Trong nhiều năm qua chúng ta đã được nghe nhiều và đọc nhiều về những câu chuyện thương tâm, tràn đầy nước mắt về những vụ cô dâu người Việt lấy chồng người Đài Loan từ Việt-Nam hoặc những cô dâu người Việt lấy chồng người Đại Hàn từ Việt-Nam v.v…, mà người ta thường gọi tắt là những Cô Dâu Đài Loan hoặc những Cô Dâu Đại Hàn và gần đây lại có thêm cô dâu Tân Gia Ba.
Hôm nay chúng tôi xin cống hiến đến đọc giả hai câu chuyện tình cảm cũng khá thương tâm của 2 Việt kiều mang quốc tịch Hoa Kỳ về Việt-Nam lấy vợ, nhưng nội dung của 2 câu chuyện tình cảm này không đến nỗi làm cho đọc giả phải rơi lệ như những câu chuyện Cô Dâu Đài Loan, Cô Dâu Đài Hàn hay Cô Dâu Tân Gia Ba, mà chúng tôi xin tạm gọi tắt 2 câu chuyện này là những Chú Rể Việt Kiều. Câu chuyện thứ nhất có liên hệ đến Đạo Luật Gia Đình của Hoa Kỳ (US Family Law), bao gồm luật ly dị (Divorce Law). Câu chuyện thứ hai có liên hệ đến Luật Di Trú Hoa Kỳ (US Immigration Law) mà chúng tôi sắp trình bầy dưới đây, để chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm những điều pháp lý mà nhiều người trong chúng ta có thể không để ý tới, hoặc không muốn biết tới; chứ chúng tôi hoàn toàn không có ý định bênh vực, phê phán hay chê trách những nhân vật chính trong 2 câu chuyện xẩy ra, có nội dung hoàn toàn khác biệt nhau như sau:
Ông Ron (tên Mỹ khi nhập tịch) 65 tuổi, vợ chết đã được hơn 6 năm, tất cả 3 người con đã lập gia đình, có 3 cháu nội và 2 cháu ngoại. Ngay khi vợ ông qua đời, mỗi gia đình người con đều nài nỉ mời ông về chung sống với con cháu của ông, nhưng ông đều từ chối vì sợ sự có mặt của ông sẽ gây phiền hà đến đời sống riêng tư của mỗi gia đình con cháu, nên ông vẫn quyết tâm sống một mình trong căn nhà chứa chan nhiều kỷ niệm hạnh phúc trong nhiều năm với người vợ yêu quý nhất đời của ông, mà nay chỉ còn lại mình ông sống lẻ loi trong căn nhà vắng lạnh này. Vì thấy Bố mình sống cô đơn, không có ai săn sóc và lại mang trong người 2 căn bệnh cao máu và tiểu đường, cộng thêm kém trí nhớ hay quên, nên các con khuyến khích Bố đi về Việt-Nam lấy vợ, để có người săn sóc Bố trong lúc tuổi đang xế chiều, có khi được Chúa gọi về với Ngài bất thình lình, lúc nào không hay biết. Ông đồng ý chiều theo ý muốn của các con đi về Việt-Nam cưới vợ. Nhưng trước tiên lấy vợ, ông cần phải suy nghĩ rất kỹ lưỡng là nên lấy vợ già hay vợ trẻ, già là bao nhiêu tuổi mà trẻ là bao nhiêu tuổi? Ông nhận thấy nếu lấy người chỉ kém ông vài tuổi từ 60 trở lên, thì tuổi này bắt đầu dễ bị ốm đau hoặc mang bệnh nan y qua kinh nghiệm đời sống của các bạn ông và lấy vợ về như thế, chẳng ai săn sóc cho ai được, mà chỉ làm khổ cho nhau, thà sống như ông thế này còn sướng hơn. Còn nếu lấy vợ trẻ quá thì chẳng khác nào nuôi chim trong lồng không có cửa đóng, khi chim mọc đủ lông đủ cánh, nó sẽ bay đi ra khỏi lồng lúc nào không biết; hơn nữa con gái lớn nhất của ông đã 38 tuổi rồi, nếu lấy cô nào trẻ tuổi hơn con gái ông thì coi sao được. Suy đi tính lại kỹ càng, cuối cùng ông đã lấy cô vợ 45 tuổi, vì ông nghĩ rằng tuổi này vẫn còn khỏe mạnh, ít đau ốm, có thể săn sóc sức khỏe của ông được và dù sao vợ ông vẫn lớn hơn con gái đầu lòng của ông tới 7 tuổi, các con ông sẽ không bị ngượng ngùng khi phải xưng hô với vợ ông bằng Dì hay bằng Cô. Nhưng còn một điều khá quan trọng mà ông không để ý đến, là tuổi của ông đã lớn hơn vợ mình tới 20 mùa xuân, mà ở tuổi 45 vẫn là thời điểm kéo dài của mùa xuân đầy hoa nở rực rỡ, tràn đầy sức sống, và như người ta thường nói: Hoa có tươi tốt là nhờ siêng năng tưới nước, quả có ngon ngọt là nhờ phân bón tốt.
Sau hơn 2 năm chung sống tương đối hạnh phúc và vợ ông đã nhận được thẻ thường trú chứng nhận vợ ông là một di dân hợp pháp tại Hoa Kỳ (US Immigrant). Thế rồi đùng một hôm, ông cảm thấy khó thở, muốn ngồi dậy ra khỏi giường nhưng không làm sao có thể ngồi dậy được, ông bèn bảo vợ ông gọi 911 đến đưa ông vào nhà thương. Sau khi ông được xe cứu thương đưa vào phòng cấp cứu tại nhà thương, vị bác sĩ điều trị khám nghiệm ông, cho ông biết là ông đã uống thuốc cao máu quá liều (over dose), làm cho máu bị hạ xuống quá thấp, dưới mức độ thấp nhất và làm cho nhịp tim đập quá chậm, dưới nhịp đập chậm thấp nhất, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng nếu không kịp chữa trị. Vừa nghe xong lời bác sĩ giải thích, ông đã hiểu ngầm ngay lý do tại sao lại xẩy ra nông nỗi này. Như đoạn trên đã nói, ông bị kém trí nhớ, hay quên nên sau khi lấy vợ về, ông giao cho vợ ông 2 thứ thuốc cao máu và thuốc tiểu đường, để vợ ông nhớ đưa thuốc cho ông uống mỗi ngày, hễ bất cứ lúc nào vợ đưa thuốc cho ông là ông uống, không cần để ý đến đã uống thuốc rồi hay chưa uống, vì ông hoàn toàn tin cậy vào vợ ông. Nhưng bây giờ sự việc này xẩy ra như thế này, ông đâm ra nghi ngờ, hay vợ ông không còn thương yêu ông nữa nên đã đưa thuốc cho ông uống quá liều, để tiễn đưa ông đi sang bên kia thế giới chăng? Tuy nhiên ông vẫn còn một tia hy vọng, có thể đây chỉ là một tai nạn xẩy ra bất ngờ, ngoài ý muốn của vợ ông chăng? Muốn biết sự thật có phải như thế hay không, ông cần phải giữ thái độ im lặng để chờ đợi thời gian trả lời.
Khoảng chưa đầy 1 tháng sau ngày sự việc xẩy ra vừa kể trên, vợ ông âm thầm bỏ nhà ra đi, để lại một lá thư nêu lên một lý do rất đơn giản, là chúng ta không thể hòa hợp để tiếp tục chung sống với nhau như vợ chồng được nữa, tình nghĩa đôi ta có thế thôi, em xin từ giã anh, hẹn gặp lại anh kiếp sau. Hai tuần lễ sau, ông nhận được thỉnh nguyện thư do luật sư của vợ ông gửi tới, liệt kê những điều kiện xin ly dị ông và nếu ông đồng ý với những điều kiện này, thì xin ông ký tên vào, để tránh cho cuộc tranh tụng trước Tòa Án trong tương lai. Nhưng ông không thể chấp nhận tất cả những điều kiện đòi hỏi của luật sư đưa ra, nên nội vụ đã được xét xử trước phiên tòa và tòa phán quyết tất cả tài sản hay bất động sản hiện ông đang có, kể cả mọi khoản tiền gửi trong ngân hàng của ông, đều phải được chia đôi: Một nửa cho vợ ông và một nửa cho ông. Căn nhà ông đang ở trị giá $200.000 và chiếc xe hơi Lexus ông đang lái trị giá $65.000, cả hai không còn thiếu nợ ngân hàng, cũng được chia đôi, vì ông đã không làm thủ tục giấy tờ liệt kê những tài sản nào của ông đã có trước khi cưới vợ (Prenuptial), mà ông muốn giữ làm của riêng của ông, để sau này ông muốn cho ai thì cho. Ông nói với chúng tôi rằng: Thôi thì của đi thay người như người ta vẫn thường nói; hơn thế nữa ông vẫn còn cơm ăn chốn ở là phúc đức của Ông Bà Cha Mẹ để lại cho ông, bằng không giờ phút này, ông đã mặc sơ mi gỗ, ra nằm ngoài nghĩa địa rồi hoặc nếu còn sống sót, thì trên người có thể chỉ còn chiếc áo may ô và chiếc quần xà lỏn, ôm khăn gói quả mướp đi ra ngoài đường ở, để trở thành kẻ vô gia cư (Homeless). Mới chưa đầy 8 tháng sau khi bản án ly dị được ban hành, người vợ cũ của ông đã kết hôn với một người đàn ông, trông trẻ hơn nàng rất nhiều. Đây là lý do để ông tin rằng nàng cho ông uống thuốc quá liều, là một âm mưu ám hại cho ông chết sớm, để được thừa hưởng tất cả tài sản của ông, cộng thêm số tiền bồi thường bảo hiểm sinh mạng của ông là $100.000 nữa, để bước sang thuyền khác. Tuy nhiên, ông vẫn còn may mắn một điều là đang hưởng tiền già, nên ông không phải trợ cấp tiền cho vợ (Alimony) hàng tháng.
Câu chuyện thứ hai có liên quan đến Luật Di Trú Hoa Kỳ. Anh Jack (đổi tên Mỹ khi nhập tịch) cũng về Việt-Nam lấy cô vợ trẻ đẹp, kém anh 10 tuổi. Từ ngày bảo trợ cho vợ sang đây đã được gần 1 năm, anh giữ vợ ở nhà, không cho đi làm việc và ngoại trừ họ hàng và bạn bè thân thiết của anh ra, vợ anh không được quyền giao thiệp với bất cứ ai, sợ vợ mình bị người khác dụ dỗ mất vì nhan sắc và tính tình vui vẻ của nàng. Anh là một kỹ sư làm việc lâu năm cho một hãng chuyên môn chế tạo máy vi tính, nên lợi tức hàng năm của anh rất cao, đủ khả năng tài chánh để cung cấp tất cả những gì mà vợ anh muốn.
Nhưng đùng một hôm, vào lúc ban ngày anh còn đang làm việc trong sở, vợ anh dùng điện thoại ở nhà gọi số 911 yêu cầu được cấp cứu, chỉ vài phút sau cảnh sát và xe cứu thương đến nhà anh. Qua thông dịch viên, vợ anh kể cho cảnh sát biết là nàng bị người em trai của chồng hãm hiếp cách đây khoảng một giờ và bị chồng đánh đập nhiều lần, nhốt nàng ở nhà gần một năm nay, không cho đi làm, nàng còn chỉ cho cảnh sát thấy một vài vết bầm tím ở trên hai cánh tay của nàng, nàng yêu cầu cảnh sát đem nàng ra khỏi căn nhà này. Vừa nghe nàng kể xong, không cần biết đâu là sự thật, trong lúc cậu em chồng còn đang ngủ say trên giường ở trong phòng riêng của cậu, vì cậu phải đi làm việc cả đêm, mới về nhà ngủ sáng nay, cảnh sát liền mở cửa vào phòng cậu, ra lệnh cho cậu ngồi dậy và còng luôn hai tay cậu lại, dẫn cậu lên xe cảnh sát để đưa cậu về trại tạm giam Đồng thời cảnh sát cũng báo nàng thu dọn quần áo và đồ dùng cá nhân mang theo, để họ sẽ đưa nàng đến một nơi trú ẩn an toàn trước khi người chồng từ sở làm việc trở về nhà.
Vì không có đủ tang chứng là người em trai hiếp dâm chị dâu, nên sau 3 ngày bị tạm giam, người em trai đã được trả tự do trở về nhà. Còn người chồng cũng bị truy tố ra tòa về tội bạo hành vợ, nhưng may mắn nhờ có luật sư biện hộ, nên chỉ bị lãnh bản án 3 năm tù treo, vì người vợ có giấy chứng thương của bác sĩ chứng nhận những vất bầm tím trên hai cánh tay là bị đánh đập. Người chồng cho chúng tôi biết là trong phiên tòa xử, Công Tố Viện không đưa ra được một bằng chứng nào khác hay nhân chứng nào khác là có thấy anh đánh vợ, mà chỉ căn cứ vào lời khai của vợ anh và giấy chứng thương của bác sĩ. Lẽ dĩ nhiên chỉ ít lâu sau đó, người vợ của anh đã nhờ luật sư đệ đơn ở tòa xin ly dị chồng về tội bạo hành thể xác đối với người vợ và mặc dầu người vợ mới lập hôn thú với người chồng có quốc tịch Hoa Kỳ chưa đủ 2 năm sống tại Hoa Kỳ, mà đã dám ly dị chồng, nhưng vẫn được quyền ở lại Hoa Kỳ theo diện di dân, không bị trục xuất trả về nguyên quán. Vì theo Luật Di Trú, một trong hai người phối ngẫu, không bị giới hạn thời gian phải ở Hoa Kỳ là bao lâu, nếu thực sự người nào là nạn nhân của hành động bạo hành của người kia trong gia đình, thì được quyền hưởng chế độ nhân đạo để được phép ở lại Hoa Kỳ là thường trú nhân.
Như chúng tôi đã minh xác ngay ở phần đầu của bài viết này, là chúng tôi không hề có ý định bênh vực, phê phán, hay chê trách bất cứ một nhân vật nào trong hai câu chuyện vừa kể trên, mà chúng tôi chỉ kể lại những dữ kiện đã xẩy ra, có liên quan đến vấn đề pháp lý, để cho những ai đang ở trong hoàn cảnh tương tự như thế này, hoặc những ai sắp sửa bước vào một trong hai trường hợp tương tự như vừa kể trên, thì cần lưu ý đến 2 yếu tố thiết yếu về pháp lý của 2 câu chuyện kể trên như sau:
- A. Yếu Tố Pháp Lý Thứ Nhất: Trong câu chuyện thứ nhất nói về ông Ron, chúng ta nhận thấy, chỉ vì ông không làm chứng minh thư theo thủ tục pháp lý (Prenuptial), để liệt kê những tài sản nào của ông có trước khi kết hôn, mà ông muốn giữ lại làm của riêng cho ông sau này, nên khi vợ ông xin ly dị ông, vợ ông có quyền đòi hỏi trước pháp luật tất cả những gì của ông có trước kia, đều là tài sản của chung hai người và phải được chia đôi cho mỗi bên từng phần bằng nhau. Trong trường hợp này, nếu vợ ông có những đứa con riêng dưới tuổi vị thành niên, thì những tài sản này, thay vì được chia đôi, lại phải được chia ra làm nhiều phần đều nhau, để mỗi đứa con riêng của người vợ hay chồng, cũng được hưởng mỗi đứa một phần đều nhau.
- B. Yếu Tố Pháp Lý Thứ Hai: Kết hôn với người vợ ở nước ngoài, cần phải lưu ý đến Luật Di Trú Hoa Kỳ (US Immigration Law) và Luật Gia Đình (US Family Law) trong đó có phần phạm tội bạo hành (Domestic Violence), vì trong một phút nóng giận, không kiểm soát được hành động do phản ứng thiếu sáng suốt của mình, có thể dẫn đưa mình đến chỗ bị tù tội hoặc có thể là nạn nhân của những vụ án bị coi là tình ngay nhưng lý gian. Như trong câu chuyện thứ hai, theo lời khai của anh Jack trước Tòa, là anh không hề đánh vợ, và cũng chẳng có ai làm nhân chứng trước tòa, là thấy tận mắt anh đánh vợ; giấy chứng thương của bác sĩ cũng chỉ chứng nhận những vết bầm tím ở 2 cánh tay người vợ là bị đánh đập, chứ không xác nhận là ai đánh và đánh bằng khí cụ gì. Theo luật di trú, nếu anh Jack không bị buộc tội bạo hành người vợ trước tòa án, thì chắc chắn người vợ của anh sau khi ly dị chồng, nàng sẽ bị trục xuất trả về nguyên quán, vì hai người lấy nhau chưa đầy 1 năm. Lẽ ra, thông thường theo luật di trú, nếu người phối ngẫu, vợ hay chồng, muốn được phép ở lại Hoa Kỳ là thường trú nhân hợp pháp, thì phải chờ đợi ít nhất sau 2 năm sống chung với nhau, mới có thể xin ly dị. Nhưng trường hợp người phối ngẫu bị bạo hành về thể xác như một kẻ nô lệ tình dục, thì xin ly dị lúc nào cũng được, miễn sao phải có bằng chứng cụ thể là mình bị bạo hành. Vậy những ai đang hoặc sắp sửa kết hôn với người nước ngoài thì nên thận trọng và lưu ý về yếu tố pháp lý này.
http://khoahocnet.com/2012/10/18/pho-te-nguyen-manh-san-tinh-nghia-doi-ta-co-the-thoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét