Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Nhậu Quán Nghèo


by
 
Có những buổi chiều Sài Gòn ngột ngạt đến độ ai cũng muốn đi ra phố để hưởng chút gió dù là gió ngập đầy khói bụi. Trong một chiều ồn ào, một người bạn cũ thời thanh niên của tôi gọi điện “A lô, bạn mình có muốn làm lai rai không?” Tôi nghe mà trong đầu hình dung ly bia với cục nước đá tổ chảng. Giọng người bạn cũng mát lạnh không kém. “Bữa nay tao bao, không được giành trả tiền đấy nhé.” Ở trường hợp của tôi thì tiếng “ok” qua điện thoại là một thứ đồng thuận 101%.

Quán Nghèo . Ảnh: Trần Việt Đức

Với cái điện thoại di động trong túi quần, người Sài Gòn ngày nay hẹn nhau tới bất cứ nơi đâu vẫn không sợ lạc nhau. Với dân nhậu, hiệu quả của cái điện thoại di động là vô cùng to lớn. Có thể nói dù quán nhậu có ở thiên đường hay địa ngục, một khi đã hẹn nhau thì chỉ có bà vợ dữ dằn mới có thể tạm thời gián đoạn những cơn say.
QUÁN NGHÈO
Tin nhắn qua điện thoại của người bạn cho biết là chờ hắn ở góc đường 3 Tháng 2 (Trần Quốc Toản cũ) và Nguyễn Tri Phương. Theo kiến thức ăn nhậu thời kinh tế thị trường của tôi thì khu vực này không có quán nhậu nào ngon. Tôi hình dung là thằng bạn bợm nhậu này chắc là sẽ lôi tôi tới một quán mới khai trương nào đó. Ở Việt Nam, kinh tế càng suy thoái, đời sống càng nặng nề bởi bất công và tham nhũng thì quán nhậu cứ đua nhau mọc lên như nấm rừng sau cơn mưa. Có người nói quán nhậu ở Việt Nam là một quốc gia trong lòng một quốc gia. Vô quán nhậu là cách đến một “xã hội tự do dân chủ” nhanh nhất.
Tôi đứng chờ ở đúng chỗ được chỉ định qua điện thoại. Không lâu bạn tôi cũng phóng xe trờ tới, mặt vui như trúng số, nói : “Bữa nay tao mời mầy ăn nhà hàng Ðại La Thiên.” Tôi trừng mắt “Thôi đi cha nội, chưa vô ly nào mà đã xạo rồi.” bạn cười nói “Bảo đảm bữa nay mầy được nhậu món Tàu chính hiệu do con cháu bếp trưởng nhà hàng Ðại La Thiên trước năm 1975 nấu.”
Cái tửu lầu mà bạn nói nằm ở hẻm 343 đường Nguyễn Tri Phương. Muốn vô được tới quán phải đi qua một con hẻm nhỏ tới mức vừa đủ cho một chiếc xe gắn máy chạy một chiều, chỉ khi tới cửa quán, đường hẻm rộng hơn một chút. Thế nên để tránh chuyện hai chiếc xe đụng đầu nhau không nhúc nhích được thì người ta phải bóp kèn inh ỏi để chắc rằng ở phía đối diện không có ai khác giành quyền lưu thông. Dân nhậu gọi quán này là quán nghèo. Và tay chủ quán cũng thấy hãnh diện khi nên nghe theo dân bợm nhậu đặt tên cho quán là: “Quán Nghèo”.
Thực ra quán không có bảng hiệu. Vào mỗi dịp Tết, lễ cần phải nghỉ. Người chủ quán lấy miếng giấy học trò ra viết vài dòng: Quán Nghèo xin thông báo nghỉ Tết từ ngày… đến ngày. Cái thông báo rất lịch sự trên được dán ngay trên tường, ngay vách hẻm, thế là xong. Dân nhậu dù có lỡ đến, có “kêu khóc mấy” cũng phải chịu về nhà nhờ vợ làm mồi mà nhậu.
Quán Nghèo cũng có một thứ quy định bất thành văn khác về chuyện giờ giấc phục vụ. Chủ quán và khách hàng quen thường truyền khẩu nội qui sau đây: Ðể khỏi làm phiền hà hàng xóm, Quán Nghèo mở cửa lúc 4 giờ 30 chiều, dẹp quán lúc 11 giờ 30 tối. Theo nhiều người đáng tin cậy, Quán Nghèo này có cung cách văn hóa còn hơn cả các “địa chỉ” văn hóa được dựng cổng chào “hẻm văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “nhà văn hóa”.
Dân nhậu đến Quán nghèo trễ một chút là có quyền đứng đợi. Tuy việc đứng đợi trong hẻm nhỏ có hơi lộn xộn nhưng hoàn toàn trong tư thế trật tự, ai đến trước, có bàn nào tính tiền sẽ được ưu tiên lấy bàn. Tuy chưa được mức xếp hàng văn minh như các điểm bán thức ăn nhanh ở Mỹ và cũng không phải ông chủ quán đủ quyền độc tài ra được một thứ pháp lệnh cho dân thèm ăn thèm nhậu, mà là do nề nếp lâu đời về ăn uống lịch sự của Sài Gòn Chợ Lớn xưa còn sót lại.

Ảnh: Trần Việt Đức

Quán Nghèo có chừng 5 cái bàn nhỏ được dân nhậu cho là thuộc hàng thượng hạng, kê ở ngay sát vách tường mấy căn nhà đối diện, khoảng 5 cái bàn khác thì kê ngay trong nhà chủ quán và một căn nhà thuê bên cạnh. Dân nhậu ngồi trong quán hay ngoài hẻm gì cũng nhìn ngắm được ánh đèn màu đỏ rực rỡ tỏa ra từ mấy cái bàn thờ của gia chủ. Chủ quán là người Hoa nên dù nghèo mấy đi nữa thì đèn màu và ảnh thờ, khói hương luôn luôn là thứ rực rỡ nhất.
GIAI THOẠI
Dân nhậu đến tận ngày nay cũng còn đồn với nhau rằng, người chủ Quán Nghèo đầu tiên chính hiệu là một bếp trưởng danh tiếng của Chợ Lớn trước 1975. Sau biến cố 30 Tháng Tư, ông vẫn còn tiếp tục hành nghề ở một nhà hàng lớn. Nhưng thời đó những ai ăn sang mặc đẹp đều được xếp là ăn bám và bóc lột nên gia cảnh ông ngày càng sa sút. Người biết chuyện thì nói, thời đó ai cũng lo đi vượt biên, người có tiền do làm ăn chân chính cũng không dám đi ăn nhà hàng, sợ lắm. Rốt cuộc nhà hàng lớn cỡ như soái Kình Lâm, Ðại La Thiên, Bách Hỉ… chỉ có cán bộ to đi nhậu và kéo cán bộ nhỏ ăn theo.
Trước tình cảnh làm bếp trưởng không đủ sống, ông bèn lui về nhà kê bàn ra hẻm bán vài món nhậu đơn sơ gọi là để kiếm thêm tiền chợ. Thời đó người ta nói với nhau là thực đơn quán ông có hai loại mồi, phân biệt rõ như ban ngày và ban đêm. Loại mồi thứ nhất là các món nhậu được chế biến lại từ các phần thực phẩm thừa do thực khách ở nhà hàng ăn không hết. Loại mồi thứ hai là các món danh tiếng được đặt để ông đi chợ tự tay mua, tự tay nấu. Loại mồi này phải đặt trước, đưa tiền trước ông mới làm.
Nhưng rốt cuộc Quán Nghèo của ông sống được lại không do tài nấu nướng danh tiếng của ông mà do những thứ thực phẩm thừa còn gọi là món “xà bần” mà ông đem về từ nhà hàng. Một dân nhậu kỳ cựu nói, “thời đó ai cũng đói thấy mẹ, đồ thừa cặn cũng được, liếm láp chút mỡ dầu của nhà hàng là sướng điên người.” Một dân nhậu khác thì kể, “mấy năm khổ đó tôi chạy xích lô, tới tóp mỡ bánh, vỏ tôm, con ruốc loại ngày nay người ta làm thức ăn gia súc cũng thèm tới năm mơ. Bữa nào chạy xe trúng mánh ghé Quán Nghèo làm một dĩa ‘xà bần’ với vài xị rượu cây lý là sướng như tới thiên đường.”

Thố pín tiềm thuốc bắc. Ảnh: Trần Việt Đức

MÓN ĂN THƯỢNG HẠNG GIÁ BÈO

Ôi! Cái thời ở Sài Gòn mà người lao động có được vài lạng mỡ heo là coi như thấy cả tương lai rạng rỡ trước mắt. Ôi ! Cái thời mà chỉ cần hít được mùi khói dầu mỡ chiên xào là đủ để chán ghét giai cấp vô sản. Chính ở trong hoàn cảnh đó mà những ưu điểm về Quán Nghèo không cần quảng cáo dân nhậu kiết xác vẫn cứ rủ nhau mò đến.

Cá chẽm xào xốt chua ngọt. Ảnh: Trần Việt Đức

Ngày nay Quán Nghèo không còn phục vụ món xà bần nữa. Con cháu ông đầu bếp xưa đã lên thực đơn những món ngon đúng kiểu nhà hàng thượng hạng nhưng giá lại rất bèo. Nếu bạn đi tới quán nghèo cùng 3 tay bợm nhậu khác, mỗi tay chỉ cần hùn nhau 50 ngàn đồng thì sẽ được ăn nhậu thỏa thê mấy món thượng hạng như sau: Thố pín tiềm thuốc bắc, gân bò tiềm thuốc bắc, cá chẽm xào xốt chua ngọt, giò heo xốt cà, óc heo chiên trứng, bánh mì 4 ổ, rượu bông cúc 4 xị, khăn lạnh, trà đá giải nhiệt. Có thể nói không chút cường điệu là món nào cũng được nấu rất ngon, trình bày món ăn rất tươm tất và vệ sinh.

óc heo chiên trứng. Ảnh: Trần Việt Đức

Quán Nghèo ngày nay có thêm chuyện bán món nhậu cho người ta mang về nhà. Gọi là món nhậu nhưng thực ra nhiều gia đình lao động nghèo thường đến đây mua vài món ngon giá rẻ lại đúng kiểu nhà hàng về đãi nhau một bữa cơm chiều ngon miệng.
Theo nhiều thực khách quen thì Quán Nghèo từ xưa tới giờ vẫn vậy. Gần ba mươi năm rồi, vẫn những người chen vai nhau ngồi trong con hẻm chật chội mà nhậu, ngồi mà nói với nhau chuyện đời, chuyện thế sự. Và mỗi lần có ai nói, Sài Gòn ngày nay hội nhập thế giới rồi, nhà giàu nhiều quá. Ai giàu ? Và khỏi cần phải la lớn mất vui lại thêm làm phiền hàng xóm, vì ai cũng biết chỉ cán bộ là giàu. Riêng dân nhậu Quán Nghèo, chiều chiều chỉ mong vô quán nghèo đủ tiền gọi vài món mồi tươm tất.

Trần Tiến Dũng

1 nhận xét: