Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 120915
"Tập Thái Tử" Đâu Rồi? Ôm Một Bình Ga Lặn Rất Sâu
* Sau hai tuần vắng mặt, Tập Cận Bình vừa xuất đầu lộ diện... *
Chưa
đầy hai tháng trước khi Đảng Cộng Sản Trung Hoa họp Đại hội khóa 18 và
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên thay Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư và Chủ
tịch Nhà nước thì việc họ Tập vắng mặt trong hai tuần liền kể từ đầu
Tháng Chín làm dư luận xôn xao, đồn đoán và ngờ vực.... Cùng với cuộc
khủng hoảng tại Hoa Kỳ vì làn sóng phản đối và bạo động trong khối Hồi
giáo, xin hãy nhìn vào sự ổn định đáng ngại của Trung Quốc.
Năm Nhâm Thìn
2012 này là năm cực động cho nội tình Trung Quốc khi kinh tế toàn cầu và
cả kinh tế xứ này đang bị suy trầm, khi động loạn xã hội là mối đe dọa
cho lãnh đạo với các cuộc biểu tình bạo động ở nhiều nơi, hơn 50 vụ tự
thiêu của tăng ni và người dân Tây Tạng.
Năm nay cũng
là thời điểm của Đại hội Khoá 18 của đảng Cộng sản Trung Hoa, để đưa lên
thế hệ lãnh đạo mới thay thế các lãnh tụ như Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc
và Ôn Gia Bảo. Đây là "thế hệ thứ năm" sau thế hệ Mao Trạch Đông, Đặng
Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Mười năm một lần, Trung Quốc
lại có chuyển giao quyền lực như vậy, lần trước là sau Đại hội 16, vào
năm 2002.
Trong khung
cảnh đó, ngay từ đầu năm, giữa những tin dồn dập về biểu tình và bạo
động ở nhiều nơi, người ta thấy bùng nổ sự biến khi Giám đốc Công an
kiêm Phó Thị trường thành phố Trùng Khánh vào tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở
thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên xin tỵ nạn chính trị. Vụ Vương Lập
Quân xin đào thoát và sau đó được an ninh Trung Quốc bắt giữ đã châm
ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị vì Bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai
bị cách chức và ra khỏi Bộ Chính trị, và vợ là Cốc Khai Lai bị ra toà vì
tội giết người.
Từ các biến cố
dồn dập đó, đã có tin đồn là Bạc Hy Lai cùng người đỡ đầu là Chu Vĩnh
Khang, Chủ tịch ban Chính Pháp Trung ương, Ủy viên hàng thứ chín trong
Thường vụ Bộ Chính trị đã cùng một số tướng lãnh tại khu vực Tây Nam dự
tính tiến hành đảo chánh mà không thành. Khủng hoảng chính trị từ Trùng
Khánh đã dội ngược vào trung ương tại Bắc Kinh.
Giữa lúc đó,
tin đồn về sự biến tại Bắc Kinh cứ như vết dầu loang mà tràn ra ngoài
khi Phó Chủ tịch Tập Cận Bình vắng mặt một cách khó hiểu từ đầu Tháng
Chín. Dù lịch trình được chuẩn bị từ trước, bốn cuộc tiếp xúc của ông
với giới chức quốc tế, kể cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thủ tướng Singapore và
Đan Mạch đã bị hủy bỏ vào giờ chót. Lý do chính thức là vì sức khoẻ:
ông bị đau lưng.
Có tin đồn là
đau lưng sau một tai nạn nhỏ trong hồ bơi. Có thể là vì mêt tim. Tin đồn
dữ dội hơn vậy là ông lâm trọng bệnh, bị mưu sát, có khi đã tạ thế....
Bất chấp những
loại tin đồn như vậy, bộ Ngoại giao Bắc Kinh – cơ chế duy nhất có phát
ngôn viên thường xuyên tiếp xúc với truyền thông quốc tế - không có lời
giải thích nào thoả đáng hơn. Mới nhất thì báo chí chỉ chính thức một
lần nhắc đến ông trong số lãnh tụ có lời phân ưu với gia đình lão tướng
Hoàng Vinh vừa tạ thế. Những chuyện ấy càng khiến dư luận bên trong và
bên ngoài bàn tán dị nghị.
Có thể là Tập
Cận Bình sẽ tái xuất hiện trong những ngày tới (bài này được viết ngày
12 và quả nhiên Tập Cận Bình xuất hiện hôm 15), nhưng vấn đề không chỉ
liên hệ đến một cá nhân dù là người sẽ nắm lấy quyền lực cao nhất. Vấn
đề là những nhược điểm trong hệ thống chính trị Trung Quốc, dù được tái
phối trí từ hai chục năm qua, nay lại hết phù hợp với những đòi hỏi dồn
dập của tình hình.
Bài này sẽ nghiêm túc nói về chuyện đó.
****
Trong hệ thống
quyền lực hiện nay, lãnh đạo Trung Quốc có 25 người là Uỷ viên Bộ Chính
trị. Trong số này, chín ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới là
người quyền thế nhất. Mỗi người đều có những trách nhiệm riêng ở trong
đảng và bộ máy nhà nước cùng quân đội là ba cơ chế song hành. Họ đấu
tranh, thuyết phục và thỏa hiệp với nhau để dung hòa quan điểm và quyền
lợi, nhưng người nào cũng có phe cánh của mình.
Bốn phe có thế
lực nổi bật trong nhóm quyền lực mờ ảo và mờ ám này là 1) nhóm "Thái tử
đảng" gồm con cháu các đại công thần thời cách mạng và liên kết với
nhau vì quyền lợi hơn là lập trường tư tưởng; 2) khối "Đoàn phái" là các
đảng viên xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản (Cộng thanh đoàn) và
cùng nương nhau để tiến lên vị trí quyền lực cao nhất; 3) "Cánh Thượng
Hải" là các đảng viên xuất thân hay dựng nghiệp từ thành phố Thượng Hải,
với uy thế nhiều khi lấn át các đảng viên cao cấp nhất của Bắc Kinh; 4)
nhóm "Thanh Hoa" xuất thân từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, là phần tử
ưu tú có trình độ chuyên môn khá cao.
Ngoài ra cũng còn các đảng viên xuất thân các trường lớn như Đại học Bắc Kinh hay Đại học Phục Đán tại Thượng Hải.
Trong hệ thống
hiện tại, nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân là người tiến lên từ "Cánh
Thượng Hải", dù đã về hưu vẫn gài người của mình vào Bộ Chính trị và
nhất là Thường vụ Bộ Chính trị để giành ảnh hưởng với đương kim Chủ tịch
Hồ Cẩm Đào và đã có quyền lợi liên kết với nhóm "Thái tử đảng".
Là lãnh tụ của
"Đoàn phái", Hồ Cẩm Đào sẽ về hưu từ đầu năm tới, nhưng cũng nâng đỡ
vây cánh của mình để tiếp tục gây ảnh hưởng trong hệ thống chính trị. Cả
hai đều vận động các đảng viên ưu tú từ nhóm "Thanh Hoa", Bắc Kinh hay
Phục Đán để tạo thế lực cho mình. Trong thực tế, Giang Trạch Dân hay Hồ
Cẩm Đào, hoặc các lãnh tụ đã hay sắp về hưu như Lý Bằng, Chu Dung Cơ,
Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo đều trở thành những "Thái thượng hoàng", họ
kín đáo vận động và chi phối những người đương nhiệm.
Ngoài việc
tranh giành đặc lợi cho tay chân và thân tộc, khác biệt chính giữa hai
nhóm thế lực ("Cánh Thượng Hải" và "Đoàn phái") cũng nằm trong chủ
trương phát triển.
Cánh Thượng
Hải quy tụ các đảng viên tự cho là cách tân, muốn hiện đại hóa Trung
Quốc qua việc phát triển các tỉnh ở vùng duyên hải, sẵn sàng cấu kết với
doanh nghiệp quốc tế và muốn đạt mức tăng trưởng cao. Họ muốn các tỉnh
phải có thêm quyền hạn kinh tế để linh động đối phó với tình hình. Trong
thực tế, đây là thành phần kinh doanh biến báo, lý tài và tham ô nhất
và việc cấu kết để chia chác quyền lợi với các đảng viên và thân tộc
trong Thái tử đảng đã xảy ra.
Ngược lại, gồm
các đảng viên từng là Bí thư của các tỉnh nghèo và bị khóa trong lục
địa, Đoàn Phái thì e sợ phân hoá nên đòi tập trung quyền lực vào trung
ương, để dồn phương tiện thu vét từ các tỉnh duyên hải cho các địa
phương và thành phần nghèo khốn ở bên trong. Họ có quan điểm gọi là
"thân dân", đại chúng hay "populist", nhuốm mùi mị dân. Và tay chân thì
cũng cấu kết để chia chác quyền lợi chứ không liêm chính như người ta mơ
tưởng.
Bên cạnh các nhóm quyền lực chính trị và kinh tài của thành phần dân sự lại còn có quân đội.
Hệ thống lãnh
đạo quân đội Trung Quốc có hai cơ chế cùng một tên và cùng một thành
phần 12 người để chỉ huy quân đội ở trong bộ máy đảng và trong bộ máy
nhà nước. Đó là Trung ương Quân ủy hội.
Lãnh đạo Quân
ủy Trung ương đương nhiên là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước, một
nhân vật dân sự, hiện nay là Hồ Cẩm Đào. Trong số ba Phó Chủ tịch ở dưới
thì người có quyền nhất cũng là một nhân vật dân sự, hiện là Phó Chủ
tịch Tập Cận Bình. Mặc dù các tướng lãnh không nằm trong chín người của
Thường vụ Bộ Chính trị, họ thường xuyên họp hành riêng với hai lãnh tụ
cao cấp nhất của đảng và cũng gây ảnh hưởng mà bên ngoài khó thấy ra.
Việc gây ảnh
hưởng càng thuận tiện khi các phe phái dân sự cần huy động hậu thuẫn của
quân đội trong cuộc đấu tranh để giành lấy quyền lực cho mình. Và rút
kinh nghiệm từ Giang Trạch Dân, sau khi rời chức Tổng bí thư và Chủ tịch
nước vẫn còn lãnh đạo Quân ủy thêm hai năm, Hồ Cẩm Đào sẽ tiếp tục ở
lại và giới hạn quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, như một Thái thượng
hoàng.
Chính là khung
cảnh đấu đá ấy mới khiến các tướng lãnh cực đoan nhất có thể đẩy Trung
Quốc vào tư thế hung hăng ngang ngược như hiện nay ở ngoài Đông hải.
Vào Đại hội 18
sắp tới, bảy trong chín Ủy viên Thượng vụ Bộ Chính trị sẽ phải về hưu
vì tuổi tác nên chỉ còn lại hai người. Đó là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình,
thuộc Thái tử đảng và là người được Giang Trạch Dân cất nhắc và đỡ đầu
từ chục năm trước. Người kia là Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật
thân tín gần Hồ Cẩm Đào và sẽ lên làm Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng).
Việc đề cử bảy
người khác từ Bộ Chính trị vào Thường vụ Bộ Chính trị là mục tiêu đấu
tranh từ nhiều năm qua của các phe nhóm trên. Vụ Bạc Hy Lai bị bay chức
là một kết quả bất ngờ nhưng chỉ là mặt nổi không thể che giấu của những
đòn hiểm độc chìm sâu bên dưới.
Những tin đồn
mới nhất cho thấy Hồ Cẩm Đào đã nhân vụ này mà tiến xa hơn trong việc
xây dựng ảnh hưởng và đạt một thắng lợi khi mọi người đều đồng ý là
Thường vụ Bộ Chính trị của khoá 18 sẽ chỉ còn bảy người thay vì chín
người. Tức là chỉ có năm người được đưa lên vị trí cao hơn.
Căn cứ trên
thành phần và tuổi tác, Thường vụ mới sẽ có ba người thuộc Đoàn Phái của
Hồ Cẩm Đào. Đó là Lý Khắc Cường, Lý Nguyên Triều (sẽ làm Trưởng ban Tổ
chức Trung ương) và Bí thư Quảng Đông Uông Dương, nổi tiếng thực tiễn và
cởi mở. Ba người kia lại gần với phe Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình,
đó là Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn, Bí thư Thượng Hải Du Chính Thanh và Bí
thư Trùng Khánh (vừa thay thế Bạc Hy Lai) là Trương Đức Giang.
Tuy nhiên, vì
lý do tuổi tác - phải về hưu ở tuổi 69, hoặc có khi sớm hơn một hoặc hai
năm- Vương Kỳ Sơn và Du Chính Thanh sẽ chỉ làm được một nhiệm kỳ và rời
chức sau Đại hội 19, vào năm 2017. Trong khi ấy, thuộc phe Hồ Cẩm Đào
là những người trẻ hơn, thuộc lớp 50 tuổi, nên sẽ còn lãnh đạo trong 10
năm tới. Ngoài ra, ông ta cũng đã cất nhắc được những người thuộc thế hệ
thứ sáu vào trong Bộ Chính trị, như Bí thư Nội Mông là Hồ Xuân Hoa (dù
cùng họ nhưng không có liên hệ gia đình) hay Bí thư Hồ Nam là Chu
Cương....
Chúng ta trở lại bí ẩn Tập Cận Bình, người sẽ lên thay Hồ Cẩm Đào, bỗng dưng lại bặt vô âm tín!
****
Sau 10 năm
khủng hoảng từ cuộc Đại văn cách (Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại từ
1967 đến 1976 là khi Mao Trạch Đông tạ thế), Đặng Tiểu Bình đã giành
được quyền lực để tiến hành cải các kinh tế từ đầu năm 1979. Nhưng chỉ
10 năm sau là khủng hoảng bùng nổ với cao điểm là vụ tán sát Thiên an
môn năm 1989. Khi ấy, ông phải rút kinh nghiệm từ những vụ đấu đá quyền
lực thời Mao đến những biến động chính trị thời mở cửa mà đề ra giải
pháp chính trị khác, gồm các đặc điểm sau đây:
Thứ nhất,
không tập trung quyền lực vào trong tay một người, người cuối cùng chính
là họ Đặng, mà phân chia quyền hạn cho nhiều người, nhiều nhóm để tránh
nạn độc đoán. Thứ hai, trong việc chia quyền giữa các phe nhóm thì phải
có sự đồng thuận qua tiến trình thuyết phục, vận động hay mặc cả. Thứ
ba, từ vụ Thiên an môn, đảng phải có viễn kiến mà chuẩn bị trước những
người sẽ lãnh đạo trong 10 năm tới.
Cùng Giang
Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ là những nhân vật nổi lên sau vụ Thiên
an môn, ông đã chọn Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, để họ có cả chục năm học
nghề và thu thập kinh nghiệm từ các nhiệm sở liên tiếp. Cũng do sáng
kiến đó của Đặng Tiểu Bình, thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình hay
Lý Khắc Cường được Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cất nhắc và đào luyện
từ Đại hội 16 vào năm 2002, rồi mới lên chức sau Đại hội 17 vào năm 2007
để sẽ lãnh đạo từ đầu năm tới sau Đại hội 18 vào cuối Tháng 10 (có khi
là giữa Tháng 11 nếu chưa đạt thoả thuận chung).
Phương pháp đó
của Đặng Tiểu Bình quả nhiên là tạo ra sự ổn định chính trị hiếm hoi
trong hệ thống quyền lực của đảng mỗi khi có sự chuyển quyền từ 80 năm
nay.
Tuy nhiên, và đây mới là vấn đề, phương pháp này cũng có những nhược điểm hiển nhiên.
Yêu cầu về
thỏa hiệp giữa các phe phái khiến lãnh đạo không thực hiện nổi những ưu
tiên sinh tử của đảng. Thí dụ xa là ba kế hoạch phát triển các tỉnh lạc
hậu bị khóa trong đất liền đã được đề ra từ thời Giang Trạch Dân qua
thời Hồ Cẩm Đào mà vẫn không có kết quả. Thí dụ gần là ưu tiên giảm đà
tăng trưởng để tiến hành cải cách theo kiểu từ lượng chuyển ra phẩm. Ưu
tiên này được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ V của khóa 17 nêu ra
từ năm kia rồi năm ngoái - mà sau cùng lại phải buông, là tình trạng
hiện nay.
Những chuyện
đó cho thấy nhược điểm thứ hai là hệ thống chính trị có vẻ ổn định này
không thể đối phó với loại đột biến ngắn hạn. Mọi người đều có thể đồng ý
về việc cải tổ từ lượng sang phẩm là chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn
để bẻ tay lái mà cỗ xe khỏi bị lật. Nhưng nhu cầu đó bị chặn vì vụ Tổng
suy trầm toàn cầu 2008-2009 và lãnh đạo phải bơm tiền cấp cứu nên thổi
lên bong bóng đầu cơ. Nghĩa là khi bị bất ngờ thì lúng túng và xoay
không kịp.
Sau cùng,
nhược điểm thứ ba, những dàn xếp công phu từ cả chục năm để chuẩn bị thế
hệ lãnh đạo mới đã bị tan rã khi gặp những đột biến chính trị. Tổng suy
trầm quốc tế hay vụ khủng hoảng Trùng Khánh đã phá hỏng kế hoạch đưa
Tập Cận Bình lên lãnh đạo. Nhân vật này có thể bị đau hay bị nạn, chuyện
ấy không quan trọng bằng sự kiện là lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay không có
giải pháp thay thế con gà họ Tập! Vì chế độ kiểm duyệt, cư dân trên
mạng phải dùng chữ "Thái tử" để nói về nhân vậy này, nếu không là mọi
tin tức hay bình luận đều bị xoá.
Khi ngẫm lại
thì nếu cùng với Tập Cận Bình, các lãnh tụ trong Bộ Chính trị đề cử thêm
một tay dự khuyết từ 10 năm trước thì trận đấu bên trong sẽ còn dữ dội
gấp đôi. Họ không muốn như vậy nên ngày nay mới bần thần chưa biết phải
tính sao nói gì về người lãnh đạo, chỉ có hơn một tháng trước khi tay
này lên chấp chánh.
Kết luận? Phải
chi cứ tranh cử tèm lem và ồn ào như tại Hoa Kỳ với một bản Hiến pháp
công khai nói ra luật chơi dân chủ trong một thể chế liên bang.
Nôm na là không có dân chủ thì phải đá khéo. Xin đừng nói lái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét