Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Vua đến rồi vua lại đi


Xứ ta đã kết liễu chế độ quân chủ từ tháng 8 năm 1945 thì làm gì còn vua với chả vua. Đúng vậy, về hình thức đang là xứ dân chủ, có vua để hàng xóm láng giềng họ cười cho à. Nhưng trong lúc dân chưa được làm chủ thì cứ tạm coi vị đứng đầu, cao nhất, uy quyền nhất, nhất nhất nhất... là vua đã chết ai nào. Gầm trời nước nam này, ai là An nam quốc vương, chả nói ra thiên hạ cũng đều biết.

Mấy hôm rồi, nhà vua cùng tùy tùng, văn võ bá quan kéo nhau về thăm đất Nghệ. Không phải đi theo kiểu vi hành để bí mật nắm bắt hiện thực xã hội (những điều nếu chỉ ngồi trên chiếc ngai máy lạnh ngôi cửu trùng sẽ khó thấy khó biết), mà đi có huấn dụ báo trước để đón rước, tiền hô hậu ủng, cờ quạt kèn trống réo rắt vui tai. Cần gì phải vi hành cho nguy hiểm, cứ nghe bản nha địa phương nó báo cáo là rõ tuốt tuột, từ đó đúc kết thành lý luận ngay thôi. Cái chính là không đi thì dân chúng và các nhóm lợi ích dị nghị, bày đặt lời ra tiếng vào, khó chịu lắm. Đi được tiếng gần dân, kết hợp đổi gió, du lịch sinh thái, chả hơn suốt ngày bám thành phố hòa bình ngột ngạt đầy khói bụi.


Xứ Nghệ mấy ngày vui tợn. Vua về, vua về, người ta bảo nhau. Đức vua muôn năm. Quan chức địa phương chuẩn bị sẵn vài số liệu đẹp để báo cáo, dọn vài nơi điển hình cho vua ghé thăm, vua hài lòng. Dân tình nghe ngóng để ý xem vua có huấn thị điều gì sâu sắc, cụ thể không. Nếu căn cứ vào bản tin của thông tấn xã triều đình thì không có gì mới. Vẫn lý luận cũ, rằng phát huy tiềm năng, thế mạnh (kiểu xưa nay: có rừng thì đốn gỗ, có biển thì bắt cá, hang động thì du lịch, đông dân thì nhân lực, mỏ thì khai thác). Riêng xứ Nghệ còn có thế mạnh là truyền thống cách mạng, quê hương của Người. Động viên vài ba câu, chỉ đạo vài ba đường, cắt băng khánh thành vài ba công trình, chuyến thăm "thành công tốt đẹp".


Tôi dám tin chắc trăm phần trăm rằng trong chuyến ấy nhà vua không biết điều này: đúng ngày khai giảng 5.9, khi vua đang ăn cơm xứ Nghệ, tại nhiều làng bản miền núi Nghệ An, các em các cháu đến trường trong sự rách rưới thiếu thốn không thể tưởng. Xin trích một đoạn trong bài viết mà nhà báo Khánh Hoan gửi thẳng cho tôi "... Trong ảnh là những căn lều do người dân ở xã Bảo Thắng và xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An dựng cho con em họ đến trọ học. Những căn lều tạm bợ, ẩm thấp, rách nát, nằm chênh vênh bên dốc rừng. Mùa nắng, lều như những cái lò hấp. Mùa đông, gió núi thốc vào lạnh buốt. Bọn trẻ ở đây đứa nào cũng gầy nhẳng, mang những bộ quần áo màu đất, quanh năm chỉ có cơm với muối. Thịt, trứng là xa xỉ phẩm, các em không dám mơ tới. Nhưng đói chưa phải là khổ nhất vì các em đã quen! Các giáo viên nói ở đây các em sợ nhất khi mùa đông đến. Cái lạnh đã thành nỗi ám ảnh kinh hãi đối với những cơ thể gầy nhẳng vì thiếu ăn, khi những chiếc chăn cũ mỏng tang không thể chống được cái lạnh buốt giá trong những căn lều thốc gió. Vào những đêm giá lạnh, những tấm thân gầy của các em không trụ được với rét, không có chăn đủ ấm để đắp nên không thể ngủ được. Đám trẻ phải rủ nhau dậy đốt lửa lên, cả đêm ngồi vây quanh cho ấm. Anh Lê Đình Hùng, hiệu phó trường cấp 2 Mường Ải, bạn tôi, nói ở đây học sinh các bản xa đến đây trọ học, có nhiều khi cả cơm cũng không có mà ăn. Giáo viên phải góp gạo, mỗi tuần mỗi người vài kí lô cho các em ăn đỡ khi hết gạo. Những đêm quá lạnh, thương các em, giáo viên phải mở cửa nhà/phòng mình rồi gọi các em vào tá túc qua đêm vì biết các em không thể trụ nổi trong những cái chòi gió lùa ấy".

 Vua đến rồi vua lại đi, ồn ào được chốc nhát, chỉ có cái nghèo còn ở lại. Khổ nỗi đức vua có biết vậy đâu. Vua cứ bị bá quan phất khăn hồng làm mờ mắt thì khi mô mới chộ.

Xin cung cấp cho nhà vua bức ảnh do nhà báo Khánh Hoan chụp để làm bằng chứng:


 
Bẩm, tâu hoàng thượng, đây là nơi ăn học của các em. Mùa đông sắp đến rồi.

7.9.2012

Nguyễn Thông



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét