy, mười tám đến khách già hàng thất thập.
Lạ hơn, quán còn thu hút được cả khách
nước ngoài, lúc thì một vị đạo mạo, có vẻ như người có chức tước, ăn mặc
rất chuẩn mực, thắt cà vạt đàng hoàng, khi thì mấy chàng sinh viên áo
T-shirt, quần jeans lửng đến từ Pháp, Mỹ, Canada.
Một bình bia hơi và đĩa mồi nhỏ có khi
chỉ tốn chừng hai chục ngàn đồng, còn gọi thêm vài đĩa thì nhiều lắm
cũng chỉ đến trăm ngàn là tha hồ nhậu và chuyện trò “tới bến”.
Đã sương sương thì dân nhậu hay hát hò,
mà đi karaoke nữa thì tốn quá. Vì vậy, nhiều quán chiều lòng các thượng
đế bằng cách treo sẵn trên tường một cây guitar để khách hát với nhau.
Không ít dân nhậu có tài đàn hát, tân
nhạc có, cổ nhạc có, cải lương có và nhạc Anh, nhạc Pháp cũng có luôn.
Bàn này vừa nghỉ hát xong là bàn khác mượn đàn ngay, cứ như kiểu “Con gà
tức nhau vì tiếng gáy”. Nhiều khi, các “cao thủ” nể tài nhau, sẵn sàng
ghép hai bàn làm một và giao lưu văn nghệ rất ngẫu hứng.
Cuộc đua của bia
Cũng khác với vài năm trước, bây giờ dân
nhậu chọn bia là đồ uống “chủ lực” vì thời của rượu ngâm chuối hột hay
ngọc dương, rắn, bìm bịp… đã qua, mà lý do đơn giản là chúng được làm từ
cồn công nghiệp quá độc hại. Mặc dù các hàng quán vẫn chưng vài chiếc
bình cỡ bự đựng những loại rượu dỏm đó nhưng cứ nhìn bụi bám đầy là rõ.
Nay là thời cơ dành cho các nhà sản xuất
– kinh doanh bia. Ba loại bia nổi tiếng là Sapporo (của Nhật), Coors
Light và Budweiser (của Mỹ) đang cố gắng chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh
mẽ với các loại bia đã có vị trí trong lòng dân nhậu.
Trước đó, bia Zorok được sản xuất tại
nhà máy Sabmiller ở Bình Dương có những đợt khuyến mãi tưng bừng, lại
mời cả cựu huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam – ông Calisto làm
đại sứ nhưng có lẽ hương vị không hợp lắm với dân nhậu Việt nên không
thể đạt được thị phần lớn.
Nếu dân nhậu có tiền luôn chọn Heineken
lon để không bị nhầm bia giả thì dân nhậu bình dân tỏ ra vẫn trung thành
với bia Sài Gòn đỏ, mặc dù chẳng bao giờ được hưởng chế độ khuyến mãi
nào.
Gần đây nhất, chủ nhân của hai thương
hiệu lớn Heineken và Tiger sau khi mua lại hai thương hiệu Larue và BGI
đã tiếp tục tạo chỗ đứng cho hai loại bia này bằng các chương trình
khuyến mãi và chế độ giá khá cạnh tranh.
Kết quả là Larue, đặc biệt là BGI được
nhiều khách thử và chấp nhận. Một chai BGI có dung lượng gấp rưỡi chai
Sài Gòn đỏ được bán tại các quán nhậu với giá chỉ tám ngàn đồng, đã vậy
uống bốn chai được tặng thêm một chai nên hút khách là phải.
Vài chuyện “tá lả” trên đây chỉ là những
điều tản mạn nhưng có tính “phổ biến cao trong cộng đồng dân nhậu Sài
Gòn”. Tất nhiên, còn một thế giới nhậu hạng sang hoàn toàn khác, nơi các
khách VIP gặp gỡ bàn công chuyện mà thường chỉ có một người đứng ra trả
tiền ít ra cũng năm, bảy triệu đồng cho một chầu nhậu như cụm nhà hàng
trên đường Lê Ngô Cát, Nhà hàng Hội Ngộ trên đường Nguyễn Thông…
Thế giới nhậu Sài Gòn vì thế chắc chắn còn phong phú hơn nhiều so với những gì mà những ai không nhậu có thể tưởng tượng ra.
CHIẾN THẮNG
Bây giờ muốn bù khú với anh em cũng phải tính sao cho vẹn đôi đường, chớ thời vật giá leo thang mà đứng ra ôm trọn chầu bia thì về nhà vợ cho ôm trọn.. nỗi buồn gặm nhắm với cái gối ôm...
Trả lờiXóaChơi sao cho vui, chứ chơi xong có người buồn thì chơi làm gì? NHậu vô tiền chợ của gia đình thì...chớ nên. Miếng ăn là miếng tồi tàn thì chớ nên ăn!
Trả lờiXóa