Những “màn trình diễn sành điệu” liên
tiếp của TQ trên biển Đông làm cho VN – một đồng minh “thân thiết” của
TQ không thể không cảm thấy cay đắng. Đúng hơn, người dân VN cảm thấy
đầy cay đắng.
Lịch sử VN có rất nhiều bài học về đồng
minh, vấn đề là người ta có chịu học hay không? Khi quân Bắc VN sắp tràn
ngập Saigon, có người rỉ tai ông Dương Văn Minh, hãy để TQ thu xếp mọi
chuyện. Song, ông Minh đã từ chối. Ông nói, chúng ta đã hết theo Pháp
rồi theo Mỹ, cũng không đưa lại gì cho đất nước. Vậy bây giờ theo TQ
phỏng có ích gì? Thật đúng là một lời tiên tri!
Làm một đồng minh trong cuộc chiến ý thức
hệ, dù sao vẫn có niềm kiêu hãnh riêng của nó. Anh em nhà Ngô chống
Cộng rất mạnh mẽ song họ không để Hoa Kỳ thao túng toàn bộ đất nước. Họ
nhất quyết không cho người Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh, cũng không đồng ý
cho đưa quân vào (miền Nam), chỉ đồng ý cử cố vấn quân sự và viện trợ
kinh tế thôi. Người Mỹ rất bực tức và ra tay hành động, thế là nền Đệ
nhất Cộng hòa buộc phải cáo chung. Dù sao, cho đến giây phút cuối cùng,
về mặt con người, họ vẫn giữ được tư thế. Đại tá Nguyễn Hữu Duệ kể lại,
ông xin phép Tổng thống đem xe tăng, thiết giáp lên Bộ Tổng tham mưu để
bắt các tướng lãnh và dẹp đảo chính nhưng Tổng thống không cho. Ông Cao
Xuân Vỹ thưa: “Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng
thống. Chẳng lẽ để phải chết hay sao”? Ông quát lên: Chết thì đã sao?
Xét riêng về thái độ ấy, thật khác xa những người được gọi là “lãnh đạo”
đất nước, chỉ cố bám vào cái ghế quyền lực để vinh thân, phì gia, trong
khi cả tài năng và đạo đức của họ nếu chấm điểm thì chắc rằng chỉ được
“điểm dưới không”. Họ đáng “xấu hổ hơn cả sự xấu hổ”.
Nền Đệ nhị Cộng hòa vẫn không thoát ra
khỏi cái bóng của đồng minh lớn Hoa Kỳ – tất nhiên. Nhưng khi chiến lược
toàn cầu của Hoa Kỳ thay đổi, VNCH không còn là ưu tiên trong chính
sách của họ nữa, họ sẵn sàng bỏ rơi đồng minh. Nỗi cay đắng của một đồng
minh không tương xứng càng thêm sâu sắc. Người Mỹ đàm phán bí mật với
Bắc VN nhưng không cho đồng minh biết. Rồi họ ép VNCH ký Hiệp định Pari.
Thiệu không thể không ký, dù cố sức chống đỡ, dù viện hết lý do này đến
lý do khác. Thậm chí, Nixon còn nói với Kissinger về Thiệu: “Không thể
để cái đuôi chó vẫy được con chó”. Tất cả đã an bài, người Mỹ nhất quyết
ra đi. Một khi người Mỹ đã ra đi thì Nam VN khó mà chống nổi cuộc tấn
công của Bắc VN. Bài học rút ra, làm đồng minh với nước lớn thật không
hề dễ dàng.
Rồi đến nước VN thống nhất, đồng minh
thân thiết của đại gia đình XHCN mà đứng đầu là LX. Nỗi cay đắng của một
đồng minh vẫn còn tiếp tục. Nước VN có bốn ngàn năm lịch sử vẫn phải đi
xin viện trợ khắp thế giới. Người phụ trách chính về vấn đề này là Phó
Thủ tướng Lê Thanh Nghị. “Trời sinh ra anh Nghị. Lại sinh ra cái bị. Anh đi khắp năm châu. Kinh tế vẫn tắc tỵ” (thơ tướng Đinh Đức Thiện). Có cay đắng nào hơn?
Không phải lúc nào các nước cũng sẵn sàng
giúp VN. Hòa bình rồi, chúng mày phải tự làm lấy mà ăn chứ, chúng tao
cũng chẳng giàu có gì – đám chuyên viên các nước không dấu vẻ khinh bỉ
nói với đám chuyên viên VN khi họ tháp tùng “các Cụ” lãnh đạo. Còn ông
Võ Văn Kiệt, từ Saigon ra Hanoi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà
nước, theo thông lệ, liền đi các nước xin viện trợ và ông đã thấy rõ thế
nào là sự cay đắng. Về nước, ông quyết tâm thay đổi cách làm. Cả ông
Trường Chinh cũng vậy. Sang Moscow, ông không còn có thể “xin xỏ” gì ở
Goócbachốp nữa, vì bấy giờ LX tự lo cho họ còn chưa xong, nói gì VN. Ông
đành trở về và hạ quyết tâm “đổi mới hay là chết”!?
Bây giờ, chúng ta nói về đồng minh lớn
TQ. Nỗi cay đắng đối với đồng minh “thân thiết” này càng chưa thể chấm
dứt. Không cần nhìn lại lịch sử, chỉ gần đây thôi, TQ cũng đã gây cho VN
biết bao nhiêu là cay đắng. Vẫn là nỗi cay đắng của một đồng minh không
tương xứng. Càng cay đắng hơn nữa khi mà TQ hết bày ra trò ngang ngược
này đến trò ngang ngược khác mà VN vẫn cứ “an nhiên chịu đựng”? Người
dân VN tự hỏi, vì sao và vì cái gì? Và thế giới cũng sẽ đặt câu hỏi
tương tự. Dù câu trả lời đã rõ ràng thì nỗi cay đắng của một đồng minh
đã và sẽ vẫn tiếp tục…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét