Một
đất nước tan hoang, kiệt quệ vì nghèo đói, khủng hoảng niềm tin, cái ác
lên ngôi, tham nhũng lúc nhúc, nạn bắt cóc người tử tế công khai, xử tù
người vô tội ngang nhiên…bỗng dưng một ngày được ông thủ tướng đăng đàn
nhắc nhở về lòng tự trọng, dạy dỗ lý tưởng, hoài bão cho thanh niên,
kèm theo lời xin lỗi “sâu sắc” trước Quốc hội…
Theo các nhà tâm lý học, tự trọng bản
thân của mỗi người có nghĩa là suy nghĩ, thái độ và quan điểm của một cá
nhân đối với các mặt như: Giá trị bản thân; Công việc bạn đang làm;
Những thành tựu tự mình đạt được bằng khả năng và sức lực của mình; Suy
nghĩ của bạn về người khác; Lý tưởng sống; Vị trí của bạn trong cộng
đồng; Những điều bạn có thể đạt được trong tương lai; Điểm mạnh và điểm
yếu của bản thân; Địa vị xã hội và mối quan hệ với mọi người; Sự tự lập
hay khả năng đứng vững trên đôi chân mình…
Còn đây…
Từ lâu dân chúng đã được chứng kiến lòng
“tự trọng” của chính quyền, quan chức là thế nào. Lòng “tự trọng” của họ
được bảo đảm bởi luật pháp, quyền lực, tiền bạc, cảnh sát, an ninh, nhà
tù…mỗi khi cảm thấy “tự trọng” bản thân của họ bị phê phán, chê bai.
Nhiều dân chúng phải hy sinh “tự trọng” để né tránh nỗi sợ hãi mà chính
quyền gây ra. “Tự trọng” để “sống trong sợ hãi”.
Từ lâu dân chúng đã thấm thía lòng “tự
trọng” của chính quyền, quan chức lớn đến mức nào, nhất là sau những
thất bại thảm hại trong việc điều hành đất nước. Và dân chúng biết “tự
trọng” thì phải coi đó là do “thế lực thù địch” và tụi “phản động” kéo
bè kéo đảng gây nên cơ sự này, bởi thế đừng có chê trách, phê phán, phản
biện chính phủ.
Từ lâu dân chúng đã nhìn thấy những minh
chứng về lòng “tự trọng” của quan chức cao cấp khi họ sắp xếp con cái
mình ngồi vào những cái ghế quá lớn với chúng. Dân chúng nên “tự trọng”
im lặng ngồi dưới những cái ghế ấy mỗi khi có việc cần đến họ.
Và một người có lòng tự trọng cao là một
người luôn luôn hiểu rõ, có khả năng nhận xét, đánh giá bản thân mình
một cách chính xác trong bất kỳ trường hợp nào, với bất kỳ con người
nào. Điều đó có nghĩa họ luôn biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của
mình, đồng thời thừa nhận giá trị bản thân mà không cần điều kiện.
Nếu kẻ có chức quyền tự tin đến mức ngạo
mạn, độc đoán; dân đen thì yếm thế, bạc nhược, khốn khổ vì bạo quyền thì
lòng tự trọng chân chính như định nghĩa trên gần như không tồn tại.
Đọc lại chuyện đời xưa mà ngẫm…
Chuyện kể vua Chiêu Vương nước Sở mất
nước phải bỏ chạy. Trong số dân chúng chạy theo Chiêu Vương có anh bán
thịt dê tên Duyệt. Sau Chiêu Vương lấy được nước, bèn thưởng cho tất cả
ai theo mình, riêng Duyệt bán thịt dê không nhận. Duyệt thưa rằng:
-Trước vua mất nước, tôi cũng mất nghề
bán thịt dê. Nay vua còn nước, tôi còn nghề. Thế là giữ được nghiệp cũ,
đủ ăn, còn dám mong gì hơn.
Vua cố ép, Duyệt bán thịt dê thưa rằng:
-Nhà vua mất nước không phải tội tôi,
nên không dám liều chết. Nhà vua lấy được nước, không phải công tôi nên
không dám lĩnh thưởng.
Vua bảo:
-Để ta đến thăm nhà ngươi.
Duyện bán thịt dê nói:
-Theo phép nước, phàm kẻ có công to
thì vua mới đến thăm nhà. Nay xét, trí tôi không đủ giữ nước, dũng cảm
không đủ giết giặc. Giặc đến tôi chạy theo vua lánh nạn, chứ đâu phải
cốt ý theo vua. Nay vua bỏ phép nước đến thăm nhà tôi e thiên hạ cười
chăng?
Vua nghe vậy bèn quay qua Tư Mã Tử Kỷ mà rằng:
-Người hàng thịt dê này tuy làm nghề
hèn hạ mà giải bày nghĩa lý thật cao xa. Nhà ngươi mời thế nào người ấy
ra nhận chức Tam công cho ta?
Duyệt bán thịt dê nói:
-Tôi biết chức Tam công quí hơn cửa
hàng thịt dê, nhưng tôi đâu dám ham tức lộc mà để vua mang tiếng gia ân
không phải nghĩa. Tôi thật không dám nhận, xin về giữ lấy nghề bán thịt
dê.
Nói đoạn lùi ra.
Xem ra cái dũng của kẻ phàm phu là Duyệt bán thịt dê là minh chứng đối lập cho cái vô dũng của quan chức đang lớn tiếng rao giảng đạo đức cho dân chúng.
Xem ra người bán thịt dê mới xứng là bậc thầy giảng cho thiên hạ hiểu chính xác về lòng tự trọng: “Ngay cả khi trong túi hết tiền, cái mũ trên đầu anh cũng phải đội cho ngay ngắn” (ngạn ngữ Tây Ban Nha).
Theo Thùy Linh blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét