Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Vấn đề của chúng ta




Tôi viết bài này để đáp lại những phản hồi sau khi đăng ba bài về giáo dục trên mạng trên báo Sinh Viên và blog Ghi chép của tôi.
Nhìn lại giáo dục xứ mình thấy nản lắm. Sinh viên ngày nay chỉ học để lấy bằng cấp, chứ không ai có đam mê tri thức”. Trước khi nói đến giáo dục xứ mình và vấn đề bằng cấp, tôi muốn chỉ ra một điều: Trong 160.000 người theo học lớp AI  đầu tiên của Sebastian Thrun (Udacity.com) có cả chục người từ Việt Nam (chắc nhiều hơn, tôi chỉ đếm những tên họ phổ thông như Nguyen, Tran, Phan…). Bên Coursera.com số người học từ Việt Nam chắc chắn đáng kể vì một số bài giảng có phụ đề tiếng Việt. Chẳng hạn trong khóa học mới mở vào ngày 26/11/2012 “Think Again: How to Reason and Argue”  bài giảng đầu tiên có phụ đề bằng 10 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Người ta không mắc công làm phụ đề một thứ tiếng không có ai hay ít người cần.
Tôi vào diễn đàn thảo luận của lớp này, vô nhóm học tập (study groups) thấy xôm tụ nhứt là các nhóm Nga, Nam Mỹ (và các nước dùng tiếng Tây Ban Nha), nhóm Singapore, Hy Lạp, Bồ đào Nha, nhóm dùng Skype, Facebook, Twitter, Linkedln. Trong nhóm “People from Laos, Vietnam, Thailand, Myanmar, Kampuchea” tôi gặp lời chào của Bui Tuyet Anh “ I’m from Vietnam”. Tôi mở hồ sơ của bạn này, thấy bạn tự giới thiệu: nữ, 22 tuổi, ở Sài Gòn. Bạn ghi danh tất cả 11 lớp, có lớp bắt đầu từ tháng 7/2012 (Nhập môn Tài chánh), có lớp mở từ tháng 9/2012 (Viết báo cáo khoa học) và có lớp sẽ bắt đầu vào tháng 3/2013 ( Nền tảng của chiến lược kinh doanh, Tài sản và trách nhiệm: nhập môn Luật và Kinh tế.) Ban đăng ký cả một khóa dự định mở vào tháng 7/2013 (Tại sao chúng ta cần tâm lý học.) Trong hồ sơ của bạn, dưới chân dung một thiếu nữ tươi tắn là châm ngôn: Life is tough, but it will be tougher if I am stupid ;) (Sống là khó, nhưng sống càng khó hơn nếu mình ngu).
Đáp lại lời chào của Anh là Quach Thu Trang ở Hà Nội. Bạn này không cung cấp thông tin chi tiết về bản thân, chỉ để một cái link đến tổ chức eastmeetwest.org. Bạn ghi danh lớp Dinh dưỡng và hoạt động thể lực để có sức khỏe, và lớp Dinh dưỡng nhằm tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Bạn Nguyen Thanh Lam 23 tuổi, nam, ở Đà Lạt thì học các lớp Tư duy phê phán trong những thách thức toàn cầu, Khoa học sáng tạo nghiêm túc và vui thú của các ứng dụng Android , Phát triển những ý tưởng sáng tạo cho công ty mới. Bạn Dang Duong Phuong Truc thì quan tâm đến các lớp: Tự biết mình, Khoa học kỷ thuật và xã hội ở Trung quốc, Hư cấu về sự quan hệ, Hướng dẫn về hành vi kỳ quái dành cho  người chưa biết gì.
Tôi vô phép tò mò lục lọi hồ sơ các bạn vì muốn biết những gì thanh niên Việt Nam đang muốn biết. Họ hầu như muốn biết mọi thứ.  Trong lớp nào tôi cũng tìm thấy những bạn trẻ ghi danh học từ Việt Nam, có nơi như Pleiku, Tân An… Và hãy xem những lớp mà các bạn này chọn học! Đều là những cánh cửa mở ra những chân trời tri thức. Đó là bằng chứng rằng đã là thực tế  việc bất cứ một người Việt Nam nào muốn được hưởng phần tài sản tri tuệ nhân loại đều có thể lấy được.  Tôi nói LẤY chứ không phải nhận.
Luôn có những kẻ thụ động,  nghi ngờ, chây lười, dốt nát, không chí hướng, không kiên trì. Có những thời, trong một số hệ thống xã hội, những con người như vậy vẫn có thể “thành đạt”, ăn trên ngồi trốc, nắm quyền lực và gây tác hại cho cộng đồng. Bất công này sẽ được cuộc cách mạng giáo dục hiện nay cùng với những tiến bộ kỷ thuật trong truyền thông giao tiếp thay đổi. Hiện nay trang bị tri thức là trang bị vũ khí lợi hại nhứt cho bạn trẻ. (Bạn đừng kêu la khi nhận ra kẻ này hay thể chế kia đang giành ưu tiên giáo dục cho con cái họ đồng thời lại “ngu hóa” đại chúng. Xưa nay là vậy và sẽ còn như vậy một thời gian nữa.)
Khi gặp lời chào “Hi, I’m from Vietnam” trên một diễn đàn giáo dục (toàn cầu và mang tính cách mạng) tôi xúc động vô cùng. Đây là những người trẻ tuổi đang tìm chèo để bơi, đang tìm cánh để bay.  Nếu không có chèo, không có cánh, họ cũng sẽ vươn lên tiến tới bằng cách nào đó. Phương tiện chỉ hổ trợ họ đạt hiệu quả tốt hơn với ảnh hưởng rộng lớn hơn. Những lớp họ đang học trên mạng chưa được hệ thống giáo dục Việt Nam, hay trường đại học Việt Nam, chấp nhận như một số trường ở Mỹ. Ngày càng có nhiều trường ở các nước đưa những khóa học trên mạng có chất lượng cao vào chính khóa (hoặc tùy chọn) và khuyến khích sinh viên học trên mạng. Nhất là những khóa học về khoa học /kỷ thuật tiên tiến hay những lĩnh vực mũi nhọn mới ra đời, được chính các giáo sư / khoa học gia đầu ngành tận tâm truyền bá. Hoàn toàn miễn phí.
Trong một tương lai không xa Khan Academy, Udacity, Coursera, edX và những tổ chức tương tự sẽ phát triển để uy tín của họ không kém một đại học hàng đầu nào của thế giới. Lúc đó có lẽ họ cũng cấp bằng cử nhân , thạc sĩ, tiến sĩ như một đại học truyền thống. (Không biết lúc đó còn miễn phí không. Hiện nay các tổ chức này hoạt động bằng các quĩ đầu tư)  Cũng có thể các học viện trên mạng sẽ trở thành những tổ chức thay thế đại học chính qui, hay phát sinh / sáng tạo ra những mô hình và giá trị giáo dục mới mà bây giờ chúng ta chưa hình dung được. Trong giai đoạn đang “khai phá” này, nhiều thời cơ đang phơi bày, nhiều cánh cửa mở ra mời gọi.
Tôi thường đọc tin tức về giáo dục nước nhà, thấy phần lớn những vấn đề tranh cải không phải là vấn đề giáo dục, mà thuộc về xã hội, hệ thống, thể chế. Tôi cũng có biết những người bạn đầy tâm huyết muốn cải cách giáo dục vì tương lai và vận mạng đất nước. Tôi cảm phục họ. An ủi phần nào là những người khác đang nỗ lực (bằng những cách khác nhau) để mở cánh cửa cho tuổi trẻ Việt Nam bước ra thế giới. Với những phát triển của giáo dục trên mạng, ít nhứt một cánh cửa đã mở ra.
Giáo dục đại học của chúng ta hôm nay không cần những nhà cải cách nữa, mà cần những nhà cách mạng. Tôi xin phỏng theo câu nói của Clay Shirky (ông nói về nước Mỹ, tôi Việt Nam hóa): Đừng lập ra một ủy ban liên ngành mấy chục vị khoa bảng chức sắc, giao cho họ bạc tỷ, và chờ họ đưa ra cải cách trong một hai năm nữa. Hãy kiếm cho được năm người, hỏi họ có làm được trong vòng một tháng –  không kinh phí. Cứ kiếm đi, chứ đừng nhún vai cười khảy.  Có thể ngay trong đám sinh viên đang ngồi mệt mỏi chờ đợi động tĩnh của các bậc thầy cô cha chú kia có người đứng lên và nói: Tôi!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét