1. Mấy tháng nay cả nước nhìn về thủy điện
sông Tranh II. Đầu tiên là các vết nứt thân đập, xử lý mãi mà vẫn rò rỉ nước.
Tranh luận loạn xà ngầu giữa nhà đầu tư, quản lý với báo chí, dân tình, các nhà
khoa học…Chưa xong thì tiếp tục có những
cuộc động đất liên hồi kỳ trận. Khi các nhà quản lý, khoa học tiếp tục tranh
luận về các cơn rung lắc thì động đất tiếp diễn như cơn lên đồng. Bà con dưới
chân đập nghỉ cả làm ăn để lo nhà cửa, đối phó với nguy cơ, người thì bỏ vào
rừng dựng lều trại ở tạm để khỏi sợ hãi…EVN thì nói họ đã khảo sát kỹ trước khi
xây dựng nên có thể yên tâm. Cứ liệu khoa học mà EVN dẫn ra vừa qua đã bị tiến
sỹ Lê Trần Chấn cho rằng, EVN đã sao chép và bóp méo thông tin của ông nghên
cứu về động đất, không liên quan gì đến vùng sông Tranh, nhất là thủy điện sông
Tranh. Còn mấy hôm nay thì các nhà khoa học trong một điều tra độc lập cho rằng
đã sai lầm khi chọn địa điểm xây dựng đập thủy điện này. Chưa ngã ngũ ai sai ai
đúng? Nhưng động đất thì không biết cả nhà quản lý lẫn các nhà khoa học. Hôm
qua ở Hải Phòng và Hà Nội còn có cơn động đất nhẹ. Không biết hiện tượng động
đất liên tục ở Việt Nam
vào thời điểm này có liên quan gì đến nhau?
Có hai việc khiến mình nghĩ rất khác về thủy
điện: cách đây mấy năm, một lần mình được tiếp một người đến liên hệ công việc,
vốn là một quan chức nhỏ trong nghành ngoại giao đã về hưu. Ông này đi cùng vợ.
Bà vợ vui miệng khoe là dù về hưu nhưng chưa được nghỉ vì đang bận dự án thủy
điện mà gia đình bà đang đầu tư. Mình ngạc nhiên vì sao tư nhân được xây thủy
điện. Bà ta giải thích là giờ đã xã hội hóa việc xây dựng các đập thủy điện
rồi. Ra là thế…
Thứ hai, những năm 70, 80, khi vừa mới xây
dựng thủy điện Hòa Bình, mình được đọc tài liệu tham khảo của TTXVN mà bố mình
thường mang về nhà. Trong đó có ý kiến phản biện rằng, nếu xây dựng đập thủy
điện Hòa Bình thì sông Hồng sẽ không còn. Hơn 100 năm nữa sinh thái đồng bằng
bắc bộ sẽ thay đổi cơ bản theo hướng bị sa mạc hóa và sẽ biến mất. Mấy năm gần
đây khi tiến hành khảo sát chuẩn bị xây dựng thủy điện Sơn La cũng có một tài
liệu phản biện nói rằng nguy cơ tiềm ẩn với Hà Nội là nhãn tiền: Sơn La nằm
trên vùng đất hay có động đất. Nếu đập Sơn la có sự cố thì chỉ sau 30 phút, một
chiếc xe tăng ở Sơn Tây sẽ bị dòng nước thổi bay như một chiếc lá…Hà Nội sẽ
ngập dưới 60 mét nước. Sau đó các ý kiến phản biện bị cấm đăng trên các báo. Ý
kiến phản biện của các nhà khoa học bị xếp xó. Mình thì luôn nhớ rằng, Hà Nội
sẽ nằm dưới một túi nước khổng lồ khi đạp thủy điện Sơn La tích đủ nước để chạy
máy.
Tóm lại: hiện cả nước có bao nhiêu đập thủy
điện lớn nhỏ? Các thủy điện này được qui hoạch chặt chẽ thế nào, nhất là khi đã xã hội hóa xây dựng thủy điện? Các khảo sát
khoa học chính xác ra sao? Những tính toán rủi ro về cả kinh tế lẫn dân sinh
đến đâu? Ai có thể đưa ra những câu trả lời xác đáng, có độ tin cậy tương đối?
Phát triển bền vững có bao giờ là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách kiến tạo nên những kế hoạch phát triển?
2. Hôm qua Thủ tướng quyết định “dọn dẹp” các
quả đấm thép bằng việc chính thức ra quyết định kết thúc thí điểm hình thành
tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và tập đoàn Phát triển nhà và đô
thị Việt Nam (HUD). Một cái chết yểu vào năm thứ hai. Trước đây để cho ra đời
các chabol trực thuộc Thủ tướng, người ta hết lời ca ngợi, hết lòng ủng hộ, hết
sức vun vén tiền bạc, con người cho sự phát triển của nó. Giờ thì chưa lớn đã
chết yểu…Còn nhiều cái chết lâm sàng của các công tử do được cha mẹ yêu chiều,
thương nhớ nên vẫn đang được cắm ống xông, ống thở để tiếp tục đời sống thực
vật.
Liệu có chính phủ nào dùng tiền thuế của dân
để làm một cuộc thí điểm hoành tráng ở các lĩnh vực như vậy không? Căn cứ nào
để thành lập các tập đoàn? Nguyên tắc hoạt động của các tập đoàn là gì mà thất
bại nhanh hơn bắn pháo hoa? Bởi lúc nào dân cũng được nghe câu trả lời: bổ
nhiệm đúng qui trình. Làm việc đúng qui trình. Thực hiện đúng qui trình…Vậy ai
sẽ đứng ra trả lời kết quả thí điểm này? Ai là người chịu trách nhiệm chính trị
và hình sự theo đúng qui trình pháp luật?
3. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp là sẽ tổ chức
thi tuyển ứng viên cho chức vụ trưởng. Nhưng…Ứng viên phải là công chức, viên
chức trong quy hoạch lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;
công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị,
chính trị - xã hội từ TW đến địa phương. Viên chức phải có chứng chỉ quản lý
nhà nước ngạch chuyên viên chính đối với đăng ký dự thi chức danh lãnh đạo cấp
vụ, hoặc có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên đối với đăng ký dự thi
chức danh lãnh đạo cấp phòng. Vậy là dù thế nào thì các ứng viên này phải nằm
trong diện “qui hoạch”. Và khi phấn đấu vào diện “qui hoạch” thì kiểu gì các
ứng viên đã lo cho mình trước đó những giấy tờ, văn bằng cần thiết để tham gia
thi tuyển. Thế nên mới có những bằng cấp ất ơ tận đẩu tận đâu từ trường đại học
không ai biết ở bên kia Nam Thái Bình dương cấp cho quan chức nhà ta. Cuối cùng
cuộc thi tuyển trước hội đồng gồm 7 vị chỉ còn là hình thức và ai dám chắc tất
cả đều vô tư chấm điểm cho các ứng viên? Sau này nếu ai đó chấp chính và có sai
phạm thì người ta lại lên báo chí nói rằng: bổ nhiệm đúng qui trình.
4. Hội nghị TW6 đang họp, trong đó có bàn một
việc rất quan trọng: qui hoạch cán bộ cấp chiến lược. “Tại hội nghị này, Trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ thể
mà chủ yếu tập trung cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc,
phương châm, nội dung của việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nội
dung công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bao
gồm: yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể; độ tuổi tham gia quy
hoạch; số lượng, cơ cấu của quy hoạch; đối tượng và điều kiện lựa chọn cán bộ
đưa vào quy hoạch; quy trình phát hiện, giới thiệu, lựa chọn và quyết định
nguồn quy hoạch; quản lý và thực hiện quy hoạch”.
Chưa bao giờ cán bộ được đề bạt không thuộc
diện được qui hoạch theo tiêu chuẩn “vừa hồng, vừa chuyên”. Người đi trước “qui
hoạch” cho người đi sau theo “khẩu vị” và “quyền lợi” của người đó. Mỗi khi có
sự chuẩn bị thay thế hàng ngũ lãnh đạo, ít có cơ quan nào giữ được sự đoàn kết,
nhất trí và tin tưởng lẫn nhau. Chức vụ càng cao việc qui hoạch, bồi dưỡng càng
được những lãnh đạo cấp cao “quan tâm chỉ đạo sát sao”. Đến giờ nhìn lại “thành
quả” của lớp lớp cán bộ được qui hoạch xem thế nào: Nghèo đói – Bất công – Nhóm
lợi ích – Mất dân chủ, nhân quyền – Lạm phát – Chậm phát triển – Bè phái –
Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội…
Vậy việc qui hoạch liệu có thực sự cần và quan
trọng như từ lâu người ta vẫn tưởng? Sẽ không thể có lãnh đạo giỏi nếu cơ chế
“qui hoạch” bí ẩn, bí mật và theo bè phái như hiện nay. Chắc chắn Việt Nam không thiếu
người giỏi, chỉ thiếu bản lĩnh, thiếu tấm lòng, thiếu sự minh bạch trong sử
dụng người giỏi mà thôi.
Rồi nhìn ra thế giới mà mơ: Hiện nay, Tổng
thống Obama bắt đầu buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình với đối
thủ của ông là nghị sỹ Mitt Romney trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Họ vui đùa với
nhau trước khi bước vào cuộc khẩu chiến thực sự. Hai bà vợ của hai đối thủ cũng
ân cần trao nhau nụ hôn. Nội dung khẩu chiến của họ là vì nước Mỹ, vì sự phát
triển chứ không phải nhằm vào cá nhân của ai. Tất cả diễn ra công khai trước
các cử tri, những người có quyền quyết định lựa chọn cho lá phiếu của mình để
bầu ra lãnh đạo đất nước.
Bao giờ người dân được tham gia vào “qui
hoạch” lãnh đạo đất nước với sự công khai, minh bạch thì khi đó mới hy vọng có
người giỏi để lãnh đạo đất nước phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét