không ván bài nào giống nhau, phần lớn do các
quân bài chi phối người chơi. Trong khi “cuộc cờ” là một trò chơi trí tuệ, quân
số được định sẵn, người chơi sẽ làm chủ từng quân cờ. Do đó, khi đặt vấn đề
“canh bạc” hay “cuộc cờ” là đặt vấn đề “người chơi” - chủ thể quyết định việc
nắm quy tắc chơi và sẽ chơi như thế nào (chơi đúng quy tắc hay chơi bẩn).
Vậy ai muốn “canh bạc”, ai thích “cuộc cờ”? Trả lời được câu hỏi này thì sẽ biết được tư cách của người chơi (và cả tư cách của những người đang “cờ ngoài bài trong”).
Vắt ra bao nhiêu cân đong, đo đếm, từ “canh
bạc” ấy, có người khái quát về cái gọi là “khủng hoảng định chế”, đưa người đọc
vào cái “vĩ đại” hơn rất nhiều những người chơi cụ thể, đã và đang lộ diện như
thiên hạ đã thấy.
“Định chế” là tất cả những gì sinh ra một chế độ, trước tiên và duy nhất phải phục vụ cho lợi ích của chính chế độ đó. Đương nhiên, chế độ nào cũng phải áp dụng nguyên tắc “điều chỉnh” để duy trì sự tồn tại và phát triển của mình. Nhà nước (tư pháp), Chính phủ (hành pháp), Quốc hội (lập pháp) đều vận hành chung quanh vai trò của “Đảng lãnh đạo”, vì thực tế cả 3 cơ quan quyền lực trên đều không nằm ngoài cơ cấu của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Và tất cả đều phục vụ cho một mục tiêu, lý tưởng duy nhất đó là tiến lên…xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị TƯ6 đã đặt ra khá nhiều vấn đề quan
trọng liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ để “giải quyết”. Hai vấn đề nổi
cộm hàng đầu là tham nhũng và lạm quyền của “một bộ phận” đảng viên thoái hoá
biến chất, nói ví von như ngài Chủ tịch nước thì đó là “một bầy sâu”.
Tham nhũng, lạm quyền có giải quyết được
không? Giải quyết được và cũng không giải quyết được? Nếu kéo nó vào khái niệm
“định chế” và “nhân sự” một cách chung chung thì khó có thể giải quyết được
(tận gốc). Nếu đã khó giải quyết được (tận gốc) thì đặt vấn đề “giải quyết”
cũng chỉ như ăn bánh trong tranh. Nhưng nếu đã xác định được đích danh một cá
nhân, một nhóm người thì đều có thể giải quyết được, vấn đề ở đây là “cách
thức” giải quyết, và cách thức ấy có thỏa mãn dư luận (người quan sát) hay
không mà thôi.
Nếu xem Hội nghị vừa qua là “canh bạc”, thì
lưu ý tới sự dịch chuyển của con số 100% (UVBCT) và 175/40 (UVTƯĐ), với 3 nhân
vật “chơi” quan trọng: ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư), ông Trương Tấn Sang
(Chủ tịch nước), ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), và 2 người “chia bài” là ông
Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch quốc hội), ông Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng) và có thể có Kẻ Giấu Mặt (bạn vàng, bạn bạc…).
Ban đầu 100% Uỷ viên BCT, 175/40 Uỷ viên TƯĐ
đồng ý với việc “kỷ luật”, “xem xét” tư cách của “một đồng chí Ủy viên BCT”.
Nhưng cuối cùng có 2 đồng chí đã “thay mặt”, “đại diện” Trung ương Đảng “chia
bài” bằng cách tuyên bố không thi hành kỷ luật đối với BCT và “đồng chí” kia.
Cái “đồng nghĩa” ở đây chính là kỷ luật BCT cũng là kỷ luật “một đồng chí”, và
kỷ luật “một đồng chí” cũng là kỷ luật BCT. Cũng như vậy, có thể hiểu Trung ương
Đảng cũng là BCT, BCT cũng là Trung ương Đảng.
Con gà có trước hay quả trứng có trước? Quyền
lực nằm ở đâu, không ai dám biết. Thế nên, không có kỷ luật ai cả. Việc gia ân
và thị uy, cả BCT và TƯĐ đều đóng rất tốt vai diễn của mình, còn những người
chơi thì bao giờ cũng có kẻ lỗ người lãi. Vấn đề là cách chơi bộc lộ ra nhân
cách.
Dư luận chắc chắn chưa thỏa mãn, vì tham nhũng lạm quyền nghiêm trọng thế mà chỉ có mỗi một “lời xin lỗi” được tự “định mức” là chân thành, sâu sắc, và “một bộ phận không nhỏ” (bầy sâu) thoái hoá biến chất, nhưng lại không có ai bị kỷ luật. Nhận lỗi rồi tái phạm lỗi, những chuyện như vậy thế gian thiếu gì. Vấn đề ở đây là người phạm lỗi không thể tự định tính và định lượng được mức độ phạm tội của mình để đưa ra quyết định sáng suốt là từ chức, mà lại hi vọng vào một “canh bạc” đầy may rủi. 175 con bài nằm gọn trong tay những người chia bài. Tư cách của những người chia bài đã lộ diện. “Canh bạc” và “cuộc cờ” tiếp tục được bày ra - không phải mọi chuyện đã xong. Có thể sẽ khốc liệt và tinh vi hơn.
Tại sao người ta lại “gửi gắm” niềm tin về sự
“tồn vong” của chế độ vào những cuộc chơi phe cánh kia? Chả lẽ toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân chúng ta đang bỏ quên những thứ thiết yếu nhất trong tư cách của
mình để lao vào những cuộc đỏ đen vô bổ ấy?
Mối nguy tồn vong lớn nhất của chế độ chính là
để cho tham nhũng trở thành quốc nạn. Trong hoàn cảnh này, ông Trương Tấn Sang
đã vượt lên để nhìn rõ sự tồn vong ấy liên quan trực tiếp đến “bầy sâu” (tham
nhũng, lạm quyền) và kêu gọi người dân hãy chung sức đồng lòng cùng với ông
“diệt sâu” (đừng sợ trù úm). Lòng trong sạch đã thôi thúc ông Trương Tấn Sang
trở về con người thật của chính mình trong một cuộc chiến không cân sức với bầy
sâu đang tàn phá (và sẵn sàng cho những biến thể kháng thuốc). Không có lòng
trong sạch, tử tế, đàng hoàng của từng cá nhân lãnh đạo thì không bao giờ có
được một định chế, chế độ nào tốt đẹp cả. Ông Trương Tấn Sang là người chẩn
bệnh, nhưng còn chờ đợi vào người bốc thuốc và thái độ của người uống mà thôi.
Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh.
Tấm gương và bài học ấy đã có sẵn trong lịch
sử trị quốc an dân của dân tộc. Vua Trần Nhân Tông phát biểu: “Tịnh Độ chính là
lòng trong sạch. Chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương. Di Đà là tính sáng soi. Mựa phải
nhọc tìm về Cực Lạc” (Cư trần lạc đạo phú). Hai luận điểm quan trọng mà vua
Trần Nhân Tông đưa ra chính là lòng trong sạch (tượng trưng cho đạo đức) và
tính sáng soi (tượng trưng cho trí tuệ). Có hai điều ấy căn bản ấy thì xây dựng
thành công bất cứ thể chế xã hội nào, không cần phải trả lời câu hỏi Tây
Phương, Tịnh Độ có thực hay không. Tuy nhiên, vua Trần Nhân Tông dù phá bỏ
những “hão huyền” trong việc tìm cầu một thế giới “toàn bích” ở bên ngoài,
nhưng ông cũng không hề bắt dân chúng phải đạp đổ “Tây Phương”, “Cực Lạc” trong
niềm tin của họ.
Hơn 2.000 năm nay, Phật giáo vẫn hiện diện
“Tây Phương”, “Tịnh Độ”, Ki-tô giáo, Do thái giáo vẫn hiện diện “Thiên đường”.
Ai bảo đó là “niềm tin” thì bảo, ai nói đó là “mê tín dị đoan” thì nói, tôn
giáo vẫn không hề biến mất. Cho dù có thay thế bất cứ danh xưng “chủ nghĩa…”
nào vào khái niệm “Cực Lạc”, “Thiên đường” thì cũng không thể bỏ đi những tư
chất căn bản nhất: “đạo đức” (lòng trong sạch) và “trí tuệ” (tính sáng soi).
Thế thì cái gọi là “chủ nghĩa” này nọ cũng chỉ là những “giả danh” do chính con
người lập ra mà thôi.
Nguyễn Trãi từng phát biểu “biết dừng thì mới
vững”. Khổng Tử nói: “Nén mình theo lễ là người” (Khắc kỷ phục lễ vi nhân).
Trần Nhân Tông nói, có trí tuệ và lòng trong sạch thì “Tịnh độ” hiện ra ngay
trước mắt, không phải tìm cầu ở đâu xa. Trần Nhân Tông có thể đốt bỏ danh sách
của bọn “phản dân hại nước”. Bộ Chính trị, Trung ương đảng cũng có thể không
xem xét kỷ luật “một đồng chí”... Xét về mặt hiện tượng, cũng không có gì khác
nhau trong mục đích tìm đến sự “đoàn kết”, “yêu thương”… Nhưng bắt mọi người
phải xem một “canh bạc” kiểu “cờ ngoài bài trong” như vừa qua, thì đúng là một
chuyện mua vui kém đàng hoàng.
Tuệ Trung Thượng Sĩ, thầy của vua Trần Nhân
Tông, chính khi "lui về" đã tâm sự: “Đã thẹn nhiều cho tấm thân nhơ
đục, gặp thời buổi nhơ đục. May thay còn nhờ có chút lòng trong sạch, gặp được
nước nhà trong sạch” (Đa tàm thân trọc phùng thì trọc. Tiểu tại tâm thanh ngộ
quốc thanh).
Tham nhũng sẽ còn vật nhau với lòng trong sạch. Trọc phú và Tiên ông - khi “canh bạc”, lúc “cuộc cờ”. Còn nhân dân thì đang mất dần kiên nhẫn…lòng trong sạch, nước nhà trong sạch… bao giờ, ở đâu?
FB: Thích Thanh Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét