Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Tại sao Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt nối liền với Lào?


(Petrotimes) - Dự án về tuyến đường sắt trị giá 7 tỉ USD (gần bằng GDP của Lào), nối Lào với Trung Quốc được loan tải đúng thời điểm diễn ra Hội nghị Á - Âu (ASEM) lần thứ 9 tại Lào (thượng tuần tháng 11) khiến dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm. Bởi thời gian gần đây Trung Quốc đã đầu tư khá lớn vào Lào, Campuchia, Thái Lan và việc này nằm trong chiến lược phát triển miền Tây mà Bắc Kinh đang tiến hành. Đây là điều được nhiều giới quan tâm, nhất là khi Trung Quốc mới có ban lãnh đạo mới và đang muốn trở thành trung tâm thế giới thời gian tới.
Dự án lớn nhất
Ngày 16/11, giới truyền thông Lào cho biết, dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 420km nối Trung Quốc với Lào trị giá 7 tỉ USD sẽ được triển khai trong năm tới và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ kế hoạch này. Theo Hãng tin AFP, dự án kể trên tuy được hai nước thống nhất thực hiện từ khá lâu nhưng Trung Quốc lo ngại về khả năng sinh lời của tuyến đường sắt này. Với vị trí địa - chính trị quan trọng - nằm giữa Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Thái Lan nên Lào được Trung Quốc “để mắt” từ lâu. Mặc dù vấn đề lớn nhất đã được khai thông, nhưng hiện hai bên vẫn đang hoàn tất một số chi tiết về khoản vay trị giá tới 7 tỉ USD.
Dự kiến, tuyến đường sắt dài 420km (đi qua 31 ga, 76 đường hầm và 150 cây cầu cùng vận tốc thiết kế 160km/giờ) sẽ hoàn tất trong 5 năm và sử dụng 50.000 công nhân Trung Quốc. Đây là dự án phát triển hạ tầng lớn nhất từ trước tới nay tại Lào và do một công ty của Trung Quốc chịu trách nhiệm thi công, cũng là động thái mới nhất trong một chuỗi dự án cơ sở hạ tầng được Bắc Kinh cấp vốn, đồng thời đảm bảo dòng nguyên vật liệu đầu vào cần thiết cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Tuyến đường sắt này ngoài việc vận chuyển nguyên vật liệu thô từ Lào cho quốc gia hơn 1,34 tỉ người, còn phục vụ chiến lược phát triển miền Tây mà Bắc Kinh đang tiến hành - đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu thô để làm đầu vào cho chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ và ngành công nghiệp sản xuất của nước này. Trung Quốc sẽ được đảm bảo nguồn cung khoảng 5-7 triệu tấn tài nguyên khoáng sản mỗi năm như đồng, vàng, quặng sắt, kẽm và chì, nhưng chủ yếu là kali carbonat (thành phần quan trọng để sản xuất phân bón), trong thời gian từ nay đến năm 2020, cùng với các vật liệu thô khác như gỗ, nông sản.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khai khoáng Lào Soulivong Dalavong đánh giá cao dự án kể trên. Giới chuyên môn cho biết, tuyến đường sắt dài 420km này nằm trong dự án nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với Singapore. Tuyến đường sắt chạy qua Lào sẽ là một phần của tuyến đường sắt nối liền Côn Minh với Singapore, qua các điểm Vientian, Bangkok và Kuala Lumpur.
Giới chuyên môn quan tâm tới khuyến cáo của ông Keith Barney, chuyên gia nghiên cứu về Lào của Trường đại học Quốc gia Australia: GDP của Lào là 8,3 tỉ USD, trong khi dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 420km trị giá 7 tỉ USD và điều này gây quan ngại. Bởi theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoản cho vay của Ngân hàng Eximbank được xây dựng như khoản tín dụng bảo lãnh tối cao - nó sẽ bao gồm doanh thu từ dự án và tất cả tài sản của dự án sẽ là một phần của bảo lãnh ngân hàng, ngoài ra còn có thu nhập từ các nguồn tài nguyên khác của Lào. Nếu không tính đến nguy cơ từ việc trả nợ, đây có thể là một thu hoạch lớn đối với nền kinh tế Lào. Mặc dù được ân hạn 10 năm, nhưng vẫn rất khó khăn để Lào trả được số tiền này. Tuy nhiên, với dự án này, quan hệ Lào - Trung Quốc sẽ trở nên thân mật hơn.
Kế hoạch “vết dầu loang”
Ngày 21/11, khi phát biểu với giới truyền thông sau cuộc họp với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Bắc Kinh có kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan, đặc biệt là gạo, mở rộng đầu tư với tốc độ 15%/năm tại xứ sở chùa vàng và mở tuyến đường bay mới giữa hai nước. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói, Trung Quốc và Thái Lan sẽ trở thành đối tác kinh tế trong nhiều dự án quan trọng về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp và hợp tác kinh tế dọc sông Mekong.
Từ năm 2009 Trung Quốc đã khởi công xây dựng mới 18 công trình trọng điểm, tổng quy mô đầu tư là 468,9 tỉ NDT, chủ yếu liên quan đến đường sắt, đường bộ và sân bay. Đó là tuyến đường sắt Thành Đô - Lan Châu, tuyến đường sắt Trùng Khánh - Quý Dương, tuyến đường sắt Côn Minh - Nam Ninh, tuyến đường cao tốc Quảng Nguyên - Nam Sung, đầu mối thủy lợi Đình Tử Khẩu sông Gia Lăng (Tứ Xuyên), nâng cấp mở rộng xây dựng sân bay Song Lưu Thành Đô, sân bay nhỏ miền Tây, xây dựng mạng lưới điện tại những vùng chưa có điện…
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đề nghị Trung Quốc đầu tư 50 tỉ USD cho khu công nghiệp cảng nước sâu mà Thái Lan cùng phát triển với Chính phủ Myanmar tại Dawei, miền Nam Myanmar, cũng như các dự án đường sắt và phòng chống lũ lụt khác. Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng cho biết, Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua một lượng lớn gạo dự trữ của Thái Lan, cung cấp hàng tỉ USD hỗ trợ cho nền kinh tế nông thôn Thái Lan. Chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Thái Lan diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Bangkok để thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ - Thái Lan.
Nhiều người nói rằng, người bạn thân thiết lâu năm nhất của Phnom Penh vẫn là Bắc Kinh. Từ năm 1992, Bắc Kinh cung cấp cho Phnom Penh 2,1 tỉ USD viện trợ và tín dụng để phát triển nông nghiệp, hạ tầng và Campuchia sử dụng số tiền đó để xây hơn 2.000km cầu và đường. Năm 2009, Campuchia lại nhận viện trợ 1,2 tỉ USD, nhiều hơn cả con số của 17 năm trước đó cộng lại. Campuchia hiểu rằng, Trung Quốc là người đem lại lợi ích lớn nhất cho họ trong nhiều năm qua.
Theo thống kê, kể từ năm 2006, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 8,2 tỉ USD vào Campuchia, bỏ xa nước đứng thứ hai là Hàn Quốc với 3,8 tỉ và vượt quá xa so với mức 924 triệu USD của Mỹ. Bắc Kinh hiện hỗ trợ 19 dự án phát triển ở Campuchia, trong đó có các công trình đường và điện với tổng giá trị 1,1 tỉ USD. Từ năm 2002, Trung Quốc trở thành 1 trong 5 khách hàng thương mại lớn nhất của Campuchia. Do đó, việc các nước ASEAN không thể ra tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) hồi trung tuần tháng 7 - điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại là điều dễ hiểu.
Chiến lược phát triển miền Tây
Sau khi được thông qua vào cuối năm 1999, trong tháng 1/2000, Trung Quốc đã quyết định thành lập tổ chỉ đạo phát triển miền Tây do Thủ tướng Chu Dung Cơ làm Tổ trưởng, Phó thủ tướng Ôn Gia Bảo làm tổ phó, các thành viên khác đều là quan chức cấp cao hàm bộ trưởng hoặc thành viên chính phủ. Chiến lược phát triển miền Tây được đưa ra sau khi Trung Quốc nhận thấy nguy cơ chênh lệch về phát triển giữa miền Đông và miền Tây, miền Nam và miền Bắc ngày càng lớn trong quá trình cải cách mở cửa và phát triển quá nóng hồi thập niên 90 của thế kỷ trước. Chiến lược này không những nhằm thu hẹp chênh lệch về phát triển giữa hai miền Đông và Tây, mà còn gia tăng tổng cầu, đoàn kết dân tộc, ổn định xã hội, củng cố phòng thủ biên giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo thống kê, trong số 500 công ty lớn nhất của thế giới đã có hơn 100 công ty đầu tư vào miền Tây.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Lào Thongsing Thamavong
Miền Tây Trung Quốc bao gồm 12 tỉnh và khu tự trị, chiếm hơn 70% diện tích cùng dân số khoảng 28% cả nước, là khu vực có vị trí địa lý chiến lược, giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, chưa khai thác được tiềm năng. Giới chuyên môn cho rằng, sau 12 năm thực thi, với những phương án và biện pháp khác nhau, miền Tây đang dần được vực dậy và thu hẹp khoảng cách chênh lệch với miền Đông.
Từ năm 2000 đến 2008, Trung Quốc đã quy hoạch khởi công xây dựng 102 công trình trọng điểm, tổng quy mô đầu tư đạt hơn 1.740 tỉ NDT. Việc khởi công xây dựng những công trình trọng điểm này đã phát huy vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chiến lược phát triển miền Tây, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội miền Tây, cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo con số thống kê cách đây 2 năm, đầu tư vào khu vực miền Đông đạt 9.640 tỉ NDT (khoảng 1.400 tỉ USD), trong khi đầu tư vào khu vực miền Tây chỉ có 3.590 tỉ NDT. GDP bình quân đầu người năm 2008 của khu vực miền Tây ít hơn 45,6% so với khu vực miền Đông. Tương tự, đầu tư tính theo đầu người ở miền Tây ít hơn 60% và thu nhập bình quân đầu người ít hơn 43,6% so với miền Đông.
Điều khó khăn nhất để phát triển miền Tây là đầu ra kinh tế. Do đó, Bắc Kinh xác định một chiến lược kép phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và thiết lập quan hệ kinh tế xuyên biên giới, trước hết với các nước Đông Nam Á. Bằng chiến lược “một trục, hai cánh”, Trung Quốc đang tạo nên cơ sở hạ tầng hội nhập kinh tế: xuất khẩu tài nguyên Đông Nam Á sang miền Tây và nhập khẩu trở lại hàng hóa từ miền Tây. “Trục” - chính là hành lang kinh tế Bắc - Nam liên kết miền Tây với Đông Nam Á. “Cánh” biển là hợp tác xuyên vịnh Bắc Bộ giữa Quảng Tây với 6 nước Đông Nam Á có biển, còn “Cánh” bộ là hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Vì miền Tây thiếu điện nên Trung Quốc tận dụng mọi tiềm năng thủy điện.
Phần thượng nguồn sông Mekong chiếm một nửa chiều dài sông Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương), tiếp nhận lượng nước tan băng tuyết trên cao nguyên Tây Tạng đổ xuống thành nhiều con thác với độ dốc rất lớn, có nơi cao đến 600m. Hơn 6 năm trước (8/7/2006), tờ Nhật báo Trung Quốc cho biết, Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc (NDRC) vừa thông báo công khai 12 dự án, trong đó có một dự án đường sắt nối thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây với một thành phố phía tây - bắc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, một số đường cao tốc và sân bay nhỏ tại miền Tây cũng được xây dựng.
Đầu tháng 7/2010, Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 tỉ USD vào 23 dự án cơ sở hạ tầng nhằm xúc tiến sự phát triển nhanh và vững chắc tại các khu vực miền Tây. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng đường xá, sân bay, các hệ thống lưới điện và phát triển các mỏ khoáng sản. Tại cuộc họp hồi tháng 7/2010, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cho biết, miền Tây sẽ trở thành “hòn đá tảng” trong các chương trình năng lượng quốc gia và trong 10 năm tới, mức sống của người dân ở đây sẽ được cải thiện lớn và môi trường sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Giới chuyên môn khẳng định, Trung Quốc không thể bỏ qua Lào, Campuchia và Thái Lan khi thực hiện chiến lược phát triển miền Tây và điều này đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt không những của các nước kể trên, mà cả những quốc gia hữu quan bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, trong 12 năm qua (2000-2012), Hội chợ Triển lãm Quốc tế khu vực miền Tây Trung Quốc đã trở thành cầu nối quan trọng của khu vực miền Tây trong việc hội tụ tài nguyên toàn cầu và đi vào thị trường quốc tế. Và miền Tây sẽ trở thành một cực tăng trưởng quan trọng trong chính sách mở cửa đối ngoại và phát triển kinh tế, cũng như trở thành trụ cột quan trọng của Trung Quốc trong hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới.

Phù Lưu - Bắc Ninh
_________________
Đăng bỡi: Tranhung09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét