“Tư bản đỏ Trung Quốc” đang lũ lượt ra
đi. Có một thứ hàng xuất khẩu từ Trung Quốc mà dường như hiện nay không
ai ngăn cản nổi – đó là các triệu phú (đô la). Nói cách khác, những tư
bản đỏ ngày nay không còn tin vào cái gọi là kinh tế thị trường theo đặc
tính XHCN Trung Quốc, với quá nhiều đe dọa bất an tiềm ẩn. Họ tìm cách
ra đi không phải với hai bàn tay trắng, nhưng với số của cải tích góp
được một cách bất thường trên lưng hơn một tỷ người nghèo khắp lục địa
này.
Phạm N Bình
Với những tiềm năng phát triển lớn lao, ngày nay Trung Quốc đã trở thành
một đất nước có nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Nhưng càng
đến gần thời điểm đại hội lần thứ 18 của đảng vào tháng 10 năm nay,
những người sắp ra đi và những người chuẩn bị tiếp nhận quyền lực đều
nhận thức rằng họ đang đối diện với một vấn nạn ngày càng lớn. Đó là
tính chính danh, tính hợp pháp chính trị của cả chế độ và của giới lãnh
đạo ở thượng đỉnh. Nói một cách cụ thể hơn, trong mắt dân chúng, những
gì mà họ đã từng được nghe suốt mấy thập niên qua về một chính phủ dựa
trên lý tưởng công bằng xã hội cộng sản thì nay chỉ thấy từng tập đoàn
quyền hành cùng với hệ thống tham nhũng sâu rộng, và một số đại gia tư
bản cực kỳ giàu có rút ruột từ nguồn tài sản quốc gia.
Trong tình trạng tham nhũng lan tràn trên toàn xã hội Trung Quốc như
hiện nay, ước lượng mỗi năm có khoảng 50 tỷ đô la theo chân cán bộ quan
chức và gia đình họ rời khỏi đất nước. Đó là một trong nhiều chi tiết
được đưa ra trong một bài báo của Jonathan Manthorpe của tờ Vancouver
Sun, Canada ngày 13/7/2012. Những nhà giàu mới ở Trung Quốc mệnh danh
“tư bản đỏ” từng ngày từng giờ đang ráo riết tìm chỗ trú thân an toàn ở
các nước Tây Phương. Làn sóng này đã bắt đầu trong mấy năm qua nhưng gia
tăng càng lúc càng nhanh trước các biến động xã hội lẫn chính trị tại
đây.
Theo Jonathan Manthorpe, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 90%
trong số hơn 300 thành viên của Ủy ban Trung ương đảng Cộng Sản Trung
Quốc đã đưa một phần gia đình ra sống ở nước ngoài hoặc đã xin làm công
dân nước ngoài. Đây là các đầu cầu để chuyển tài sản hiện nay và để làm “nơi tỵ nạn” trong tương lai khi có biến động chính trị tại Trung Quốc.
Còn giới giàu có nói chung, khoảng 60% cho biết đang trong tiến trình
xin di dân hoặc đã có ý định làm việc này trong thời gian trước mặt.
Biến cố Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nguyên bí thư thành ủy Trùng Khánh (Chong
Qing), bị bắt chờ ngày ra tòa càng khiến giới tư bản đỏ không còn cảm
thấy an toàn dù ở bất kỳ vị trí nào, và càng gấp rút tìm đường đi ra
nước ngoài cùng với số tài sản hiện có.
Vào cuối năm 2011, một nghiên cứu khác, có vẻ “hiền lành” hơn, được
chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện, cũng cho thấy từ giữa
thập niên 1990, ít là khoảng 125 tỷ USD đã lẻn ra khỏi đất nước theo
chân của hơn 16.000 cán bộ, công chức và những người thân của họ.
Từ một nguồn khác nữa, ký giả John Sudworth của BBC News từ Thượng Hải
ngày 22/8/12 tường thuật hiện tượng “Tư bản đỏ Trung Quốc” lũ lượt ra
đi. Ông viết: “có một thứ hàng xuất khẩu từ Trung Quốc mà dường như hiện
nay không ai ngăn cản nổi – đó là các triệu phú”. Điển hình như Louie
Huang, một trong những người giàu nhất Thượng Hải (Shanghai) nhờ kinh
doanh bất động sản. Ông Huang thừa nhận với nhiều người bạn giàu có khác
rằng tình hình không còn an toàn cho những người như ông tại Trung Quốc
nữa. Con đường duy nhất là tìm cách ra nước ngoài sinh sống.
Ông nói: “Hầu hết họ nghĩ rằng tôi có quá nhiều tiền ở đây. Rồi sẽ tới ngày chính phủ thay đổi chính sách và lấy lại hết“. Đó
cũng là điều lo lắng của nhiều người thuộc giới siêu giàu Trung Quốc
nay đang tìm cách thoát đi. Nó cũng cho thấy mặt thật của đời sống chính
trị, kinh tế của Trung Quốc, tức không hề có một xã hội ổn định như
hình ảnh mà đảng muốn trưng ra trước thế giới. Nói cách khác, những tư
bản đỏ ngày nay không còn tin vào cái gọi là kinh tế thị trường theo đặc
tính XHCN Trung Quốc, với quá nhiều đe dọa bất an tiềm ẩn. Họ tìm cách
ra đi không phải với hai bàn tay trắng, nhưng với số của cải tích góp
được một cách bất thường trên lưng hơn một tỷ người nghèo khắp lục địa
này.
So với năm 2006, chỉ có 63 visa EB-5 — tức loại visa đầu tư để định
cư tại Hoa Kỳ — được cấp cho các công dân Trung Quốc; thì năm 2011, con
số này nhảy vọt lên 2.408 visa; và trong năm 2012, chỉ trong 6 tháng đầu
năm, con số này đã vượt quá 3.700 visa.
Giới giàu Trung Quốc không chỉ chạy sang Mỹ mà thôi. Hiện nay họ còn là
một trong các luồng di dân lớn nhất vào Australia. Số liệu công bố năm
2011 cho thấy lần đầu tiên di dân Trung Quốc vào Australia đã vượt qua
số người từ Anh Quốc. Tại Canada, con số các “nhà đầu tư” Trung Quốc
được cấp quy chế thường trú tại Canada đã tăng gấp đôi trong vòng hai
năm.
Theo hãng tin AFP, hiện tượng tài phiệt Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào rượu
Pháp cũng đang gia tăng. Sau khi “xâm nhập” vào lãnh địa rượu Bordeaux,
các tay tài phiệt Trung Quốc “tấn công” vào rượu Bourgogne bằng những số
vốn khổng lồ. Bên cạnh lý do thuần túy thương mại, đây còn là lý cớ để
xin nhập cư vào Pháp.
Những kẻ nằm ở thượng tầng xã hội Trung Quốc thấy rõ là tương lai của
chính họ rất bấp bênh. Nền kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng bất
tận. Tình trạng hụt hơi đã hiện rõ trong những năm gần đây. Không chỉ
những người nghèo tại Trung Quốc có thể nổ tung bất kỳ lúc nào mà cả
các đồng nghiệp của họ cũng có thể lôi cổ họ ra làm “dê tế thần” để xoa
dịu dân chúng bất kỳ lúc nào. Hôm qua còn ngất ngưỡng trên đỉnh cao
quyền lực, hôm nay đột nhiên tán gia bại sản là chuyện thường ngày ở
quốc gia này. Sự kiện vợ chồng ông Bạc Hy Lai thực sự khiến họ run sợ
đến tận xương tủy, vì không mấy ai trong số này có nhiều quyền lực như
ông Bạc đã từng nắm giữ.
Cùng lúc với các diễn văn lên án các giá trị Tây Phương, hầu hết giới
lãnh đạo Trung Quốc đều gửi con cái đi học ở cái trường Tây Phương và
tìm cơ hội sống ở nước ngoài để làm đầu cầu chuyển tiền. điều này thoạt
nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại là sự thật đối với đại đa số lãnh đạo cao
cấp của nhà nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trong một bài báo của Washington Post ngày 18/5/2012, hai ký giả Andrew
Higgin và Maureen Fan đã đưa ra một cái nhìn thật sâu sắc về sự thật
không còn che giấu được ấy. Con cái của giới quý tộc đỏ được gọi là
“Thái tử đảng” (princelings) đã có mặt ở hầu hết các trường đại học tư
danh tiếng ở Mỹ. Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc và sắp lên ngôi
tổng bí thư đảng, có người con gái Tập Minh Trạch (Xi Mingze) đang theo
học trường đại học Harvard từ năm 2010. Hai trong số các tổng bí thư
đảng là Giang Trạch Dân và Triệu Tử Dương cũng có cháu nội và cháu ngoại
học ở trường này. Bốn quan chức cấp cao khác của Đảng như Hoàng Hoa
(Huang Hua), Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing), Bạc Hy Lai (Bo Xilai và Trần
Vân (Chen Yun) đều có con và cháu theo học tại Hoa Kỳ. Thái tử đảng đình
đám nhất gần đây là Bạc Qua Qua (Bo Guagua), theo học tại Trường Quản
lý Hành Chính Kennedy, thuộc Đại học Harvard. Cha của anh ta là cựu Bí
thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai hiện đang bị thất sủng và mẹ là Cốc
Khai Lai bị án tử hình treo về tội giết người.
Tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét