Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Nhập siêu từ Trung Quốc là bình thường!


Thứ Năm, 04/10/2012 22:48

Đó là ý kiến của ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương

* Phóng viên: Theo số liệu 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, trong khi Việt Nam xuất siêu được 34 triệu USD thì riêng thị trường Trung Quốc (TQ) lại nhập siêu đến 11,3 tỉ USD ?
- Ông Đào Ngọc Chương: Việc chúng ta nhập siêu nhiều từ TQ cần phải phân tích kỹ cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước. Trong tay tôi có số liệu của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 8, chúng ta xuất khẩu vào TQ hơn 8,3 tỉ USD và nhập khẩu hơn 18,2 tỉ USD (nhập siêu gần 10 tỉ USD). Trong đó, 10 mặt hàng chủ yếu nhập khẩu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu chiếm hơn 15 tỉ USD gồm máy móc, thiết bị; dụng cụ, phụ tùng khác 3,41 tỉ USD; điện thoại các loại và linh kiện 2,09 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2 tỉ USD; bông vải sợi nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xăng dầu thành phẩm, khí đốt hóa lỏng và các sản phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu chất dẻo, phân bón thức ăn gia súc... Đến 90% nhập khẩu từ TQ là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất trong nước. 
 
  * Như vậy, chúng ta đang quá phụ thuộc vào một thị trường. Trường hợp có trục trặc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế?
- Chúng ta phụ thuộc vào TQ bởi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu. Phải nhìn nhận nếu không nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ TQ, chúng ta cũng phải nhập từ các thị trường khác, trong khi nhập từ TQ có ưu thế về địa lý (gần nên vận chuyển đỡ tốn kém), giá cả cũng cạnh tranh hơn... Về lâu dài, giảm nhập siêu bằng cách tăng xuất khẩu hoặc đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các ngành công nghiệp đầu vào, bởi phụ thuộc vào một thị trường là không có lợi.
 
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

* Dư luận lo ngại TQ đang có chiến lược đẩy hàng ngàn thiết bị công nghệ lạc hậu sang các nước.
Nếu chúng ta cứ gia tăng nhập máy móc thiết bị TQ sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ?
- Tôi không có con số thống kê cụ thể về số lượng các dự án trúng thầu của nhà thầu TQ nhưng theo tôi biết thì con số này không nhiều. Chỉ một vài gói thầu triển khai ngay sau khi trúng thầu nhưng cũng không hẳn là máy móc thiết bị của TQ ào ạt tràn vào nước ta ngay được. Về lo ngại sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ lạc hậu từ TQ, đó là chủ trương của TQ nhưng Việt Nam và các nước ASEAN đều có đối sách về việc này. Hiện Chính phủ có quy định cấm nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, lạc hậu đã qua sử dụng...
* Thế còn hàng tiêu dùng, rau củ quả kém chất lượng, chứa chất độc hại từ TQ vẫn tràn lan trên thị trường, sao chúng ta không ngăn chặn?

- Nhìn vào thống kê xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm, lượng rau củ quả Việt Nam xuất sang TQ là 150 triệu USD, nhập về 98 triệu USD. Chúng ta đang xuất siêu đấy chứ! Tỉ lệ hàng tiêu dùng nhập khẩu từ TQ là rất thấp, do chúng ta thấy hàng TQ tràn ngập thị trường, đầy ắp trong siêu thị nên có cảm giác nhập siêu nhiều. Quan hệ buôn bán hai nước được quản lý theo đường chính ngạch nhưng do địa lý nên tình trạng buôn bán hàng hóa qua cửa phụ, lối mòn, buôn lậu trên biển là rất nhiều.
Vì vậy, các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả… dù cố gắng vẫn không kiểm soát hết được.
THÁI PHƯƠNG thực hiện
đọc thêm:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét