December 3, 2012, 7:33 am
Filed under: Xã Hội
Tác giả: Nguyễn Ngọc Già
Nguồn: https://danluan.org/tin-tuc/20121202/thu-gui-nguyen-chi-duc
Khi biết Đức đưa ra “Ý tưởng về CLB
Huynh Đệ Lầm Đường Lạc Lối” [1], tôi rất vui, bởi tôi biết, việc dứt
khoát chia tay ĐCSVN đã là điều khó khăn tột cùng cho những ai là đảng
viên, không những thế, Đức đã đi xa hơn nhiều người là đảng viên, chỉ
dừng lại việc ra khỏi đảng. Tôi trân trọng điều đó.
Tôi đánh giá cao hành động rời bỏ ĐCSVN
của Đức cũng bởi lẽ cha tôi, anh, chị tôi đều là những người đảng viên
nhiều năm, nhưng họ chưa bao giờ có đắn đo, giật mình về việc có một
phần trách nhiệm trước tội ác cũng như sự phản động tột cùng của ĐCSVN
đối với Tổ quốc và Dân tộc, dám nào nói tới việc họ đủ dũng khí để làm
việc như Đức.
ĐCSVN như là “ma túy” mà tôi đã nêu lên
hình ảnh một con nghiện thông qua người bạn thật của tôi cách đây nhiều
năm để khích lệ, cảm thông và sẻ chia cùng Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi
ông cũng quyết tâm rời bỏ khỏi cái thứ “ma túy” chết người đó [2] cũng
là lời động viên của tôi đối với Đức, khi Đức cũng đã dùng hình ảnh “ma
túy” như tôi đã dùng.
Cũng chẳng có gì dấu diếm, quan điểm
của tôi, từ rất lâu đối với ĐCSVN là chán ghét và khinh bỉ tột cùng,
nhưng chưa bao giờ tôi căm phẫn ĐCSVN như thời gian sau này khi an nguy
Tổ Quốc bị đe dọa, việc đàn áp người dân mất đất, cũng như các nhân mạng
vô tội chết dưới tay bọn công an, trong khi chúng vẫn leo lẻo chối tội
với sự im lặng đồng lõa của ĐCSVN.
Xin lỗi, người CS trong mắt tôi, hiện nay còn tệ hơn sỏi đá trước sự điêu tàn Tổ Quốc ngày càng hiển hiện.
Tôi sinh ra trong gia đình CS tại Sài
Gòn, lớn lên trong chiến tranh và bước chân ra đời kiếm sống trong nghèo
khó (sau năm 1975). Tôi cũng không biết tôi may mắn hơn hay bất hạnh
hơn thế hệ của Đức, khi tôi được sống qua hai chế độ?! Chỉ có điều, thế
hệ chúng tôi không đối mặt về cạnh tranh khốc liệt trong việc kiếm một
chỗ làm như thế hệ trẻ hiện nay.
Tôi chán ghét và khinh bỉ người CS cũng
thật đơn giản. Bắt đầu là từ gia đình. Cha, anh, chị của tôi không làm
cho tôi cảm thấy những gì họ gọi là “hy sinh”, “cống hiến” là sự thật mà
ẩn sau đó là một thứ hãnh tiến, đặc quyền đặc lợi, đặc biệt “bệnh CÔNG
THẦN” hiển hiện khá rõ trong hành xử, lời ăn tiếng nói của họ đối với
người xung quanh. Cả gia đình bên vợ của tôi cũng thế.
Nói cho công bằng, thế hệ cha tôi (nếu
ông còn sống cũng tròm trèm trăm tuổi) khá sạch sẽ. Tham nhũng ít, chưa
trở thành hệ thống, bầy đàn; riêng mấy ông già kháng chiến chống Pháp
thì có thể nói, rất nhiều ông liêm khiết, lương thiện và nhân phẩm cao,
nhưng cũng nhiều ông già này mắc “bệnh tự mãn”, “bệnh công thần” nhiều
lắm. Chuyện kiếm chác, nhũng lạm chỉ là số rất nhỏ, thuộc trung ương và
đầu tỉnh. Đến thế hệ anh tôi (lứa Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải cho đến
Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang sau này) thì phải công nhận: Tham nhũng
kinh hoàng tột độ, cả tha hóa về đạo đức, nhân phẩm cũng tồi tệ hơn
nhiều lần.
Bấy giờ, bạn bè, đồng nghiệp của tôi
cũng chẳng khác lắm, nếu không vào đảng vì kiếm chức, để từ đó kiếm tiền
thì cũng là hạng “đảng viên xôi thịt”, “theo đóm ăn tàn”; nhẹ hơn, họ
chọn cách vào đảng như là chọn vỏ ốc để trú thân trong những cuộc “đấu
tố tập thể” mỗi dịp giữa năm hay cuối năm cho “danh hiệu” “lao động tiên
tiến”, “chiến sĩ thi đua” để không bị gạt ra ngoài rìa dù họ chểnh mảng
trong công việc, yếu kém trong chuyên môn, ăn cắp giờ công lo việc
riêng hay “chạy mánh”. Dù có thế nào đi nữa, họ cũng là đảng viên, do
đó, “lao động tiên tiến” hay “chiến sĩ thi đua” được mặc định cho họ.
Đức biết rồi đấy, những khoản thưởng từ “chiến sĩ thi đua” bao giờ cũng
cao hơn nhiều so với “lao động tiên tiến”.
Một số đứa bạn khác, có thể ngồi chửi
CS hàng giờ, nhưng giả dối, bội tín, bạc nghĩa hoặc có dịp bắt tay để
“đánh quả”, “ăn hàng” thì sẵn sàng ngay lập tức. Nói tóm lại, đám này
hành động cũng chẳng khác CS là mấy.
Tôi lạc lõng và chơ vơ giữa rừng người
quanh tôi thế đấy, tôi hẫng hụt và bẽ bàng, bi quan và phẫn hận, bởi lẽ,
tôi, một là “cùng ăn” với họ, hai là, biến khỏi để yên cho họ “ăn”.
Lúc đó tôi nghèo lắm, nhưng lanh lợi và
khá láu cá. Họ và tôi, cùng lợi dụng lẫn nhau, sống cộng sinh với nhau.
Ban đầu là “cùng ăn”, sau nữa, tôi tranh ăn với họ, khi thấy họ ló mòi
chơi gác tôi.
Khi bà Kế toán trưởng vừa đoạt được ghế
bằng đút lót, xu nịnh và lả lơi, lúc đấy bà ta hả hê nói với tôi rằng:
“Cờ đến tay mà không biết phất là đồ ngu”. Bà ta nói đúng đấy chứ. Cái
đúng của loài sâu bọ. Thế là tôi bắt tay và tự hóa kiếp mình trở thành
một con sâu như bà ta và “đồng chí” của bà ta trong một cơ quan bề thế
và tiếng tăm ở Sài Gòn, nhờ chút vốn liếng lận lưng về chuyên môn.
Từ đấy, tôi bắt đầu sống kiếp sâu bọ, như tất cả sâu bọ đang sống và hút dưỡng khí của đất nước này, dân tộc này.
Việc gì cũng có giới hạn. Tôi cũng
chẳng hay ho gì, tham lam như người khác. Tất nhiên, tôi hiểu, đó là
tiền của DÂN! Tôi tham nhũng như bất kỳ kẻ nào có điều kiện để tham
nhũng. Khác một chút, tôi không là đảng viên. Tôi câu kết với đảng viên.
Tôi chỉ dám nhận, lòng tham của tôi
“có… đáy” và liêm sỉ của tôi đã đến lúc được lương tri đánh thức, khi
tôi lo được cho con tôi đi Mỹ du học bằng những đồng tiền “cùng ăn” và
“tranh ăn” với họ. Đó là sự thật mà tôi cố đeo đuổi để làm sao giải
thoát cho con tôi. Thú thật, trong bối cảnh những năm sau này, hỗn mang
và loạn lạc, dù biết đó là đồng tiền tham nhũng, tôi loay hoay không
biết làm sao để cứu con tôi, ngoài cách cho nó “tị nạn chính thức” như
thế (!)
Đối với tôi, thế là mãn nguyện lắm rồi và cũng là giới hạn cuối cùng để sống đời sâu bọ, sống kiếp cộng sinh.
Ngày tôi đưa con tôi ra sân bay để giải
thoát cho nó, trong lúc chờ đợi chuyến bay, tôi đã tâm sự rất nhiều với
con và cuối cùng, tôi nói với nó:
“Con đi du học là từ đồng tiền ba đã ăn
cắp của dân. Ba hy vọng, con học hành thành tài, có một cuộc sống bình
an và quan trọng nhất là hãy nuôi dạy con của con sau này không phải
bằng những đồng tiền ăn cắp như ba đã làm”.
Nó khóc và ôm tôi…
Khi con tôi khuất dạng trong phòng chờ,
trên xe quay về, tôi nghĩ đã đến lúc, tôi phải làm gì đó để trả nợ lại
cho cuộc đời này. Tôi đã chọn con đường viết. Viết cho bất kỳ việc gì,
bất kỳ ai mà tôi có thể viết.
Tôi cảm thấy xấu hổ với Đức cũng như thế hệ trẻ hiện nay. Chúc Đức vững bước trên con đường đã chọn.
Đức đang đi đúng hướng và không hổ thẹn với lương tâm như tôi vẫn ray rứt bấy lâu nay.
Cám ơn Đức đã cho tôi một cơ hội để thổ lộ cho nhẹ lòng hơn.
Nguyễn Ngọc Già
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét