Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Lời khẩn cầu từ ốc đảo giữa núi rừng. (cái nầy phải hỏi vua)


SGTT.VN - Sống giữa vùng núi rừng của tỉnh Lạng Sơn, hàng chục năm nay, hơn 250 con người thuộc hai thôn Đồng Lão – Đồng Bé của xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng luôn bị cô lập, thiếu ăn, đói chữ khi mùa lũ đến... 

Những tảng đá đặt lên cây cầu tạm để giữ cho cầu khỏi bị trôi khi nước lũ tràn qua.
Nửa đêm đi mò cầu

Đã ba lần về Đồng Lão và Đồng Bé, lần nào chúng tôi cũng dừng lại bên cây cầu tre, gỗ tạm bợ nơi đây. Chiếc cầu tạm này không đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau và xe luôn bập bênh chực ngã xuống sông. Tiếp chúng tôi trong căn nhà vách đất, đặc trưng của đồng bào dân tộc Nùng, vị trưởng thôn Đồng Lão có tên Triệu Hồng Phi kể chuyện cũ. “Ba năm trước, có nhà báo dưới xuôi lên đây viết bài phản ánh về cuộc sống khốn khổ của chúng tôi. Báo đăng xong, nhưng ba năm qua cũng chẳng cơ quan chức năng nào ngó ngàng đến”. Tiện thể, ông đố tôi tìm được một căn nhà tầng trong hai thôn này.

Tại sao Đồng Lão và Đồng Bé khó khăn đến vậy? Hai thôn trải dài trên 5km với khoảng 250 nhân khẩu, một mặt giáp núi, còn ba mặt bị sông Trung bao vây, chia cắt, cả hai thôn không có nổi một trường mầm non và trạm y tế. Đây được xem là rốn lũ của xứ Lạng. Toàn bộ nước lũ từ mạn Thái Nguyên, Bắc Cạn đều đổ về sông Trung chạy dọc theo triền núi đá vôi về vùng Hữu Lũng. Từ tháng 5 – 11 hàng năm, nơi đây trở thành cái phễu để hứng nước lũ. Vào mùa cạn, lòng sông chỉ rộng 60 – 70cm, sâu 2 – 3m, nhưng vào những ngày lũ, cao điểm vào tháng 9, lòng sông phải rộng gấp nhiều lần và chỗ sâu nhất đến 15m. Lũ về đúng lúc vào vụ cây thuốc lá, thứ cây duy nhất mang lại nguồn lợi cho dân nơi đây, bị lũ làm chết sạch. 

Dẫn chúng tôi quay lại cây cầu khỉ, ông tâm sự: “Hầu như các xã, thôn khác ở Hữu Lũng mà có sông Trung chảy qua đều đã được xây cầu, hoặc ít nhất cũng được đặt cống để bà con đi lại. Nhưng riêng hai thôn Đồng Lão, Đồng Bé, chúng tôi không hiểu tại sao vẫn phải chịu khổ bao năm thế?” Theo ông, chỉ một trận lũ tràn về là toàn bộ ván gỗ, cọc tre sẽ trôi theo dòng nước lũ, thậm chí đoạn rải đá làm đường dẫn lên cầu cũng trôi sạch. Để có chiếc cầu tạm, mỗi năm người Đồng Lão lại phải đóng bổ đầu 35 hộ dân để lấy tiền (khoảng 4 – 5 triệu đồng) làm cầu. Xót tiền, nên mỗi lần bị lũ về, các hộ ở gần sông có nhiệm vụ nghe dự báo thời tiết, hôm nào mưa to thì họ phải túc trực suốt ngày đêm. Nhiều lần lũ về ban đêm, những người trực lại có nhiệm vụ báo cho dân làng để nhanh chóng tháo cọc, rút ván mang về nhà. Sau vài ngày nước lũ rút, mới mang cọc, ván dựng lại cầu.

Qua sông tìm chữ

Chiếc cầu khỉ do dân Đồng Lão tự bỏ tiền túi, tự hò nhau ra làm cũng chỉ đi được vài tháng mùa khô. Trong 5 – 6 tháng mùa lũ, phương tiện duy nhất để vào hai xóm nghèo là chiếc bè tre được kéo bằng dây thừng, hoặc đi nhờ thuyền của trưởng thôn Phi. Do không có trường, lũ trẻ Đồng Lão, Đồng Bé buộc phải qua sông tìm chữ.
Nói đến đây, giọng ông Phi ngậm ngùi: “Khi bọn trẻ nhập học cũng chính là thời điểm có nhiều trận lũ tràn về nhất. Vào những ngày lũ đỉnh điểm, bọn trẻ phải nghỉ học cả tuần”. Thương lũ trẻ quê, ông Phi đã quyết định dừng việc sản xuất cát sỏi trên sông để lấy chiếc thuyền làm phương tiện đưa các em học sinh qua sông. Đó là chiếc thuyền chạy bằng dầu, ông mua gần 8 triệu đồng vào năm 1999, tài sản quý nhất của ông. 

Tuy may mắn là chưa có ai bị chết đuối, nhưng đã có rất nhiều vụ tai nạn trên đoạn sông này. Năm 1996, trong lúc ông Phạm Văn Chiến đưa ba đứa trẻ bằng thuyền thúng qua sông đã bị chìm thuyền. May nhờ dân làng kịp cứu, nên cả bốn nạn nhân mới thoát khỏi miệng hà bá. Năm 2007, hai chị em đi thuyền thúng sang sông đến lớp, thuyền lật, nhờ vài người chăn trâu cứu giúp. Năm 2011, em Hoàng Lan Anh do không đợi được thuyền của ông Phi, nên đi bè tre kéo tay và đã bị ngã xuống sông. May sao có bà Đồng Thị Hà đang đưa con đi học vớt được Lan Anh lên.

Những ngày lũ to, ông Phi lại đưa đón học sinh qua sông bằng chiếc thuyền của mình, có hôm đến bốn chuyến. Ông bảo: “Lũ trẻ quê tôi khổ lắm, bố mẹ chúng cũng chỉ làm nương, rẫy nên làm gì có tiền mà trả công. Tôi chẳng thu tiền của ai cả”. Bà Triệu Thị Hồng mẹ của em Hứa Thị Anh, đang học lớp 4 cho biết: “Nhà tôi đi làm xa, nên mình tôi suốt bốn năm nay cứ vào mùa lũ là phải đưa cháu nó đi học. Sau khi đưa qua sông, tôi lại phải đèo cháu đi gần 10km đường núi mới đến lớp. Thành thử tôi cũng chẳng làm được gì vì phải ở lại chờ cháu tan học để chở về và đưa qua sông”.

Xin cống cũng bị làm lơ 

Mùa lũ, tất cả học sinh phải đi nhờ thuyền của ông Triệu Hồng Phi để qua sông Trung. Ảnh:
Nhìn bọn trẻ, người mế già của dân làng, bà Hoàng Thị Vu, năm nay đã 83 tuổi, than: “Cả đời tôi ở mảnh đất này đã chứng kiến bao cảnh khốn khổ do nước lũ mang đến. Lũ lên, bà con đói. Nhiều đứa cũng muốn học, nhưng vì đường sá khó khăn, nên phải bỏ giữa chừng. Cũng mong lắm sự giúp đỡ của chính quyền, nhưng mế chẳng thấy đâu”.
Đầu năm 2012, ông Phi quyết định viết đơn gửi lên xã rồi huyện Hữu Lũng để xin đôi chục chiếc cống giao thông chịu lực. Ông tâm nguyện: “Xin xây cầu có lẽ xa vời nên tôi chỉ dám xin vài chục chiếc cống giao thông chịu lực để đặt xuống lòng sông thay cho cầu khỉ”. Theo ông Phi, nếu có cống giao thông chịu lực ghép lại với nhau thành một mặt phẳng rộng 3 – 4m, dài 50 – 60m thì sẽ thành một chiếc cầu bêtông thuận lợi cho bà con qua lại vào mùa khô, hoặc những ngày nước không dâng cao lắm. Còn khi lũ lớn tràn về, thì cũng không thể nào cuốn trôi được cả hệ thống cống bêtông đã gắn kết với nhau. Như vậy, người dân Đồng Lão sẽ không phải đang đêm chạy đua với lũ để rút ván, dỡ cọc về nhà mình nhằm giữ cầu qua sông, cũng đỡ khoản kinh phí hàng năm mọi gia đình phải đóng góp để làm cầu. 

Ông Hoàng Văn Tài, phó chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết ông đã chuyển đơn của ông Phi lên phòng chuyên môn của huyện, nhưng nhận được câu trả lời rằng ở huyện không có loại cống giao thông chịu lực để cấp cho dân Đồng Lão, Đồng Bé làm cầu, dù kinh phí tính toán ra tiền chưa đến 100 triệu đồng. Suốt sáu tháng nay, lá đơn của ông Phi vẫn cứ nằm im ở xã, huyện. 

Trong lần thứ ba về đây, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Bình, trưởng thôn Đồng Bé, cho biết: “Dân Đồng Lão còn có chiếc cầu khỉ và thuyền của ông Phi, chứ dân tôi chỉ có cách qua sông bằng chiếc thuyền nan thôi. Với những hộ dân ở sát Đồng Lão thì có thể đi nhờ thuyền, cầu, chứ các hộ dân ở xa bị chia cắt bởi núi đá thì chỉ còn cách đi thuyền nan qua sông Trung”. 

Điều mong mỏi về chuyện đi lại, học hành của mấy trăm thân phận ở Đồng Bé và Đồng Lão khi mùa lũ về, cũng như nỗi lo lắng đừng có ai phải bỏ mạng dưới dòng sông hung dữ này như cháy trong mắt ông. Ước mong đó nhỏ bé như cái ốc đảo nơi ông đang sống! 

bài và ảnh: Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét